Có một kỷ niệm hồi còn nhỏ mà tôi cũng không thể quên được. Cuối năm học 1944, nhà trường tổ chức phát thưởng, có học sinh đọc lời phát biểu. Học sinh được chọn để đọc lời phát biểu là bạn thân cùng lớp năm với tôi. Tôi không hiểu tại sao nhà trường không chọn học sinh lớp cao hơn mà lại chọn lớp năm. Tôi cũng nghĩ rằng bạn tôi được chọn đọc lời phát biểu lại không phải học sinh xuất sắc. Tôi nghĩ rằng tôi xuất sắc hơn bạn tôi mà lại không được chọn đọc lời phát biểu. Thực vậy, trong lớp thầy dạy toán thường tổ chức ‘đấu toán’ bằng cách chọn hai học sinh đứng trước lớp, thầy cho bài toán, và hai học sinh phải giải nhanh, loại ‘đối thủ’, và lần lượt loại cả lớp để chỉ còn lại mình. Tôi hầu như luôn luôn là người còn lại.

Nhìn bạn tôi trong bộ y phục cổ truyền, chiếc quần trắng và chiếc áo dài đen, đứng trên bục cầm tờ giấy đọc lời phát biểu mà tự nhiên tôi thấy ghen tức với bạn tôi, rồi tự nhiên tôi thấy ghét bạn tôi. Tôi càng ghét hơn khi nghe anh đọc rất rành rọt, thông suốt:

“…… Thưa Cha hiệu trưởng, thưa quý thầy. Người ta thường nói ‘Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại’, nhưng chúng con không làm như vậy, mà chúng con làm ngược lại. Chúng con không khoe cái tốt, vì khoe khoang là lỗi đức tính khiêm nhường. Ngược lại, chúng con khoe cái xấu, cái lỗi lầm, để được hướng dẫn, sửa chữa sai lầm và trở nên tốt hơn……”.

Về nhà, tôi đem cái ghen tức, cái bực tức của tôi nói với mẹ tôi. Tôi còn thêm rằng cái thằng ấy nó còn là bổn đạo mới, vậy mà nó được Cha hiệu trưởng và các thầy thương hơn. Mẹ tôi bèn ôn tồn giảng giải cho tôi rằng: “Con là đạo gốc thì Chúa đã thương con cách riêng kể từ ngày con mới sinh ra, nghĩa là Chúa thương con cách riêng được nhiều năm rồi, trong khi đó bạn con là bổn đạo mới, Chúa thương bạn con cách riêng mới gần đây thôi”. Rồi mẹ tôi tiếp: “Như vậy, con phải thương bạn con nhiều hơn. Cha hiệu trưởng và các thầy thương bạn con là đúng. Ðiều đó không có nghĩa là Cha hiệu trưởng và các thầy không thương con và các bạn khác”.

Tôi hiểu ra, bèn xin mẹ tôi cho tôi đi tìm bạn tôi. Trên đường đến ‘nhà’ bạn tôi, tôi vừa đi vừa chạy, chỉ sợ gia đình bạn tôi ‘không còn đó nữa’. Nói là ‘nhà’ bạn tôi thì không đúng. Gia đình bạn tôi làm nghề chài lưới, quanh năm sống trên sông nước; chiếc ghe cũng chỉ đủ lớn để cho gia đình sinh hoạt và hành nghề. Vùng hành nghề của gia đình bạn tôi là dọc theo một khúc sông Mã gần thị xã. Bến đậu sau một ngày lao động là dưói tàn một cây khá lớn bên bờ khúc sông nhánh của con sông Mã, chạy len lỏi trong một quãng bìa thị xã.

Tôi còn nhớ vào khoảng giữa lớp năm, bạn tôi bảo tôi là cả gia đình bạn, cả cha mẹ và đứa em gái ba tuổi, sẽ theo đạo, và tôi đã đi lễ cầu nguyện cho gia đình bạn tôi. Kể từ đó, tôi thân với bạn tôi hơn và thường xuống ghe chơi với bạn tôi vào những ngày Chủ nhật vì kể từ ngày theo đạo, gia đình bạn tôi không đi hành nghề vào ngày Chủ nhật nữa.

Chủ nhật hôm ấy, tôi đến tìm bạn tôi, gặp lúc nước rút, chiếc ghe thụt xuống sâu hơn và nhìn như nhỏ hơn. Miếng ván làm cầu được đóng những miếng gỗ nhỏ chắn ngang làm bực và đã được cẩn thận buộc vào gốc cây. Tôi cẩn thận bước xuống nhưng vì độ dốc quá dốc, lại thêm miếng ván đu đưa, tôi té xuống sông. Tôi không biết bơi nhưng nhờ nước cạn nên chỉ loi ngoi. Bạn tôi đang đứng trên ghe đón tôi bèn nhảy xuống, dìu tôi và đỡ tôi trèo lên ghe.

Thân mật như vậy. Thế mà chỉ vì cái lòng ganh tị nhỏ mọn trong con người tôi, tôi đã tức bực và ghen ghét bạn tôi. May mà nhờ mẹ tôi giảng giải chứ không thì sau này nhớ lại, chắc tôi buồn lắm.

Tôi chạy nhanh hơn. Cái quãng đường chỉ khoảng hơn hai cây số từ nhà tôi tới ghe của gia đình bạn tôi, sao hôm nay nó xa quá vậy. Rồi tôi cũng hổn hển tới nơi. Nhưng ghe gia đình bạn tôi đã nhổ sào. Tôi nhìn về phía sông dẫn ra sông Mã, không thấy ghe nào giống cả.

Hôm nay không phải ngày Chủ nhật.