Hơn một năm trước đây, ngày 27/7/2014, Đức Tổng Giám Mục Canterbury, vị đứng đầu của Anh Giáo, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô để xin Ngài đừng vì việc Giáo Hội Anh Giáo chấp thuận tấn phong Giám Mục cho phụ nữ mà tiến trình hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh Giáo bị trệch ra khỏi chương trình hiệp nhất.

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby thừa nhận rằng việc Giáo Hội Anh Giáo bỏ phiếu chấp thuận cho phụ nữ làm Giám Mục đã gây thêm trở ngại cho con đường hiệp nhất vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Nhưng, ngài nhấn mạnh rằng, tuy có những dị biệt, những điểm chung giữa hai bên vẫn nhiều hơn.

Một trong những điểm chung ấy là lập trường quyết liệt chống lại an tử và trợ tử. Thật vậy, Anh quốc là một trong số những quốc gia nơi cho đến nay những cố gắng hợp pháp hóa trợ tử đều thất bại. Trong những ngày này, Giáo Hội Công Giáo và Anh Giáo tại nước này đang chống trả mạnh mẽ một cố gắng mới nhằm hợp pháp hoá việc trợ tử tại Hạ Viện Anh.

Linh mục Brendan McCarthy, một cố vấn về y đức cho Giáo Hội Anh, nói cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện nhằm hợp pháp hoá việc trợ tử là một đề xuất "ngây thơ đầy tội lỗi" và "chắc chắn" sẽ đưa những người cao niên dễ bị tổn thương đến nguy cơ chết êm dịu không tự nguyện.

Tuy nhiên, tuần qua, Lord Carey, cựu Tổng giám mục Canterbury, đã gây sửng sốt cho hàng lãnh đạo của Giáo Hội Anh khi nói rằng việc bác sĩ hỗ trợ tự tử có thể là "một điều phù hợp sâu sắc tinh thần Kitô giáo và hoàn toàn hợp đạo đức."

Lord Carey, người từng là lãnh đạo khối hiệp thông Anh giáo toàn thế giới từ năm 1991 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2002, nói rằng ông vững tin là người ta có thể đề ra những biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng an tử hợp pháp hóa để buộc những người già phải chết. Tuy nhiên, Lord Carey không đưa ra được những cơ sở cho tin tưởng này của ông.

Trong thực tế, gần 2% trong số những người chết mỗi năm ở Bỉ đã bị giết thông qua chiêu bài trợ tử mà không có sự yêu cầu hay sự đồng ý của họ. Một nghiên cứu mới vừa công bố như trên tờ Journal of Medical Ethics, nghĩa là Tạp chí về Y Đức.

Bỉ đã đi tiên phong trong việc cho phép bác sĩ trợ giúp tự tử, và mở rộng việc thực hành này đến mức cho phép các bác sĩ tự quyết định gây tử vong cho những bệnh nhân mà họ đánh giá là không thể đưa ra quyết định cho chính mình.

Quốc hội Bỉ hợp pháp hóa an tử ngày 28 tháng năm 2002. Đã có khoảng 1,400 trường hợp an tử mỗi năm kể từ khi luật này được đưa ra, và một kỷ lục lên tới 1,807 trường hợp được ghi nhận vào năm 2013.

Tháng 12 năm 2013, Thượng viện Bỉ bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng luật an tử của mình cho cả trẻ em bị bệnh nan y.

Năm 2007, một nghiên cứu cho thấy, 1.8% các ca tử vong liên quan đến an tử tại Bỉ không hề có yêu cầu hoặc sự đồng ý của bệnh nhân. Năm 2013 con số này là 1.7%.