TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NĂM 1963

(tiếp theo)

Cố vấn Ngô đình Nhu có thể nói là nhân vật rất thâm cứu về Trung quốc nên muốn thương thảo với Cộng sản Hà nội nhằm thúc đẩy hai miền Việt Nam tránh khỏi một cuộc xung đột ý thức hệ ngu xuẩn chỉ có lợi cho Trung quốc (52 năm sau, điều này sắp trở thành sự thật ?). Từ năm 1962, chính phủ Kennedy đã ép Tổng thống Diệm phải nhận lính tác chiến Mỹ vào nước Việt Nam. Sự hiện diện của các lính viễn chinh làm Việt Nam mất chính nghĩa (cộng sản Hà nội đã tuyên truyền ‘Miền Nam đang bị đế quốc Mỹ chiếm đóng, chúng ta phải hy sinh để giải phóng’. Sự lường gạt có hiệu lực rất mạnh trên trên các thiếu niên như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân 1968. Trái lại, những người lính Mỹ, sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, bị buộc phải đi quân dịch và rời cha mẹ, bạn gái… để đến một nước xa dù chỉ để dạy Anh ngữ quân đội. Họ rất bất mãn.

Ông Ngô đình Diệm nhận và thi hành sứ vụ Thủ tướng và Tổng thống với tất cả khả năng đạo đức, thâm cứu lý thuyết cùng quan sát tại chổ và kinh nghiệm hành chánh địa phương các cấp của mình để phục vụ Tổ Quốc và Đồng bào. Nghĩa cử của vị Tổng thống từ chối để người lính quốc gia nỗ súng vào nhau vì mình, dù có bị kẻ giết mướn đâm và bắn mình chết (xem II./ A.-) cho thấy sự thương người, những đồng bào, dù bên kia chiến tuyến và tôn trọng đời sống con người. Người không muốn tung ra những trận đánh lớn để chiến tranh leo thang và thương vong gia tăng. Do đó, một vài Tướng Mỹ nghi Tổng thống Diệm là Việt cộng (!). Ông chủ trương : « Chính sách của chúng tôi là chính sách hòa bình. Nhưng không có gì có thể khiến chúng tôi đi chệch khỏi mục tiêu của chúng tôi là sự thống nhất đất nước, thống nhất trong tự do chứ không phải trong nô lệ. Vì dân tộc, chúng tôi sẽ đấu tranh hết sức mình cho sự thống nhất đất nước. Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hòa bình và dân chủ. Tuy nhiên nếu những cuộc bầu cử là một trong những nền tảng cơ bản của nền dân chủ thật sự thì chúng chỉ có ý nghĩa với điều kiện chúng hoàn toàn tự do. Hiện nay, thực tế phải đối mặt với chế độ áp bức Việt minh, chúng tôi nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc ».

D.- Địa vị Hoa kỳ trong tiến trình Hòa bình dự định.

Ngày 24.09.2015, chúng tôi hân hoan xem truyền hình trực tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô đọc diễn văn tại lưỡng viện Lập pháp Hoa kỳ đã khiến chúng tôi hình dung, cách nay hơn 58 năm, ngày 08.05.1957, Tổng thống Ngô đình Diệm cũng đứng tại diễn đàn này để phát biểu những lời cám ơn của chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa. Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đến thăm Hoa kỳ từ ngày 07.05.1957 do sự thành công trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt trong việc tái định cư thành công hơn 800 ngàn người tỵ nạn từ miền Bắc, đều được các báo uy tín hàng đầu của Mỹ coi là ‘phép lạ’. Theo Wikipedia, dọc theo đại lộ từ phi trường quốc gia Andrew vào thủ đô, khoảng 50.000 người, gồm rất đông người Việt, đứng hai bên vệ đường để vẫy tay chào ông Diệm. Trước các vị dân cử Lập pháp, đại diện toàn dân Hoa kỳ, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa nói :

« Tôi tự hào mang đến quý vị dân cử lỗi lạc Cộng hòa Hoa kỳ cao quý những lời chúc huynh đệ tốt đẹp nhất từ nhân dân Việt Nam. Tôi cũng mang đến đây sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của nhân dân Hoa Kỳ. Nhân dân chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng rất lớn lẫn ý nghĩa sâu sắc của sự trợ giúp này.

… trong truyền thống dân chủ Việt Nam, tôi đã có danh dự định rõ học thuyết này trong thông điệp đọc trước Quốc hội Lập hiến vào ngày 17.04.1956. Tôi xin mạn phép trích dẫn từ thông điệp ấy những đoạn ý nghĩa nhất, vì chúng tạo thành nền tảng Hiến pháp chúng tôi: ‘Trong hoàn cảnh những lực lượng trấn áp vật chất và chính trị quá mạnh thường xuyên đe dọa chúng tôi, chúng tôi cảm thấy, hơn các dân tộc khác, nhu cầu rất quan trọng đặt cuộc sống chính trị của mình trên một nền tảng vững chắc và thúc đẩy một cách rất chính xác những bước kế tiếp trong hành động mình theo những đường lối mà sẽ chắc chắn tạo ra mức độ tiến bộ dân chủ lớn nhất. (Vỗ tay.)

Điều này chỉ có thể là duy linh, đường lối ấy con người theo đuổi trong hiện thực mật thiết của họ cũng như trong cuộc sống cộng đồngỉ, trong nghề nghiệp cũng như trong sự theo đuổi tự do sự hoàn thiện trí tuệ, đạo đức, và tinh thần. Vì thế, chúng tôi khẳng định niềm tin của mình vào giá trị tuyệt đối của con người, nhân phẩm họ có trước xã hội và số phận của họ lớn hơn thời gian. (Vỗ tay.)

Chúng tôi khẳng định mục đích chính đáng duy nhất của nhà nước là bảo vệ quyền tồn tại, quyền phát triễn tự do cuộc sống trí tuệ, đạo đức và tinh thần căn bản của con người. Chúng ta khẳng định dân chủ không phải là hạnh phúc vật chất cũng không phải là quyền lực tối cao của thành viên. Dân chủ về cơ bản là một nỗ lực trường tồn nhằm tìm ra những phương tiện chính trị đúng để đảm bào cho tất cả mọi công dân quyền phát triễn tự do và quyền sáng kiến, trách nhiệm, và cuộc sống tinh thần cao nhất’. (Vỗ tay.)

Chúng tôi tin chắc rằng với những nguyên tắc chỉ đạo này như là chủ đề trọng tâm cho sự phát triển thể chế chính trị của mình, Việt Nam sẽ có thể tạo ra chế độ chính trị và kinh tế mà không phải là một hệ thống đóng kín nhưng là hệ thống mở, càng ngày càng mở rộng cho đến khi nào hệ thống đạt đến các phương diện tự do của con người. Việt Nam Cộng Hòa, nền cộng hòa non trẻ nhất Á châu, chẳng bao lâu nữa sẽ tròn hai tuổi. Nền cộng hòa chúng tôi sinh ra từ trong vô vàn đau khổ. Nền cộng hòa ấy đang can đảm đương đầu với cuộc cạnh tranh kinh tế với người cộng sản, cho dù hoàn cảnh khó khăn và nghiêm trọng, mà mỗi ngày lại càng trở nên phức tạp hơn. Việt Nam, tuy nhiên, có lý do chính đáng để tin tưởng và hy vọng. Nhân dân Việt Nam thông minh, tháo vát và can đảm. Họ cũng có thêm được sức mạnh nhờ sự giúp đỡ vật chất và tinh thần họ nhận được từ thế giới tự do, đặc biệt sự giúp đỡ từ nhân dân Mỹ. Trong hoàn cảnh căng thẳng quốc tế và áp lực cộng sản ở Đông Nam Á ngày càng gia tăng tôi không thể nào lập lại biết bao nhiêu lần cho đủ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam trước sự giúp đỡ của Mỹ và nhân dân Việt Nam ý thức rất cao về tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc, và số lượng của sự giúp đỡ này. Quả thực, chưa bao giờ lúc nào trong lịch sử những cuộc xung đột phát sinh giữa các dân tộc lại quan hệ cấp bách như thế đến nền văn minh như những cuộc xung đột ngày nay.

Chính qua những đóng góp kịp thời và đầy đủ cho sự kiến thiết cuộc sống kinh tế và kỹ thuật chúng tôi, nhờ đấy tạo ra mức sống cao hơn, thế giới tự do, dưới sự lãnh đạo của Hoa kỳ, đang khẳng định sự thành công của hệ thống hợp tác quốc tế mới. Hành động này đã góp phần bảo vệ Đông Nam Á và ngăn cản những nguyên liệu trong vùng này không rơi vào tay Cộng sản.

Dù nền kinh tế chúng tôi bị thiệt hại nặng nề do chiến tranh, tàn phá, và chủ nghĩa thực dân, nhưng bây giờ nhân dân Việt Nam đang tăng gia đóng góp vào quốc gia mình. Cách đây vài tháng Quốc hội Lập hiến đã bỏ phiếu thông qua nhiều thuế mới và cao hơn nhằm mang lại thu nhập cần thiết cho ngân sách quốc gia. Mới đây sắc lịnh quân dịch đã được ban hành và cách đây hai tháng chúng tôi đã đưa ra bản tuyên bố toàn diện về chính sách nhằm mục đích khích lệ đầu tư tư nhân từ nước ngoài. Chính trên bình diện đạo đức cao cả này chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ rộng rãi và quên mình mà chúng tôi đã nhận được từ nhân dân Hoa kỳ. Chính trên cũng bình diện này quyền lợi của Việt Nam hoàn toàn giống với quyền lợi của nhân dân thế giới tự do. (Đứng dậy và vỗ tay).

[Xin nhắc : Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Ngô đình Diệm đọc Thông điệp tại lưỡng viện Lập pháp đều được mời bởi Chủ tịch Viện Dân biểu. Đó là nguyên tắc chung áp dụng tại mọi nước. Trái lại, Tập cận Bình đã ‘đòi’ Quốc hội Việt cộng phải họp đàn để hắn dạy bảo ngày 06.11.2015. chúng ta nghĩ gì về ‘sự thật’ này ?].

Lời của vị Nguyên thủ Việt Nam Cộng hòa chứng minh là chính phủ và toàn dân Việt Nam luôn biết ơn chính phủ và toàn dân Hoa kỳ. Đồng thời, Việt Nam luôn cần sự viện trợ của Mỹ quốc. Tuy nhiên, vì tôn trọng ‘Quyền Dân Tộc Tự Quyết’ của một quốc gia độc lập, ông Ngô đình Diệm nhất quyết bảo vệ Chủ Quyền nước Việt Nam. Khôn ngoan hơn, Tổng thống Diệm đã bắt tay giao hảo với mọi quốc gia, những nước biết tôn trọng sự Độc lập của Việt Nam. Những tin tức cho biết : từ tháng 5/1963, Mỹ đã giảm viện trợ kinh tế cho Việt Nam thì nước Pháp đã tiếp viện thay vào đó. Năm 1975, chính phủ Nguyễn văn Thiệu và Trần thiện Khiêm, hai ‘Tướng CIA’ chủ mưu đảo chính ngày 01.11.1963, đã mất tinh thần ngay khi Quốc hội Mỹ cắt viện trợ 300 triệu mỹ kim trong tài khóa 1976.

Đ.- Vai trò nước Pháp trong tiến trình Hòa bình dự định.

Đắc cử Tổng thống tháng 5/1958, ông Charles De Gaulle, lưu tâm khẩn cấp về Hiến pháp đệ Ngũ Cộng hòa và chiến tranh Algérie, nên ủy thác Bộ Ngoại giao và những tổng trưởng liên hệ trực tiếp điều hành hồ sơ Đông Dương nhằm tái phục ảnh hưởng Pháp để cân bằng với sự hiện diện của Mỹ mỗi ngày một lớn. Do đó, sự giao hảo với Việt Nam Cộng hòa được gia tăng. Tháng 11/1959, Tổng trưởng Tài chính Antoine Pinay ký với Việt Nam Cộng hòa những Thoả hiệp về tài chính, kỹ thuật và văn hoá cũng như những tranh chấp về ruộng đất và tài chính được giải quyết tốt đẹp vẹn. Trong bức thư cám ơn Thủ tướng Michel Debré, ông Diệm gợi ý là về phần mình, Việt Nam sẵn sàng làm sâu rộng mối bang giao Pháp-Việt.

Sau đảo chính hụt ngày 11.11.1960, ông Ngô đình Nhu đã nói với Đại sứ Pháp Roger Lalouette là ‘Nếu nước Pháp muốn, giờ của Pháp đã điểm ở Việt Nam’. Sau đó, hàng hóa Pháp sản xuất được dễ dàng nhập cảng vào Việt Nam. Sau cuộc viếng thăm của Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson tháng 05/1961 tại Sài gòn khi ông này đề nghị Tổng thống Diệm phải chấp nhận quân tác chiến Mỹ vào Việt Nam, ông Diệm đã ngỏ ý với ông Lalouette là Việt Nam muốn ‘giảm sự chi phối của Mỹ bằng sự hiện diện của một cường quốc khác, ưu tiên là Pháp hay Pháp cùng Anh quốc’. Ngày 24.06.1961, Thủ tướng Michel Debré tiếp kiến ông Ngô đình Nhu, một người thấm nhuần văn hoá Pháp và có ảnh hưởng lớn trong chính quyền Việt Nam.

E.- Tiến trình Hòa bình dự định bắt đầu.

Sự giao thiệp thương thảo bí mật giữa ông Ngô đình Nhu với Cộng sản Hà nội nhằm thúc đẩy hai miền Nam-Bắc Việt Nam để tránh một cuộc xung đột ý thức hệ ngu xuẩn chỉ có lợi cho Trung quốc. Chúng dạy bọn cộng sản Vi ệt cứ giết nhau đến người Việt cuối cùng trong khi chúng hòa giải với Đài loan bằng cái bắt tay Tập cận Bình dành cho Mã anh Cửu tại Tân gia ba. Chúng không dám thực hiện trong nước vì sợ thật đông người Đài loan biểu tình chống. Tại Việt Nam, sự biểu tình vô cùng can đảm chống Tập cận Bình đến đây của vài trăm người thật đáng khâm phục, nhưng đa số đồng bào vô cảm, thế mà nhiều người Công Giáo tự hài lòng ‘mình làm theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô dạy’.

Để mở đầu cuộc thuơng thảo, Việt Nam Cộng hòa đồng ý viện trợ kinh tế bao gồm lúa gạo, sản phẩm gia dụng và y tế cho Cộng sản Hà nội nếu họ đồng ý tuyên bố đứng trung lập như Việt Nam Cộng hòa đồng tham gia khối ‘Các Nước Không Liên Kết’ do Ấn độ đứng đầu. Qua sự trao đổi thuơng mại với Miền Bắc, chính phủ Sài gòn cam kết sẽ cố gắng giúp đồng bào Miền Bắc thoát khỏi tình trạng đói kém do đang phải sống bằng hiện vật chu cấp mọi thứ bởi Bắc kinh, nhất là để đến cán bộ cộng sản không phải theo đường lối Đấu tố của Mao trạch Đông đã khiến 200 000 oan mạng bị giết chỉ trong vài năm. Họ lưỡng lự trước đề nghị yêu nước, thương đồng bào, nhưng thật táo bạo này của ông Nhu vì biết rõ những cam kết mà Việt Nam Cộng Hòa đưa ra rất thật lòng dựa trên sự ổn định phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam trong suốt gần chín năm sau hiệp nghị Geneva 1954.

1. Với sự tiếp tay và bảo đảm bởi các vị thuộc ngoại giao đoàn.

Tháng 9/1962, Hồ chí Minh nói với Chủ tịch Ủy hội Quốc tế Ấn độ là muốn bắt tay với Diệm được coi là một người ‘yêu nước theo kiểu ông ta’ (Il est, à sa manière, un patriote) . Phạm văn Đồng thì gợi ý là Đại diêản Pháp ở Hà nội Jean François de la Boissière nên viếng thăm Sài gòn và trong tương lai sẽ tiếp đón Roger Lalouette ở Hà nội. Tổng thống Diệm, khi bàn cãi với Đại sứ Pháp, cũng không dứt khoát gạt qua triển vọng một giải pháp hoà bình. Những người cầm quyền Việt Nam muốn Pháp đặt nhịp cầu đó, nhưng Á đông vụ Bộ Ngoại giao không muốn làm tăng thêm sự căng thẳng với chính quyền Mỹ với ông Diệm để buộc Việt Nam Cộng hòa phải hoàn toàn phục vụ những mục tiêu của Washington.

Đại sứ Roger Lalouette là một nhà ngoại giao lão luyện, rất rành về những vấn đề Việt Nam. Ông biết một hành động quá lộ liễu sẽ làm ông Diệm bị thay thế rất nhanh để nhường chỗ cho một chính phủ hoàn toàn theo đường lối của Washinton. Nên ông quyết định trao sứ vụ cho Đại sứ Mieczyslaw Maneli, Trưởng phái đoàn Ba lan trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến tại Việt Nam, với một kế hoạch ba giai đoạn cho Việt Nam : mở cuộc đối thoại giữa Hà nội và Sài gòn ; đặt những trao đổi kinh tế và văn hoá ; tổ chức những cuộc hội đàm về chính trị. Maneli quyết định chuyển tin ra Hà Nội nơi mà ông đi đi về về nhiều lần.

Đầu tháng 7/1963, ông cho biết khi gặp Thủ tướng Phạm văn Đồng và Bộ trưởng ngoại giao Xuân Thủy : « Tôi hỏi nên làm gì nếu Ngô đình Nhu mời tôi tới nói chuyện. Họ lập tức trả lời ‘nhận gặp và lắng nghe’. Tôi lại hỏi họ có muốn tôi nói gì. Họ trả lời ‘Tất cả những gì đồng chí biết về lập trường của chúng tôi trong sự trao đổi và hợp tác kinh tế và văn hóa. Một điều chắc chắc là Mỹ phải rút đi. Trên cơ sở chính trị ấy, chúng tôi có thể thương lượng bất cứ điều gì. Maneli hỏi thêm về khả năng một chính phủ liên hiệp ở miền Nam hay một hình thức liên bang Bắc Nam, ông Đồng trả lời ‘Trên cơ sở độc lập và chủ quyền của Việt Nam, mọi điều đều có thể thương lượng. Hiệp định Genève đã đặt ra nền tảng pháp lý và chính trị : không có căn cứ hay quân đội nước ngoài trên lãnh thổ đất nước chúng tôi. Như thế, chúng tôi có thể đi tới thoả thuận với bất luận người Việt Nam nào ». Miền Bắc sẵn sàng cung cấp than đá không đặt điều kiện nào với giá rẻ để đổi lấy gạo, thực phẩm và cao su, để đối phó với một cơn hạn hán trầm trọng, đồng thời, có thể thoát khỏi viện trợ từ Trung cộng.

Ngày 01.06.1963, Roger Lalouette thông báo cho Tổng thống Diệm những điều mật mà Maneli thâu thập được. Điện Élysée (Tổng thống phủ Pháp) cũng được thông báo về thành quả này và họ không tỏ dấu hiệu chống Lalouette tiếp tục làm chuyện đó. Ngày 25.08.1963, trong cuộc tiếp tân của Quyền Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Trương Công Cừu, các Đại sứ Lalouette (Pháp, d’Orlandi (Ý), Goburdhun (Ấn độ) và Đức Cha Salvatore Asta (Tòa Thánh) đã giới thiệu ông Maneli với ông Nhu. Ông Nhu vui vẻ mời ông Maneli thu xếp để gặp nhau riêng. Ngày hôm sau, văn phòng ông Nhu đã liên lạc và hẹn cuộc gặp vào sáng ngày 02.09.1963.

Sau cuộc gặp gỡ này tại dinh Độc Lập, ông Maneli cho biết ông Nhu đã nói, trong khoảng hai giờ, về chủ nghĩa cần lao nhân vị, chính sách ấp chiến lược, thành quả của Việt Nam Cộng hoà v.v… Còn về vấn đề hiệp thương giữa hai Miền, ông Nhu có ý như sau: « Tôi không chống lại việc đàm phán và hợp tác với miền Bắc, và như ông biết, nhiều nhà ngoại giao phương Tây đã đề nghị với tôi. Ngay trong những trận giao tranh tàn ác nhất, người Việt Nam cũng không quên ai là người Việt, ai là ngoại quốc. Nếu bắt đầu đối thoại trực tiếp, thì có thể tiến tới xích lại gần. Và Ủy hội quốc tế – cũng như bản thân ông – sẽ đóng vai trò tích cực ở đây… Trong tương lai gần, tôi không dự liệu điều gì dẫn tới nói chuyện trực tiếp, nhưng sớm muộn có thể sẽ hé ra khả năng… ». Như vậy ông Nhu chưa có một ý để đi xa hơn nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo cộng sản Hà nội.

Ngày 20.10.1963, khi tiếp đoàn Đại biểu Viện Kiểm soát Tối cao Liên xô, Hồ chí Minh tuyên bố: « Để hoà bình vãn hồi ở miền Nam Việt Nam hiện nay, chỉ có một cách là Đế quốc Mỹ phải rút khỏi nơi đây, vấn đề miền Nam Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự gỉai quyết, như hiệp định Giơnevơ đã quy định ».

2. Ông Ngô đình Nhu gặp ông Phạm Hùng.

Năm 2012, ông Cao xuân Vỹ, người đã tháp tùng ông Nhu bí mật gặp Phạm Hùng, cán bộ cao cấp cộng sản Hà nội, tại khu rừng Tánh linh (Bình tuy), đã kể : « Chúng tôi cùng đến Quận Tánh linh, nơi đây có một vùng do cộng quân kiểm soát. Khi đầu, tôi tưởng là đi săn cọp như mọi khi. Nhưng đến nơi, ông Nhu bảo chúng tôi ở ngoài, còn ông đi về phía trước độ vài trăm mét để gặp Phạm Hùng. Sau này, khi ông Vỹ hỏi, ông Nhu chỉ tiết lộ về Ấp Chiến Lược. Họ rất sợ chương trình này. Ai chủ trương và để làm gì? Ông Nhu trả lời: đó chỉ là một chủ trương của chính phủ nhằm bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, ngăn ngừa sự xâm nhập, phá phách của du kích các ông… Các ông bảo cán bộ đừng tìm cách đánh phá làng xã, thì chúng tôi sẽ bỏ luật 10/59 ».

(còn tiếp một lần)

Hà Minh Thảo