Đức Hồng Y Pietro Parolin nói di cư sẽ là một trong những chủ đề quan trọng nhất được Đức Thánh Cha đưa ra trong chuyến viếng thăm Cuba và Hoa Kỳ từ 19 đến 28 tháng 9. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho Đài Truyền hình Vatican, Đức Hồng Y Parolin cũng xác nhận rằng, trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Mỹ và Liên Hợp Quốc, Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ khơi lại sự cần thiết phải chăm sóc môi sinh là trọng tâm của Thông điệp Laudato Si. Đức Hồng Y cũng bày tỏ hy vọng của ngài là việc phong thánh cho Chân Phước Junipero Serra, một nhà truyền giáo dòng Phanxicô người Tây Ban Nha, sẽ khuyến khích việc hội nhập vào Giáo Hội Hoa Kỳ của những người Công Giáo gốc Tây Ban Nha, là thành phần ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội tại Hoa Kỳ.

Liên quan đến tiến trình xích lại gần nhau giữa Havana và Washington, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại quan điểm của Tòa Thánh rằng chính sách cấm vận kinh tế chống Cuba của Hoa Kỳ cần phải được dỡ bỏ hoàn toàn. Đồng thời, ngài cũng cho biết các Giám Mục Cuba hy vọng rằng tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước có thể được đi kèm với “một sự cởi mở lớn hơn ở Cuba về tự do và nhân quyền.”

Theo chương trình, Đức Thánh Cha sẽ rời Rôma lúc 10 giờ 15 phút sáng thứ Bẩy 19 tháng 9, và sẽ đến phi trường thủ đô La Havana của Cuba vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày.

Sáng Chúa Nhật 20 tháng 9, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô Cuba. Ban chiều lúc 4 giờ ngài sẽ đến viếng thăm Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước cùng với Hội đồng Bộ trưởng tại Dinh Cách Mạng.

Ban chiều cùng ngày, lúc 5 giờ 15, ngài sẽ hát kinh chiều với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà Thờ Chính tòa La Havana. Lúc 6 giờ 30, ngài sẽ gặp gỡ và chào thăm giới trẻ tại Trung tâm Văn hóa linh mục Felix Varela.

Sáng thứ Hai, 21 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm giáo phận Holguín ở mạn đông Cuba cách thủ đô La Havana hơn 1 giờ bay. Tại đây vào lúc 10 giờ rưỡi ngài sẽ cử hành thánh lễ ở Quảng trường Cách Mạng. Ban chiều lúc 3 giờ 45, ngài chúc lành cho thành Holguin từ Đồi Thánh Giá (Loma de la Cruz), rồi đáp máy bay đến thành phố Santiago ở mạn cực nam Cuba. Tại đây, vào lúc 7 giờ tối, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám Mục Cuba tại đại chủng viện thánh Basil Cả, rồi cùng với các vị cầu nguyện tại Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, Bổn mạng của Cuba.

Theo Đức Hồng Y việc chọn Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng ở Cuba để gặp gỡ các Giám Mục nước này thay vì tại thủ đô La Havana là một điều “bình thường”, vì “sự tôn sùng Mẹ Maria mạnh mẽ của người dân Mỹ Latin và Cuba” tại đền thánh Đức Mẹ này.

Sáng thứ Ba, 22 tháng 9, vào lúc 8 giờ, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, trước khi gặp gỡ các gia đình tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Mông Triệu của tổng giáo phận Santiago, rồi ra phi trường lúc quá 12 giờ trưa để bay sang Hoa Kỳ.

Ngài sẽ đến căn cứ không quân Andrews ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào lúc 4 giờ chiều thứ Ba 22 tháng 9 và tại đây sẽ diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết di cư sẽ là một trong những chủ đề chính trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hoa Kỳ. Đức Hồng Y nói hy vọng tha thiết của ngài là cuộc gặp gỡ này giữa Đức Giáo Hoàng, là người mang nặng vấn đề này trong trái tim của mình; và Hoa Kỳ, là một quốc gia đã trải qua nhiều làn sóng người di cư đổ bộ lên bờ biển mình “có thể cung cấp một số hướng dẫn” để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn đang tiếp diễn.

Theo dự trù, lúc 9 giờ 15 sáng thứ Tư 23 tháng 9, sẽ có nghi thức chào đón Đức Thánh Cha tại Tòa Bạch Cung nơi Đức Thánh Cha sẽ hội kiến với tổng thống Mỹ. Sau đó lúc 11 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha sẽ gặp các Giám Mục Mỹ tại Nhà thờ chính tòa Hoa Thịnh Đốn.

Ban chiều cùng ngày, vào lúc 4 giờ 15, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn để tôn phong lên bậc hiển thánh cho chân phước Junipero Serra.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mô tả vị tân thánh Junipero Serra, một nhà truyền giáo dòng Phanxicô người Tây Ban Nha, như là cha đẻ của Hoa Kỳ. Ngài hy vọng rằng biến cố tuyên thánh này là một lời kêu gọi người Hoa Kỳ tái khám phá lịch sử Tây Ban Nha và Công Giáo. Đức Hồng Y cũng nói thêm là thông điệp chính của lễ tuyên thánh này là sự khuyến khích hội nhập vào Giáo Hội Hoa Kỳ một “thành phần gốc Tây Ban Nha ngày càng quan trọng và liên quan” tại Mỹ.

Sáng thứ Năm 24 tháng 9 vào lúc 9 giờ 20, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm và đọc diễn văn tại Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, rồi thăm Trung tâm bác ái của giáo xứ thánh Patrick cũng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào lúc 11 giờ 15, nơi ngài sẽ gặp gỡ những người vô gia cư.

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đi New York và đến phi trường Kennedy 1 giờ sau đó. Lúc 6 giờ 45, Đức Thánh Cha sẽ hát kinh chiều với hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ tại Nhà thờ chính tòa Thánh Patrick của tổng giáo phận New York.

Sáng thứ Sáu, 25 tháng 9, vào lúc 8 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm và đọc diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, rồi dự cuộc gặp gỡ liên tôn lúc 11 giờ rưỡi tại nơi tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tháp đôi, gọi là Ground Zero ở New York.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết trong hai bài phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ và tại Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha sẽ nhắc lại những trọng điểm trong việc bảo vệ ngôi nhà chung là trái đất chúng ta như đã được nêu trong thông điệp Laudato Si của ngài. Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha sẽ mở rộng ra ngoài các vấn đề về biến đổi khí hậu và môi sinh để bao trùm cả một “hệ sinh thái tích hợp” trong đó xem xét bản chất siêu việt của con người với các quyền cơ bản, “đặc biệt là các quyền sống và quyền tự do tôn giáo.”

Khi được hỏi về những lời chỉ trích đã được một số người đưa ra tại Mỹ cho rằng các thông điệp của Đức Thánh Cha gần đây, đặc biệt là thông điệp Laudeto Sí, đã tấn công quá mạnh mẽ vào hệ thống tư bản chủ nghĩa, Đức Hồng Y Parolin nói rằng ngài tin rằng Đức Thánh Cha sẽ mời tất cả mọi người suy nghĩ về những thực tại rõ ràng rằng “mọi thứ không đi đúng hướng” và do đó cần phải tìm cách giải quyết. “Chúng ta cần một sự thay đổi,” ngài nói.

Sau khi tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại tòa tháp đôi ở New York, lúc 4 giờ chiều ngày thứ Sáu, 25 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trường “Đức Mẹ các thiên thần” và gặp các trẻ em, các gia đình di dân ở khu phố nghèo Harlem. Sau đó lúc 6 giờ, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Công viên Madison ở New York.

Sáng thứ Bẩy 26 tháng 9, lúc 8 giờ 40, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đi Philadelphia nơi diễn ra Đại hội kỳ 8 các gia đình Công Giáo thế giới.

Tại nhà thờ chính tòa thánh Phêrô và Phaolô của giáo phận Philadelphia vào lúc 10 giờ rưỡi, ngài sẽ cử hành thánh lễ với các Giám Mục, giáo sĩ trước sự tham dự của các tu sĩ nam nữ.

Ban chiều, vào lúc 4 giờ 45, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ về tự do tôn giáo với cộng đoàn tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, và những người nhập cư tại Công viên Independence Mall, sau đó ngài chủ sự lễ hội gia đình vào lúc 7 giờ rưỡi tối tại khu vực đại lộ Benjamin Franklin Parkway cũng ở Philadelphia.

Sáng Chúa Nhật 27 tháng 9 là ngày chót trong chuyến viếng thăm 9 ngày, tại Đại chủng viện thánh Carlo Borromeom, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám Mục khách đến dự Đại Hội các gia đình, rồi viếng thăm các tù nhân vào lúc 11 giờ tại Trung tâm cải huấn Curran-Fromhold ở Philadelphia.

Sau đó vào ban chiều, lúc 4 giờ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội kỳ 8 các gia đình Công Giáo thế giới, cũng tại khu Đại lộ Benjamin Franklin.

Với câu hỏi cuối cùng được đặt ra cho Đức Hồng Y Parolin liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với các gia đình từ khắp nơi trên thế giới tại thành phố Philadelphia, Đức Hồng Y nhận xét rằng đó là cơ hội cuối cùng để lắng nghe các gia đình trước thềm Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình diễn ra tại Vatican đúng một tuần sau đó, cụ thể là từ 4 đến 25 tháng 10. Ngài hy vọng những gì nổi lên từ cuộc họp này sẽ cho thấy vẻ đẹp của gia đình và sự giúp đỡ mà Tin Mừng có thể mang đến cho các gia đình. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lạc quan hy vọng rằng cuộc gặp gỡ các gia đình tại Philadelphia sẽ mang đến cho toàn thể Giáo Hội “một nhiệt tình mới” và một mong muốn để công bố Tin Mừng của gia đình, đồng thời “giúp đỡ cho các gia đình đang trải qua những khó khăn trong cuộc sống, trong việc theo đuổi những lý tưởng của Tin Mừng một cách viên mãn, với ý thức rằng Tin Mừng là nguồn mạch của niềm vui, bình an và hạnh phúc cho tất cả.”