Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
“Thiên Chúa chỉ biết yêu thương chứ không hề kết án. Tình yêu thương chính là ‘điểm yếu’ của Ngài và là sự chiến thắng của chúng ta.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 29 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Khởi đi từ thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi giáo đoàn Rôma, Đức Thánh Cha diễn giải rằng: “Kitô hữu là những người chiến thắng vì nếu có ‘Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?’. Nếu Thiên Chúa cứu độ chúng ta, ai còn dám kết án chúng ta? Dường như sức mạnh của sự vinh thắng này là ân ban mà mỗi tín hữu nắm trong tay như một tài sản quý giá. Bởi thế, hầu như mỗi Kitô hữu đều có thể thốt lên: ‘Chiến thắng. Chúng ta đã toàn thắng. Chúng ta là những nhà vô địch.’ Tuy nhiên, sự chiến thắng này cũng mang một nghĩa khác. Chúng ta chiến thắng không phải vì chúng ta có thể chiếm hữu được sự chiến thắng nhưng bởi một lý do khác. Chính lý do khác ấy khiến chúng ta chiến thắng, hay ít là nếu chúng ta không muốn chối từ, chúng ta sẽ luôn luôn chiến thắng. Đây chính là điều mà thánh Phaolô tuyên bố: ‘Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta.’
Như vậy, ý nghĩa thứ hai: không phải là chúng ta toàn thắng trên kẻ thù hay trên tội lỗi nhưng là chúng ta được gắn chặt vào tình yêu của Thiên Chúa đến nỗi không một ai, không một sức mạnh nào và không điều gì có thể tách chúng ra ra khỏi tình yêu này. Thánh Phaolô đã nhìn thấy trong ân sủng của sự vinh thắng ấy một điều hết sức sâu xa: đó chính là hồng ân được tạo dựng lại, hồng ân được tái sinh trong Đức Giêsu Kitô. Như thế, thánh Phaolô đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu khôn tả.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Con người có thể chối từ ân ban vì thói hư danh, kiêu căng ngạo mạn hay vì tội lỗi của mình. Nhưng ân ban chính là tình yêu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không thể tách rời khỏi con người. Và đây chính là điều ‘không thể’ của Thiên Chúa. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa toàn năng, có thể làm được mọi sự. Nhưng ít là có một chuyện Ngài không làm được, đó là xa lìa, bỏ rơi chúng ta. Trong bài Tin Mừng, hình ảnh Đức Giêsu khóc thương cho thành Giê-ru-sa-lem giúp chúng ta hiểu hơn về tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã khóc. Ngài khóc thương thành Giê-ru-sa-lem và việc thương khóc này biểu lộ trọn vẹn sự ‘không thể’ của Thiên Chúa: Thiên Chúa không thể không yêu thương, Ngài không thể bỏ rơi chúng ta.”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Đức Giêsu khóc thương Giê-ru-sa-lem vì họ đã giết các ngôn sứ rao giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa ngỏ lời với thành Giê-ru-sa-lem và với mỗi người chúng ta: ‘Đã bao lần ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.’ Đây thực sự là một hình ảnh hết sức dịu dàng dễ thương: ‘Đã bao lần ta muốn trao cho các ngươi sự êm ái và tình yêu ngọt ngào của Ta, giống như gà mẹ ấp ủ đàn con, nhưng các ngươi đã từ chối.’ Khi hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, thánh Phaolô đã nói: ‘Tôi tin chắc rằng cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.’
Thiên Chúa không thể không yêu thương! Và đây là một sự bảo đảm chắc chắn cho chúng ta. Chúng ta có thể chối từ tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta có thể từ chối giống như người trộm lành chối từ tình yêu của Thiên Chúa cho đến tận những giây phút cuối đời. Nhưng trên thánh giá, Thiên Chúa vẫn kiên trì chờ đợi anh với một tình yêu thương tha thứ. Ngay cả một người có tội lỗi nhất, có ngạo mạn hay ăn nói phạm thượng nhất, Thiên Chúa vẫn yêu thương bằng một sự dịu dàng và nhân hậu của người cha. Tình yêu ấy giống như thánh Phao-lo đã xác tín, như Tin mừng đã thuật lại và như Đức Giêsu đã nói: ‘như gà mẹ ấp ủ đàn con’. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, là Tạo Hóa có thể làm được mọi sự nhưng Ngài lại khóc. Sự khóc thương của Đức Giêsu đối với thành Giê-ru-sa-lem, trong những giọt nước mắt ấy, chứa đựng tất cả tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa khóc thương chúng ta khi chúng ta lạc xa đường lối Ngài; Thiên Chúa khóc thương mỗi người chúng ta; Thiên Chúa khóc thương những kẻ tội lỗi đã làm ra bao nhiêu chuyện gian ác, xấu xa cho người khác…Đứng trước tất cả những điều ấy, Thiên Chúa không hề kết án nhưng Ngài chỉ khóc và chờ đợi. Ngài đã khóc vì yêu thương!”
2. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta như người cha thứ tha cho người con chứ không như quan tòa ân xá cho bị cáo
Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta như người cha ôm đứa con hoang đàng vào lòng, chứ không như một quan tòa ngất ngưởng trên cao ân xá cho một bị cáo đứng bên dưới. Chính vì thế, các linh mục cần biết hành xử như một người cha thương cảm và dự phần vào đời sống của đàn chiên do mình coi sóc, chứ không phải như một quan tòa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha sáng thứ Sáu 30 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô là lòng từ bi của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể nhân loại và cách thế Ngài đã sai Con Một của Ngài đến trong thế gian để “chữa lành, tái tạo và làm mới” nhân loại.
“Thật thú vị là trong dụ ngôn người con hoang đàng mà tất cả chúng ta đều biết, người cha – tức là hình ảnh của Thiên Chúa rộng lòng tha thứ - khi thấy đứa con trai của mình từ đằng xa thì ông chạnh lòng thương cảm. Lòng thương cảm của Thiên Chúa không phải là cảm giác thương hại, tuyệt nhiên không phải như thế”.
Đức Thánh Cha giải thích như sau:
“Tôi có thể cảm thấy thiệt là tội nghiệp trước cái chết của một con chó”, nhưng lòng từ bi của Thiên Chúa khác hoàn toàn, nó có nghĩa là “sự đồng cảm với vấn đề của người khác, đồng cảm với hoàn cảnh của người đó.”
“Chúa Giêsu chữa lành con người nhưng Ngài không phải là một thầy lang. Không phải như thế! Ngài chữa lành con người như là một dấu chỉ về lòng từ bi của Thiên Chúa, để cứu người đó, để mang những con chiên lạc về cùng một đàn chiên, để mang đồng tiền bị đánh rơi trở lại ví tiền của người phụ nữ. Thiên Chúa có lòng từ bi. Thiên Chúa yêu thương chúng ta như một người Cha. Ngài làm điều này với mỗi người chúng ta. Và khi Thiên Chúa tha thứ, Ngài tha thứ như một người Cha chứ không giống như một quan tòa, là người đọc to các phán quyết và nói rằng: ‘tha bổng vì thiếu bằng chứng’. Ngài tha thứ cho chúng ta từ bên trong trái tim của Ngài. Ngài tha thứ cho một người bởi vì Ngài yêu người đó.”
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng Chúa Giêsu đã được gửi đến thế gian để đem tin vui “để giải thoát những người bị áp bức” và “để tiến vào tâm hồn của mỗi người chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự dữ”
“Đây là những gì một linh mục thực hiện. Ngài cảm thấy đồng cảm với người khác và trở thành người dự phần trong cuộc sống của người dân vì ngài là một linh mục, như Chúa Giêsu là một linh mục. Đã bao nhiêu lần chúng ta đi xưng tội và chúng ta phê bình những linh mục không quan tâm đến những gì đang xảy ra với những người trong cộng đoàn của mình, không quan tâm gì đến họ. Ngài không phải là một linh mục tốt lành! Một linh mục tốt là một trong những người biết cảm thương”.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, một linh mục tốt phải là người dự phần vào tất cả các vấn đề của con người.
Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha lên tiếng ca ngợi Đức Hồng Y Javier Lozano Barragan. Đức Hồng Y có mặt trong Thánh Lễ để đồng tế với Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 60 năm linh mục.
Thay mặt cho Hội Thánh, Đức Thánh Cha ca ngợi công việc của Đức Hồng Y về những đóng góp to lớn ngài mang lại cho Giáo Hội trong vai trò chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ cho nhân viên y tế.
3. Lễ các đẳng linh hồn
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustinô viết, “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các Dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết đã được thiết lập.
Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng Dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện Dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.
Thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh”.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.
Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.
Ðể giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp “các thánh thông công”, Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...”.
Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết... Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng tư với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ sự chia lìa với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.
Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.
4. 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate
Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần hôm thứ Tư 28 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tạm gác loạt bài giáo lý về gia đình, để nói về Tuyên ngôn Nostra Aetate, nghĩa là “Thời đại chúng ta”, của Công đồng chung Vatican 2 về tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo không Kitô, nhân dịp kỷ niệm đúng 50 năm công bố tuyên ngôn này. Đức Thánh Cha nói:
“Trong các buổi tiếp kiến chung thường có những người hoặc nhóm thuộc các tôn giáo khác; nhưng hôm nay, sự hiện diện này thật là đặc biệt để cùng nhau kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra aetate của Công đồng chung Vatican 2 về quan hệ của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo ngoài Kitô. Đề tài này rất được Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 quan tâm: ngay từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào năm trước khi bế mạc Công Đồng, ngài đã thành lập Văn phòng về những người không Kitô, nay là Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn. Vì thế tôi bày tỏ lòng biết ơn và nồng nhiệt chào đón những người và các nhóm thuộc các tôn giáo khác, hôm nay đã muốn có mặt tại đây, đặc biệt là những người đến từ xa.
Công đồng chung Vatican 2 là một thời kỳ đặc biệt suy tư, đối thoại và cầu nguyện để đổi mới cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo về chính mình và thế giới. Đó là một sự đọc các dấu chỉ thời đại để nhắm đến một sự canh tân, theo hai chiều hướng trung thành: trung thành với truyền thống Giáo Hội và trung thành với lịch sử con người nam nữ thời nay. Thực vậy, Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong sự sáng tạo và trong lịch sử, Chúa đã nói qua các ngôn sứ và sau cùng trong Con của Ngài nhập thể làm người (Xc Dt 1,1), Chúa ngỏ lời với tâm trí mỗi người đang tìm kiếm chân lý và những con đường để thực thi chân lý.
Sứ điệp của Tuyên ngôn Nostra aetate vẫn luôn có tính chất thời sự. Chúng ta gợi lại đây vắn tắt vài điểm:
- Sự gia tăng lệ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc (Xc n.1);
- Sự tìm kiếm của con người một ý nghĩa cuộc sống, đau khổ, sự chết, những vấn nạn này luôn tháp tùng hành trình của chúng ta (Xc. n.1);
- Nguồn gốc chung và vận mạng chung của nhân loại (Xc. n.1);
- Đặc tính có một không hai của gia đình nhân loại (Xc n.1);
- Các tôn giáo như một sự tìm kiếm Thiên Chúa hoặc Đấng Tuyệt Đối, giữa lòng các chủng tộc và văn hóa khác nhau (Xc n.1);
- Cái nhìn từ ái và quan tâm của Giáo Hội về các tôn giáo: Giáo Hội không loại bỏ những gì là tốt đẹp và chân thực trong các tôn giáo ấy (Xc n.2);
- Với lòng quí mến, Giáo Hội nhìn tín đồ của mọi tôn giáo, đánh giá cao sự dấn thân tinh thần và luân lý của họ (Xc. n.3)
- Giáo Hội cởi mở đối thoại với tất cả mọi người, đồng thời trung thành với các chân lý mà Giáo Hội tin, bắt đầu từ chân lý theo đó ơn cứu độ được cống hiến cho tất cả mọi người có nguồn gốc nơi Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, và Chúa Thánh Linh đang hoạt động, như nguồn mạch an bình và yêu thương.
Tiếp tục bài huấn giáo, Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
“Có bao nhiêu biến cố, sáng kiến và các quan hệ chính thức hoặc cá nhân với các tôn giáo không Kitô trong 50 năm qua, và khó lòng nhắc đến tất cả nơi đây. Một biến cố đặc biệt ý nghĩa là cuộc gặp gỡ tại Assisi ngày 27-10 năm 1986. Cuộc gặp gỡ này do Thánh Gioan Phaolô 2 mong muốn và cổ võ, một năm trước ngày đó, tức là cách đây 30 năm, Người đã ngỏ lời với các bạn trẻ Hồi giáo ở thành phố Casablanca (Maroc) và cầu mong rằng tất cả những người tin nơi Thiên Chúa thăng tiến tình thân hữu và sự hiệp nhất giữa con người và các dân tộc (19-8-1985). Ngọn lửa được đốt lên ở Assisi, đã lan tỏa ra toàn thế giới và tạo thành một dấu chỉ hy vọng trường kỳ.
Chúng ta đặc biệt cảm tạ Thiên Chúa vì sự biến đổi thực sự trong 50 năm qua trong quan hệ giữa các tín hữu Kitô và Do thái. Sự dửng dưng và chống đối đã biến thành sự cộng tác và thiện cảm. Từ kẻ thù và xa lạ, chúng ta đã trở thành bạn hữu và anh chị em với nhau. Công đồng, qua tuyên ngôn Nostra aetate, đã vạch ra con đường: đồng ý tái khám phá các căn cội Do thái của Kitô giáo; chống lại mọi hình thức bài Do thái và lên án mọi thứ lăng mạ, kỳ thị và bách hại từ đó mà ra. Sự hiểu biết, tôn trọng và quí chuộng nhau trở thành con đường, nếu có giá trị đối với quan hệ với người Do thái, thì cũng có giá trị cho quan hệ đối với các tôn giáo khác. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người Hồi giáo, như Công Đồng nhắc nhớ, họ là “những người thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và lập hữu, từ bi và toàn năng, sáng tạo trời đất, và là Đấng nói với con người” (Nostra aetare, 5). Họ là con cháu tổ phụ Abraham, tôn kính Đức Giêsu như vị ngôn sứ, tôn kính Đức Mẹ Maria, chờ đợi ngày phán xét, và thực hành kinh nguyện, làm phúc và chay tịnh (Xc ibid.).
“Cuộc đối thoại mà chúng ta đang cần chỉ có thể là cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng, và như thế mới mang lại thành quả. Sự tôn trọng lẫn nhau là điều kiện, và đồng thời là mục đích của cuộc đối thoại liên tôn: tôn trọng quyền sống của người khác, quyền được toàn vẹn về thể lý, các quyền tự do cơ bản, nghĩa là tự do lương tâm, tự do tư tưởng, ngôn luận và tôn giáo.
Thế giới nhìn các tín hữu chúng ta, khuyên nhủ chúng ta cộng tác với nhau và những người nam nữ thiện chí, không tuyên xưng một tôn giáo nào, họ yêu cầu chúng ta những câu trả lời hữu hiệu về nhiều vấn đề: hòa bình, nghèo đói, lầm than đang đè nặng trên hằng triệu người, cuộc khủng hoảng môi trường, bạo lực, đặc biệt là bạo lực người ta phạm nhân danh tôn giáo, nạn tham ô, sa đọa luân lý, những cuộc khủng gia đình, kinh tế, tài chánh, nhất là khủng hoảng hy vọng. Các tín hữu chúng ta không có công thức cho những vấn đề đó, nhưng chúng ta có một nguồn lực rất lớn, đó là kinh nguyện, Kinh nguyện là kho tàng của chúng ta, từ đó chúng ta kín múc theo các truyền thống liên hệ, để xin những hồng ân mà nhân loại khao khát.
Vì bạo lực và khủng bố, có sự lan tràn một thái độ nghi kỵ hoặc thậm chí lên án cả các tôn giáo. Trong thực tế, mặc dù không có tôn giáo nào được miễn nhiễm khỏi nguy cơ có những sai trái duy căn hoặc cực đoan hoặc nơi các cá nhân và nhóm (Xc Diễn văn tại Quốc hội Mỹ 24-9-2015), nhưng cần nhìn các giá trị tích cực mà các tôn giáo đang sống và đề nghị, và các giá trị ấy là nguồn mạch hy vọng. Vấn đề ở đây là hướng cái nhìn lên cao để đi xa hơn. Cuộc đối thoại dựa trên sự tôn trọng tín thác có thể gieo những hạt giống sự thiện, nó sẽ nảy mầm thân hữu và cộng tác trong bao nhiêu lãnh vực, và nhất là trong việc phục vụ người nghèo, người bé mọn, người già, trong việc tiếp đón người di dân, trong sự quan tâm đến những người bị gạt bỏ. Chúng ta có thể đồng hành, chăm sóc nhau và thiên nhiên. Cùng nhau chúng ta có thể chúc tụng Đấng Tạo Hóa vì đã ban cho chúng ta mảnh vườn thế giới để vun trồng và giữ gìn như một công ích, và chúng ta có thể thực hiện những dự án chung để bài trừ nghèo đói và đảm bảo cho mỗi người nam nữ những điều kiện sống xứng đáng.
Năm Thánh Đặc biệt về lòng thương xót đang đến gần, đó là cơ hội thuận tiện để cùng nhau làm việc trong lãnh vực bác ái. Và trong lãnh vực này, điều đáng kể nhất chính là sự cảm thương, chúng ta có thể liên kết với bao nhiêu người không cảm thấy mình là tín hữu hoặc những người đang tìm kiếm Thiên Chúa và chân lý, những người đặt ở trung tâm khuôn mặt của người khác, đặc biệt khuôn mặt của người anh chị em túng thiếu. Nhưng lòng từ bi thương xót mà chúng ta được kêu gọi thi hành bao gồm toàn thể công trình sáng tạo, mà Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta canh giữ, và không phải để bóc lột khai thác, và càng không phải để phá hủy. Chúng ta phải luôn luôn quyết tam để lại một thế giới tốt đẹp như chúng ta đã thấy (Xc Thông điệp Laudato sì, 194). khởi hành từ môi trường chúng ta đang sống, từ những cử chỉ bé nhỏ trong đời sống thường nhật của chúng ta.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:
“Anh chị em thân mến, về tương lai cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là cầu nguyện. Nếu không có Chúa, không gì có thể; với Chúa, tất cả đều trở nên có thể! Ước gì kinh nguyện của chúng ta hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa, Đấng mong muốn rằng tất cả mọi người nhìn nhận nhau là anh chị em với nhau và sống với nhau như vậy, họp thành một đại gia đình nhân loại trong sự hòa hợp những khác biệt”.
5. Chúng ta đã được ‘đóng ấn’ của Cha trên trời
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 01-11, lễ các thánh nam nữ, với hàng chục ngàn khách hành hương; Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người chú ý cách đặc biệt đến các vị thánh ‘gần ngay bên cửa’. Họ là những người sống sát bên chúng ta và là những gương mẫu sống động để ta noi gương bắt chước. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi hòa bình ở Trung Phi khi một làn sóng bạo lực mới lại xảy ra giữa các sắc tộc và giữa các tôn giáo tại đây.
“Anh chị em thân mến, chào anh chị em và mừng lễ với anh chị em!
Trong phụng vụ ngày hôm nay, lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng ta cảm thấy cách đặc biệt sống động về thực tại mầu nhiệm các thánh thông công, một gia đình rộng lớn, được kết dệt nên từ tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội, bao gồm cả những người người đang còn lữ thứ hành hương trên thế trần và cả những ai – số này đông hơn – đã qua đời và đang tiến bước về Thiên Quốc. Tất cả chúng ta, tất cả, tất cả. Điều này được gọi là “mầu nhiệm các thánh thông công”, một cộng đoàn của tất cả những ai đã được rửa tội.
Phân tích bài trích sách Khải huyền trong Phụng Vụ lễ các thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha nói:
Bài trích sách Khải huyền gợi nhắc cho chúng ta một đặc tính thiết yếu của các thánh như sau: Họ là những người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Họ được mô tả là một đoàn người đông đảo đã được ‘tuyển chọn’, mình mặc áo trắng và trên trán được đóng ‘ấn của Thiên Chúa’ (Kh 7, 2-4.9-14). Ngang qua những chi tiết đặc biệt này và với ngôn ngữ loại suy, tác giả sách Khải huyền muốn nhấn mạnh rằng các thánh là những người thuộc về Thiên Chúa cách hoàn toàn và độc nhất. Họ thuộc quyền sở hữu và là gia sản của Thiên Chúa. Vậy dấu ấn của Thiên Chúa trên cuộc đời của một người hay trên chính người đó có nghĩa là gì? Thánh Gioan Tông đồ của giải thích: Điều ấy có ý nghĩa là trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta thực sự được trở nên con cái của Thiên Chúa (1 Ga 3, 1-3).
Nhưng chúng ta có ý thức về hồng ân lớn lao là được làm con cái của Thiên Chúa không? Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta có nhớ là đã được ‘đóng ấn’ của Cha trên trời và chúng ta trở thành con của Ngài không? Nói cách đơn giản, chúng ta được mang họ của Thiên Chúa. Tên họ của chúng ta là Thiên Chúa, vì chúng ta là con của Ngài. Chính điều này cho thấy gốc rễ của ơn gọi nên thánh. Các thánh chúng ta kính nhớ ngày hôm nay chính là những người đã sống trong ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy, đã gìn giữ hoàn toàn nguyên vẹn ‘dấu ấn’ khi biết hành xử và sống như con cái của Thiên Chúa, đồng thời cố gắng noi gương bắt chước Đức Giêsu; và bây giờ các ngài đã đi đến đích, vì cuối cùng ‘Thiên Chúa như thế nào, các ngài đã được chiêm ngưỡng Người như vậy.’
Đặc tính thứ hai, các thánh là những gương mẫu để chúng ta noi theo. Hãy cẩn thận, không chỉ những vị đã được phong thánh; nhưng các thánh còn là tất cả những người, với ơn Chúa giúp, đã cố gắng thực hành Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Trong số đó, có những người chẳng hề được phong thánh. Nhưng họ là những vị thánh ‘gần ngay bên cửa nhà’ chúng ta. Và trong số đó, có những người chúng ra đã gặp gỡ, có những người còn là thành viên trong gia đình của chúng ta, là bạn bè hoặc là những người ta quen biết. Chúng ta phải biết ơn họ, và trên hết chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã ban họ cho chúng ta, đã cho chúng ta có cơ hội được ở gần, được gặp gỡ như là những mẫu gương sống động, và chúng ta đã được thấm nhiễm bởi cách sống và cái chết của họ trong niềm tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô và vào Tin Mừng. Có bao nhiêu người tốt lành chúng ta biết trong cuộc đời mà khi gặp gỡ hay trò truyện, chúng ta đã thốt lên: ‘Ôi, người này quả thật là thánh.’Vâng! Chúng ta thốt ra điều ấy hết sức tự nhiên và bộc phát, vì quả thật, có những vị thánh sát bên chúng ta, sống gần gũi với chúng ta mà không nhất thiết phải được tuyên thánh.
Việc noi gương bắt chước những cử chỉ yêu thương và nhân ái của các vị thánh cũng giống như là để kéo dài mãi sự hiện diện của họ trên thế giới này. Và thật sự, những cử chỉ Tin Mừng ấy là thứ duy nhất để chống lại sự hủy diệt của cái chết: một hành động dễ thương, một sự giúp đỡ quảng đại, bỏ thời gian để ân cần lắng nghe, đi thăm viếng, một lời nói tốt lành, một nụ cười dễ mến…v.v. Trong mắt của chúng ta, những cử chỉ này dường như chẳng có gì quan trọng; nhưng trong mắt Thiên Chúa, chúng lại trường tồn, vĩnh cửu, vì tình yêu và lòng thương xót mạnh hơn sự chết.
Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các thánh, giúp chúng ta tin tưởng hơn vào ân sủng của Thiên Chúa để chúng ta bước đi với lòng nhiệt huyết trên con đường nên thánh. Chúng ta hãy phó thác nơi Mẹ những cố gắng dấn thân hằng ngày của chúng ta. Với Mẹ, chúng ta cũng cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời, trong niềm hy vọng một ngày kia tất cả chúng ta được gặp lại nhau trong sự hiệp thông vinh quang vĩnh cửu trên thiên quốc.”