Cảm nghiệm về chuyến hành hương Âu Châu

Hôm nay là Thứ Sáu, 12 tháng 6 năm 2015, tôi đã về tới Toronto - Canada bình an và đang ngồi viết một chút suy tư về chuyến hành hương vừa qua tại các nước Âu Châu. Sở dĩ tôi phải xác định rõ thời gian và không gian hiện tại là vì trong gần 3 tuần lễ qua, không ngày nào là chúng tôi không phải hỏi nhau: Hôm nay thứ mấy, mấy tây, bây giờ là mấy giờ, bên Toronto là mấy giờ, mình đang ở đâu, ngày mai sẽ đi đâu ... Chúng tôi lơ mơ như ở trên cung trăng, lúc nào cũng vội vã sắp xếp hành lý, hối hả đi, tất bật mua sắm, nói cười liên tục và cũng đọc kinh cầu nguyện liên lỉ. Mới đây thôi mà tôi đã quên bớt mình đi đâu, chỗ nào ra sao rồi, nếu không ghi lại những tâm tình, nơi chốn vừa đi qua có lẽ tôi sẽ quên hết. Như các Cha hướng dẫn thường xuyên nhắc nhở, chúng ta đang đi hành hương cầu nguyện, đi du lịch chỉ là phụ thêm, nên bài chia sẻ này không chú trọng nhiều vào các danh lam thắng cảnh - hơn nữa tôi không giỏi về địa lý - mà chỉ xin viết một chút kỷ niệm về những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi vừa qua.

Nhóm chúng tôi gồm 41 người do hai Linh Mục tại Toronto là Cha Giuse Trần Tập và Cha Giuse Phạm Hồng Chương hướng dẫn đã đi thăm viếng một số địa điểm và đền thánh tại Rome, Vatican, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima và nhiều đền thờ, thánh tích ở các nước Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Monaco ... Riêng hai vợ chồng chúng tôi ít khi đi du lịch. Sau lần tới Do Thái thăm Đất Thánh Giêrusalem - nơi Chúa Giêsu sinh ra và chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá - vào năm 2008, đây là lần thứ hai chúng tôi được đi hành hương xa, nên các địa điểm này đều mới mẻ lạ lẫm với chúng tôi. Cảm giác yêu thương cùng với tâm tình tạ ơn đã làm chúng tôi lâng lâng như đang trên đường về miền Đất Hứa.

Rời Toronto ngày 26 tháng 5, 2015 chúng tôi đi máy bay tới nước Ý. Ý Đại Lợi mà tôi biết tới ngày xưa là những mẫu chuyện trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng do Hà Mai Anh dịch của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, dạy chúng tôi về tình gia đình, nghĩa thầy trò, tinh thần yêu nước mà tới bây giờ nhiều chuyện tôi vẫn còn nhớ. Hôm nay tôi mới thật sự được đặt chân trên đất nước này, vùng đất của những huyền thoại, của vẻ đẹp kiến trúc, văn hóa vang danh một thời. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến viếng là đền Thánh Phêrô.

Năm 1626 - sau 120 năm xây dựng - đền thờ mới được khánh thành với 187 mét chiều dài và 45 m chiều cao với sức chứa trên 60 ngàn người. Đền Thánh Phêrô là nơi có nhiều tác phẩm nghệ thuật như của Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni, Bernini và Giotto... Đền Thánh cũng là nơi những ngôi mộ đẹp đẽ của các nhân vật Vatican quan trọng, từ Thánh Phêrô cho tới Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được chôn cất. Tiếc là chúng tôi không ở Roma vào thứ Tư, nên không được tham dự Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành. Nghe nói các cặp mới lấy nhau, có thể mặc đồ cưới và mang theo giấy chứng minh để được chính Đức Giáo Hoàng ban phép lành Hôn Nhân trong thứ Tư hàng tuần. Hơn ba mươi năm trước chúng tôi không biết vụ này, hơn nữa cũng chưa có tiền đi Roma, nên không có cơ hội được nhận phép lành đặc biệt này! Từ Roma, chỉ một bước chân là đã sang lãnh thổ Vatican - quốc gia bé nhỏ nhất thế giới. Được biết Vatican sử dụng đồng Euro nhưng cũng phát hành đồng tiền xu riêng được giới sưu tầm ưa chuộng. Ở Vatican giá xăng thấp hơn ở Ý 30% do không bị đánh thuế, tuy nhiên chỉ bán cho cư dân hoặc người có giấy phép làm việc tại Tòa Thánh. Đường xe lửa Vatican nối với Roma dài chỉ 852 mét. Ngân hàng Vatican có tên Istituto per le Opere di Religione, là nơi duy nhất trên thế giới có máy ATM rút tiền dùng tiếng Latin.

Điều thú vị là quảng trường Thánh Phêrô có hình dáng một lỗ khóa nếu nhìn từ trên cao, thiết kế này bắt nguồn từ Kinh Thánh về việc Chúa Giêsu trao chìa khóa nước Trời cho Thánh Phêrô. Chúng tôi cũng thấy thật có phúc khi được đứng trước Cánh Cửa Thánh (Holy Door) chỉ được mở 25 năm một lần vào dịp Năm Thánh Jubilee, hoặc những Năm Thánh đặc biệt. Cùng với đoàn người đông đảo từ khắp thế giới đến thăm đền Thánh, lòng chúng tôi rộn ràng với câu hát: "Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời, cùng với lớp sóng người hành hương về nhà Chúa ..."

Sau đó chúng tôi được hướng dẫn tới Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, tức là Santa Maria Maggiore.

Theo truyền thuyết, Mẹ Maria đã hiện ra với Đức Giáo Hoàng Liberius và truyền cho ngài xây một đền thờ kính Đức Mẹ tại nơi này. Nhà thờ cũng được biết tới với sự kiện đặc biệt vào ngày mùa hè nóng nực đã có tuyết từ trời cao đổ xuống, nên còn được gọi là Đền thờ kính Đức Mẹ Xuống Tuyết.

Trong nhà thờ có những khung hình vuông bằng vàng rực rỡ. Đây là quà của vua và hoàng hậu Tây Ban Nha mang từ châu Mỹ Latin về tặng cho Đức Giáo Hoàng Alexander VI. Trên các cây cột chính chung quanh đền thờ có 36 bức tranh dát kiểu Mosaic rất công phu làm từ thế kỷ thứ V, diễn tả đời sống của tổ phụ Môisen, Abraham, Isaac và Giacóp.

Tháng 7, 2013 Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến viếng Santa Maria Maggiore này để cầu nguyện cho chuyến tông du ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Tây.

Chúng tôi cũng được tận mắt xem bức hình Santa Maria ad Praesepe - Đức Mẹ Hang Đá - mà khung hình là mảnh gỗ của chiếc máng cỏ Chúa Giêsu nằm lúc sinh ra ở Belem, được giữ gìn như di tích vật thánh. Cũng có bức tranh với khung gỗ lấy từ bàn tiệc ly nơi Chúa Giêsu ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ.

Nhóm chúng tôi ăn mặc rất chỉnh tề để dự lễ và viếng đền thờ, riêng các du khách nếu trang phục hở hang, quần áo in hình ảnh thiếu trang nhã hay đeo quá nhiều vòng vàng diêm dúa có thể bị từ chối cho vào đền Thánh.

Roma là thành phố có nhiều đài phun nước nổi tiếng thế giới, như Trevi Fountain, nằm ngay ngã ba của ba con đường, nên có tên Trevi.

Một điều tiếc nữa là nhóm chúng tôi không được tham quan Sistine Chapel, nơi có những bức tranh trang trí trên trần nhà nổi tiếng của Michelanglo như bức Creation, cũng như những hình ảnh đặc biệt trong Kinh Thánh khác.

Rời khỏi Tòa Thánh Vatican sau thánh lễ riêng của nhóm hành hương với bài giảng đầy ý nghĩa, chúng tôi tới Colosseum. Đấu trường này được xây dựng khoảng năm 70 sau Công nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian, được sử dụng cho các cuộc giao đấu, trình diễn đẫm máu và man rợ, với sức chứa lên đến 50 ngàn khán giả. Nhiều vị thánh Tử Đạo cũng từng bị xử tử cách đau đớn cho đức tin tại nơi đây. Tôi bỗng xấu hổ vì mình quá yếu đức tin, quá sợ hãi chịu thử thách roi đòn. Cũng may Chúa biết tôi yếu đuối nên không cho tôi vác thánh giá nặng. Dù ngày nay bị hư hại nhiều, Colosseum vẫn được xem là một trong những cấu trúc La Mã cổ xưa và độc đáo còn sót lại. Hằng năm vào thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng vẫn có cuộc diễn hành cầm đuốc đến Colosseum. Đặc biệt các tòa nhà khu vực Roma đều mang màu vàng ố, vì bị bụi cát từ châu Phi thổi qua bao bọc.

Thật vui chúng tôi gặp lại Linh Mục Giuse Nguyễn Cao Phong đang học thêm tại Roma. Cha Phong là em họ của anh Duy, Cha đã qua Toronto đồng tế lễ cưới cho con trai chúng tôi năm ngoái. Cha Phong dắt chúng tôi đi bộ thăm Termini, tức là trạm xe điện ngầm & xe buýt tại Ý với kỹ thuật tân tiến. Hôm sau chúng tôi lại được gặp Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải dòng Chúa Cứu Thế, Cha đang theo học chương trình Tiến sĩ tại Roma từ 5 năm nay. Cha và chúng tôi đã làm việc với nhau trong các buổi nói chuyện về tình hình tại quê nhà. Chúng tôi cũng có dịp góp tay vào việc tổ chức giúp các tù nhân lương tâm và ủng hộ các phong trào Dân chủ tại Việt Nam, nên rất thân thiết. Buổi tối Cha đưa một số anh chị em trong nhóm đi thăm phố cổ của Ý, nơi kiến trúc thật đẹp với các gian hàng chưng bày quần áo, giày dép rất mắc tiền, có lẽ chỉ người rất giàu mới mua nổi. Về lại khách sạn, Cha và hai chúng tôi hầu như không ngủ. Mặc dù khá mệt và mắt cứ ríu lại, chúng tôi vẫn ngồi với nhau đến hơn 2 giờ sáng, trao đổi, tâm sự hết việc nọ đến việc kia. Chúng tôi cũng được Cha hướng dẫn các việc cụ thể nên làm để góp phần cho việc chung. Nghe Cha tâm sự, thấu hiểu nỗi lòng và các khó khăn của đất nước & Giáo Hội qua cái nhìn của ngài, chúng tôi thương mến và kính phục Cha hơn bao giờ. Ước gì đất nước có thêm nhiều vị Ngôn sứ có tài đức và tấm lòng như cha Khải.

Chúng tôi cũng được đến viếng Hang Toại Đạo (Catacombs) tại Roma - chứng tích của đức tin - khi người theo Chúa thời hoàng đế Néro (khoảng năm 54-68) bị cấm đạo. Họ phải chui xuống các hang dùng để chôn người chết này để sống và lén lút đọc kinh cầu nguyện, dâng Lễ ... Ban đêm, họ bò về nhà tìm cách sinh nhai, sáng sớm lại chui xuống hang. May mắn là thời đó tại Roma có luật nghĩa trang bất khả xâm phạm, lính tráng không được phép xuống lục soát dù nghi ngờ nên những tín hữu này đã thoát cảnh bắt bớ giam cầm. Có nhiều hang toại đạo nhưng cái mà chúng tôi xem dài khoảng 20 cây số và sâu tới 15 mét với nhiều tầng. Thật ra sống chui rúc dưới các hang này (có người trong nhóm bảo giống như địa đạo Củ Chi) thì cực khổ có khác gì bị bắt giam. Nhưng cái khác là họ được cùng nhau cầu nguyện, cử hành các bí tích, dạy cho con cái sống đạo. Thật đáng kính phục, ngưỡng mộ biết bao nhiêu, trong khi chính tôi được tự do, nhiều điều kiện ưu đãi nhưng biếng lười đọc kinh xem lễ, thiếu bổn phận dạy dỗ con cái, nói chi đến việc dám hy sinh cho Đức Tin và Chân Lý.

Cũng tại Roma, nhờ cha Quốc bạn của Sơ Hải giúp đỡ, đoàn chúng tôi lại may mắn được thăm viếng mộ của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Riêng tôi đã được diện kiến và nghe Đức Cố Hồng Y giảng dạy tại Đại Hội Thánh Mẫu dòng Đồng Công Missouri vào Năm Thánh 2000. Ngoài sự nhân từ, giỏi giang và các chức vụ quan trọng trong Giáo Hội mà Ngài đã đảm đương khi còn sống, tôi còn ngưỡng mộ ngài hơn nữa về tấm lòng yêu tổ quốc Việt Nam. Tôi nhớ câu Đức Cố Hồng Y viết trong cuốn Đường Hy Vọng, dặn mọi người sống và hành động như cử chỉ lúc được chụp hình. Quả thế, mấy ngày nay chúng tôi luôn xôn xao chụp hình cho nhau, trước khi chụp thì vuốt ve quần áo cho thẳng thớm, tươi cười tạo dáng đẹp. Hằng ngày nếu lúc nào mình cũng vui vẻ, có chuẩn bị thì tấm hình mình trong lòng mọi người sẽ đẹp biết bao nhiêu. Mười năm sau khi được an táng tại nghĩa trang Verano, di hài Đức Hồng Y đã được cải táng về nhà thờ hiệu tòa của ngài, tức là nhà thờ Đức Mẹ Scala, ở trung tâm Roma vào năm 2012. Nhà thờ Piazza della Scala tọa lạc tại khu Trastevere, được khởi công xây cất từ năm 1593 và hoàn tất vào năm 1610 cũng rất hùng vĩ uy nghiêm. Xác ngài được đặt dưới bàn thờ thánh Đa Minh và thánh nữ Catarina, là bàn thờ thứ hai ở bên phải vừa khi bước vào thánh đường. Đoàn chúng tôi sốt sắng đọc kinh cầu nguyện. Khi cùng hát bài "Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con", nước mắt tôi bỗng tuôn trào. Xin Mẹ Maria, xin Đức Cố Hồng Y cầu nguyện và phù hộ cho quê hương Việt Nam đau khổ của chúng con.

Thứ Sáu 29 tháng 5 đoàn hành hương chúng tôi được đưa tới thành phố Florence của Ý.

Theo bình chọn của báo Du Lịch, Florence đứng đầu trong danh sách những nơi nên thăm viếng, còn thủ đô Roma chỉ đứng hàng thứ tư, nên chúng tôi rất nôn nóng được đến nơi. Ngày trước, sau khi thống nhất, Florence đã trở thành kinh đô của Ý trong sáu năm từ 1865 đến 1871. Đến năm 1872, thủ đô mới được chuyển về thành phố Roma.

Lòng tôi chùng xuống khi được thăm đền thờ Thánh Phanxicô Assisi. Ngài sinh ra trong gia đình rất giàu có và đáng lẽ được thừa kế một gia tài lớn, nhưng đã từ bỏ tất cả để hy sinh và tận hiến cho người nghèo, kể cả bị cha ruột mình giận dữ từ bỏ. Thánh Phanxicô cũng đã từng bị coi là điên rồ khi rao giảng lời Chúa, từng trộn hồ làm việc vất vả góp phần xây dựng nhà nguyện, và rất yêu thương thú vật cây cỏ. Chuyện kể có lần Thánh Phanxicô đang rao giảng cho dân chúng, thì bị một đàn chim ồn ào hót vang làm át mất tiếng của ngài, Thánh Phanxicô ra lệnh cho đàn chim im lặng, thì lập tức đàn chim im tiếng. Ngày nay khi tạc tượng Thánh Phanxicô, người ta thường làm có hình ảnh chim chóc, thú vật bên cạnh là vì thế. Thánh Phanxicô đã bị mù và bệnh nặng rồi qua đời năm 44 tuổi. Trước đó 2 năm ngài đã được Chúa cho in 5 Dấu Thánh trên thân thể ngài. Bài hát Kinh Hòa Bình và dòng tu Phanxicô Khó Khăn sẽ mãi tồn tại trong Hội Thánh và trong lòng mỗi người Công Giáo. Xét lại, nếu không vì bị bắt và cầm tù, không bị bạo bệnh khi còn trẻ, có lẽ Thánh Phanxicô đã không có được những trải nghiệm làm thay đổi cuộc đời mình và nên Thánh như thế. Bản thân tôi trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời, tôi đã suy nghĩ và chống chỏi ra sao, hay chỉ than thân trách phận và chịu thua hoàn cảnh?

Tiếp theo chúng tôi được ghé thăm đền thờ Thánh Nữ Clara thành Assisi. Nữ thánh sinh năm 1194 và mất năm 1253, đã lập nên Dòng Chị Em Hèn Mọn (Order of Poor Ladies). Dòng sống nghèo khó, luôn đi chân đất, không bao giờ ăn thịt, luôn thinh lặng để cầu nguyện và làm việc giúp đỡ người nghèo. Có lần khi đội quân hung hãn tiến vào đánh thành Assisi, Clara đã thiết tha quỳ xuống nài xin và Chúa đã đặc biệt nhậm lời cho quân giặc tự động rời bỏ thành.

Thánh nữ Clara làm bề trên hội dòng được 40 năm, tính cả 29 năm bệnh tật vẫn cố gắng phục vụ vì danh Chúa.

Nơi đây cũng là quê hương của Linh Mục Gildo Dominici - một người Ý với trái tim Việt Nam - vị ân nhân đã giúp rất nhiều đồng bào tị nạn tại các trại Indonesia, Thái Lan. Khi còn ở Galang, anh Duy là "con cưng" của Cha Dominici vì là đoàn trưởng Đoàn Thanh Niên Công Giáo, còn tôi thì giúp Cha bảo quản Thư Viện và góp tay trong Báo Quán Tự Do, tờ báo của dân tị nạn thời đó. Nhớ đến Cha chúng tôi bùi ngùi khôn xiết, biết làm sao học được tinh thần phục vụ hy sinh không bờ bến như Cha Dominici.

Ngày hôm sau chúng tôi đi thăm cầu Ponte Vecchio, bắc ngang con sông Arno êm đềm. Đây là cây cầu được xây thời Trung cổ, nổi bật với các cửa hàng xây dọc theo cầu. Ngày xưa các cửa tiệm này bán thịt nhưng hiện nay hầu hết bán nữ trang, hàng nghệ thuật và quà lưu niệm. Cầu không cho xe cộ đi qua mà chỉ có người đi bộ. Cầu được xây từ thời La Mã năm 996 với mục đích nối giữa hội trường thành phố Palazzo Vecchio và Palazzo Pitti. Trong hành lang Vasari ở bên cầu có chân dung của các họa sĩ hàng đầu nước Ý và châu Âu. Ngoài ra, điểm thu hút du khách cũng là những ổ khóa Tình Yêu. Các cặp tình nhân đến từ nhiều quốc gia móc ổ khóa ghi tên hai người vào cầu, khóa lại rồi ném chìa khóa xuống sông với niềm tin rằng tình yêu sẽ được vĩnh cửu. Người đi đến đây một mình cũng không chịu mất phần, họ chuẩn bị một cái khóa viết tên người mình thầm yêu trộm nhớ, với hy vọng ngày nào đó mối tình đơn phương sẽ được đáp ứng và nên duyên. Chính quyền Ý cũng rất nhức đầu với trò chơi này, phải thường xuyên cho người tới cắt bỏ các ổ khóa cũng như sẽ phạt 50 Euro nếu bị bắt quả tang đang thề ước bằng ổ khóa.

Sau đó chúng tôi đến viếng Thánh đường Santa Maria de Fiore, từng được xem là nhà thờ lớn nhất, và ngày nay được sắp thứ tư trên thế giới, xây dựng với phần lớn là đá cẩm thạch màu hồng, màu trắng và màu xanh lá cây - 3 màu chính của lá cờ Ý. Nhà thờ có chiều cao 40 mét, ngang 40 mét, mái vòm ngói đỏ có chiều cao 91 mét. Thánh đường được khởi công xây dựng từ năm 1296, phải tới 140 năm sau mới hoàn thành. Người thời ấy đã sử dụng khoảng 4 triệu viên gạch nhưng không cần hệ thống chống đỡ xi măng cốt sắt. Trên đỉnh là một quả cầu bằng đồng đỏ mạ vàng, trên cao là cây Thánh Giá. Đến nay dù nhiều kiến trúc sư đã ra công nghiên cứu nhưng vẫn không hiểu làm sao người xưa lại hoàn thành được kiệt tác này.

Nhà thờ có 44 ô cửa sổ làm bằng kiếng trang trí công phu với hình ảnh các vị thánh trong Cựu Ước và Tân Ước, trong khi các cửa sổ tròn gần mái vòm và cửa bên trong thánh đường lại miêu tả về Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Nhờ những tấm kiếng này mà thánh đường nhận được rất nhiều ánh nắng từ bên ngoài.

Với đường kính 45 mét, mái vòm của nhà thờ là mái vòm xây bằng gạch lớn nhất thế giới. Trên trần là một bức họa khổng lồ khoảng 4.000 m². Năm 1359 tháp chuông Campanile với 12 quả chuông được hoàn thiện. Nghĩ thật lạ, rất nhiều nhà thờ phải mất hơn 100 năm mới xây xong, tức là người khởi đầu không hề thấy được thành quả việc mình làm, nhưng các đền thờ vẫn hiên ngang xuất hiện làm chứng cho niềm tin, cho sự lớn mạnh của Giáo Hội. Biết bao hy sinh của nhiều thế hệ khác nhau, bao nhiêu tiền của xương máu mới có được thành quả để lại cho thế nhân. Tôi vốn ngại khó, chỉ còn biết cúi đầu mang ơn và cảm phục những “hoa màu của ruộng đất và lao công của con người”. Tôi cũng thấm thía nếu muốn có một công trình hay đẹp, mình cần phải dám nghĩ dám làm, có kế hoạch kỹ lưỡng, chịu cực mất thì giờ tiền của thì mới có được cái gì để lại cho đời. Riêng đền thờ tâm hồn của tôi thì sao? Tôi có quan tâm vun quén để tâm hồn mình xứng đáng là đền thờ Chúa không?

Vui nhất là tại đây, chúng tôi tình cờ gặp các tu sĩ trong phái đoàn đi từ Việt Nam đến thăm nhà thờ, một vài thầy này lại đang ở Roma tu học và quen với các Linh Mục người thân của chúng tôi, cũng như có Cha đã từng tới nhà thờ Toronto dâng thánh lễ. Quả là thế giới rất nhỏ bé. Trong tiếng thánh ca và những hồi chuông ngân vang, trong niềm vui gặp đồng hương, chúng tôi như đang lạc vào thế giới đầy yêu thương và thánh thiện của Chúa.

Tiếp đến chúng tôi viếng thăm nhà thờ Santa Croce có nghĩa là Thánh Giá, nhà thờ này còn được coi là Đền Thờ Vinh Quang Nước Ý (Temple of the Italian Glorie), liên quan đến nhiều nhân vật nổi tiếng đã được chôn cất ở đây như Michelangelo, Galileo, Rossini và Machiavelli ...

Vào Chúa Nhật 31 tháng 5, chúng tôi rời Ý để tới Nice, nơi được mệnh danh là The Queen of French Riviera thuộc nước Pháp, rồi thăm xưởng chế tạo nước hoa ở Eze. Thật là công phu và tốn kém để tạo nên các loại nước hoa thơm tho này. Trung bình muốn có 1 ký dầu thơm phải tốn khoảng 3 tấn rưỡi bông hoa với quá trình chưng cất phức tạp. Người làm việc phải nghỉ ngơi nhiều vì nếu suốt ngày ngửi hoa, lỗ mũi sẽ không nhạy bén chính xác nữa. Hầu hết các thợ chính trong khâu cuối cùng là đàn ông, có lẽ các bà nấu nướng ngửi mùi thức ăn cả ngày mũi bị điếc rồi chăng?!

Đoàn tiếp tục đến thăm quốc gia nhỏ thứ hai trên thế giới là Monaco - nằm trong nước Pháp và nổi tiếng với bãi biển và các sòng bài, có lâu đài Hoàng gia Royal Palace. Hướng dẫn viên du lịch chỉ cho chúng tôi chỗ đứng để nhìn thấy cả 3 nước giáp ranh với nhau là Monaco, Pháp và Ý.

Đây là xứ giàu có, đất đai nhà cửa rất mắc. Người dân Monaco có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, khoảng 90 tuổi, và là nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Người dân Monaco không được đánh bạc tại quốc gia này, mà chỉ dành quyền "đốt tiền" cho khách du lịch! Sòng bài nổi tiếng Grand Casino de Monte Carlo được xây dựng năm 1858 và rất thành công, nhờ thế nên chính phủ Monaco có thu nhập dồi dào để miễn thuế cho người dân. Năm 1974, một vị thái tử Ả Rập chỉ trong một ván bài đã thua mất 5 triệu mỹ kim. Chúng tôi cũng cố gắng len lỏi vào đám đông du khách để xem cho được cảnh các người lính thay đổi phiên gác. Họ mặc quân phục trắng bồng súng đi với các nghi thức hoàng gia khá cầu kỳ, nhưng một anh trong nhóm bảo còn thua xa các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa khi xưa đi diễn hành.

Chúng tôi tiếp tục thăm thành phố pháo đài Carcassonne nằm ở bờ phải của sông Aude nước Pháp. Với một bức tường thành chu vi khoảng 3 km gồm 52 tháp canh, bên trong có một lâu đài và nhà thờ cổ, Carcassonne là một trong những thành phố pháo đài nguyên vẹn nhất còn tồn tại ở châu Âu, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Du khách đến đây có thể đi xe ngựa kéo với những con ngựa to lớn thật đẹp. Phần vì không có nhiều giờ (nói nghe cho sang cho oách!), phần thì tiền xe ngựa cũng mắc, nên chúng tôi chỉ ngắm và nghe tiếng vó ngựa vỗ đều trên đường mà cũng thấy vui.

Sau đó đoàn chúng tôi được xe bus tiếp tục đưa tới Lộ Đức - Lourdes, thăm nơi Đức Mẹ hiện ra với bà Thánh Bernadette, là một trong những ước nguyện của chúng tôi trong chuyến hành hương này.

Thành phố Lourdes nằm cạnh dãy núi Pyrenees là nơi hành hương của người Công Giáo lớn nhất nước Pháp, cũng có thể nói lớn nhất nhì thế giới. Mỗi năm có hơn 7 triệu lượt người hành hương, trong đó có khoảng 70 ngàn người đau yếu đến xin Đức Mẹ chữa bệnh.

Vào năm 1858, khi Bernadette Soubirous còn là một bé gái 14 tuổi, cô đã gặp một "bà đẹp" ở hang núi Massabielle trong khi đang đi nhặt củi với em gái và một người bạn. Bà đẹp đây chính là Đức Mẹ và Mẹ đã hiện ra nhiều lần với Bernadette. Bernadette về sau đã được phong thánh và nhiều người đã được chữa bệnh tại suối nước Lộ Đức. Tước hiệu "Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội" cũng được xác nhận. Thật cảm động khi được tắm nước suối Lộ Đức, cùng với hơn 10 ngàn người thắp nến đọc kinh Mân Côi, rước kiệu Đức Mẹ. Được biết có những ngày đặc biệt, đoàn hành hương lên tới 50, 60 ngàn người. Chiều tới, chúng tôi thấy các em trẻ làm việc thiện nguyện vui vẻ đẩy không biết bao nhiêu xe lăn, giúp đỡ người già yếu tham dự cuộc rước này. Nhìn những người bệnh hoạn, đau khổ tới nương nhờ Đức Mẹ trợ giúp thật xúc động rơi nước mắt. Có khi tôi thấy mình sao vất vả, nhiều lo toan, gánh nặng, nhưng khi thấy các em bé bệnh tật bất thường được cha mẹ dẫn tới gặp Đức Mẹ, các người đau bệnh kinh niên hàng ngày chịu biết bao đau đớn từ thể xác tới tinh thần, tôi lại thấy mình quá may mắn - dù nhiều tội lỗi. Tại đây biết bao thiện nguyện viên đã hằng ngày phục vụ liên tục. Tôi đã được giúp đỡ, được phục vụ rất nhiều trong suốt cuộc đời, không biết làm sao để trả lại và chia sẻ nỗi đau với người khác. Xin Mẹ như dòng suối mát gội rửa con, cho được sạch trong và tràn đầy lòng nhiệt thành như những gương sáng con đã nhận được.

Sáng hôm sau đoàn hành hương chúng tôi được suy ngắm 14 chặng đàng Thánh Giá trên ngọn đồi thật đẹp. Những bức tượng màu đồng to lớn điêu khắc tinh vi giúp tôi hình dung và hiểu được nỗi đau khổ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trên con đường tử nạn Chúa đã đi qua.

Tại đây chúng tôi tìm được nhà hàng Việt Nam, nhỏ thôi nhưng ăn cũng khá với các món thuần túy như phở, gỏi cuốn ... Rời Lộ Đức mà lòng tôi rưng rưng xúc cảm.

Thứ Năm, 4 tháng 6, chúng tôi lên đường sang Madrid là thủ đô cũng là thành phố lớn nhất của Tây Ban Nha. Đại hội Giới trẻ Thế giới 2011 đã được tổ chức tại đây, với khoảng 1 triệu rưỡi người tham dự do Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 chủ trì. Chúng tôi được nhìn ngắm Puerta del Sol (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là Cổng Mặt Trời) là một trong những nơi nổi tiếng và tấp nập nhất tại Madrid. Đây là trung tâm, cây số zero của mạng lưới giao thông Tây Ban Nha. Gần trung tâm là bức tượng Vua Carlos III, người đã xây dựng nhiều công trình của thành phố.

Quảng trường này cũng có chiếc đồng hồ nổi tiếng Plaza de España và tượng đài kỷ niệm nhà thơ, nhà soạn kịch và tiểu thuyết gia Miguel de Cervantes Saavedra. Đài được xây từ 1925 đến 1957, tức là sau 32 năm mới xong. Saavedra (1547 – 1616) được biết đến nhiều nhất với cuốn Don Quixote de la Mancha, được coi là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Châu Âu bằng tiếng Tây Ban Nha. Nhân vật Don Quixote mang tính đa diện của con người, bên cạnh tánh gàn dở là tình thương yêu đồng loại, trân quý tự do và ghét thói rởm đời của giới quý tộc đương thời. Tôi có đọc cuốn này khi còn ở Việt Nam, nhưng thú thật là không mấy gì thích.

Nhìn các vòi phun nước lớn lấp lánh ánh đèn màu vào buổi tối, rồi bức tượng Saavedra đưa mắt nhìn xuống các nhân vật của mình là Don Quixote và cận vệ Sancho Panza được đúc bằng đồng dưới chân tượng đài, tôi thật cảm phục cho những tư tưởng, những công trình đầy sáng tạo và ý nghĩa.

Buổi tối khi đi dạo trên phố, tôi gặp nhiều người bán hàng rong trên vỉa hè, không khác gì bên Việt Nam. Họ cũng sợ bị cảnh sát đuổi bắt nên bày hàng trên một miếng bạt lớn, có cột sẵn giây ở bốn góc, khi cần là quơ tóm hàng hóa bỏ chạy ngay. Chúng tôi thích thú xem nhiều người hóa trang đặc biệt, đứng lơ lửng giữa trời hoặc ngồi trên ống tre để du khách chụp hình kiếm tiền. Cũng có người biểu diễn đàn bằng những ly thủy tinh chứa nước, âm điệu rất du dương, hoặc những thợ vẽ dùng ống sơn tô màu các bức tranh rất đẹp và nhanh. Thỉnh thoảng lại có những bức tượng rất đẹp nhưng là do người thật hóa trang. Trời nóng mà họ phải mặc quần áo dày, đeo mặt nạ hoặc sơn phết lên mặt thật là tội nghiệp. Phần thì tôi cũng thích được chụp hình, phần cũng thương người kiếm tiền bằng cách này nên tôi hăng hái ủng hộ họ. Đến khi mệt quá không cười toe toét nổi để chụp hình nữa, tôi chạy lại định bỏ vài đồng trước bức tượng người lính mới biết đây là tượng thật!

Người giàu cũng nhiều, nhưng người nghèo thì nhiều hơn - khắp nơi trên thế giới ở đâu cũng có, tôi tiếc là mình quá yếu hèn, không dư giả nên không giúp được ai bao nhiêu. Mới đầu không hiểu anh Duy, tôi trách anh sao cứ mua lung tung không thể ăn, không xách về nổi, sau tôi mới hiểu anh cũng như mọi người, mua vì ủng hộ, tội nghiệp người bán hàng nhiều hơn. Nói về chuyện xấu như nạn móc túi, ăn mày thì ở Châu Âu này cũng có, nhưng chắc chắn ít hơn xứ Cộng Sản Việt Nam nhiều. Chúng tôi phải nhắc nhau cẩn thận vì được biết có nhiều tay móc túi lấy tiền rất thiện nghệ nơi đây. Bạn tôi kể chị mủi lòng định cho một bà ăn xin chút tiền, thì thấy điện thoại di động của bà ăn mày reo vang. Ăn xin mà có cell phone, kể cũng là chuyện không tin nhưng có thật. Chúng tôi cũng được thưởng thức món thịt xông khói đặc biệt tại Tây Ban Nha này. Các cửa tiệm treo đầy những đùi bò, đùi heo to tướng trên trần nhà, khi mua người bán dùng dao lạng từng miếng thật mỏng rất tài tình.

Thứ Bảy, 6 tháng 6, chúng tôi cùng đi thăm thành Avila, quê hương của Thánh Nữ Theresa thành Avila and Thánh Gioan Thánh Giá.

Thánh Gioan Thánh Giá (1542 - 1591) là một tu sĩ trong Dòng Cát Minh (còn gọi là Dòng Camêlô) - nhân vật lớn trong cuộc cải cách Công Giáo. Ngài hợp tác với Thánh Theresa thành Avila phát triển đổi mới nhà dòng và viết rất nhiều sách nghiên cứu.

Thánh Nữ Theresa Avila sinh năm 1515, mất năm 1582 là một nhà thần học nổi tiếng người Tây Ban Nha. Bà cống hiến cả đời mình với cuộc sống chiêm niệm và lời cầu nguyện. Bà viết những tác phẩm như: Con đường đi đến toàn thiện, Lâu đài nội tâm, Quyển sách của những nền tảng... Bốn mươi năm sau khi qua đời, Ngài chính thức được Đức Giáo Hoàng Gregory XV phong Thánh. Năm 1970, Ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nâng lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh. Phụ nữ ngày xưa mà thông minh tài ba như vậy, thật đáng khâm phục.

Xe bus lại xuyên qua nhiều đường hầm giữa các rặng núi để đưa chúng tôi lên đồi thăm thánh đường Our Lady of the Pillar Tây Ban Nha. Nhà thờ được xây dựng với những gốc cột vuông thật to chưa từng thấy, hèn chi có tên Pillar nghĩa là trụ cột. Bàn thờ và hình ảnh mạ vàng khắp nơi thật quý giá, đặc biệt có mặt nhật để thờ phượng Mình Thánh Chúa thật lớn, chạm trổ công phu chưa từng thấy.

Đến Tây Ban Nha mà không ghé xem nơi tổ chức đấu bò kể cũng là điều thiếu sót, nên các Cha cho chúng tôi ghé thăm vận động trường đấu bò khá lớn, tuy không có giờ mua vé xem đấu thật. Được biết muốn chiến thắng con bò hung hãn, người đấu phải nhắm đâm vào giữa trán của con bò, tức là điểm yếu của nó. Các bà chúng tôi lên tiếng ngay, quý ông nếu muốn chinh phục phụ nữ cần phải biết yếu điểm của các bà, đó là sự ngọt ngào yêu thương, nếu không thì đừng thắc mắc tại sao chúng tôi hay nổi quạu, luôn có ngày Phụ Nữ Khùng Lên, ý quên Phụ Nữ Vùng Lên!

Xe chúng tôi tiến về nơi Đức Mẹ Fatima tại Bồ Đào Nha vào Chúa Nhật, 7 tháng 6. Nước Bồ thường được người Việt biết tới nhờ các đội đá banh nổi tiếng, cũng là nơi sản xuất nút chai bằng gỗ bấc hoặc cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài năm 1974 gọi là cách mạng Hoa Cẩm Chướng (Carnation Revolution). Sẵn nhắc về hoa tôi xin mở ngoặc là trên các đoạn đường, chúng tôi đã thấy rất nhiều cội hoa vàng rất đẹp, có lẽ Phạm Thiên Thư đã đến đây nên mới có thi hứng sáng tác bài thơ Động Hoa Vàng. Rồi tới hoa giấy, hoa dâm bụt, hoa hướng dương, hoa poppy hay dùng trong ngày Chiến Sĩ Trận Vong đỏ rực cánh đồng, kể cả những con đường trồng toàn dạ lý hương thơm ngát và rất nên thơ. Công nhận không có cái áo nào của vua Salomon có thể đẹp hơn những bông hoa ngoài đồng đúng như câu nói trong Kinh Thánh.

Trở lại chuyện tại làng quê Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần với 3 em bé chăn cừu là Lucia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto vào năm 1917.

Ngày 13 tháng 10, 1917, trước đám đông khoảng 70 ngàn người - kể cả nhiều phóng viên - Đức Mẹ đã xuất hiện trên cây sồi loan báo thế chiến thứ nhất sẽ sớm chấm dứt và yêu cầu mọi người hãy mau sám hối, lần hạt Mân Côi.

Đám đông đã thấy mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu, rồi mặt trời dường như xuống thấp gần trái đất khiến đám đông sợ hãi. Việc lạ xảy ra trong 10 phút, một số người ở cách đó mấy dặm cũng thấy được hiện tượng này.

Sau đó một điêu khắc gia nổi tiếng người Bồ với sự hướng dẫn của chị Lucia, đã tạc tượng Mẹ Fatima bằng gỗ cây sồi cao 1.2 mét, mặc áo dài trắng, tay đeo tràng hạt, giữa ngực có trái tim với vòng gai bao quanh. Ðức Thánh Cha Gioan 23 đã làm phép tượng này tại Vatican, rồi gửi đi thăm viếng an ủi các bệnh nhân trên khắp thế giới. Khi tôi khoảng 6, 7 tuổi tượng đã thánh du về tới Tây Ninh. Tôi được mặc áo dài trắng, đội khăn voan dài tung hoa cho Đức Mẹ. Tôi nhớ rõ lúc ấy ba má tôi rất vui mừng được cung nghinh tượng Mẹ, và thoa son bôi phấn cho tôi để tham gia đội thiếu nhi tung hoa. Lần đầu tiên trong đời được đội voan, tôi thích lắm tưởng tượng như mình đang có tóc dài, vì hồi bé tôi bị cắt tóc ngắn bum-bê. Tôi có xin má cho mình để tóc dài giống mấy chị, nhưng má bảo ở dơ, đầu có chí không được! Con bạn kế bên cười bảo miệng tôi thoa son đỏ choét giống bà Năm ăn trầu. Lúc đó tôi tức lắm cho là nó ghen tị nên mới nói thế, bây giờ già rồi nhớ lại mới công nhận nó nói đúng! Nay tôi được quỳ dưới chân Mẹ, ngay trước bàn thờ nơi Mẹ đã hiện ra, ước mơ của tôi đã thành sự thật. Nhóm chúng tôi được cử hành thánh lễ ngay nơi Mẹ hiện ra bằng tiếng Việt, bài hát "Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi..." được hát lại nhưng với cảm nghiệm mới. Mẹ ơi! Làng Fatima xa xôi vạn dặm thật, nhưng chúng con đã được về đây thăm Mẹ, nguyện xin Mẹ ban ơn cho gia đình và thế giới của chúng con. Con xin dâng mẹ "hành trang con mang theo đầy đau buồn của thế giới, đầy khổ đau của dân nghèo..." Tôi vốn mẫn cảm hay thương vay khóc mướn, buồn dùm cho những khổ đau nghịch cảnh của người khác.

Buổi tối chúng tôi lại được thắp nến rước kiệu Đức Mẹ cùng với bao người khắp các nơi, thật là hạnh phúc chan hòa.

Nhờ kinh nghiệm của những chuyến hành hương trước, Cha Tập và Cha Chương đã giúp chúng tôi đến thăm được nhà thờ Phép Lạ Thánh Thể tại làng Santarem nước Bồ Đào Nha. Cho đến bây giờ, Mình Thánh Chúa vẫn còn dấu máu và nhà thờ Thánh Stêphanô được đổi tên là “Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể.” Ở đây người phụ trách nhà thờ không cho chụp hình, nhưng không biết anh Duy nói gì mà ông ta cho chụp vài tấm, miễn đừng dùng đèn flash. Xem ra luật lệ gì cũng có thể có luật trừ. Sẵn đây tôi cũng kể cho vui, khi ăn tối ở khách sạn, chẳng hiểu anh Duy tán như thế nào mà cô bồi bàn tóc vàng sợi nhỏ đã mang cho anh và cha Tập mỗi người thêm một miếng pizza hảo hạng. Sau hỏi lại mới biết anh Duy ăn món pizza thấy ngon nhưng ít quá, nên gọi cô bồi bàn lại, trước là khen cô dễ thương, kế đến là khen món pizza ngon tuyệt, thế là cô tự động mời dùng thêm, anh Duy bèn nói ok và xin hai miếng cho anh và Cha Tập. Công nhận nói ngọt cũng có thể là phép lạ hóa bánh ra nhiều được!

Đúng ra Fatima là nơi cuối cùng trong chương trình hành hương, nhưng chúng tôi lại được sắp xếp trở lại nước Pháp thêm một ngày nữa để thăm Paris, để viếng Nhà Thờ Đức Bà Notre Dame và thắng cảnh của kinh đô ánh sáng này. Cái giá phải trả là sau khi đi kiệu Đức Mẹ Fatima về lúc 11 giờ đêm, chúng tôi chỉ được ngủ đến 1 giờ 30 sáng, ra xe bus lúc 2 giờ để được chở đến phi trường vì máy bay cất cánh đi sang Pháp lúc 6 giờ sáng. Kết quả là Cha Tập và hầu hết anh chị em đã thức luôn để chờ đi nên ai nấy trông phờ phạc tả tơi như dân tỵ nạn, nhưng có hề chi, lên máy bay là quân ta quay ra ngủ vùi để lấy sức lặn lội tiếp khi đến Paris. Tuy mệt nhưng cũng đáng "đồng tiền bát gạo", vì đi Âu Châu mà không thăm được Paris thì quả là một thiếu sót lớn.

Nhà Thờ Đức Bà Paris được xây cất trong gần 200 năm, từ 1163 đến 1350, ngay tại trung tâm đảo l’Ile de la Cite, bên cạnh dòng sông Seine thơ mộng. Đây là điểm trung tâm của thành Phố Paris và của cả nước Pháp, còn được gọi là “Cây số Zero”, nghĩa là mọi khoảng cách đến các vị trí địa lý khác ở Pháp đều được tính từ đây. Nhà Thờ Đức Bà được thiết kế theo kiến trúc Gothic. Đến thăm nhà thờ, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật cả về hội hoạ, điêu khắc ... nổi tiếng của nước Pháp, cũng như có dịp thả hồn trong phong cảnh nên thơ, yên bình bao quanh nhà thờ. Nhà thờ dài 130 m, rộng gần 50 m, có hai tháp cao gần 70 mét. Nếu leo lên tháp nhà thờ, ta sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh Paris tráng lệ cũng như được đến gần với những ống dẫn nước hình các loài động vật. Tôi đã đọc cuốn Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà của Victor Hugo, rồi hôm nay lại được đến viếng nhà thờ, thật là thỏa nguyện. Tôi ái mộ Victor Hugo lắm, được biết khi ông chết nước Pháp cả triệu người đã đứng chật các đường phố Paris để tham dự đám tang của ông. Tác giả của "Những Kẻ Khốn Nạn" đã chết trong vinh quang, không khốn khổ chút nào. Chúng tôi hớn hở thay phiên nhau đặt chân lên chỗ điểm "Zero", vì người hướng dẫn bảo làm thế sẽ có cơ hội trở lại thăm Paris lần nữa.

Rời Nhà Thờ Đức Bà, chúng tôi đi bộ đến khu công viên Luxembourg, nằm tại Quận 6 của thành phố. Với diện tích gần 23 hecta, Luxembourg là nơi hẹn hò, gặp gỡ và dạo chơi lý tưởng của nhiều người. Được xây dựng từ năm 1612 theo lệnh của hoàng hậu Marie de Médicis, trong vườn có cung điện Luxembourg, ngày nay là trụ sở Thượng nghị viện Pháp, cũng có nhiều tượng đài và vài công trình khác. Vườn Luxembourg còn có tên gọi vui là Luco. Trong tác phẩm Ba chàng lính ngự lâm của Alexandre Dumas, D'Artagnan (Đạt Ta Nhan) đã hẹn đấu kiếm với Athos, Porthos và Aramis tại vườn này. Trong thơ nhạc Việt Nam thì rất nhiều bút mực nói về Paris, tiếc là thời giờ eo hẹp nên tôi không có dịp "ngồi quen ghế đá trong vườn Lục-xâm" như thơ Cung Trầm Tưởng, cũng như không được ghé thăm "Ga Lyon đèn vàng", không được đi nhiều nơi để xem "Paris có gì lạ", nhưng điệu nhạc "Mùa Thu Paris", "Paris có gì lạ không em" ... vẫn vang vang trong tâm tưởng. Đi ngang các quán cà-phê Pháp trên vỉa hè, tôi cũng nhớ đến các anh chị của mình. Ngày ấy còn ở Việt Nam họ hay kể chuyện đã được ăn ở nhà hàng Pháp Brodard trên đường Catinat, Sàigòn. Ôi Sàigòn hoa lệ khi xưa, ôi những kỷ niệm thanh bình xưa cũ biết bao giờ tìm lại được.

Tiếp tới chúng tôi thăm tháp Eiffel. Ngọn tháp này cao 300 mét và đã tồn tại 120 năm. Mới đầu rất nhiều người chê và chống đối, nhưng tháp Eiffel nay đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua. Tháp có hai nhà hàng Altitude 95 (tầng một) và Le Jules Verne (tầng hai), ngồi trên nhà hàng bạn có thể nhìn xa 40 dặm khắp Paris. Nếu mua vé leo lên tầng cao, bạn còn có thể nhìn xa hơn nữa. Khi tới tháp Eiffel vào buổi tối, bạn có thể chụp hình ngọn tháp này lung linh trong ánh đèn màu. Một anh bạn trong đoàn là kỹ sư công chánh, nên đã giải thích các nguyên tắc về kiến trúc của tháp được xây dựng. Trong mùa hè, tháp sẽ cao hơn trong mùa đông khoảng 15 cm vì sắt co giãn theo nhiệt độ.

Sau đó chúng tôi dạo bước trên đại lộ Champs-Elysees. Đại lộ nổi tiếng này dài 2.2 km. Trên con đường này, chúng tôi được thấy Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) và quảng trường Concorde.

Khải Hoàn Môn là công trình do Napoléon cho xây dựng vào năm 1806 để vinh danh quân đội, đến 1836 mới xong. Đây là địa điểm tổ chức các lễ hội, ăn mừng các chiến thắng thể thao ...

Nằm ngay bên bờ sông Seine, Place de la Concorde là công trình kiến trúc để mừng vua Louis XV hồi phục sau cơn bạo bệnh, được khánh thành năm 1763. Thảm kịch đầu tiên xảy ra vào năm 1770 khi một quả pháo hoa rơi xuống đã làm 133 người chết. Trong thời kỳ Cách Mạng Pháp, quảng trường đã trở thành một sân khấu đẫm máu khi máy chém được đặt tại đây. Và cũng chính nơi đây vua Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette, công tước vùng Orléans Louis Philippe II, nữ bá tước Barry cùng nhiều tùy tùng bị xử tử.

Đi ngang một hí viện, chúng tôi bỗng nhớ tới quái kiệt Trần Văn Trạch. Năm 1960, ông sang Pháp và thường xuyên hát tại nhà hàng La Table du Mandarin, Paris. Ông được an táng tại ngoại ô Paris. Tôi rất thích nhạc và chuyện kể của Trần Văn Trạch, tuy là vui nhưng tiềm ẩn cái buồn và triết 1ý thấm thía bên trong.

Thật không gì sung sướng hơn được ăn bánh sừng trâu, bánh tarte nhân táo, bánh mì Pháp hay bánh macaron chính hiệu, uống ly cà-phê hay rượu vang đỏ và nhớ về ... Việt Nam. Bánh mì baguette Pháp ngon nhưng với chúng tôi vẫn thua xa bánh mì Việt Nam ngày xưa, vừa xốp vừa dòn với lớp bơ thoa trên mặt bóng láng, nhất là được ăn trong không khí gia đình đầm ấm ...

Tại Paris, tôi lại được niềm vui gặp lại gia đình bạn cũ, anh Ngọ và 2 con trai đã lặn lội đường xa tới khách sạn thăm và tặng chúng tôi những chai xì-dầu Maggi Pháp chính hiệu để đem về Canada làm quà cho gia đình và bạn bè. Chúng tôi cũng gặp được thầy Vĩnh là em họ anh Duy đang tu học tại đây, và cũng nhận được quà là những chai rượu vang của Pháp. Một anh trong giáo xứ Paris không quen biết với cả nhóm, nhưng thấy Cha Chương gọi phôn vào nhà xứ Đức Ông Vinh hỏi thăm đã tình nguyện làm "Tour Guide" để dắt chúng tôi đi chơi cho biết thêm về kinh đô nước Pháp. Thật là cảm động vì thấy mình được thương yêu quá sức.

Cần phải mở ngoặc là tại Âu Châu, người dân có thói quen nghỉ trưa, nên nhiều khi chúng tôi bị khựng không mua vé vào cửa được hay thậm chí nhà vệ sinh bị đóng cửa. Trong khi người anh hùng xả thân cứu nước, chúng tôi lại luôn bận rộn sắp hàng trả tiền để xả nước cứu thân! Anh bạn tôi mỗi khi tìm thấy nhà vệ sinh thì vui vẻ reo lên "Chân lý đây rồi!". Thêm một chuyện tức cười là ở Paris có các nhà vệ sinh công cộng không phải trả tiền rất hi-tech, nhưng hiện đại thì hại điện, có bác vào rồi không biết cách bấm các nút điện tử cho cửa mở ra, tưởng bị nhốt luôn trong đó rồi. Còn tôi thì càng quê mùa hơn, tại khách sạn Madrid tôi bị các vòi hoa sen trong phòng tắm làm cho hết hồn, năm sáu vòi đủ kiểu thi nhau phun nước nóng, vặn lung tung một hồi mới pha được nước mát để tắm, xém chút phải "la làng". Âu Châu cũng khác Bắc Mỹ ở chỗ dưới đất thỉnh thoảng có mìn nổ chậm, tức là chủ nhân các chú khuyển không bị luật bắt làm sạch "tàn dư" của chó. Tính ra thì chúng tôi cũng khá "căng thẳng" trong suốt thời gian hành hương. Trên thì coi chừng bị móc túi cướp giật, dưới đất phải cẩn thận kẻo đạp mìn, đôi mắt thì luôn nhìn ngang tìm người chung quanh nếu không sẽ đi lạc. Có mấy đền thờ hoặc danh lam thắng cảnh nhóm chúng tôi đã đi qua nhưng tôi chỉ nhớ lơ mơ chẳng rõ đã đi đâu! Chúng tôi cũng phải luôn nhắc nhở nhau không nói chuyện lớn quá trước các nhóm khác, ăn uống cho lịch sự, dù là buffet bao ăn thoải mái nhưng chỉ nên lấy vừa đủ kẻo phí, muốn cắt ổ bánh mì dài phải có khăn bao tay sạch sẽ, nhớ cho tiền tip rộng rãi kẻo người ta nghĩ xấu về người Việt. Gớm, chúng tôi sĩ diện thế đấy mà vẫn còn lo, nên dặn hờ nhau nếu lỡ làm gì sai thỉ bảo mình là ... China, Trung Cộng! Đây chỉ là câu nói đùa nhưng tôi thấm thía lắm, ước gì người Việt mình luôn ý thức, sống tốt đẹp và tự trọng để đi đâu cũng được người ta quý mến, để có thể hãnh diện là người Việt Nam, không buồn như tâm trạng của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt khi cầm hộ chiếu ra nước ngoài.

Sáng hôm sau, Thứ Tư, 10 tháng 6, chúng tôi chia nhau ra từng nhóm nhỏ đáp shuttle bus từ khách sạn ra phi trường Paris để lên máy bay trở về Toronto, chấm dứt cuộc hành hương và du ngoạn trong niềm vui lẫn luyến tiếc. Chúng tôi trở về nhà với công việc hằng ngày, với các hóa đơn phải trả, nhưng tâm tình tạ ơn và niềm hân hoan như vẫn còn đâu đây. Trước khi đi, tôi cũng hơi ớn vì vốn biếng lười đọc kinh, nghĩ tới mười mấy ngày liền phải đi nhà thờ, cầu nguyện thuờng xuyên cũng phát sợ. Nhưng đi rồi mới thấy thật là hạnh phúc được có thì giờ để cầu nguyện, để suy tư về các việc thánh thiện đạo đức. Trước khi đi tôi ráng tìm hiểu xem ai quen sẽ đi trong nhóm, vì sợ gặp người lạ khó giao tiếp, nhưng ngược lại bây giờ tôi có bạn mới, có thể học hỏi thêm và may mắn thay mọi người đều rất hòa đồng, chăm sóc giúp đỡ nhau như trong một nhà. Tình bác ái yêu thương thể hiện thật rõ ràng bằng việc làm. Mới đầu khi thấy cứ phải chờ đợi nhau, phải xếp hàng đi vệ sinh tôi cũng hơi tiếc thì giờ, nghĩ nếu tổ chức đi riêng sẽ như ý hơn, nhưng ngay sau đó tôi đã thực sự vui vì có dịp trao đổi kinh nghiệm với người khác, hỏi chuyện gia đình hay có cơ hội giải thích, giúp đỡ người lớn tuổi yếu ớt hơn. Càng lớn tuổi tôi càng hiểu mình nên cho hơn là nhận. Suốt các đoạn đường trên xe bus, chúng tôi thay phiên nhau kể chuyện vui, hát, hò, chia sẻ các cảm nghiệm về đức Tin thật là cảm động và thấm thía.

41 người với hoàn cảnh, tuổi tác tâm tình khác nhau, nhưng đã hòa nhịp con tim trong niềm vui về thăm đền thờ của Cha chung.

Tôi thật lòng cảm ơn 2 Cha, Sơ Hải, tất cả các cô bác, anh chị em trong nhóm, đặc biệt anh chị Toàn & Việt không là người Công Giáo mà vẫn vui vẻ tham dự. Thỉnh thoảng tôi và anh Duy cũng có đi Chùa dự tang lễ khi bạn bè có người thân qua đời, nhưng nếu có người rủ đi hành hương các chùa chiền, chắc là tôi sẽ không đi. Thế mới cảm phục tinh thần cởi mở hòa đồng của anh chị. Tôi cũng cảm ơn anh Duy đã sắp xếp công việc để cùng đi và cảm ơn các con đã quan tâm tới chuyến đi của bố mẹ. Chúng luôn nhắc chúng tôi nếm đủ các món ngon vật lạ của từng nước. Thú thật các nhà hàng, món ăn chúng tôi thử qua không mấy gì ngon như tưởng tượng. Có lẽ vì mệt, vì không trả nhiều tiền để tới các nhà hàng sang trọng nhưng riêng tôi vẫn rất vui và mặc dù chê không ngon nhưng vẫn lên ký! Cảm ơn quý thân hữu, anh chị em trong nhà thờ đã quan tâm, cầu nguyện cho chuyến đi được tốt đẹp. Cảm ơn những điều được nghe được thấy để hiểu biết thêm về thế giới, để củng cố đức Tin và biết mình nhỏ nhoi yếu đuối để khiêm nhường hơn. Cha Tập, Cha Chương cùng Sơ Hải thật dễ thương, kiên nhẫn và chiều chúng tôi hết mình, hòa đồng thân thiện như người bạn thân. Chúng tôi không chỉ đi hành hương cầu nguyện, mà còn được du lịch vui cười thoải mái, đạo và đời hòa hợp hết sức tuyệt vời.

Cuối cùng là tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã gìn giữ chúng con trong suốt chuyến đi được luôn an lành, ban cho chúng con lương thực xác hồn đầy đủ, và dẫn dắt chúng con trên mọi bước đường để chuyến đi được tràn đầy ơn phúc, vui tươi, tình bạn và là kỷ niệm đẹp để nhớ mãi trong đời.

Nguyễn Ngọc Duy Hân