Nhân đọc bài “Đôi dòng chia sẻ về Việt ngữ” của Nguyễn Hy Vọng

Trong bài viết ngắn này, ông Nguyễn Hy Vọng đã đưa ra ba đề nghị. Đề nghị thứ nhất liên quan đến lãnh vực ngữ nghĩa. Đề nghị thứ hai liên quan đến lãnh vực chính tả. Đề nghị thứ ba cũng thuộc lãnh vực chính tả, nhưng tập trung vào một điểm cụ thể: “i” hay “y”.

Tôi không có ý định nói về những đề nghị của ông Nguyễn Hy Vọng liên quan đến lãnh vực ngữ nghĩa, vì những đề nghị này rõ ràng không đủ cơ sở ngữ nghĩa học. Tôi muốn trao đổi một chút về các ý kiến của ông liên quan đến chính tả, vì tôi thấy có nhiều người cũng nghĩ như ông.

Liên quan đến chính tả, ông đề nghị bỏ dấu sắc khi viết các chữ “có tận cùng bằng C, CH, P, T”, dựa trên lập luận (sai lầm) rằng: “Mục đích thêm dấu vào một chữ là để thay đổi âm và nghĩa của chữ đó. Nhưng những chữ ví dụ dưới đây, có thêm dấu săc (sic), thì âm và nghĩa đều không thay đổi.”

Tôi nghĩ đề nghị trên đây của ông Nguyễn Hy Vọng không hữu ích. Những chữ “có tận cùng bằng C, CH, P, T” (theo cách gọi của ông) có thể mang hai dấu là dấu sắc hoặc dấu nặng, chứ không phải chỉ có thể mang dấu sắc như ngộ nhận của ông. Vì thế, câu ông viết: “Hay nói một cach khac là tự chúng đã có âm dấu sac…” (sic), có thể đọc ít là theo hai cách như sau: (1) “Hay nói một cách khác là tự chúng đã có âm dấu sắc…”, và (2) “Hay nói một cạch khạc là tự chúng đã có âm dấu sặc…”. Tôi nghĩ rằng cách viết đó của ông sẽ không thể “làm cho Việt ngữ đẹp, gọn, đỡ mất thì giờ và hợp lý hơn” như ông quả quyết.

Thật ra, trước ông, ông Hồ Chí Minh đã dùng cách viết này trong các bản viết tay của ông ấy, ví dụ trong bản di chúc (người ta đã in cả những tấm hình chụp bản viết tay của ông). Khi viết “những chữ có tận cùng bằng C, CH, P, T”, ông Hồ Chí Minh không ghi dấu thanh nếu đó là dấu sắc, còn nếu đó là dấu nặng, ông sẽ ghi đầy đủ. Nhưng khi đem in, người ta in dấu thanh đàng hoàng. Và không ai, kể cả những người sùng bái ông Hồ Chí Minh, đã coi cách viết đó là hợp lý để đem ra đề nghị mọi người làm theo. Người ta đã chỉ coi đó là một cách viết tắt cá nhân.

Liên quan đến cách viết hai chữ “i” và “y”, tôi cũng muốn nói đôi điều.

Tôi đồng ý với ông Nguyễn Hy Vọng rằng úi khác uý, ủi khác uỷ. Nhưng sẽ là không đúng khi cho rằng củi = q+ủiquỷ = q+uỷ.

Xét hai từ thuýthúi. Trong thuý, nguyên âm chính là âm “y”, chữ u để ghi bán nguyên âm đệm. Trong thúi, nguyên âm chính là âm “u”, còn “i” là bán nguyên âm cuối. Bán nguyên âm “i” thì chắc chắn không thể là nguyên âm dài, nên người ta viết bằng chữ “i”. Luật viết “y” hay “i” trong những trường hợp này là bắt buộc, không thể tùy tiện thay đổi.

Trường hợp kiểu máymái. Trong mái, ta có nguyên âm chính là nguyên âm “a”. Trong máy, nguyên âm chính là nguyên âm “e ngắn” được viết bằng ký tự “a”. (Vì thế chỗ đặt dấu thanh không thay đổi). Trường hợp dùng chữ “a” để ghi nguyên âm “e ngắn” không phải là ít, ví dụ chanh (e) so với chang (a), banh (e) so với bang (a), tánh (e) so với táng (a)…Người xưa đã dành chữ “e” để ghi nguyên âm “e dài” trong những âm tiết kết thúc bằng phụ âm “ng” (ví dụ leng keng), và dùng chữ “a” để ghi nguyên âm “e ngắn” trong những âm tiết kết thúc bằng phụ âm “ng”. Nhưng như thế sẽ lẫn lộn với những âm tiết có nguyên âm chính là “a” và phụ âm cuối là “ng” (ví dụ lang thang), nên trong trường hợp nguyên âm chính là “e ngắn” thì phải viết phụ âm cuối “ng” bằng chữ “nh” (ví dụ lanh chanh). Trở lại trường hợp máy mái, sự khác biệt trong phát âm giữa hai nguyên âm chính (“e ngắn” trong máy và “a” trong mái), được diễn tả bằng sự khác biệt về chính tả giữa hai ký tự “y” và “i” (ghi bán nguyên âm cuối). Rắc rối một chút, nhưng đó là gia sản lịch sử, và cho đến hiện nay, chưa có giải pháp nào tốt hơn để thay thế. Và chúng ta không thể tùy tiện thay đổi các ký tự “i” và “y” trong những trường hợp loại này.

Nhưng trong những trường hợp “y” là nguyên âm chính và không có bán nguyên âm “u” làm âm đệm, và âm tiết không có phụ âm cuối, thì viết “y” hay “i” chỉ khác nhau về thói quen và quan điểm thẩm mỹ. Về mặt phát âm, tiếng Việt hiện nay không phân biệt rõ ràng giữa “i ngắn” và “i dài”, nên không sợ gây lẫn lộn trong những trường hợp này. Viết kỹ thuật hay thuật, tu sỹ hay tu … đều được. Thực ra, viết “i” sẽ gọn gàng và tiết kiệm thời gian hơn, chưa kể là trong trường hợp có dấu nặng, sẽ rõ ràng hơn: tị có vẻ rõ ràng và tiết kiệm hơn tỵ, mị khá hơn mỵ… Để hướng tới sự thống nhất, có lẽ “i” cũng có ưu thế hơn, vì có nhiều trường hợp từ xưa đến nay không ai viết bằng ký tự “y” như các chữ: bí, bị, chí, chị, dí, dị, khi, khí, thí, thị…, và khi nguyên âm chính là “i” trong những âm tiết có phụ âm cuối, chúng ta luôn viết bằng chữ “i”: minh chính, tịch mịch, thình lình, tính tình… Tuy nhiên, khi âm tiết chỉ có nguyên âm chính là “i”, không có phụ âm đầu và phụ âm cuối, cũng chẳng có bán nguyên âm đệm hay bán nguyên âm cuối, thì chữ “y” có ưu thế hơn, vì chữ “i” đứng một mình thì nhỏ bé và… xem có vẻ “tội nghiệp” quá, không tốt về mặt thẩm mĩ: chú ý đẹp hơn chú í, y học đẹp hơn i học, bác sĩ thú y đẹp hơn bác sĩ thú i…

Đáng quan tâm là những trường hợp như quý và cúi.

Trong tiếng Việt, trước các nguyên âm “i”, “e”, “ê”, phụ âm “k” được viết bằng chữ “k”, còn trước các nguyên âm khác, ta viết “c” (có lẽ ban đầu là để tránh cho các Cố Tây khỏi đọc sai). Vì thế chúng ta viết: cậu cất công, cô ky cóp, con cà con kê…Trong âm tiết “cúi”, nguyên âm chính là “u”, nên ta ghi cúi.

Nhưng khi phụ âm đầu “k” đi trước một bán nguyên âm đệm, thì nó được ghi bằng chữ “q” và bán nguyên âm đệm sẽ được ghi bằng chữ “u” (cho dù đó là bán nguyên âm “u” hay bán nguyện âm “o”), ví dụ: qua loa, quan tòa, quân quản, luẩn quẩn, loạng quạng… Khi người ta viết qu-, ta biết chắc chắn rằng “u” ở đây không phải là nguyên âm chính, mà là bán nguyên âm đệm (vì nếu “u” là nguyên âm chính, phải viết là “cu”), và nguyên âm chính sẽ là nguyên âm đi sau chữ “u” này. Do đó, người Việt bình thường không đọc khác nhau khi gặp quyqui, quý và quí, quỷ quỉ, quỳ quì, quỹ quĩ, quỵ và quị. (Cũng vì vậy mà người ta ghi dấu thanh ở các vị trí khác nhau trong các trường hợp sau: cùi nhưng quì, cúi nhưng quí, của nhưng quả…). Cho rằng củi = q+ủi, quỷ = q+ủy… là không chính xác.

Tóm lại, tôi trộm nghĩ, đề nghị bỏ dấu sắc trong “những chữ có tận cùng bằng C, PH, P, T” là một đề nghị sai lầm, và phàn nàn về cách viết “Thưa quí vị” là một sự phàn nàn không có cơ sở khoa học.