Các nỗ lực phổ biến tài liệu của Thượng Hội Đồng năm 2015 có một đặc điểm nổi bật. Tòa Thánh chỉ cung cấp các bản tường trình của các nhóm nhỏ bằng chính ngôn ngữ của họ. Trong số các hãng tin Công Giáo, dường như chỉ có ZenitNews phổ biến các bản dịch tiếng Anh cho các bản tường trình của các nhóm nói tiếng Ý, tuyệt nhiên không cho phổ biến bản dịch tiếng Anh nào cho các bản tường trình của nhóm nói tiếng Đức. Dường như chỉ có hãng CNA cung cấp bản dịch tiếng Anh trọn bản tường trình phần hai của nhóm nói tiếng Đức mà chúng tôi đã dựa vào để chuyển qua tiếng Việt. Về phần thứ ba của Tài Liệu Làm Việc là phần gây nhiều tranh cãi và được mọi người lưu ý nhất, thì không thấy bản dịch tiếng Anh nào của bản tường trình của nhóm nói tiếng Đức cả. Duy tờ NCR có cho dịch sang tiếng Anh phần bản tường trình này nói về người ly dị và tái hôn.

Khi cho phổ biến như thế, NCR ngầm cho hiểu: các vị giáo phẩm Đức đề nghị cho một số người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ. Các vị này gợi ý rằng Giáo Hội có thể dùng điều gọi là “tòa trong” để cho phép một số người tái hôn được rước lễ trên căn bản tư riêng, từng trường hợp một sau khi đã được hướng dẫn, khuyên bảo và được các vị linh mục hay giám mục “cho phép”!

Điều gây ngạc nhiên hơn nữa là nhóm nói tiếng Đức, vốn gồm nhiều vị nổi tiếng có các quan điểm chống chọi nhau xưa nay, nhưng đối với đề xuất trên thì các vị đã hoàn toàn nhất trí. Ai cũng biết nhóm này ngoài Đức Hồng Y Walter Kasper, người đầu tiên đưa ra sáng kiến “con đường thống hối” cho người ly dị tái hôn, còn có Đức Hồng Y Gerhard Müller, bộ trưởng Thánh Bộ Tín Lý, người nổi tiếng bác bỏ con đường thống hối này. Bên cạnh vị sau còn có Đức Hồng Y Schonborn, học trò cưng của Đức Bênêđíctô XVI nữa và Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch. Vị trước là điều hợp viên và vị sau là tường trình viên của nhóm. Quả là chuyện lạ khó tin.

Thực ra đọc kỹ phần dịch sang tiếng Anh, không hẳn nhóm nói tiếng Đức minh nhiên nói như diễn dịch của NCR. Ta hãy đọc phần này:

Tường trình phần ba của nhóm nói tiếng Đức

Một sự kiện được nhiều người biết là trong cả hai khóa của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã có một cuộc tranh luận mạnh mẽ về vấn đề các người ly dị và tái hôn muốn tham dự vào đời sống Giáo Hội có được và được đến đâu lãnh nhận các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể dưới một số điều kiện.

Các cuộc tranh luận cho thấy: ở đây không hề có giải pháp đơn giản và tổng quát. Các giám mục chúng tôi đã trải nghiệm các căng thẳng liên quan tới vấn đề này cũng giống như phần đông các tín hữu của chúng tôi, những người mà các âu lo và hy vọng, các cảnh giác và chờ mong của họ đồng hành với chúng tôi suốt trong các buổi tham khảo của mình.

Các cuộc thảo luận rõ ràng cho thấy: một số minh xác và nghiên cứu sâu xa là điều cần thiết ngõ hầu đào sâu hơn nữa sự phức tạp của các vấn đề này dưới sự soi sáng của Tin Mừng, của giáo huấn Giáo Hội và với ơn biện phân.

Dĩ nhiên, chúng tôi có thể kể ra một số tiêu chuẩn giúp việc biện phân này. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác định tiêu chuẩn thứ nhất trong [tông huấn năm 1981 của ngài là] Familiaris Consortio, đoạn 84:

Các mục tử phải biết rằng, vì lợi ích của sự thật, các ngài buộc phải thi hành việc biện phân các hoàn cảnh một cách thận trọng. Thực vậy, có sự khác nhau giữa những người thành thực cố gắng muốn cứu cuộc hôn nhân thứ nhất của họ và bị bỏ rơi một cách bất công, và những người, qua lỗi lầm nặng nề của mình, đã hủy diệt một cuộc hôn nhân thành sự theo giáo luật. Sau cùng, có những người bước vào cuộc kết hợp thứ hai vì lợi ích dưỡng dục con cái, và những người, về phương diện chủ quan, đôi khi chắc chắn trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân trước và đã bị huỷ diệt một cách vô phương cứu chữa chưa bao giời thành sự cả.

Như thế, nhiệm vụ của một mục tử là đồng hành với người liên hệ trên đường hướng tới sự biện phân trên. Khi làm như thế, điều hữu ích là diễn tiến với nhau trong một cuộc xem xét lương tâm trung thực và thực hiện các bước suy gẫm và thống hối.

Do đó, người ly dị và tái hôn nên tự hỏi mình xem mình đã đối xử với con cái ra sao trong cuộc khủng hoảng hôn nhân của mình. Có các cố gắng để hòa giải không? Tình huống người bạn đời bị bỏ rơi ra sao? Cuộc kết hợp mới có những hậu quả nào đối với đại gia đình và cộng đồng tín hữu? Nó có điển hình gì đối với các thành viên trẻ hơn đang xem xét việc kết hôn?

Một sự suy gẫm trung thực có thể tăng cường niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót mà không ai đem các thất bại và nhu cầu của mình tới trước nhan Thiên Chúa mà lại bị từ khước.

Nhờ hoàn cảnh khách quan trong các cuộc nói chuyện với vị giải tội, con đường suy gẫm và thống hối như thế, trong tòa trong, có thể góp phần vào việc đào tạo lương tâm và soi sáng cho việc có thể cho phép lãnh nhận các bí tích.

Theo lời Thánh Phaolô, các lời áp dụng cho tất cả những ai tiến tới bàn tiệc của Chúa, thì mọi người phải xét mình: "Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này.Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình" (1 Cor. 11: 28-30).

Giống như với thủ tục trong hai phần đầu của Tài Liệu Làm Việc, thủ tục của phần ba cũng đã được xử lý trong tinh thần Thượng Hội Đồng rất tốt và được nhất trí chấp thuận.

Tinh thần thỏa hiệp

Bản tường trình có nhắc đến tòa trong. Ai cũng biết tòa ngoài xử lý các hành vi có thể chứng thực một cách công khai, thí dụ, người này kết hôn với người này người nọ vào ngày này ngày nọ, sau đó, họ ly dị ở phần đời, rồi tái hôn cũng ở phần đời. Tòa trong xử lý các vấn đề không thể chứng thực một cách công khai, thí dụ, ý định không muốn có con, tuy có thực nhưng chưa bao giờ được nói ra, các tội kín, các xác tín tư riêng không thể chứng thực theo luật. Các cuộc thảo luận trong bí tích giải tội là một hình thức của tòa trong.

Trong những năm gần đây, đã có những đề nghị cho phép các người Công Giáo lẽ ra không được rước lễ có thể làm thế dựa trên “các giải pháp tòa trong”.

Điểm chính của giải pháp tòa trong là: nếu một người tin chắc ở tòa trong rằng mình có đủ tư cách để rước lễ, dù việc này không thể chứng thực được ở tòa ngoài, thì họ nên được làm như thế. Tuy nhiên, giải pháp này gặp nhiều khó khăn và từng bị lạm dụng và do đó bị Đức Hồng Y Joseph Ratzinger phê phán(xem Bộ Tín Lý, Về Một Số Luận Bác đối với Việc Rước Lễ của Các Thành Phần Tín Hữu Ly Dị và Tái Hôn).

Câu hỏi ở đây là: các giám mục nói tiếng Đức có đề nghị giải pháp tòa trong cho người ly dị tái hôn không? Điều này không có gì rõ ràng. Chắc chắn các ngài không minh nhiên nói rằng “chúng tôi đề nghị cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ dựa trên giải pháp tòa trong”. Các ngài chỉ nói rằng nhờ hoàn cảnh khách quan của các cuộc đàm đạo với vị giải tội ở tòa trong, con đường suy gẫm và thống hối sẽ góp phần vào việc đào tạo lương tâm và soi sáng cho việc liệu có thể được lãnh các bí tích hay không mà thôi.

Bản văn của các ngài, vì thế, đọc lên giống như một thỏa hiệp. Thứ nhất, nói đến tòa trong và nói tới lương tâm vừa lòng cả phe của Đức Hồng Y Kasper lẫn phe của Đức Hồng Y Muller. Bản lề trong đề xuất của Đức Hồng Y Kasper nằm ở chỗ ấy. Ngoài ra, Đức Hồng Y Muller không thể phản đối được vì cả hai nguyên tắc này đều là chính thống trong Đạo Công Giáo.

Tính thỏa hiệp cũng thấy rất rõ ở việc nhắc tới lời cảnh cáo của Thánh Phaolô về việc xét mình trước khi tiến tới ăn Mình và uống Máu Thánh Chúa, kẻo rơi vào cảnh ăn và uống án phạt dành cho những người ăn Mình và uống Máu Thánh Chúa cách bất xứng. Lời cảnh báo này chắc chắn là của phe Đức Hồng Y Muller. Nhưng tuy không “hạp tai” phe của Đức Hồng Y Kasper, nhưng họ không thể chống đối vì rõ ràng đây là lời Thánh Kinh và đúng sự thật.

Điểm thỏa hiệp thứ ba, lần này nghiêng về phía Đức Hồng Y Kasper: các ngài trích dẫn số 84 của tông huấn Familiaris Consortio, nhưng cố tình chỉ trích một phần và không trích phần mà nếu đọc lên ai cũng biết là mâu thuẫn với đề xuất của Đức Hồng Y Walter Kasper.

Cố gắng hòa giải ngay trong nhóm nói tiếng Đức, một nhóm mài ai cũng biết có những thành viên “nặng ký” chống đối nhau kịch liệt suốt trong hai năm qua, để đạt được một đồng thuận phi thường như trên chắc chắn là một tin vui và sẽ được phản ảnh trong Bản Tường Trình của Thượng Hội Đồng .