Lễ Thánh Gia: GIA ĐÌNH THÁNH GIA- HẠNH PHÚC TRÀN ĐẦY

1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52

Ðức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn.

Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?"

Bà cố mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con".

Không có gia đình, không thể có con người Tông Đồ - người linh mục, Giám mục dấn thân cho sứ vụ của Giáo Hội. Chiếc nhẫn của Bà cố Đức Pio X là biểu tượng của giao ước hôn nhân gia đình.

Chính Gia đình Nagiaret là gương mẫu cho mọi gia đình…

Tin Mừng hôm nay trình bày gia đình Thánh Gia trẩy lên Đền thánh Giêrusalem để mừng lễ Vượt qua.

Theo Kinh Thánh (x. Xh 23,17 và Đnl 16,16), mọi người nam ở Do Thái, không phân biệt tuổi tác, phải ra trình diện trước nhan Đức Chúa vào ba đại lễ trong năm: lễ Bánh Không Men (tức lễ Vượt Qua), lễ Mùa Gặt và lễ Lều. Nhưng truyền thống Do Thái giáo chỉ buộc một trẻ em Do Thái tham dự các cử hành phụng tự ở hội đường khi được mười ba tuổi (em được gọi là bar miswâh, “con của điều răn” - tuổi giữ luật ). Tác giả Luca lại ghi lại chi tiết trẻ Giêsu 12 tuổi, tức là trước tuổi quy định. Tác giả nhấn mạnh Gia đình Nagiaret đạo đức - tuân giữ hơn cả Luật quy định. Con số 12 biểu tượng mang nghĩa là “toàn thể”, hoàn tất”. Ghi nhận rằng khi ấy Đức Giêsu được 12 tuồi chính là quy hướng tâm trí về lúc kết thúc hoạt động của Người nơi trần thế, về cái Ngày mà Người sẽ trở về với Chúa Cha.

Gia đình Nagiarét "xong kỳ lễ" (Lc 2,43), nếu dịch sát nghĩa là “và khi các ngày ấy đã mãn” (NTT), như vậy thời gian mà Giuse Maria và trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem từ bảy đến tám ngày mừng lễ Vượt Qua và Bánh Không Men như Kinh Thánh nhấn mạnh (x. Lv 23,5-6).

Sau một ngày đàng, các cha mẹ Giuse và Maria mới nhận ra là Đức Giêsu không có trong đòan hành hương trở về, các ngài rất lo lắng quay trở lại Đền Thánh tìm kiếm con trẻ. Maria và Giuse mất “ba ngày” mới tìm ra Đức Giêsu, tác giả Luca nhấn mạnh ba ngày như là một hình ảnh báo trước khoảng thời gian đi từ cái chết đến cuộc sống lại của Đức Giêsu (“vào ngày thứ ba”); chính Đức Giêsu diễn tả điều đó khi nói là “cần thiết phải”, một công thức được Luca gắn liền với cuộc Thương Khó như sự hoàn tất các sấm ngôn.

Khi tìm ra trẻ Giêsu đang ngồi giữa các bậc thầy (Lc 2,46): Kathezomai nghĩa là “ngồi” Đức Giêsu ngồi học hỏi với các thầy. “Ngồi” cũng là cung cách của một vị thầy: như thế, động từ này hẳn là báo trước việc Đức Giêsu giảng dạy như một vị thầy (x. Lc 5,3; 19,47–21,38 ; 19,47–21,38). ). Ở đây Đức Giêsu đã chứng tỏ một trí thông minh khiến các vị thầy phải kinh ngạc. Từ Kathezomai cũng có nghĩa là ngự, Ngài đang sống tư cách là “Đức Chúa hiển ngự” trong Đền Thánh của Ngài.

Thấy trẻ Giêsu sau ba ngày tìm kiếm Mẹ Maria bộc phát lời than thở: “Này con, tại sao con làm thế? Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con!”. Người mẹ đang đau khổ biết bao và tỏ lời cho con trẻ biết sự đau khổ lo lắng. Lúc này Đức Giêsu, ngự trong Đền Thánh trong tư cách Con Thiên Chúa, trẻ Giêsu hoàn toàn độc lập với mọi người trả lời : con đang lo việc cha con. Sự tương phản giữa từ ngữ “cha con” trên môi miệng Maria theo nghĩa gia đình tự nhiên và “Cha Con” trên môi miệng Đức Giêsu là Chúa Cha mà Ngài tuân hành thánh ý khi đến trần gian. Thật thế, càng lúc Hài Nhi Giêsu càng ý thức về mình, trong tương quan với Chúa Cha và trong sự thúc bách của sứ mạng. Con Thiên Chúa cần mẹ cha, cần một mái ấm để lớn lên, nhưng cả mối dây thân thương tự nhiên ấy cũng có lúc phải chịu hy sinh, nếu tình cảm gia đình cản trở sứ mạng Cha trao phó.

Nhưng ông bà không hiểu lời con trẻ Giêsu (Lc 2,50): Hơn ai hết, hai ông bà biết nguồn gốc siêu phàm của con mình. Nhưng ông bà không hiểu ngay được là Người nói về Cha Người trên trời theo nghĩa xác thực nhất. Dù không hiểu hết nhưng: “Đức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”, khi Chúa Giêsu được sinh ra, các mục đồng thăm viếng Giêsu tại máng cỏ, Tin mừng Luca nhấn mạnh: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đức Maria ghi nhớ những sự kiện này trong tâm hồn của Mẹ (Lc 2,51), trong sự chờ đợi, tôn trọng và kiên nhẫn, thái độ này là một hình thái đức tin, một hình thái tin tưởng vào Đức Giêsu và vào Thiên Chúa Đấng đã kêu mời Maria cộng tác vào chương trình cứu độ.

Tin mừng nhấn mạnh: Chúa Giêsu trở về sống giữa gia đình "Người hằng vâng phục cha mẹ... ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta" (Lc 2,51-52). Chắc chắn, theo cái nhìn nhân văn, Ngài được song thân Maria và Giuse quan tâm, giáo dục chu đáo. Chính gia đình Thánh Gia Nagiarét bao bọc chở che, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho đến khi ngài bước vào sứ mạng của Chúa Cha khi ra đi rao giảng Tin Mừng lúc trưởng thành, mà ngài ấp ủ ngay từ khi còn mười hai tuổi như Tin mừng đã nhấn mạnh: Ngài thao thức và lo việc của Chúa Cha...

Chiêm ngắm Đức Giêsu được gia đình đùm bọc và lớn lên trong bầu khí yêu thương, nơi Ngài đã học làm người với sự dìu dắt của Cha Giuse và Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi phác họa lại đời sống Thánh Gia: Người làm chồng, người cha trong gia đình, noi gương Thánh Giuse biết lo lắng, bảo vệ, yêu thương, săn sóc và nuôi dưỡng gia đình. Người vợ và là người mẹ trong gia đình, như Mẹ Maria hành động yêu thương của hiền mẫu, tín thác vào Chúa: ghi nhớ các sự việc trong lòng. Bậc phụ huynh luôn thao thức, lo lắng cho con cái, hình ảnh Me Maria Cha Giuse lo lắng cho con trẻ Giêsu khi bị lạc mất dạy cho các bậc phụ huynh vì con cái hết lòng và quên mình. Riêng những người con trong gia đình, những người con càng lớn càng khôn ngoan sống thảo kính và vâng phục cha mẹ như Chúa Giêsu xưa đối với thánh Giuse và Mẹ Maria (x. Mt 2,51-52).

Thật thế bên hang đá Bêlem, chúng ta cất lời cầu:

Xin ba Ðấng rủ tình

Ban phúc lộc trường sinh

Xuống muôn vàn ơn thánh

Cho hết mọi gia đình.

(Thánh Thi lễ Thánh Gia)

Lm. Vinh Sơn, Sài gòn 26/12/2015