Điều đáng lưu ý nhất nơi Đức Phanxicô là lúc ngài nói ứng khẩu. Bởi thế, trong bài nói chuyện về tự do tôn giáo tại Independence Hall, Philadelphia, lúc 5 giờ chiều thứ Bẩy, giờ địa phương, quả là thú vị, khi ngài rời bài diễn văn soạn sẵn để nói tới sự kiện mấy phút trước đó, ngài có thảo luận với một người về hoàn cầu hóa.

Ngài nói rằng, tự nó, hoàn cầu hóa không xấu nếu nó thống nhất mọi người nam nữ khắp thế giới mà vẫn tôn trọng bản sắc riêng của họ, những nét đặc thù riêng của họ, niềm tin của họ, các xác tín của họ. Và ngài đưa ra một hình ảnh hết sức gợi hình mà ngài gọi là hình ảnh hình học: trái cầu. Trên trái cầu mọi điểm đều cách đều tâm điểm, đều như nhau mà lại đều khác nhau vì vẫn là mình, vẫn khác với mọi điểm vô cùng khác.

Không còn ở đâu hay bằng ở nơi tuyên bố độc lập Hoa Kỳ để nói về tự do tôn giáo vốn là cốt lõi triết lý di dân của người Quaker, người đã lập ra "nơi sinh" của độc lập Hoa Kỳ, người được Đức Phanxicô nhắc đến trong bài diễn văn. Và cũng không còn ở đâu bằng ở Cung Độc Lập để nói tới một thứ hoàn cầu hóa nhằm thống nhất, bình đẳng hóa mọi người mà vẫn tôn trọng sự độc lập bản vị của họ, không đánh đồng bắt người khác quên bản sắc mình, buộc người khác phải theo những mô thức dị thường như trong bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc của ngài có nhắc tới. Nói tóm, là không có chính sách thực dân hóa ý thức hệ, một điều mà chính phủ Obama đang bị vạch mặt tố cáo khắp Phi Châu và khắp thế giới.