Phóng sự : Những mảnh đời hè phố.

SAIGÒN -- Sáng thứ bảy, tôi tăng sức bằng một ly cà phê rồi nhanh nhẹn đến điểm hẹn, gặp hai thành viên nhóm xã hội Bông Hồng Xanh để cùng thực hiện " bữa ăn hạnh phúc".

Chúng tôi đến khu vực cư xá Bắc Hải (Quận 10,Sài Gòn), nơi có khá nhiều quán ăn và cà phê nhạc để gặp những đứa trẻ bán báo, đánh giầy. Chỉ cần lia mắt dọc theo quán nước sẽ thấy ngay một vài em đang hành nghề. Tôi ngoắc tay:

- Em ơi, đánh giầy nè!

Quân cũng gọi lớn:

- Báo! báo!

Có hai em trai và một em gái đi nhanh như sóc về phía chúng tôi. Tất cả ngồi xuống vỉa hè. Hai em lục cái hộp gỗ hình chữ nhật, có quai có nắp để lấy xi và bàn chải. Đôi tay nhỏ bé nhanh thoăn thoắt, vẻ rành nghề. Chúng tôi bắt đầu thực hiện công việc xã hội với những câu hỏi sắp sẵn, nhưng đầy vẻ tự nhiên để bọn trẻ trả lời mà không ngại. Những bạn nhỏ này có độ tuổi từ 12 đến 18 nhưng trông chúng bé như học sinh tiểu học. Tất cả nghỉ học nửa chừng vào Sài Gòn cầu thực, thuê nhà ở chung và kiếm ăn cùng khu vực. Ngày nào ế cũng được 15.000 đồng, hôm nào đông khách hoặc gặp khách xộp thì được đến 30.000 đồng. Những em gái thường đi từng hai em một, cũng kiếm được khoảng 20.000 đồng một ngày.

Đang nói chuyện thì có hai em gái bước đến. Tôi buột miệng:

- Chúa ơi, con gái mà đánh giầy!

Hai em gật đầu cười. Tôi quen kiểu dạy dỗ:

- Nè, có ai rủ đi đâu các con đừng đi nghe!......Các con có thích học may hay bán chè bán cháo gì không, cô giúp vốn cho.

Quân hỏi hai em trai:

- Các em có thích làm ở cơ sở in lụa không, anh giới thiệu cho?

Chúng cười khúc khích nhìn nhau:

- Làm gì cũng được, phải có tiền gửi về nhà.

Khi biết chúng tôi chiêu đãi cơm trưa, các em tỏ vẻ thích thú dù buổi trưa các em thường ăn cơm đĩa ba, bốn ngàn đồng ở các quán quanh đây.

Bữa ăn hạnh phúc của nhóm chúng tôi là mời trẻ em hay người già cả, đang lao động ngoài đường phố, vào một quán ăn gần nơi gặp gỡ: người được mời sẽ tự chọn món ăn và thức uống thích nhất. Với cách này, chúng tôi tâm tình được với khá nhiều nhân vật hè phố, theo từng thời điểm......

Hôm nay, chúng tôi chia thành 3 tốp vì có vài em thích ăn cơm, có em đòi bánh cuốn, em khác thích bún bò......Xem ra các bạn nhỏ thích được tự do, dù là chọn thức ăn thức uống. Sau đó, Quân và Mai về nhà tôi nghỉ trưa và chuẩn bị cho buổi gặp gỡ chiều nay tại nơi ở của các em.

Ba giờ chiều, chúng tôi đến điểm hẹn. Có bốn em chờ sẵn để được dẫn đường. Những em khác không muốn đi bộ thì cùng đi xe ôm, 2.000 đồng một em. Chúng tôi dừng lại trên con đường rộng, sạch sẽ, yên tĩnh ở cuối quận 10. Căn nhà cho thuê tập thể có hai tầng lầu, chiều rộng đến 8 mét, dài khoảng 30 mét, quả là lý tưởng để cho thuê. Nhìn số quần áo phơi dọc ngõ nhỏ bên hông nhà, có thể biết được số người ở đây không ít.

Sau vài phút trao đổi, vợ chồng chủ nhà cho chúng tôi vào bên trong. Từ những phòng nhỏ trên lầu, các em tập trung xuống dưới nhà rất nhanh. Cả trai lẫn gái ngồi xen kẽ thành vòng tròn trên nền gạch bông, vẻ háo hức đối với nhóm khách lạ. Chúng tôi làm quen như giới thiệu tên, hỏi thăm nếp sinh hoạt, buôn bán hằng ngày......Khi món Hamburger, bánh tráng chiên, trái cây....được bày ra thì chương trình văn nghệ bỏ túi cũng bắt đầu.

Các em rất thích hát. Cả những bài hát có nhiều chất tình chết tình sầu cũng được trình diễn. Tôi xúc động, tay sờ vào máy ảnh trong túi áo gió mấy lần mà không dám mang ra. Tôi đã có kinh nghiệm, những bạn nhỏ này, lần đầu gặp gỡ mà chụp hình lia lịa là hỏng bét công việc, chủ nhà lại nghi ngờ........Có lẽ ai đó sẽ bảo tôi khùng khi tôi cầm quả dưa leo làm micro, bắt chước M.C trong các chương trình ca nhạc, giới thiệu từng em đứng lên hát. Có em đòi hát vọng cổ. Các em khác vỗ tay rần rần. Tôi hứng chí hát tặng các em bài "Mắt nai cha cha cha" vui nhộn. Tôi không nhớ mình đang làm công việc nhà báo hay tình nguyện viên xã hội, chỉ biết rằng các em hòa đồng rất nhanh, ham thích được vui chung......

Anh chị chủ nhà cho biết, có hơn 100 em thuê ở khu vực này mà có đến một nửa không biết chữ. Đa số quê ở Thanh Hoá, chính gia đình các em tín nhiệm, gửi gấm vào đây kiếm sống. Các em nữ bán báo, các em nam chọn công việc đánh giầy. Em nào không thích hai việc đó thì bán tạp hoá nhỏ, tức là đeo một cái dây, hai đầu dây gắn liền với cái rổ vuông bằng nilon, trong đó đựng những thứ như hộp quẹt, bóp dựng tiền, móc chìa khoá, bàn chải đánh răng, lược.....Có đến 20 loại vật dụng đựng trong cái rổ ấy. Sáu giờ sáng, các em tản mác đi nhiều nơi trong thành phố. Chiều trở về lác đác từ 15 đế 17 giờ. Tất cả phải theo những qui định của chủ nhà đề ra. Mỗi tháng một em để dành được khoảng 400.000 đồng sau khi trừ tiền ăn, ở, thuốc men.....Cứ ba tháng gửi về gia đình một lần.

Từ 5 giờ chiều trở đi, các em được xem tivi chung ở giữa nhà. Để tìm hiểu sở thích các em, tôi hứa sẽ cho tất cả đi Công viên nước Đầm Sen, xem ca nhạc, coi kịch.....Những khuôn mặt ngây thơ ấy nở những nụ cười phấn khởi. Anh chị chủ nhà khuyên tôi mỗi tuần nên mua báo Hoa Học Trò, Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ.....để các em biết chữ truyền tay nhau đọc, chúng đỡ buồn và mở mang kiến thức hơn.

Trời bắt đầu tối, chúng tôi tạm biệt các em. phía sau cánh cổng lớn, những nụ cười đơn sơ cố nhìn theo như để tiễn khách.

Chúng tôi đến khu vực Kỳ Đồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế để gặp các em khác. Ở quận 3, có khá nhiều điểm cho trẻ em lao động thuê mà chúng tôi đã biết; vì vào mùa mưa năm ngoái, nhóm theo chân các em để phát áo mưa nilon, Vitamin C, áo Pull.......Các em ở quận 3 chỉ bán vé số và đánh giầy. Giờ làm việc chia làm 2 ca rõ ràng: buổi sáng và chiều tối. Bán vé số thì không được nghỉ trưa, không có bữa ăn quây quần, cả ba bữa hoàn toàn ngoài đường phố. Vào mùa hè, có thêm một đợt các em ở quê đổ vào, đa số quê ở Quảng Nam, Đà Nẵng, tranh thủ kiếm tiền đến cuối tháng 8 lại trở về chuẩn bị đi học. Các em học lớp lớn đi bán mà có vẻ bẽn lẽn,e dè, có lẽ chất học sinh trong người các em còn đầy ắp nên có phần mặc cảm khi phải đi kiếm tiền......Các em đánh giầy ở hẻm Kỳ Đồng này rất thích ăn phở vào buổi tối. Có lúc không đủ tiền, chúng tôi vẫn đón lỏng các em. Mỗi em một ổ bánh mì và một bịch nước mía cũng đủ tạo thành một vòng tròn nhỏ ở vỉa hè để trò chuyện, tâm sự.

Các em nữ không có gì trăn trở về tương lai của mình. Cứ kiếm tiền, cơ hội đến thì lấy chồng rồi tiếp tục bươn trải với các nghề lao động, buôn bán nhỏ. Nhưng con trai lại tự vạch hướng đi rõ rệt. Bây giờ đánh giầy, khoảng từ 20 tuổi trở đi thì tìm cách chuyển qua nghề lao động phổ thổng như thợ hồ, sơn nước, chạy xe, làm mướn.....Có em 12 tuổi nói: " Con không thích làm mãi nghề này, người ta hay gọi là bụi đời lắm!"

Khi chúng tôi có ý đặt tủ sách nhỏ, tủ thuốc, tổ chức đội banh, cho tham quan giải trí..... thì những chủ nhà có thái độ khác nhau, nhưng tôi nghĩ, dù làm gì thì cũng đừng chạm đến quyền lợi riêng tư khi họ đang quản lý đám trẻ tha phương kia.

Ở thành phố Sài Gòn, những năm 1993,1994; nhóm chúng tôi từng đến khá nhiều tụ điểm như kể trên, nhưng ngày đó, điều kiện ăn ở của các em rất tồi tệ, thiếu thốn. Các em xanh xao, hay bệnh. Có em qua đời chỉ sau cơn cảm sốt.......đến nay, điều kiện sinh sống tương đối chấp nhận được. Dường như các em chỉ khao khát món ăn tinh thần.

Với kiến thức ngắn ngủi ở trường, được nối tiếp bằng những hiểu biết đời thường khi lăn lộn vào đời sớm, tôi nghĩ, lớp trẻ này có thể trở thành những công dân lương thiện bình thường. Nhưng thời điểm bây giờ đã qua mấy năm của thế kỷ 21, người ta không thể chỉ mong cho no bụng mà còn có những nhu cầu hội nhập với xã hội văn minh, đời sống tinh thần ở mức tối thiểu để được coi là......NGƯỜI. Đó là chưa kể vì thiếu hiểu biết mà nhiều thanh thiếu niên, công dân lao động nghèo đã sụp bẫy tệ nạn. Hoặc biết đâu, trong lớp người trẻ đó có những tài năng chưa được phát hiện, những năng khiếu văn, toán, nhạc, họa, doanh nghiệp......đành phải mai một vì cuộc sống.



Những bữa ăn hạnh phúc, những buổi sinh hoạt.......của nhóm chúng tôi chẳng làm cho các em này mập ra hay cao hơn một chút nào, nhưng sự gặp gỡ này sẽ phần nào làm dịu bớt chất bụi đời, cái vui, cái đẹp được ép sát với những mảnh đời hè phố. Cái xấu, cái ác vốn tiềm ẩn sẽ ít có cơ hội bộc phát.

Vun đắp cho những công dân lương thiện tương lai là trách nhiệm của những người có chức năng trong xã hội. Nhưng cũng là của những ai biết yêu thương nữa.