Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chiều 31-12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự kinh chiều I lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và hát kinh Te Deum, Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân dịp cuối năm dương lịch. Dịp này, ngài mời gọi dân thành Roma dấn thân phục hồi các giá trị căn bản.
Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô trong buổi hát kinh bắt đầu lúc 5 giờ chiều còn có 36 Hồng Y, và 80 vị khác gồm các Giám Mục và giám chức, và khoảng 8 ngàn tín hữu.
Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa vì những hồng ân đã nhận lãnh trong năm vừa kết thúc, đồng thời xét mình và kiểm điểm những gì xảy ra trong năm 2015. Ngài nói:
“Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ.”
“Ngày hôm nay, chúng ta cần đặc biệt tập trung vào những dấu chỉ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, để cảm nghiệm cụ thể sức mạnh tình yêu thương xót của Chúa. Chúng ta không thể quên bao nhiêu ngày ghi đậm bạo lực, chết chóc, đau thương khôn tả của bao nhiêu người vô tội, những người tị nạn buộc lòng phải rời bỏ quê hương, những con người nam nữ và trẻ em không còn gia cư nhất định, thiếu lương thực và kế sinh nhai. Dầu vậy cũng có bao nhiêu cử chỉ tốt lành, yêu thương và liên đới diễn ra trong những ngày tháng của năm sắp trôi qua, cho dù chúng không được các bản tin tức nói tới! Không thể để cho quyền lực sự ác che khuất những dấu chỉ tình thương ấy. Sự thiện luôn chiến thắng, cho dù có lúc sự thiện xem ra yếu ớt và âm thầm”.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cũng chân thành mời gọi mọi người dân ở Roma “hãy vượt qua những khó khăn hiện tại”. Ngài nói: “Ước gì quyết tâm phục hồi các giá trị căn bản phục vụ, liêm chính và liên đới giúp vượt qua những tình trạng bấp bênh trầm trọng đè nặng trong năm nay và chúng là dấu chỉ cho thấy có sự thiếu lòng tận tụy đối với công ích. Ước gì không bao giờ thiếu sự đóng góp tích cực của chứng tá Kitô để giúp Roma trở thành người ưu tiên diễn tả đức tin, lòng hiếu khách, tình huynh đệ và hòa bình, theo lịch sử của mình, và với sự phù hộ của Mẹ Maria là Phần Rỗi của dân Roma”.
Cuối buổi kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Sau đó, Đức Thánh Cha đã tiến ra quảng trường thánh Phêrô viếng thăm và cầu nguyện bên hang đá lớn tại đây.
2. Lễ nghi mở cửa thánh tại Đền Thờ Đức Bà Cả
Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma là đền thờ cuối cùng trong 4 đại đền thờ nơi các cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được mở. Không phải vì đền thờ này kém phần quan trọng nhưng thật là chính đáng và xứng hợp để thực hiện nghi thức này trong ngày lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 1 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ Đức Bà Cả chủ sự thánh lễ và nghi thức mở Cửa Năm Thánh. Tham dự thánh lễ đặc biệt có 350 người nghèo, ăn xin và vô gia cư ở Roma.
Sau lễ nghi sám hối Đức Thánh Cha đã đọc lời nguyện sau đây: “Lậy Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót, Chúa ban cho Giáo Hội Chúa một thời gian của ơn thánh, sám hối, và tha thứ, để Giáo Hội được vui mừng canh tân nội tâm nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, và luôn luôn trung thành hơn bước đi trong các đường lối Chúa, loan báo cho thế giới Tin Mừng cứu độ. Một lần nữa xin hãy mở cửa lòng thương xót Chúa và một ngày kia đón nhận chúng con vào trong nhà Chúa trên trời, nơi Đức Giêsu Con Chúa, đã đi trước chúng con, Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”
Tiếp đến cộng đoàn hát kinh xin Chúa Thánh Thần đến. Khi kết thúc, Đức Thánh Cha lặng lẽ bước lên bậc mở Cửa Thánh, dừng lại cầu nguyện trên ngưỡng cửa, rồi bước vào bên trong, theo sau là các vị đồng tế và đại diện giới tu sĩ nam nữ và giáo dân. Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế tiến tới bàn thờ ca đoàn hát bài thánh ca Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Tất cả các bài sách thánh cũng giống như trong thánh lễ ban sáng và đều được đọc hay hát bằng tiếng Ý.
Cùng Mẹ Maria bước qua Cửa Năm Thánh và để cho Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc sống
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài thánh ca “Kính chào Mẹ của lòng thương xót, Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của sự tha thứ, Mẹ của hy vọng và Mẹ của ơn thánh, Mẹ tràn đầy niềm vui thánh thiện”. Ngài nói: “Trong ít lời này gói ghém tổng hợp đức tin của các thế hệ tín hữu, dán mắt nhìn hình ảnh của Đức Trinh Nữ và xin Mẹ bầu cử và ủi an. Cửa Thánh vừa mở là một Cửa của Lòng Thương Xót. Bất cứ ai bước qua ngưỡng cửa này đều được mời gọi dìm mình trong tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha, với sự tin tưởng tràn đầy không chút sợ hãi, và từ Vưong cung thánh đường này cơ thể ra đi với xác tín Mẹ Maria đồng hành bên cạnh. Mẹ là Mẹ của lòng xót thương, bởi vì Mẹ đã sinh ra trong cung lòng Mẹ chính Gương mặt lòng xót thương của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng được mọi dân tộc trông đợi, “Hoàng Tử Hoà Bình” (Is 9,5). Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu rỗi chúng ta đã ban cho chúng ta Mẹ Người, Đấng cùng chúng ta hành hương để không bao giờ chúng ta cô đơn trên con đường cuộc sống, nhất là trong những lúc không chắc chắn và khổ đau.
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thứ tha, vì thế chúng ta có thể nói rằng Mẹ là Mẹ của tha thứ. Từ tha thứ bị tâm thức trần tục hiều lầm biết bao, trái lại ám nó chỉ hoa trái tinh tuyền nguyên thuỷ của đức tin kitô. Ai không biết tha thứ, thì đã không biết sự tràn đầy của tình yêu. Và chỉ có ai yêu thương thật sự, mới có thể đạt sự tha thứ, bằng cách quên đi sự xúc phạm đã nhận lãnh. Dưới chân thập giá Mẹ Maria trông thấy Con mình dâng hiến tất cả chính Ngài, và như vậy Mẹ chứng kiến việc yêu thương như Thiên Chúa yêu thương có nghĩa là gì. Trong lúc đó Mẹ nghe Chúa Giêsu nói lên các lời mà chắc hẳn dấu ẩn điều Mẹ đã dậy Ngài ngay từ nhỏ: “Lậy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24). Trong lúc đó Mẹ Maria đã trở thành Mẹ của sự tha thứ đối với tất cả chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu và với ơn thánh Ngài ban, chính Mẹ đã có khả năng tha thứ cho những người đang giết Người Con vô tội của Mẹ.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng: Đối với chúng ta, Mẹ Maria trở thành hình ảnh Giáo Hội phải trải dài sự tha thứ cho những ai kêu cầu ơn ấy làm sao. Mẹ của sự tha thứ dậy Giáo Hội rằng sự tha thứ đã được cống hiến trên đồi Golgotha không có giới hạn. Luật lệ với các lý luận chi li của nó cũng như sự khôn ngoan của thế giới này với các phân biệt của nó không thể ngăn chặn được sự tha thứ. Sự tha thứ của Giáo Hội cũnv phải trải dài ra như sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá và của Mẹ Maria đứng dưới chân Người. Không có lựa chọn nào khác. Chính vì thế Chúa Thánh Thần dã khiến cho các Tông Đồ trở thành các dụng cụ hữu hiệu của sự tha thứ, bởi vì những gì đã có được do cái chết của Chúa Giêsu có thể tới với mọi người, tại khắp nơi và trong mọi thời (x. Ga 20,19-23).
Sau cùng, bài thánh thi của Mẹ Maria tiếp tục nói: “Mẹ của niềm hy vọng và Mẹ của ơn thánh, Mẹ tràn đầy niềm vui thánh thiện”. Hy vọng, ơn thánh và niềm vui thánh thiện là chị em với nhau: tất cả là ơn của Chúa Kitô, còn hơn thế nữa, chúng là tên gọi của Ngài được viết trên thịt xác của Ngài. Món quà mà Mẹ Maria ban cho chúng ta khi cho chúng ta Chúa Giêsu Kitô là ơn tha thứ canh tân cuộc sống, cho phép nó lại thực thi ý muốn của Thiên Chúa, và làm cho nó tràn đầy hạnh phúc đích thật. Ơn ấy mở rộng trái tim để nhìn tương lai với niềm vui của người hy vọng… Sức mạnh của ơn tha thứ là liều thuốc chống lại sự buồn phiền do hận thù và báo oán gây ra. Sự tha thứ mở ra cho niềm vui và sự thanh thản, bởi vì nó giải thoát linh hồn khỏi các tư tưởng của sự chết, trong khi hận thù và báo oán xúi bẩy tâm trí và xé nát con tim, bằng cách lấy mất đi sự nghỉ ngơi và an bình.
Chúng ta hãy đi qua Cửa Thánh Lòng Thương Xót với xác tín về sự đồng hành của Đức Trinh Nữ, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, bầu cử cho chúng ta. Hãy để cho Mẹ đồng hành với chúng ta để tái khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Con Mẹ. Hãy mở toang cánh cửa con tim chúng ta ra cho niềm vui của sự tha thứ, ý thức về niềm hy vọng tin tưởng được trả lại cho chúng ta, để biến đổi cuộc sống thường ngày của chúng ta trở thành một dụng cụ khiêm tốn của tình yêu Thiên Chúa.
Các lời nguyện giáo dân được hát bằng tiếng Ý xin Chúa thánh hoá Giáo Hội trong chân lý và sự thật, ban cho các nhà lãnh đạo sự khôn ngoan và trí phân định, giải thoát các tù nhân của thù hận và tội lỗi, làm nảy sinh ra các thừa sai mới của Tin Mừng và ơn tha thứ, làm sống dậy trong gia đình tình yêu thương và lòng trung thành, hướng dẫn người trẻ tới ơn trao ban chính mình và sống thánh thiện, cúi xuống trên người nghèo với sự hiền dịu và quan phòng, đón nhận các anh chị em đã qua đời vào nước của ánh sáng và niềm vui.
3. Đức Thánh Cha khích lệ giới trẻ Kitô Âu Châu từ bi thương xót
Đức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ Kitô Âu Châu làm cho lòng từ bi thương xót được biểu lộ trong mọi chiều kích, kể cả các chiều kích xã hội.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết như trên trong sứ điệp nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến hàng chục ngàn bạn trẻ Kitô, thuộc mọi hệ phái, đang tham dự cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu Châu lần thứ 38 do tu viện đại kết Taizé tổ chức tại thành phố Valencia Tây Ban Nha, từ ngày 28-12 đến 1-1 tới đây.
Đức Hồng Y Parolin viết: “Đức Giáo Hoàng khuyến khích các bạn theo đuổi con đường từ bi thương xót, nghĩa là có can đảm thương xót, dẫn đưa các bạn không những đón nhận lòng thương xót cho bản thân, trong đời sống cá nhân, nhưng còn xích lại gần những người đang ở trong tình cảnh khốn cùng.. Điều này được áp dụng đặc biệt cho nhiều người di dân đang cần được sự tiếp đón của các bạn.”
Đức Hồng Y Parolin nhắc lại điều Đức Thánh Cha đã viết cho thầy Alois, tu viện trưởng Taizé, nhân dịp sinh nhật thứ 100 của vị sáng lập cộng đoàn này: “Thầy Roger yêu mến người nghèo, những người bất hạnh, những người có vẻ không có gì đáng kể. Qua cuộc sống của Thầy và của các tu huynh Taizé, Thầy đã chứng tỏ rằng kinh nguyện đi song song với tình liên đới với con người”. Nhờ thực hành tình liên đới và lòng thương xót,các bạn có thể sống hạnh phúc ấy, một hạnh phúc có nhiều đòi hỏi và phong phú về ý nghĩa mà Tin Mừng kêu gọi các bạn”.
Đức Hồng Y Quốc vụ khanh viết thêm rằng: “Đức Thánh Cha cầu mong trong những ngày thật đẹp, tập hợp các bạn ở Valencia, cầu nguyện và chia sẻ với nhau, các bạn càng khám phá Chúa Kitô hơn, Người là khuôn mặt từ bi thương xót của Chúa Cha”.
Theo ban tổ chức, có khoảng 25 ngàn bạn trẻ Kitô từ 52 quốc gia đang tham dự cuộc gặp gỡ tại Valencia. Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, Chính Thống Nga, Đức TGM giáo chủ Liên hiệp Anh giáo và cả ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đều gửi sứ điệp khích lệ các bạn trẻ.
Trong những ngày này, ban sáng các bạn trẻ sinh hoạt trong các giáo xứ nơi họ được tiếp đón: cầu nguyện tại nhà thờ, rồi hội thảo chia sẻ trong các nhóm và gặp gỡ dân chúng. Ban chiều họ họp mặt tại trung tâm thành phố về những đề tài: dấn thân xã hội, đức tin và đời sống nội tâm, và có cả các mục văn nghệ.
4. Chiều cuối năm, cảnh sát Đức di tản hành khách khỏi hai nhà ga tại Munich vì sợ khủng bố
Cảnh sát Đức đã phải di tản hành khách tại hai nhà ga tại Munich vào chiều ngày cuối năm 31/12, tiếp theo các nguồn tin tình báo về một cuộc tấn công khủng bố dự kiến vào đêm giao thừa đầu năm mới ở thủ phủ miền Bavarian.
Một phát ngôn viên cảnh sát từ chối cung cấp thêm chi tiết, nhưng nói rằng một chiến dịch của cảnh sát đã được tung ra nhằm bắt giữ các nghi phạm. Thông cáo của cảnh sát kêu gọi dân chúng tránh tụ tập thành đám đông và cho biết một số tuyến đường xe lửa sẽ không còn hoạt động cho tới khi có lệnh mới.
Các biện pháp an ninh bổ sung đã được đưa ra theo sau quyết định của Bỉ hủy bỏ việc đón mừng năm mới tại Brussels, với lý do nghi ngờ có một âm mưu tấn công khủng bố ở thủ đô.
Cảnh sát Bỉ cho biết vào cuối ngày thứ Năm 31 tháng 12, ba người đã bị bắt giữ để thẩm vấn trong một phần của một cuộc điều tra.
Tại New York, cảnh sát đã dùng những biện pháp bất thường để đảm bảo an ninh cho việc đón năm mới truyền thống với những quả cầu pha lê ở Times Square, nơi có hơn một triệu người được dự kiến tham dự.
5. 8,000 người tị nạn Cuba may mắn cám ơn Đức Thánh Cha can thiệp giúp họ đến được Hoa Kỳ
Cuộc khủng hoảng liên quan đến 8,000 người tị nạn Cuba bị mắc kẹt ở Costa Rica, đã được giải quyết thỏa đáng sau lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27 tháng 12.
James Blears của Radio Vatican có bài tường thuật sau:
Lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn đến một cuộc họp của các quốc gia Trung Mỹ, và chung cuộc một giải pháp nhân đạo đã đạt được.
Những người tị nạn Cuba đã bay từ Havana đến Ecuador, tiếp tục vượt qua Colombia và Panama để đến Costa Rica. Nhưng tại đó họ đã bị mắc kẹt, vì các quan chức Costa Rica đã ngừng cấp thị thực quá cảnh, nói rằng con số đông đảo những người tị nạn kéo đến cùng một lúc như thế khiến họ không đủ tài nguyên đón tiếp.
Trong khi cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ, một liều thuốc của lòng từ bi và nhân đạo pha lẫn với cảm thức đúng đắn về thực tại là cần thiết để vượt qua bế tắc.
Hôm Chúa Nhật 27 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chính phủ các nước Trung Mỹ xem xét lại tất cả những nỗ lực với sự rộng lượng cần thiết để tìm ra một giải pháp nhanh chóng cho thảm kịch nhân đạo này.
Các hành động tiếp theo đã diễn ra trong một cuộc họp tại thành phố Guatemala. Các vị Bộ trưởng và các quan chức di trú từ Costa Rica, El Salvador, Mexico, Panama, Honduras, Belize, Guatemala và cả Tổ chức Di dân Quốc tế, đã đạt được một thỏa thuận.
Những người tị nạn Cuba nào đã đến được biên giới Costa Rica, thì sẽ được bốc bằng máy bay thẳng đến El Salvador, rồi dùng xe bus để tới Mexico và sau đó đến Hoa Kỳ, là nước đã đồng ý chấp nhận họ theo một chính sách gọi là “Wet foot, dry foot”, nghĩa là những người Cuba nào có thể đặt chân vào lãnh thổ Mỹ không phải bằng đường biển, có thể nộp đơn xin cư trú.
Costa Rica, mỏi mệt với việc đón tiếp người tị nạn Cuba, đã nhấn mạnh đây là một trường hợp ngoại lệ và họ không muốn thấy chuyện này trở thành quy luật. 8,000 người tị nạn Cuba may mắn đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha đã can thiệp giúp họ đến được Hoa Kỳ.
6. Buổi hòa nhạc dành cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Dàn hợp xướng Đức “Jugendkantorei của Eichstätt Dom”, do nhạc sư Christian Heiss điều khiển, bao gồm 36 người trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi, đã trình tấu một buổi hòa nhạc dành cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16. Buổi hòa nhạc đã diễn ra hôm thứ Tư 30 tháng 12 tại sảnh đường Đức Mẹ Lên Trời trong vườn Vatican. Dàn hợp xướng này đang ở Rôma để tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 40 của ca sĩ trẻ.
Chương trình hòa nhạc, lấy cảm hứng từ chủ đề Giáng sinh, bao gồm các tác phẩm của Mendelssohn, Brahms và Benjamin Britten và đặc biệt có liên khúc “O du fröhliche” được soạn bởi Đức Ông Georg Ratzinger, là bào huynh của Đức Giáo Hoàng danh dự. Đức Ông Georg Ratzinger cũng có mặt tại buổi biểu diễn, cùng với Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, chủ tịch Phủ Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Giovanni Lajolo, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Đức.
Những người trẻ đã rạng rỡ niềm vui khi được biểu diễn trước Đức Giáo Hoàng danh dự, là người đồng hương với họ.
Cuối buổi biểu diễn, Đức Giáo Hoàng danh dự đã cảm ơn họ bằng tiếng mẹ đẻ của ngài, và chúc họ một năm mới hạnh phúc và những ngày nghỉ vui vẻ tại Rôma.
7. Lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa tại Vatican
Sáng mùng 1 tháng Giêng, ngày đầu năm mới dương lịch, lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô và vào ban chiều ngài đã chủ sự thánh lễ mở Cửa Năm Thánh tại Đền Thờ Đức Bà Cả.
Đồng tế thánh lễ có đông đảo các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Tham dự thánh lễ có một số tu sĩ nam nữ, ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh và khoảng gần 10,000 giáo dân. Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh còn có ca đoàn tổng hợp của các ca đoàn thiếu nhi tham dự đại hội quốc tế các ca đoàn thiếu nhi lần thứ 40 tại Roma.
Bài đọc một bằng tiếng Pháp kể lại lời chúc lành mà Thiên Chúa truyền cho thầy cả Aharon và dòng dõi tư tế chúc lành cho dân Israel: “Chúa phán với ông Mô-sê: ‘Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: “Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em! Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của Danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6,22-27) Thánh vịnh 66 được hát bằng tiếng Ý.
Bài đọc hai bằng tiếng Anh trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Galát: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi! “ Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl 4,4-7). Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh kể lại biến cố các mục đồng đến thờ lậy Chúa Hài Nhi, rồi ra về chúc tụng Thiên Chúa về những điều đã nghe và đã thấy. Họ kể lại cho mọi người những điều đã được nói về Hài Nhi. Thân Mẫu Người thì gìn giữ mọi sự trong lòng và suy đi nghĩ lại. Sau tám ngày thì Con Trẻ được cắt bì theo luật dậy và được đặt tên là Giêsu như thiên thần đã nói trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ. (Lc 2,16-21).
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
“Chúng ta đã nghe các lời của tông đồ Phaolô: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4). Chúa Giêsu đã sinh ra trong “thời gian viên mãn” có nghĩa là gì? Nếu chúng ta nhìn vào thời điểm lịch sử hồi đó, chúng ta có thể bị thất vọng ngay lập tức. Roma thống trị một phần lớn thế giới được biết tới thời đó với quyền lực quân đội của nó. Hoàng đế Augusto lên nắm quyền sau năm cuộc nội chiến. Cả Israel cũng đã bị đế quốc Roma chinh phục và dân được tuyển chọn bị mất tự do. Như thế, đối với các người đồng thời với Chúa Giêsu chắc chắn đó đã không phải là thời tốt đẹp nhất. Vì vậy không được nhìn vào khung cảnh địa lý chính trị để định nghĩa điểm tột đỉnh của thời gian.
Cần có một giải thích khác, hiểu thời viên mãn từ Thiên Chúa. Trong lúc Thiên Chúa thiết định rằng đã tới lúc thành toàn lời đã hứa, thì đối với nhân loại thời viên mãn được thực hiện. Vì thế, không phải lịch sử quyết định biến cố Chúa Kitô sinh ra; nhưng đúng hơn chính biến cố Ngài đến thế gian cho phép lịch sử đạt sự viên mãn của nó. Chính vì vậy mà từ biến cố Con Thiên Chúa sinh ra bắt đầu sự thành toàn của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên trông thấy sự thành tựu của lời hứa xưa. Như tác giả thư gửi tín hữu do thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.” Dt 1,1-3). Như vậy, thời viên mãn là sự hiện diện của chính Thiên Chúa trong dòng lịch sử chúng ta. Giờ đây chúng ta có thể trông thấy vinh quang của Ngài rạng ngời trong sự nghèo nàn của một chuồng bò, và được khích lệ nâng đỡ bởi Ngôi Lời tự trở thành “bé nhỏ” nơi một trẻ thơ. Nhờ Người thời gian của chúng ta có thể tìm thấy sự viên mãn của nó.
Áp dụng sự viên mãn này vào tình hình thế giới loài người hiện nay Đức Thánh Cha đau buồn ghi nhận như sau:
Tuy nhiên, mầu nhiệm này luôn luôn đối nghịch với kinh nghiệm lịch sử thê thảm. Hàng ngày, trong khi chúng ta muốn được nâng đỡ bởi các dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, thì chúng ta lại gặp các dấu chỉ trái nghịch, tiêu cực, khiến cho chúng ta cảm thấy như Ngài vắng mặt. Thời viên mãn xem ra đổ vỡ tan tành trước nhiều hình thức của bất công và bạo lực hàng ngày gây thương tích cho nhân loại. Nhiều khi chúng ta tự hỏi: làm sao sự áp bức của con người trên con người lại có thể kéo dài như vậy? Sự kiêu căng ngạo mạn của kẻ mạnh hơn lại tiếp tục hạ nhục người yếu đuối hơn, gạt bỏ họ ra bên lề bần cùng nhất của thế giới như thế? Cho tới khi nào sự tàn ác của con người còn gieo rắc trên trái đất bạo lực và thù hận, gây ra biết bao nhiêu nạn nhân vô tội? Làm sao thời viên mãn lại có thể để trước mắt chúng ta các đám đông nam nữ và trẻ em trốn chạy chiến tranh, đói khát, bách hại, đến liều mạng sống, miễn là được thấy các quyền nền tảng của được tôn trọng? Một dòng sông của bần cùng được dưỡng nuôi bởi tội lỗi, xem ra chống lại thời viên mãn đã được Chúa Kitô thực hiện.
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha khẳng định: Thế nhưng dòng sông tràn bờ ấy không thể làm gì chống lại đại dương lòng thương xót tràn ngập thế giới chúng ta. Chúng ta tất cả đuợc mời gọi dìm mình trong đại dương ấy, để cho mình được tái sinh, để chiến thắng sự dửng dưng ngăn cản tình liên đới, và ra khỏi sự trung lập giả dối gây chướng ngại cho sự chia sẻ. Ơn thánh của Chúa Kitô, Đấng đã thành toàn sự chờ đợi ơn cứu độ, thôi thúc chúng ta trở thành các cộng sự viên của Ngài trong việc xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, nơi mọi người và mọi thụ tạo có thể sống trong bình an, hoà hợp của thời tạo dựng nguyên thuỷ của Thiên Chúa.
Vào đầu năm mới, Giáo Hội làm cho chúng ta chiêm ngưỡng Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, hình ảnh của hoà bình. Lời hứa xưa được thành toàn nơi con người của Mẹ. Mẹ đã tin vào các lời của sứ thần, đã thụ thai Con và trở thành Mẹ của Chúa. Qua Mẹ, qua lời “xin vâng” của Mẹ, thời viên mãn đã tới. Tin Mừng mà chúng ta đã nghe nói rằng Đức Trinh Nữ “giữ gìn các điều ấy và suy gẫm trong lòng” (Lc 2,19) Mẹ được giới thiệu với chúng ta như là chiếc bình luôn luôn tràn đầy ký ức về Chúa Giêsu, Ngai Toà Khôn Ngoan, từ đó kín múc dể có thể giải thích trung thực giáo huấn của Ngài. Hôm nay Mẹ cống hiến cho chúng ta khả thể tiếp nhận ý nghĩa các biến cố liên quan tới cá nhân chúng ta, tới các gia đình, đất nước của chúng ta và toàn thế giới. Nơi đâu lý trí của các triết gia, cũng như sự thương thuyết chính trị không thể tới được, nơi đó sức mạnh của đức tin có thể tới, sức mạnh đem lại ân sủng Tin Mừng của Chúa Kitô và có thể luôn luôn mở rộng các con đường mới cho lý trí và sự thương thảo.
Lậy Mẹ Maria, mẹ diễm phúc, bởi vì Mẹ đã trao ban Con Thiên Chúa cho thế giới; nhưng Mẹ còn diễm phúc hơn nữa vì đã tin nơi Chúa. Tràn đầy đức tin Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu trong tim trước, rồi trong cung lòng, để trở thành Mẹ của mọi tín hữu (x. Agostino , Sermo 215,4). Xin Mẹ trải dài phúc lành của Mẹ trên chúng con trong ngày dâng kính Mẹ đây, xin chỉ cho chúng con thấy gương mặt của Chúa Giêsu Con Mẹ, là Đấng ban lòng thương xót và bình an cho toàn thế giới.
8. 3,210,860 tín hữu tham dự các buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican
Phủ Giáo Hoàng hôm 30 tháng 12 công bố một thông cáo cho biết trong năm 2015 có tổng cộng 3,210,860 tín hữu đã tham dự các buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô bao gồm 704,100 lượt người trong các buổi tiếp kiến chung, 408,760 trong các buổi tiếp kiến riêng, 513,000 trong các cử hành phụng vụ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô và tại quảng trường Thánh Phêrô, và 1,585,000 trong những buổi đọc kinh Truyền Tin hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.
Những dữ liệu này chỉ đề cập đến các sự kiện được tổ chức tại Vatican và không bao gồm những dịp khác với một số lượng thường là rất đông đảo các tín hữu, ví dụ như trong các chuyến tông du đến Sri Lanka, Phi Luật Tân, Sarajevo, Ecuador, Bolivia, Paraguay, Cuba, Hoa Kỳ, Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi, hay trong các chuyến tông du trong nội địa Italia và các chuyến viếng thăm mục vụ các giáo xứ thuộc giáo phận Roma.
Đây là những dữ liệu gần đúng tính toán trên cơ sở các vé mời tham dự các cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng, các vé mời tham dự các nghi lễ và các ước tính của cảnh sát trong những buổi đọc kinh Truyền Tin hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và trong các buổi lễ trên Quảng trường Thánh Phêrô .
9. Giáo Hội chịu thiệt hại rất nặng nề trong năm 2015. 22 nhân viên mục vụ bị giết Nhiều linh mục bị bắt cóc.
Trong bản tin đánh đi hôm 30 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết:
Làn sóng các Kitô hữu bị thiệt mạng trong giai đoạn lịch sử này của nhân loại cho thấy một sự bùng nổ chưa từng có. Dường như là chưa từng thê thảm như vậy trong lịch sử, bởi vì một cuộc khủng bố toàn cầu hóa đang diễn ra.
Nói riêng về các nhân viên mục vụ trong Giáo Hội, theo hồ sơ theo dõi thường xuyên của chúng tôi, trong năm nay các nhân viên mục vụ bị giết trên cả 4 châu lục, trong đó nhiều nhất là tại Mỹ Châu là lục địa trong bảy năm liên tiếp vừa qua năm nào cũng đều ở mức kỷ lục. Tám nhân viên mục vụ giết ở đây. Tiếp theo là châu Á với bảy vị, châu Phi với năm vị và cuối cùng là châu Âu với hai vị linh mục ở Tây Ban Nha.
Những con số này chỉ là bề mặt của một tảng băng trôi trong cuộc khủng bố toàn cầu nhắm vào các Kitô hữu. Isis, Boko Haram, sự phân biệt đối xử ở các nước khác nhau, nơi nhà nước ngang nhiên xen mình vào nội bộ các tôn giáo, gây khó khăn cho việc gia nhập Kitô Giáo và biến cuộc sống các Kitô hữu trở nên khó khăn đến mức phải rất anh hùng mới có thể sống niềm tin Kitô của mình, hay thậm chí ở nhiều nơi, họ còn phải chịu các cuộc tấn công và tàn sát.
Với hồ sơ này và những thông tin kịp thời về cuộc đàn áp đang diễn ra trên thế giới, thông tấn xã Fides của chúng tôi muốn đưa ra ánh sáng những thảm kịch của nhân loại, nhằm khơi dậy lương tâm của tất cả mọi người thiện chí để xây dựng một xã hội công bằng và biết nâng đỡ nhau hơn.
Trong năm 2015, 22 nhân viên chăm sóc mục vụ đã thiệt mạng trên toàn thế giới, nhiều hơn ba vị so với năm 2013. Trong bảy năm liên tiếp vừa qua, nơi một số lượng rất cao các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết là Mỹ Châu. Tính chung, từ năm 2000 đến năm 2015, 396 nhân viên mục vụ, trong đó có 5 giám mục đã thiệt mạng tại lục địa này.
Các nhân viên chăm sóc mục vụ chết vì bạo lực trong năm 2015 là: 13 linh mục, 4 nữ tu, 5 giáo dân. Nếu tính theo các châu lục: ở Mỹ 8 vị; ở Châu Phi 5 vị; ở châu Á 7 vị; và ở châu Âu hai linh mục bị giết.
Phần lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết trong năm 2015 đã chết trong những vụ mưu toan cướp của, và trong một số trường hợp các ngài bị tấn công rất dã man. Đó là một dấu chỉ của một tình trạng suy đồi về đạo đức, nghèo nàn về kinh tế và văn hóa, gây ra bạo lực và sự coi thường tính mạng con người.
Tất cả các vị bị giết đều sống trong những bối cảnh nhân sinh và xã hội bình thường, ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ em mồ côi và người nghiện ma túy, cổ võ và đôn đốc các dự án phát triển hoặc đơn giản là mở tung cửa ngôi nhà của mình cho bất cứ ai. Và một số đã bị sát hại bởi chính những người họ từng giúp đỡ.
Hiện vẫn còn nhiều quan ngại về số phận của nhân viên chăm sóc mục vụ khác bị bắt cóc hoặc đã biến mất, trong đó chúng tôi không có bất kỳ tin tức, chẳng hạn như ba linh mục dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời bị bắt cóc ở Cộng hòa Dân chủ Congo từ tháng 10 năm 2012; linh mục Dòng Tên người Ý Paolo Dall'Oglio, bị bắt cóc ở Syria vào năm 2013, hay cha Phanxicô Dhya Azziz, một linh mục Syria mà chúng tôi đã không có tin tức gì từ ngày 23 tháng 12 vừa qua.
Chúng tôi tin tưởng rằng, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, bóng tối của cái ác lúc nào cũng xuất hiện. Nhưng ánh sáng vẫn còn mạnh mẽ hơn. Ánh sáng của tình yêu vẫn có thể vượt qua sự thù hận và khai mở một thế giới mới.
10. Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Syriac nói chính quyền Obama làm quá ít cho các Kitô hữu bị bách hại
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Syria, là một Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh, nói với tờ The National Catholic Register rằng “chính quyền Obama đã làm rất ít cho các tôn giáo và cho sự sống còn cho người Kitô hữu thiểu số ở Trung Đông.”
Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph Younan nói:
“Vì vậy, chúng tôi cầu xin các nước phương Tây hãy đứng lên vì cuộc sống của chúng tôi; và điều đó có nghĩa nói với các chính phủ, và những nhà lãnh đạo Hồi giáo, các viên chức tôn giáo trong các chính phủ Ả Rập, rằng hãy bảo đảm đầy đủ quyền và tự do cho tất cả các công dân, trong đó có các dân tộc thiểu số, và các nhóm thiểu số bao gồm cả Kitô giáo”.
Đức Thượng Phụ cũng lên tiếng kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô mời Ngoại trưởng John Kerry và các nhà ngoại giao hàng đầu khác đến Vatican để đề cập trực tiếp với họ cuộc khủng bố đang nhắm vào các Kitô hữu tại Trung Đông.
11. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân thiên tai
Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân bị thiên tai tại Mỹ, Anh, Nam Mỹ và đặc biệt tại Paraguay.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 30-12-2015, Đức Thánh Cha nói: “Tôi mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân thiên tại xảy ra trong những ngày qua tại Hoa Kỳ, Anh quốc, Nam Mỹ, nhất là tại Paraguay, gây ra nhiều nạn nhân, nhiều người phải di tản và thiệt hại nặng nề. Xin Chúa ban ơn an ủi cho các dân tộc bị nạn và tình liên đới huynh đệ trợ giúp họ trong tình cảnh khó khăn”.
Lốc xoáy ở vùng Dallas và lụt tại bang Mississippi và vài bang khác, đã làm cho 26 người bị thiệt mạng trong vòng 1 tuần lễ. Mưa lũ và lụt lội tại miền bắc và đông bắc Anh quốc gây thiệt hại hàng trăm triệu Euro. Tại Nam Mỹ, cụ thể tại Uruguay, miền bắc Argentina và nam Brazil, gần 170 ngàn người phải di tản vì lụt, riêng tại Paraguay, con sông cùng tên bị tràn nước khiến cho 130 ngàn người phải tản cư. 4 người chết vì cây đổ đè.
12. Đức Thánh Cha tiếp kiến 6 ngàn thành viên các ca đoàn trẻ
Sáng ngày 31-12, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 6 ngàn thành viên các ca đoàn trẻ về Roma tham dự Đại hội quốc tế lần thứ 40.
6 ngàn người trẻ từ 5 đến 28 tuổi, thuộc các ca đoàn đến từ 18 quốc gia, trong đó có Italia, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Brazil, Ba Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ái Nhĩ Lan và một số nước khác trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ dự Đại hội từ ngày 28-12-2015 đến 1-1-2016 với chủ đề “Các em hãy hát lên niềm hy vọng của mình”.
Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi do 3 em nêu lên.
Câu hỏi thứ nhất là Đức Giáo Hoàng nghĩ gì về các bài ca của chúng con? Ngài có thích hát không?
Đức Thánh Cha cho biết ngài thích nghe hát, nhưng không biết hát, “tôi như con lừa, vì không biết hát. Tôi cũng không nói hay vì tôi có một khuyết tật về phát âm khi nói”... Tôi có một người ông làm nghề thợ mộc, vẫn luôn hát trong lúc làm việc. Bài ca có tác dụng giáo dục tâm hồn, mang lại ích lợi cho tâm hồn. Ví dụ một bà mẹ muốn cho đứa con nhỏ của mình ngủ, bà không nói với con: một, hai, ba, bốn.. nhưng bà hát ru con.. Đứa bé cảm thấy yên hàn và thiếp ngủ. Thánh Augustino nói một câu rất hay khi bàn về đời sống Kitô: “Hãy hát và tiến bước”. Đời sống Kitô là một con đường, nhưng không phải con đường buồn sầu, trái lại là con đường vui tươi. Vì thế mà ta hát. Hát và tiến bước!
Câu hỏi thứ hai là làm sao mà Đức Giáo Hoàng tốt lành như vậy, không bao giờ nổi giận? Đâu là những quyết tâm của Đức Giáo Hoàng cho năm mới?
Đức Thánh Cha nhắc lại câu trả lời của Chúa Giêsu cho chàng thanh niên trong Phúc Âm gọi Ngài là “Thầy nhân lành”: Chỉ có Thiên Chúa là Đấng nhân lành! Như vậy chúng ta là kẻ xấu hay sao? Không phải vậy, nửa này nửa kia.. Chúng ta vẫn luôn có vết thương của tội nguyên tổ khiến chúng ta không luôn luôn tốt lành..
“Cũng có những lúc cha nổi giận, nhưng không cắn! Đôi khi cha cũng nổi giận khi có người làm điều không tốt.. Nhưng cha dừng lại và suy nghĩ về những lần cha đã làm cho người khác nổi giận. Và cha nghĩ: “Mình cũng đã làm cho người khác nổi giận, đúng vậy, bao nhiêu lần, vì thế mình không có quyền nổi giận.. Giận dữ là điều làm cho tâm hồn bị nhiễm độc. Bao nhiêu lần cha thấy các trẻ em kinh hãi vì cha mẹ chúng hoặc ở trường người ta trách mắng chúng. Khi một người giận dữ và trách mắng thì họ làm hại, gây tổn thương: Trách mắng người khác cũng như đâm một con dao vào tâm hồn, và đó không phải là điều tốt..
“Có những người mà các con chắc chắn là biết, họ có một tâm hồn cay đắng, luôn cay đắng, họ sống trong giận dữ. Dường như mỗi buổi sáng họ đánh răng bằng dấm, nên mới nổi giận như vậy. Người như thế là người bệnh hoạn..
Về quyết tâm trong năm mới, Đức Thánh Cha cho biết ngài đã đưa ra những điều dốc lòng khi tĩnh tâm, đó là cầu nguyện nhiều hơn. Vì các Giám Mục, linh mục, phải hướng dẫn Dân Chúa trước tiên bằng lời cầu nguyện, đó là việc phục vụ đầu tiên..
Câu hỏi thứ ba là khi còn nhỏ, Đức Giáo Hoàng mơ ước trở thành gì? Ban tối khi xem Tivi với gia đình, con thấy bao nhiêu là điều đau buồn, thê thảm. Thế giới cứ luôn như vậy sao, cả khi con lớn lên?
- Về câu hỏi thứ nhất, cha kể ra, chắc các con thế nào cũng cười. Khi còn nhỏ, cha thường đi với bà nội, có khi theo mẹ đi chợ để mua đồ. Chợ dọc theo con đường ấy có người bán rau, người bán trái cây, thịt, cá.. Một hôm, ở nhà, cha được hỏi: lớn lên con muốn làm gì? Cha trả lời: con muốn làm ông hàng thịt! Tại sao? Tại vì ở chợ ấy, ông hàng thịt có 3, 4 chỗ để bán thịt, ông cầm dao và cắt thịt rất là nghệ thuật, và tôi thích nhìn ông làm như thế. Bây giờ thì ý tưởng thay đổi rồi.
Về câu thứ hai, nghiêm chỉnh hơn, những tin tức đau buồn ở Tivi. Đúng vậy có bao nhiêu người đau khổ trên thế giới ngày nay, bao nhiêu chiến tranh. Chỉ cần nghĩ đến Trung Đông nơi Chúa Giêsu sinh ra, vẫn còn chiến tranh; chiến tranh ở Ucraina, và nhiều nơi ở Mỹ châu la tinh. Chiến tranh gây ra nghèo đói, đau khổ, bất hạnh. Các con là những thiếu nhi, thiếu niên được ơn Chúa, có thể ca hát. Nhưng có bao nhiêu trẻ em không có gì để ăn, không được cắp sách đến trường, vì chiến tranh, nghèo đói, hoặc vì không có trường học.. có những trẻ em bị bệnh và không được đến nhà thương. Các con hãy cầu nguyện cho các trẻ em ấy. Thế giới có thể cải tiến. Trong thế giới có cuộc chiến giữa sự thiện và sự ác, có cuộc tranh đấu giữa ma quỉ và Thiên Chúa. Điều này vẫn còn. Một mỗi người trong chúng ta muốn làm một điều xấu, điều xấu ấy là do ma quỉ xúi giục.. Đó là cuộc chiến tranh chống lại sự thật của Thiên Chúa, chống lại sự thật về cuộc sống, chống lại niềm vui.. Cuộc tranh đấu giữa ma quỉ và Thiên Chúa sẽ kéo dài đến tận thế, như Kinh Thánh đã dạy.. Tất cả chúng ta ở trong một chiến trường..
Đức Thánh Cha kể ra bao nhiêu những hội đoàn hoặc những người âm thầm làm việc thiện, mà báo chí truyền hình không nói tới. Có bao nhiêu gia đình thánh thiện, bao nhiêu cha mẹ giáo dục con cái tốt đẹp. Ma quỉ làm bao nhiêu điều xấu xa, đúng vậy, nhưng Thiên Chúa cũng có bao nhiêu người thánh thiện trên thế giới, những việc làm của họ người ta không thấy trên truyền hình. Tại sao, vì những điều đó không làm tăng số khán thính giả của đài.. Tại sao người ta không thấy trên truyền hình những nữ tu dòng kín dành cuộc đời cầu nguyện cho moi người? Vì điều này chẳng mấy người quan tâm.. Có lẽ người ta quan tâm hơn đến những nữ trang của một hãng quan trọng, những thứ phù vân hào nhoáng. Nhưng chúng ta đừng để mình bị lường gạt.
Đức Thánh Cha ban phép lành kết thúc cho các em và hẹn gặp lại các em trong thánh lễ sáng ngày Tết Dương Lịch, các em sẽ hát trong thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô.
13. Giao thừa tại Paris
Nhà chức trách ở Paris, sau các cuộc tấn công hồi tháng Mười Một vừa qua của khủng bố Hồi Giáo, đã rút ngắn chương trình video ánh sáng đón mừng Năm Mới Khải Hoàn Môn lúc nửa đêm thứ Năm 31/12/2015 rạng ngày thứ Sáu 1 tháng Giêng 2016 và hủy bỏ một màn bắn pháo hoa để giảm bớt số người tham dự đón giao thừa.
Khoảng 11,000 binh sĩ, cảnh sát và nhân viên cấp cứu đã được triển khai – tức là hơn 2,000 nhân viên an ninh và cấp cứu so với năm ngoái.
Trang web chính thức của thủ đô Paris cho biết đã có những hạn chế về việc bán rượu vì thủ đô nước Pháp vẫn còn trong tình trạng báo động cao kể từ hôm 13 Tháng Mười Một sau các vụ nổ súng và đánh bom tự sát giết chết 130 người.
14. Hy vọng hòa bình vừa loé lên tại Syria
Hôm thứ Hai 28 tháng 12, khoảng 450 chiến binh người Syria và gia đình của họ đã được di tản khỏi hai khu vực bị bao vây nhờ những thỏa thuận do Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian.
Diễn biến này hy vọng có thể là một bước ngoặt cho một hiệp ước hòa bình rộng lớn hơn trong cuộc nội chiến đã kéo dài sang đến năm thứ 5 tại nước này.
330 chiến binh Hồi Giáo Shi'ite và thường dân trong hai thị trấn ủng hộ chính phủ ở tây bắc Syria đã được đưa an toàn tới sân bay Beirut của Li Băng. Hàng trăm ủng hộ viên Hezbollah đốt pháo hoa để ăn mừng diễn biến này. Những người được di tản đã khóc vì mừng rỡ trong khi ngồi trên những chiếc xe bus cố căng mắt nhìn xem có gặp được những người thân trong đám đông đang nồng nhiệt chào đón họ.
Việc di tản đã diễn ra an toàn theo một thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc được sự bảo trợ và trung gian bởi các cường quốc khu vực. Đây là một phần trong nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn và đi lại an toàn.
Trong khi đó, một chiếc máy bay khác chở 126 chiến binh nổi dậy người Hồi giáo Sunni đã từng bị quân chính phủ Syria bao vây trong thị trấn Zabadani gần biên giới với Li Băng. Máy bay đã hạ cánh tại sân bay Hatay ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Đổi lại với việc cho phép quân nổi dậy được ra đi an toàn, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad được khôi phục lại quyền kiểm soát các khu vực đã nằm trong tay phiến quân trong bốn năm qua.
Zabadani đã từng là một thành phố nghỉ mát nổi tiếng của Syria. Thành phố này hiện nay chỉ còn là một đống đổ nát.