Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giám Mục Nigeria lạc quan dè dặt trước sự lãnh đạo của tân tổng thống

Một giám mục Nigeria chủ chăn của giáo phận bị thiệt hại nặng nhất vì các cuộc tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bày tỏ sự tin tưởng vào tân tổng thống Muhammadu Buhari và lòng biết ơn đối với sự chuyển tiếp chính quyền suôn sẻ.

“Cuộc bầu cử tổng thống đã diễn ra trong hòa bình một cách bất ngờ”, Đức Cha Oliver Doehme là giám mục giáo phận Maiduguri nói như trên trong một cuộc họp với các nhà lập pháp châu Âu, do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ bảo trợ. Ngài nói thêm là tổng thống mãn nhiệm Goodluck Jonathan đã thể hiện tư cách của một nhà lãnh đạo quốc gia khi chấp nhận thất bại ngay sau khi cuộc kiểm phiếu, và như thế ngăn chặn triển vọng xung đột bạo lực vì kết quả bầu cử.

Ông Goodluck Jonathan là một người Công Giáo rất thành công trong lĩnh vực kinh tế nhưng về mặt quân sự, dân chúng hoài nghi ông không có khả năng đánh bại bọn khủng bố Boko Haram.

Đức Cha Oliver tin rằng sự thay đổi chính trị tương đối trơn tru, xảy ra trong một khoảng thời gian bất ổn ở Nigeria, là “hoa trái của lời cầu nguyện”.

Quân đội Nigeria đã thành công trong một chiến dịch tấn công các cứ điểm của quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram gần đây, và rất nhiều người rời bỏ nhà cửa của họ trong giáo phận Maiduguri để tránh các cuộc tấn công khủng bố nay đang trở về.

Theo Đức Cha Oliver, tân tổng thống Buhari đã từng là một Đại Tướng trong quân đội Nigeria sẽ có thể tiếp tục chiến dịch tận diệt bọn khủng bố Boko Haram thành công. Ông phục vụ trong quân ngũ từ năm 1961 đến 1985.

Đức Cha nói:

“Ông ta là một người Hồi giáo, nhưng ông đã thể hiện rằng mình là tổng thống cho tất cả mọi người Nigeria bất kể tôn giáo hay truyền thống của họ”.

Theo Đức Cha Oliver, cuộc chiến chống Boko Haram vẫn còn là một mối quan tâm quan trọng đối với Nigeria, và đặc biệt đối với giáo phận của ngài. Bọn khủng bố vẫn hoạt động rầm rộ và thành trì của chúng trong rừng Sambisa vẫn chưa bị tấn công.

2. Các Giám Mục Nigeria hứa trợ giúp những phụ nữ bị mang thai bởi bọn khủng bố Boko Haram

Các giám mục Công Giáo Nigeria đã đưa ra một tuyên bố hứa trợ giúp những phụ nữ bị hãm hiếp bởi bọn khủng bố Boko Haram trong các cuộc tấn công khủng bố, và xin những phụ nữ đang mang thai trong những trường hợp này đừng phá thai.

Đức Cha Anselm Umoren, chủ tịch Ủy ban y tế của Hội Đồng Giám Mục Nigeria nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc:

“Đề nghị giết chết những đứa trẻ được hoài thai trong những vụ hiếp dâm bởi những kẻ khủng bố là điều không thể chấp nhận được. Trong trường hợp bi đát này, Giáo Hội Công Giáo hợp tác với tất cả mọi người thiện chí, và sẵn sàng giúp đỡ các phụ nữ mang thai.”

Sau khi quân đội Nigeria giải phóng hàng trăm phụ nữ bị Boko Haram giam giữ, tin tức cho biết là những kẻ khủng bố đã cưỡng hiếp rất nhiều phụ nữ trong số họ, và một số đã có thai.

Các Giám Mục Công Giáo, nhắc nhở dân chúng rằng các em bé được hoài thai trong những vụ hiếp dâm là vô tội.

3. Miến Điện gia tăng bách hại người Hồi giáo Rohingya bằng chính sách dân số

Trong một động thái được nhiều người xem là nhắm vào người Hồi giáo Rohingya thiểu số, tổng thống Thein Sein của Miến Điện đã ký đạo luật chăm sóc sức khỏe và kiểm soát dân số, trong đó cho phép các nhà cầm quyền vùng miền đưa ra những quy định về “khoảng cách sinh” ít nhất là 36 tháng.

Dainius Puras, đặc biệt phái viên của Liên Hiệp Quốc về y tế nhận định:

“Bất kỳ yêu cầu cưỡng chế khoảng cách sinh với mục đích kế hoạch gia đình sẽ tạo ra một sự can thiệp không cân xứng trong sức khỏe tính dục và sinh sản; vi phạm quyền của phụ nữ và có thể cấu thành một sự vi phạm nhân quyền trầm trọng”

Đạo luật do tổng thống Thein Sein của Miến Điện đưa ra cho thấy nhà cầm quyền nước này tiếp tục phớt lờ mọi phản ứng của thế giới trước tình cảnh bi đát của hàng chục ngàn người Hồi giáo Rohingya thiểu số sống không nổi phải bỏ nước ra đi trôi giạt trên biển.

4. Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz hy vọng Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm trại tử thần Auschwitz

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz của tổng giáo phận Krakow hy vọng Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ghé thăm trại tử thần Auschwitz của Đức Quốc xã vào năm 2016, khi ngài tới Ba Lan nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Đức Hồng Y nói với thông tấn xã Công Giáo Ba Lan KAI:

“Chúng tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Auschwitz và một lần nữa đưa ra lời cảnh báo cho thế giới về nỗi kinh hoàng của chiến tranh và các trại tập trung, để những điều này không bao giờ tái diễn nữa”

Mặc dù kế hoạch viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Auschwitz vẫn chưa ngã ngũ ra sao, một phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết chi tiết này sẽ sớm được công bố.

Ngày 28 tháng Năm năm 2006, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đến thăm trại tập trung Auschwitz, nơi 1.5 triệu người bị Đức Quốc Xã giết chết

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Ba Lan nhân ngày Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức từ 26 đến 31 tháng 7 năm tới 2016.

5. Các Hồng Y lên tiếng chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý về cái gọi là “hôn nhân đồng tính” tại Á Nhĩ Lan

84.7% trong tổng số 4,832,800 người Ái Nhĩ Lan là người Công Giáo nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 22 tháng Năm vừa qua 1,201,607 phiếu trong tổng số 1,949,725 phiếu bầu, tức là 62.07% đã đồng ý sửa đổi hiến pháp công nhận “hôn nhân đồng tính”.

Ái Nhĩ Lan không phải là nước đầu tiên định nghĩa lại hôn nhân để công nhận “hôn nhân đồng tính”. Ở một số nước khác, nhà cầm quyền công nhận “hôn nhân đồng tính” thông qua các cơ chế lập pháp. Nhưng tại Ái Nhĩ Lan, việc sửa đổi hiến pháp cần phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Do đó, Ái Nhĩ Lan là nước đầu tiên công nhận “hôn nhân đồng tính” thông qua phổ thông đầu phiếu.

Trước diễn biến bi đát này, Đức Hồng Y Raymond Burke, nguyên chánh tòa ân giải tối cao, nhận định rằng:

“Đây là một thách thức chống lại Thiên Chúa”.

Trong bài nói chuyện tại Đại Học Oxford thuộc Hiệp Hội Newman về di sản trí tuệ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, Đức Hồng Y Raymond Burke bày tỏ sự đau buồn tột độ của ngài:

“Thật không thể tin nổi. Những người ngoại đạo có thể dung nạp những hành vi tình dục đồng giới, nhưng họ không bao giờ dám nói đây là một cuộc hôn nhân.”

Trong khi đó, nói chuyện trong hội nghị về kinh tế tại Vatican hôm thứ Hai 25 tháng 5, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mô tả cuộc trưng cầu dân ý tại Ái Nhĩ Lan “không chỉ là một thất bại đối với nguyên tắc Kitô giáo, nhưng là một thất bại đối với nhân loại”

“Tôi đã rất buồn vì kết quả này”, ngài nói.

Điều đáng tiếc là trong cuộc trưng cầu dân ý tại Ái Nhĩ Lan đã nổi lên một số linh mục trong đó khét tiếng nhất là các linh mục Pádraig Standún, Iggy O’Donovan và Martin Dolan, những người tự nhận mình là “gay” và hô hào giáo dân bỏ phiếu công nhận “hôn nhân đồng tính”.

6. Đức Hồng Y Robert Sarah nói: Giáo Hội phải có can đảm lội ngược dòng triều của xã hội

Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, nói rằng “ngày nay Giáo Hội phải chiến đấu chống lại trào lưu xã hội, với lòng can đảm và hy vọng, và không phải sợ lên tiếng tố cáo những lừa dối, những lèo lái và các tiên tri giả.”

Đức Hồng Y đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc nói chuyện tại Học Viện Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Rôma hôm 22 tháng 5.

Đề cập đến Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới, Đức Hồng Y nêu ra nhận xét rằng “Có những người tin rằng sẽ có một cuộc cách mạng, nhưng điều đó sẽ không xảy ra đâu bởi vì tín lý không thuộc về bất cứ ai, nhưng thuộc về Chúa Kitô.”

Về phiên họp Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình vừa qua, Đức Hồng Y nói “rõ ràng rằng trọng tâm thực sự không phải và không chỉ giới hạn trong vấn đề những người ly dị tái hôn”, nhưng “vấn đề là có một số người cho rằng tín lý của Giáo Hội là một lý tưởng không thể đạt được, không thể thực hiện được và vì vậy cần phải có một sự điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ đi để có thể đề nghị với xã hội ngày nay.”

Đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý về cái gọi là “hôn nhân đồng tính” vừa diễn ra tại Ái Nhĩ Lan, Đức Hồng Y cảnh cáo rằng “ngày nay một trong những hệ tư tưởng nguy hiểm nhất là thuyết giới tính theo đó không có sự khác biệt về bản chất tự nhiên nào giữa người nam và người nữ, cũng như nam tính và nữ tính không được ghi khắc trong tự nhiên.”

“Họ muốn nói rằng tính dục con người không phụ thuộc vào căn tính của người đàn ông và người phụ nữ, nhưng chỉ là một khuynh hướng tình dục, chẳng hạn như đồng tính luyến ái. Đây là hệ tư tưởng độc tài hão huyền, một hệ tư tưởng thực dụng nhưng lại có hiệu quả phủ nhận mọi thực tại của sự vật ... Giáo Hội không thể cổ võ cho một mới khái niệm về gia đình. Người đồng tính là những nạn nhân đầu tiên của sự trôi dạt này”.

Đức Hồng Y cũng khẳng định rằng Giáo Hội không nên “sử dụng các thuật ngữ được sử dụng ở Liên Hợp Quốc,” Ngài nói: “Chúng ta có một vốn từ vựng để diễn đạt những gì chúng ta tin. Nếu Thánh Thể chỉ là một bữa ăn, chúng ta có thể trao Mình Thánh Chúa cho những người ly dị và tái hôn là những người làm trái với các giao ước. “

Ngài nói thêm:

Thực tế là đôi khi chúng ta không chính xác trong việc sử dụng các từ ngữ Kitô giáo, chẳng hạn như là “lòng thương xót.” Nếu không giải thích ý nghĩa thực sự của từ ngữ ấy, chúng ta lừa dối dân chúng ... Chúa Kitô đã thương xót, nhưng chính Ngài cảnh cáo: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19:8). Những ai đã phạm tội mà không ăn năn, thì không thể tiếp cận Mình Thánh Chúa Kitô ... Đó là một sự phạm thánh làm ô uế thân thể Ngài.

7. Giám Mục thành Aleppo lên án thứ truyền thông vô nhân đạo

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Đức Giám Mục Công Giáo nghi lễ Latinh của thành phố Aleppo đã bày tỏ sự bất bình của ngài trước lề lối đưa tin vô trách nhiệm của Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (Syrian Observatory for Human Rights – gọi tắt là SOHR) có trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc.

SOHR được thành lập bởi Rami Abdulrahman vào tháng Năm năm 2006 với chủ trương rõ rệt là nhằm chống lại chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad, chủ yếu với những cáo buộc vi phạm nhân quyền của quân đội Syria.

Sau khi Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh bắt đầu các cuộc không kích chống lại quân khủng bố Hồi Giáo IS từ tháng 9 năm 2014, SOHR được trích dẫn gần như hàng ngày bởi hầu như tất cả các phương tiện truyền thông trên thế giới như Voice of America, Reuters, BBC, và CNN về số thương vong hàng ngày của quân khủng bố Hồi Giáo và số dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích ở Syria.

Trong điều kiện khó khăn của cuộc chiến tại Syria và Iraq, SOHR gần như là nguồn tin duy nhất về tình hình chiến sự tại hai quốc gia này. Mặc dù nhiều người cũng hoài nghi do đâu SOHR có thể có những tin tức và số liệu như thế.

Thông tấn xã Công Giáo Asia News của Hội Các Thừa Sai Truyền Giáo cảnh giác rằng cho đến năm 2013, SOHR vẫn theo đuổi một đường lối bênh vực quân khủng bố Hồi Giáo IS. Sau khi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được Mosul và gây ra bao nhiêu hành động tàn ác, SOHR mới bớt đi những luận điệu bênh vực cho bọn khủng bố.

Đức Giám Mục Georges Abou Khazen, dòng anh em hèn mọn, là Giám Quản Tông Tòa Aleppo của Công Giáo nghi lễ Latinh nói với thông tấn xã Fides rằng tin gần đây do SOHR tung ra và bắt đầu được lan truyền rộng rãi theo đó một người lính Kitô giáo trong lực lượng Assyrô phối hợp với quân đội người Kurd đã chặt đầu một chiến binh khủng bố Hồi Giáo IS là “không đáng tin cậy, chưa được kiểm chứng và vô trách nhiệm”.

Theo SOHR, trong cuộc tấn công giải phóng làng Tal Shamiram, trong thung lũng Khabur, nơi đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm gần 3 tháng nay, một chiến binh khủng bố Hồi Giáo IS đã bị bắt sống và bị một người lính Kitô giáo chặt đầu để trả thù.

Đức Cha Georges nói: “Sự việc được trình bày một cách chung chung, không ghi rõ chi tiết, không có một tên tuổi nào được nhắc đến...Sự lèo lái thông tin này cũng là một trong những phương tiện được sử dụng để nhân lên nhiều lần bạo lực và sự khủng khiếp của cuộc xung đột này. Chúng tôi biết rằng hơn 230 Kitô hữu Assyriô đang bị bắt cóc ở các làng trong thung lũng Khabur và vẫn đang bị các chiến binh thánh chiến giữ làm con tin. Chỉ có những kẻ người liều lĩnh mới có thể làm một cái gì đó như thế, khi những người khác đang gặp nguy hiểm, vì tất cả mọi thứ có thể sẽ được sử dụng như một cái cớ để biện minh cho sự trả đũa”

“Trên tất cả”, vị Đại Diện Tông Tòa Aleppo nói “Kitô hữu chúng tôi không chấp nhận bất kỳ sự trả thù hoặc bạo lực nhân danh tôn giáo. Đáp trả duy nhất của chúng tôi trong bất kỳ tình huống nào đều là sự tha thứ, như một dấu chỉ soi sáng cho tất cả mọi người. Trả thù, trả oán chỉ làm sâu sắc thêm các vết thương, và kéo dài vòng xoáy thù hận”

8. Đức Hồng Y Louis Sako Raphael vui mừng vì đức tin của người Công Giáo tại Iran

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê đã trở lại Iraq sau một chuyến thăm kéo dài 12 ngày tại hai thành phố của Iran là Teheran và Urmia.

Các cuộc gặp gỡ với người Công Giáo Chanđê ở Iran “lấp đầy trái tim chúng tôi với niềm vui và lòng biết ơn đối với sự kiên vững trong đức tin, sự vững vàng, hy vọng, tình yêu, và việc gìn giữ các giá trị Kitô giáo và truyền thống của anh chị em, bao gồm cả ngôn ngữ Chanđê của chúng ta”. Đức Hồng Y Louis Sako Raphael, Thượng Phụ Công Giáo Babylon đã viết như trên trong một thư mục vụ được công bố hôm 27 tháng Năm.

Ngài viết tiếp: “Hãy nhớ rằng anh chị em là con cháu của các vị tử đạo và các thánh. Trong nhà thờ chính tòa của Urmia có hài cốt 4,000 vị tử đạo thiệt mạng trong năm 1918. Các vị là một ân sủng và một nguồn lực cho anh chị em.”

Đức Thượng Phụ kết luận rằng:

“Chúng tôi mời gọi anh chị em cũng gắn liền với đất nước mình; anh chị em là người Iran và không phải là một cộng đồng những người nước ngoài có nguồn gốc từ một hành tinh khác. Anh chị em có nguồn gốc còn trước cả người Hồi giáo, khi đó Kitô hữu là đa số, và Giáo Hội của anh chị em được gọi là Giáo Hội của Ba Tư, và hôm nay anh chị em là một thiểu số, nhưng chúng tôi cảm thấy rằng tất cả mọi người vẫn tôn trọng anh chị em. Mặc dù anh chị em là một cộng đồng nhỏ về số lượng, nhưng anh chị em mạnh mẽ như các Giáo Hội tiên khởi. Chúng tôi tin chắc rằng anh chị em sẽ phát triển.”

9. Các Giám Mục Burundi yêu cầu các linh mục rút lui khỏi Ủy Ban Tuyển Cử vì Giáo Hội không thể bảo lãnh cho cuộc bầu cử ma giáo

Các linh mục Công Giáo không được tham gia vào các Ủy Ban Tuyển Cử trung ương và địa phương trong cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Burundi vì những vi phạm trong quá trình bỏ phiếu là không thể tránh khỏi. Hội Đồng Giám Mục Burundi đã công bố như trên trong một động thái được xem là quyết liệt tẩy chay cuộc bầu cử vào thượng tuần tháng Sáu.

“Chúng ta không thể làm người bảo lãnh cho các cuộc bầu cử đầy những trò ma giáo”, Đức Cha Gervais Bashimiyubusa của giáo phận Ngozi, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nói.

Theo dự trù ban đầu, sau khi cuộc bầu cử lập pháp diễn ra vào ngày 05 Tháng Sáu, Quốc Hội mới sẽ được yêu cầu thông qua việc tu chính hiến pháp để Tổng thống Burundi là ông Pierre Nkurunziza có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 26 tháng Sáu.

Hiện chỉ có hai đảng tham gia vào cuộc chạy đua vào Quốc Hội. Các đảng khác đồng loạt tẩy chay để phản đối những hạn chế vô lý áp đặt bởi tổng thống Pierre Nkurunziza.

Theo một thông lệ đã có từ năm 2005, nhiều linh mục hiện đang giữ những chức vụ cao trong các Ủy Ban Tuyển Cử trung ương và địa phương.

Burundi ở Trung Phi về phía Đông của Cộng Hoà Dân Chủ Congo, có 10.3 triệu dân trong đó người Hutu chiếm 85% dân số và người Tutsi chiếm 14%. Tháng 10 năm 1993, vị tổng thống đầu tiên được bầu theo thể thức dân chủ đã bị ám sát sau khi cầm quyền được mới có 100 ngày. Biến cố này gây ra bạo động chém giết giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi trong một cuộc nội chiến kéo dài cho đến năm 2003 khi quốc tế can thiệp. Hai năm sau đó, tức là năm 2005, tổng thống Pierre Nukurunziza được bầu lên theo một thể thức tự do và dân chủ. Ông Pierre Nukurunziza tái đắc cử tổng thống vào năm 2010.

Theo hiến pháp hiện hành của Burundi, nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm và mỗi vị tổng thống chỉ được giữ tối đa là hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tổng thống Pierre Nukurunziza đã muốn thay đổi hiến pháp để tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba. Bạo động đã nổ ra ngày 26 tháng Tư khi cảnh sát đàn áp dã man những người biểu tình và bắn chết ít nhất 25 người. Hàng trăm ngàn người đã di tản khỏi đất nước.

Người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số trong tổng số 10.3 triệu dân.