Arlington Catholic Herald, tháng 9, 2015: Các phóng viên báo chí và truyền hình rất thích những sự mâu thuẫn – vì đem lại cho họ đề tài hấp dẫn để thảo luận. Thăm dò của Viện Gallup cho hay mức độ Đức Thánh Cha Phanxicô được người Mỹ yêu chuộng năm nay là 59 phần trăm so với 76 phần trăm vào đầu năm 2014, và tỉ số những người được thăm dò không có ý kiến, tăng lên từ 16 đến 25 phần trăm. Giữa những người Công Giáo tỉ số những người mến chuộng ngài lại giảm từ 89 phần trăm năm 2014 xuống 71 phần trăm năm nay. Trong khi có thăm dò khác lại cho hay ngài được 72 phần trăm người Hoa kỳ và 95 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ mến chuộng.

Điều giới truyền thông không nói ra – nhưng những con số đã trình bầy – là Đức Thánh Cha Phanxicô hết sức được mọi người hâm mộ tại Hoa Kỳ.

Đúng là Đức Thánh Cha đã làm cho nhiều nhóm không ưa thích. Trong số này có những người hồ nghi về vấn đề thay đổi khí hậu, những người ủng hộ quyền lợi của nhóm đồng tính luyến ái, cho rằng ngài không bênh vực họ đầy đủ, và các nhóm xã hội bảo thủ lại cho rằng ngài đã làm quá nhiều cho quyền lợi của nhóm người này, rồi các nhóm chống đối việc mở mang quan hệ với Cuba, và còn có thể có các nhóm khác nữa.

Các phản ứng tiêu cực không có gì đáng ngạc nhiên, vì Đức Thánh Cha là một nhân vật nổi tiếng về những hành động phóng khoáng. Vào ngày trước khi ngài đến Hoa Kỳ, câu hỏi hiển nhiên là những sự mâu thuẫn nêu trên có ảnh hưởng gì đến sự thành công của chuyến tông du của ngài không? Câu trả lời là có lẽ không có gì đáng kể.

Đám người đón chào ngài sẽ rất đông và nồng nhiệt. Sẽ có những cử chỉ cảm động trước công chúng như việc viếng thăm khám đường tại Philadelphia, và một trung tâm Bác Ái Công Giáo tại Hoa Thịnh Đốn. Sẽ có những nghi thức đón tiếp long trọng khi ngài viếng thăm Toà Bạch Ốc, Quốc Hội và Toà Nhà Liên Hiệp Quốc.

Và tại trung tâm của những họat động này là nhân vật mặc trang phục trắng, thật hấp dẫn, một người đã chứng tỏ là một vị lãnh tụ trên hoàn cầu được dân chúng hâm mộ nhất từ xưa đến nay.

Ngài sẽ nói gì trong chuyến tông du này? Một vài chủ đề rất hiển nhiên: bảo vệ môi sinh, can thiệp khẩn cấp về tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu; bình an trên thế giới; giúp đỡ người nghèo khó và bị bỏ rơi bên lề xã hội, kể cả những người di cư tị nạn; những tệ trạng của chủ nghĩa tiêu thụ, và một nền văn hóa coi trọng kỹ thuật hơn là chăm lo cho con người; và nhu cầu bảo vệ và trân quý hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra, có lẽ Đức Thánh Cha cũng sẽ nói về việc gia tăng những áp bức đối với các Kitô hữu tại Miền Trung Đông, Á Châu và các nơi khác, và những sự đàn áp tế nhị hơn nhưng cũng chân thực hơn đang gia tăng ngay tại Hoa Kỳ. Người ta hy vọng Đức Thánh Cha cũng sẽ lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề này.

Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha đến Hoa Kỳ. Cũng như tại nhiều quốc gia khác, ngài có thể chia sẻ về hình ảnh lịch sử của Hoa Kỳ như một tiền đồn bảo vệ cho tự do tôn giáo, biết chấp nhận và bao dung đối với mọi thành phần khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, mầu da… Tuy nhiên song song với tự do tôn giáo và ý thức hài hoà đối với các giá trị và tín ngưỡng khác nhau, một tinh thần bất bao dung lại đang gia tăng tại Hoa Kỳ. Bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa trần thế, tinh thần này đối chọi với các tổ chức tôn giáo và các cá nhân với mục tiêu là ép họ phải ép mình tuân theo các chính sách công cộng và các thực hành phản nghịch đối với những giá trị và đức tin truyền thống.

Những lời lên tiếng mạnh mẽ của Đức Thánh Cha về vấn đề này sẽ không được một nhóm khác nữa hài lòng – đây là những những tín hữu thực sự trần thế hóa trong giới truyền thông Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dù cho điều này sẽ có thể làm cho Đức Thánh Cha Phanxicô bị mất điểm thêm trong lần thăm dò ý kiến của viện Gallup sắp tới đây, ngài cũng đáng nên làm.