Lễ Thánh Gia : Thử tìm ba gương

Nếu có ai đặt câu hỏi: gia đình nào xứng đáng là mẫu mực cho mọi gia đình khác noi theo, thì câu trả lời không gì khác hơn là gia đình Nadarét.

Nhưng dựa vào bài Tin Mừng Luca hôm nay, ta có vẻ không thấy như vậy. Gia đình thánh này cũng có lúc lục đục. Vậy tìm đâu ra gương ? Ta thử...

1) Gương Giêsu

Năm 12 tuổi, trẻ Giêsu vượt bộ hơn trăm cây số, thường đi 4 ngày, từ Nazaret về Gierusalem dự lễ. Lễ xong (lễ cả tuần), ở lại mà chẳng gọi di động hoặc nhắn tin cho cha mẹ biết. Khi cha mẹ quay lại, 3 ngày mới tìm ra. Đáp lại câu trách của mẹ “sao con làm cho cha mẹ như thế, kìa cha và mẹ đau khổ đi tìm con,” thì Giêsu hỏi lại : “cha mẹ tìm con làm chi, cha mẹ không biết con phải ở trong nhà của Cha con sao ?”

Chắc chắn là người con, ta không thể đối đáp như Đức Giêsu đáp trả lại mẹ Người như vậy. Mà ta học nơi Giêsu câu Luca mô tả sau đó : “Sau đó, Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret, và hằng vâng phục các ngài.” Đi xuống, vì Giêrusalem ở trên đồi Sion.

Có người giải thích : lẽ ra Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động từ năm 12 tuổi cho đúng với chương trình của Chúa Cha trên trời, nhưng đức Giêsu lại cũng muốn làm hài lòng cha trần thế, nên người trở về Nazaret thêm 18 năm, vâng phục mẹ cha dưới đất. Đó có thể là gương ta học được nơi Giêsu.

2) Gương Maria

Maria trách Giêsu : sao làm cha mẹ khổ vậy. Sau khi nghe Giêsu đáp lại, đúng hơn, vặn lại… “sao tìm con, con lo việc Cha con mà…” Maria chẳng hiểu gì, nhưng im lặng ghi nhớ, suy nghĩ trong lòng. Đó là gương của Mẹ đấy, cần học hỏi.

Một đôi lúc, giữ thinh lặng là cách duy nhất để giải quyết những cơn giận dữ. Erma Bombeck viết trong cuốn "Tình Mẹ" như thế này: "Tôi cho rằng mỗi một người con đều nhớ một đức tính đặc biệt nào đó về người mẹ của mình. Đức tính đó có thể là một sự khôn ngoan cứu giúp người con khỏi cảnh nguy hiểm, hoặc là một lời nói chỉ đường để giúp người con đạt tới mục đích cách dễ dàng. Riêng tôi, tôi yêu mẹ của tôi, bởi vì trong mọi lúc bà ấy chẳng nói điều gì hết."

Để có thể giữ thinh lặng trong khi bên trong nội tâm của mình sôi sùng sục, đòi hỏi rất nhiều sự tự chủ. Tuy nhiên, cũng có lúc thinh lặng nói lớn hơn là những lời la lên từ miệng lưỡi.

Thinh lặng, suy đi nghĩ lại trong lòng, đó là gương mẹ, mà ta cần bắt chước.

3) Gương Giuse

Nếu vai trò của Mẹ Maria trong gia đình Thánh Gia không phải là một chuyện dễ dàng, thì vai trò của Thánh Giuse cũng chẳng dễ dàng chi.

Một cha giảng phòng đã kết thúc bài giảng của ngài với các ông bố như sau: "Thánh Giuse là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta."

Sau bài giảng, một ông bố đã tiến lên gặp vị giảng phòng và nói: "Với tất cả lòng tôn kính, thưa cha, trường hợp của Thánh Giuse thì khác hẳn với chúng tôi, những người bố bình thường. Thứ nhất, Giuse là một vị thánh. Thứ hai, vợ của Giuse vô nhiễm tội lỗi. Thứ ba, người Con của Giuse là Con Thiên Chúa… Tôi không phải là thánh, vợ của tôi thì tội lỗi, và con của tôi không phải là Con Thiên Chúa."

Vị giảng phòng trả lời: "Điều ông nói đúng, nhưng tôi xin thành thật hỏi ông thế này. Vợ của ông có phải là có thai trước đám cưới, mà ông không biết tại sao không? Hoặc là con của ông có khi nào bỏ nhà ra đi ba ngày mà ông không biết nó đi đâu không? Cả hai điều này đã xảy ra với Thánh Giuse."

Giuse cũng im lặng, chả nói lời nào, trong trường hợp lạc Giêsu hôm nay, cũng nhường lời cho vợ nói, vợ mắng, còn Giuse im lặng rồi dẫn hai mẹ con về nhà. Gương Giuse nằm ở chỗ đó.

Nhà thờ lúc nào các bà mẹ cũng đông hơn ông bố, nên xin tặng các bà mẹ chuyện này :

Có một câu nói quen thuộc : “Một bà mẹ có thể nuôi được mười đứa con, nhưng mười đứa con không thể nuôi được một bà mẹ”. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng đơn giản là thế, ta thử nghe :

Ngày kia, một con chim mẹ có một con chim non mới ra ràng mà chim mẹ rất mực yêu thương. Thế rồi đến thời kỳ di trú. Biết rằng con chim non còn quá bé nhỏ, không thể bay đi xa được, nên chim mẹ cõng chim non trên lưng.

Và thế là hai mẹ con nhà chim bắt đầu cuộc hành trình bay về phía nam. Ban đầu, chuyến bay tương đối dễ dàng, nhưng thời gian trôi qua, con chim non trở nên nặng hơn, và chim mẹ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, chim mẹ vẫn tiếp tục bay. Ngày kia, trong khi cả hai mẹ con đang nghỉ ngơi, chim mẹ quay sang chim con và nói : “Con của mẹ, con hãy nói thật cho mẹ nghe, khi mẹ già rồi, mẹ sẽ không đủ sức bay xuyên qua đại dương xuôi về phía nam, thế con sẽ cõng mẹ trên lưng và bay chứ ?”.

Con chim con đáp “Mẹ ơi, con không thể hứa gì với mẹ về điều đó”.

Chim mẹ hỏi, “Mà tại sao lại không hứa được ?”

“Bởi vì có thể chính con cũng bận rộn, vì phải cõng những đứa con của con trên lưng, giống như mẹ đang làm cho con bây giờ vậy”.

Vậy là : có lẽ chăm sóc chính những đứa con của mình lại là cách thức tốt nhất, để đền đáp công ơn cha mẹ đã săn sóc mình.

Nhưng chúng ta là con người chứ chẳng phải chim. Chim con không cõng chim mẹ được, vì nó đã là mẹ và phải cõng con của nó. Chim chỉ làm được từng việc một. Còn con người, với khối óc, bàn tay, có thể chăm sóc cả con lẫn mẹ, hoặc nhờ người chăm sóc.

Nếu trong một gia đình mà người này vì người kia, người kia vì người này, mình chăm sóc người kia, người kia chăm sóc người nọ, mọi người chăm sóc nhau, thì nơi gia đình đấy, chính là thiên đình.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm