Giáo Hội chỉ có thể trở thành một cộng đoàn thật sự nếu các thành viên của mình sẵn sàng để cho bàn tay của mình bị dơ bẩn khi đón nhận những ai bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 26 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta khi suy tư trên đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bệnh phong.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng phép lạ được tường thuật trong Tin Mừng Thánh Matthêu khi Chúa Giêsu xúc động và chữa lành cho người bệnh phong ngay trước mặt các thày thông luật, là những người coi người đàn ông này là “ô uế”. Đức Thánh Cha giải thích rằng vào thời đó bệnh phong tựa như một án phạt chung thân vì chữa một người phong cùi được cho là khó như làm cho một người sống lại từ cõi chết. Những người cùi bị loại trừ khỏi xã hội, nhưng Chúa Giêsu dang rộng đôi tay và chỉ cho chúng ta thấy những gì có nghĩa là sự gần gũi với những người như vậy.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta không thể là một cộng đoàn, chúng ta không thể kiến tạo hòa bình, và chúng ta không thể làm việc thiện mà không gần gũi với mọi người. Chúa Giêsu có thể chỉ cần nói với người phong cùi, “anh đã được chữa lành”, nhưng thay vào đó Ngài dang tay ra và chạm vào anh ta, tự làm mình ra “ô uế” . Đây là mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Ngài mang trên mình những bẩn thỉu của chúng ta, và những tội lỗi của chúng ta để trở nên gần gũi với chúng ta.

Tin Mừng cũng ghi nhận rằng Đức Giêsu đã yêu cầu người đàn ông được chữa lành đừng nói cho bất cứ ai, nhưng đi gặp một tư tế và 'dâng của lễ theo luật Môisen' như là bằng chứng mình đã được sạch. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Chúa Giêsu không chỉ làm cho tay mình dơ bẩn nhưng Ngài còn hướng dẫn người đàn ông này đến với các tư tế để anh có thể được đón nhận lại trong Giáo Hội và trong xã hội. Chúa Giêsu không bao giờ loại trừ bất cứ ai. Ngài chỉ loại trừ chính mình ngõ hầu đón nhận chúng ta là những người tội lỗi.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận phản ứng của những người xung quanh Chúa Giêsu, nhiều người trong số đó ngạc nhiên trước những lời giảng dạy của Ngài và đã đi theo Ngài. Những người khác, quan sát từ xa với trái tim chai cứng để chỉ trích và lên án Ngài, trong khi lại có những người khác nữa muốn đến gần Chúa Giêsu, nhưng chưa đủ can đảm để làm như vậy. Với những người như thế, Chúa Giêsu chìa tay ra, như Ngài đã chìa tay ra với tất cả chúng ta, gánh lấy tội lỗi của chúng ta để trở thành một người trong chúng ta. Liệu chúng ta có đủ sức mạnh và can đảm để bước ra và chạm vào những người bị loại trừ hay không? Đây là ý nghĩa của một cộng đoàn Kitô giáo và đây là câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta - các linh mục, giám mục, tu sĩ, tất cả chúng ta - phải tự hỏi chính mình.