Suy niệm LỄ ĐÊM GIÁNG SINH NĂM 2015

Hôm nay, không chỉ những người Công Giáo mà cả thế giới đang hướng về Đức Giêsu Kitô, mừng ngày sinh nhật lần thứ 2015 của Ngài. Trong bầu khí linh thiêng này, xin được trình bày ba điểm sau đây: Đức Giêsu Kitô là ai? Ngài đến thế gian để làm gì? Và con người có cần đến Ngài không?

1. Trước hết, Đức Giêsu Kitô là ai?

Đức Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Ngài đầu thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Ngài được sinh ra tại Bêlem, nước Do Thái cách đây 2015 năm. Cha nuôi Ngài là Thánh Giuse. Mẹ Ngài là Đức Maria. Sau ba mươi năm sống ẩn dật, làm nghề thợ mộc tại làng quê Nazarét, Ngài đã lên đường đi loan báo Tin mừng. Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền. Đi kèm theo những lời giảng dạy là những phép lạ. Cuối cùng, Ngài bị bắt và bị đóng đinh trên cây thập giá. Ba ngày sau khi chết, Ngài đã sống lại. Và sau bốn mươi ngày, Ngài đã lên trời trước mặt các mộn đệ và nhiều người chứng kiến. Trước khi về trời, Ngài đã thiết lập Giáo Hội và đặt Thánh Phêrô làm Giáo Hoàng đầu tiên. Ngài trao cho Giáo Hội kho tàng thiêng liêng là bảy bí tích. Giáo Hội của Ngài từ 12 tông đồ, đến nay đã có trên 1 tỷ người, chiếm 17,49% dân số thế giới. Sứ mạng của Giáo Hội là thi hành chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Giêsu, Đấng là Đầu của Giáo Hội.

2. Đức Giêsu Kitô đến thế gian để làm gì ?

Giáo lý Hội thánh Công Giáo từ số 456 đến số 460 cho chúng ta biết rõ lý do Đức Giêsu đến thế gian, xin được tóm tắt mấy điểm sau:

Thứ nhất, Ngài đến thế gian để cứu rỗi chúng ta. Kinh Tin Kính dạy rõ ràng rằng : “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”.

Thứ hai, Ngài đến thế gian để giải hoà chúng ta với Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô thành Nissê nói : « Bản tính của chúng ta bệnh nạn cần phải được chữa lành ; sa ngã, cần phải được nâng đứng dậy ; chết, cần phải được phục sinh. Chúng ta đã mất quyền sở hữu sự thiện, cần phải được trả lại quyền đó. Bị giam trong chỗ tối tăm, cần phải mang ánh sáng đến cho chúng ta ; bị cầm tù, ta cần phải có người giải thoát…» . Thánh Phaolô Tông đồ cũng đã khẳng định : “Nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hòa giải với Người để anh em trở nên thánh thiện, tinh tuyển không có gì đáng trách trước mặt Người.” (Cl 1, 22).

Thứ ba, Ngài đến thế gian để chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô hình, qua các thời kỳ lịch sử cứu độ, chúng ta chỉ biết Ngài nhờ mạc khải qua các tiên tri và các ngôn sứ. Đến thời kỳ viên mãn, hình ảnh Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể qua chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô. Thánh Gioan tông đồ đã nói : « Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta đã được bày tỏ nơi điều này : Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài xuống trần gian để chúng ta nhờ Ngài mà được sống » (1 Ga 4,9).

Thứ tư, Ngài đến thế gian để trở thành khuôn mẫu sự thánh thiện của chúng ta. Đó là khuôn mẫu về sự khiêm nhường và hiền lành : « Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng » (Mt 11,29). Tinh thần tám mối phúc thật, đó là khuôn mẫu của nếp sống yêu thương : « Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em »(Ga 15,12). Khuôn mẫu về nếp sống chân thật « Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua thầy »(Ga 14,6). Khuôn mẫu của việc làm theo thánh ý Chúa Cha : « Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy »(Ga 4,34). Khuôn mẫu về nếp khó nghèo và muôn vàn khuôn mẫu khác. Chính nơi Ngài có một sức hấp dẫn lạ lùng. Nguyễn Khắc Dương, một tri thức Việt Nam đã cho rằng “sự hấp dẫn của Chúa Giêsu hình như do chính con người và cuộc đời của Ngài từ việc sinh ra trong máng cỏ, qua 30 năm âm thầm lặng lẽ, ba năm nay đây mai đó, trà trộn với dân chúng, rồi bị giết oan, nhiều hơn là do đạo lý Ngài truyền dạy…Đã có cảm tình với Ngài rồi thì khó quên, khó phai và hình như càng lâu càng thắm thiết hơn… Đối với các bậc thánh hiền khác, thì có thể nhớ bài dạy của Ngài mà quên đi con người và cuộc đời của các ngài. Đối với Đức Giêsu thì khác hẳn: đôi khi quên lời Người dạy, nhưng chính Ngài thì không quên được. Và có lẽ càng hay sống trái lời Ngài dạy, thì hình ảnh Ngài lại càng thêm xoáy vào tâm khảm… nhớ quay nhớ quắt, nhớ quằn quại đến độ không chịu được!... Thông minh, tài trí, dũng cảm... Có lẽ nhiều người hơn Giêsu, nhưng đáng yêu nhất thì chỉ có duy nhất một mình Ngài mà thôi!”

Thứ năm, Ngài đến để chúng ta được thông phần vào bản tính thần linh(x. 2 Pr 1,4), để « con người trở thành con của Thiên Chúa »(Th. Irênê). Chính Thánh Tôma Aquinô cũng khẳng định điều này rằng : « Con Thiên Chúa muốn chúng ta thông phần vào thần tính của Ngài, nên đã mặc lấy bản tính của chúng ta, để làm người rồi, Ngài sẽ làm cho những con người chúng ta thành các thần linh ».

3. Con người có cần đến Đức Giêsu Kitô không ?

Vì những lý do quan trọng trên đây nên con người qua mọi thời đều cần đến Đức Giêsu Kitô. Nhưng để đến với Đức Giêsu Kitô, con người cần phải qua Giáo Hội. Bởi vì « Những ai biết Giáo Hội Công Giáo là cần thiết mà vẫn không muốn gia nhập hoặc từ chối đứng vững trong đó, thì không được cứu rỗi. Nhưng những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ân sủng của Ngài mà hành động để làm trọn thánh ý Ngài, theo như lương tâm của họ mạc khải cho họ và truyền dạy họ, thì những người đó có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời » (x. Gl HTCG số 816-818).

Chính vì thế, Giáo Hội không những có trách nhiệm chăm sóc cho đoàn chiên thuộc về mình mà còn có bổn phận đi tìm những con chiên khác chưa thuộc về đàn để đem về với Đức Giêsu Kitô. Và Giáo Hội rất vui mừng vì ngày càng có nhiều người xin lãnh nhận bí tích Rửa tội. Từ con số Mười Hai, hiện nay đã có gần 32% nhân loại mang danh hiệu Kitô, trong số đó có hơn 17% là người Công Giáo. Hầu như ngày nào Giáo Hội cũng hân hạnh được tiếp nhận những người xin rửa tội. Họ thuộc mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội. Có những người bình dân, ít học nhưng cũng có những nhà tri thức, nắm giữ những vai trò quan trọng trong xã hội. Họ cần đến Đức Kitô, họ cần đến Giáo Hội. Năm 2007, ông Tony Blair, thủ tướng nước Anh đã xin trở lại đạo Công Giáo. Ông đã nói rằng : "Tôi thiết nghĩ một thế giới không đức tin sẽ là một thế giới trên con đường thảm họa, tai ương, tôi thực sư tin như vậy ». Paul Williams, một giáo sư người Anh đã khám phá ra chân lý Kitô giáo nên đã trở lại đạo Công Giáo sau 20 năm theo Phật giáo. Napoléon, hoàng đế nước Pháp đã từng đánh phá Giáo Hội, xúc phạm đến các Đức Giáo Hoàng. Cuối đời, ông đã thống hối ăn năn tội lỗi của mình và thành tâm trở về với Giáo Hội. Ông nói : « chống phá Giáo Hội là cả dám chống lại Thiên Chúa và đó là tất cả những thảm trạng và thất bại ê chề nhất cuộc đời của tôi ». Khi được lãnh nhận bí tích Giải tội và Thánh Thể, ông cho biết : « Niềm vui tôi cảm nghiệm bên trong thật bao la. Giờ đây tôi mới thật sự hiểu tại sao, ngay cả vào những lúc đen tối nhất của cuộc đời và trong những năm tháng sống xa lìa Đức Giêsu Kitô, tôi không bao giờ quên rằng, ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi chính là ngày tôi rước lễ lần đầu!”

Đó là một vài cảm nhận của những người sau khi trở về với Giáo Hội. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều người không biết gì về Chúa và Giáo Hội. Thậm chí, họ còn tìm cách xuyên tạc, nói sai, nói xấu về Chúa và Giáo Hội. Gần đây trên Facebook loan truyền bài viết về việc một sinh viên Công Giáo phản biện sáu luận điểm của giáo viên trình bày sai về Đạo Công Giáo. Xin được nêu tóm tắt hai trong sáu luận điểm đó:

Luận điểm thứ nhất, cô giáo cho rằng : Trong hầu hết các Thánh tử đạo Việt Nam, đa số là người nước ngoài, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Chàng sinh viên phản biện lại : Trong 118 vị tử đạo Việt Nam : có 96 vị là người Việt Nam, chỉ có 22 người nước ngoài.

Luận điểm thứ hai, cô giáo nói : Tôn giáo được một bộ phận người tin theo, Hồi giáo có 902 triệu tín đồ. Chàng sinh viên phản biện lại : Có khoảng 87% dân số thế giới theo một tôn giáo nào đó. 87% là phần lớn, chứ không dùng “một bộ phận” được, nếu dùng từ này, nên sửa là “một bộ phận lớn”. Số liệu gần đây có thể chứng minh điều này (Kitô giáo: khoảng 2,1-2,2 tỷ tín đồ trong ấy Công Giáo là chiếm phần cao nhất; Hồi giáo: khoảng 1,5-1,6 tỷ tín đồ; Ấn Độ giáo: Khoảng 900 triệu- 1 tỷ tín đồ; Phật Giáo: khoảng 365 triệu tín đồ chính thức). Và còn các tín đồ rải khắp các tôn giáo nhỏ hơn khác. Số người không theo tôn giáo nào chiếm khoảng 13% dân số thế giới.

Hy vọng mỗi người kitô hữu đều biết làm chứng cho Đạo Chúa như chàng sinh viên trên đây, để phản biện những tình trạng xuyên tạc, nói sai, nói xấu về Đạo Chúa trong các học đường và trong xã hội chúng ta đang sống, giúp mọi người hiểu biết hơn về Đức Giêsu Kitô và Đạo của Ngài.

Như vậy, chúng ta đã biết Đức Giêsu Kitô là ai ? Ngài đến thế gian để làm gì và ai cũng cần đến Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Ngài cho mỗi chúng ta luôn cố gắng giới thiệu Ngài cho những người xung quanh để mọi người được lãnh nhận ơn cứu độ. Amen

Lm. Anthony Trung Thành