Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Giáo Hoàng danh dự phá vỡ sự im lặng với lời tựa trong cuốn sách mới của Đức Hồng Y Bertone

Công việc của một mục tử “không thể bị giới hạn trong Giáo Hội mà thôi”. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã viết như trên trong một lá thư được dùng làm lời tựa cuốn sách mới có tựa đề là “La Fede e il Bene Comune” của Đức Hồng Y Tarciso Bertone. Đây là một diễn biến hiếm hoi kể từ Đức Bênêđíctô thứ 16 thoái vị hôm 11 tháng 2 năm 2013.

Thư của Đức Giáo Hoàng danh dự gởi cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone cũng được tóm tắt trong số ra ngày 10 tháng 5 của tờ Quan Sát Viên Rôma.

Trình bày một số suy tư về những công việc chung với Đức Hồng Y Bertone, nguyên là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong triều Giáo Hoàng của ngài, Đức Bênêđíctô thứ 16 nói rằng hai vị đều hiểu rằng công việc của các ngài dành cho Giáo Hội “không thể bị giới hạn đơn thuần trong các hành vi quản trị cụ thể.” Công việc quan trọng hơn của các ngài, là “phục vụ, ngày hôm nay, một cách đúng đắn, Lời của Thiên Chúa: Logos”.

Ngài viết thêm:

“Việc chăm sóc mục vụ không chỉ giới hạn trong việc ban bố các phép Bí Tích và công bố Tin Mừng”. Giáo Hội phải chịu trách nhiệm không chỉ cho những ai xưng mình là người Công Giáo nhưng còn là đối với “thế giới trong tổng thể của nó.”

Đức Giáo Hoàng danh dự cho biết cuốn sách của Đức Hồng Y Bertone đưa ra “những ý tưởng đáng suy nghĩ cho cả những độc giả không phải là một thành viên của Giáo Hội.” Cuốn sách được phát hành bởi nhà xuất bản Vatican.

Kể từ khi thoái vị vào năm 2013, Đức Giáo Hoàng danh dự đã tránh đưa ra các tuyên bố công khai. Ngài là một tác giả rất sung mãn trước cuộc bầu cử Giáo Hoàng năm 2005, nhưng khi về hưu, ngài đã hầu như chấm dứt việc sáng tác.

2. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ nói: Chỉ trong một giáo phận của Nigeria mà thôi đã có 5,000 người Công Giáo bị giết

Trước sự thờ ơ của thế giới, chỉ tại một giáo phận Nigeria mà thôi đã có hơn 5,000 người Công Giáo đã bị giết trong vòng một năm qua bởi bọn khủng bố Boko Haram.

Tại giáo phận Maiduguri, ở đông bắc Nigeria, ít nhất 100,000 người đã phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo để tránh bạo lực khủng bố, và hơn 350 nhà thờ bị phá hủy. Trong một số trường hợp, nhà thờ bị phá hủy được xây dựng lại, và lại bị phá hủy một lần nữa.

Trái với những tin tức lạc quan do nhiều cơ quan truyền thông đưa ra, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết Boko Haram hiện kiểm soát hầu hết các lãnh thổ thuộc giáo phận Maiduguri. Trong số 40 giáo xứ và cứ điểm truyền giáo của toàn giáo phận, 22 nơi nằm trong tay bọn khủng bố và phải đóng cửa. Giáo phận có 40 trường tiểu học thì có đến 32 trường nằm trong tay giặc. Có 5 tu viện thì 4 tu viện bị bọn Boko Haram chiếm đóng.

Giáo phận Maiduguri hiện nay có tới 7,000 góa phụ và 10,000 trẻ em mồ côi. Cha Gideon Obasogie, một phát ngôn viên của giáo phận, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng “mọi người đang rất sợ hãi và những ai có trở về nhà mình thì đều thấy là chẳng còn gì sót lại.”

3. Quân khủng bố Hồi Giáo IS nhận trách nhiệm vụ thảm sát tại Karachi, Pakistan

Trong một tuyên bố được đưa ra tại Beirut hôm thứ Sáu 15 tháng 5 và được đăng tải trên báo chí địa phương và trên Twitter, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ thảm sát dã man tại Karachi, là thành phố lớn nhất của Pakistan hai ngày trước đó.

Abid Hussain, một nhân chứng tại chỗ cho AFP biết như sau:

“Có sáu người trên ba xe gắn máy, ba tên nhảy lên xe buýt và bắn loạn xạ trong khi ba tên kia vẫn cho xe nổ máy đợi chúng và tẩu thoát. Khi chúng tôi tới gần chiếc xe buýt, chúng tôi thấy nhiều người đã chết “.

Ghulam Haider Jamali, cảnh sát trưởng quận Quetta, nơi xảy ra vụ tấn công cho biết: “43 người bị giết trên xe buýt và 13 người khác bị thương. Chúng tôi kêu gọi bất cứ ai có tin tức gì về vụ thảm sát này hãy báo cáo ngay cho cảnh sát”.

Người Hồi Giáo Shiite chiếm 20% dân số trong cả nước Pakistan nhưng họ sống tập trung tại Quetta và vùng lân cận trong thành phố Karachi để tránh bị người Hồi Giáo Sunni bách hại.

Thông báo do quân khủng bố Hồi Giáo IS đưa ra có đoạn viết:

“Tạ ơn Allah, 43 tên bội giáo đã thiệt mạng và khoảng 30 tên khác bị thương trong một cuộc tấn công được thực hiện bởi những người lính của nhà nước Hồi giáo trên một chiếc xe buýt chở những kẻ vô đạo Hồi Giáo Shiite ở thành phố Karachi”

Đó là tuyên bố chính thức đầu tiên về trách nhiệm của bọn lãnh đạo IS về một cuộc tấn công trong khu vực Afghanistan-Pakistan.

IS, nay đã chiếm quyền kiểm soát phần lớn Syria và Iraq, công bố vào tháng Giêng năm nay việc thành lập một chi nhánh của chúng tại cái mà chúng gọi là “tỉnh Khorasan”, bao gồm Afghanistan, Pakistan và nhiều vùng của các nước xung quanh.

4. Khủng hoảng nhân đạo tại Burundi theo sau vụ đảo chánh hụt

Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, Hội Đồng Giám Mục Burundi đã lên tiếng kêu gọi tổng thống nước này đừng sửa đổi hiến pháp để tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Lời cảnh báo của các Giám Mục đã trở thành hiện thực. Bạo loạn dữ dội đã xảy ra khiến hàng trăm ngàn người đã phải bỏ nước lánh nạn tại các quốc gia lân bang và phải sống trong những điều kiện tồi tệ. Một cuộc đảo chính cũng đã diễn ra hôm thứ Tư 13 tháng 5 nhưng bất thành.

Rupert Colville, phát ngôn viên của OHCHR tức là Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu 15 tháng 5 cho biết:

“Chúng tôi đang rất quan tâm tới những diễn biến tại Burundi trong hai ngày qua, và chúng tôi kêu gọi các lực lượng vũ trang và các tổ chức phi chính phủ kiềm chế những hành động có thể gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân và để bảo đảm cho họ tráng khỏi những nguy hiểm của cuộc xung đột hiện nay. Có một nguy cơ rõ ràng rằng sự bất ổn có thể kéo dài hoặc trầm trọng hơn nếu có sự trả thù bạo lực để đáp lại những gì đã xảy ra trong hai ngày qua.”

Ông nói thêm:

“Chúng tôi cũng rất lo ngại rằng sự bất ổn chính trị có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát”

Karin de Gruijl, phát ngôn viên của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR, cho biết thêm

“Đặc biệt, tại Tanzania, con số người tị nạn đã tăng lên rất mạnh trong vài ngày qua. Cơ quan di trú địa phương báo cáo rằng hơn 50,000 người Burundi đang sống màn trời chiếu đất trong những tình cảnh rất khó khăn và thiếu thốn tại Kangunga trên bờ hồ Tanganyika”.

Burundi ở Trung Phi về phía Đông của Cộng Hoà Dân Chủ Congo, có 10.3 triệu dân trong đó người Hutu chiếm 85% dân số và người Tutsi chiếm 14%. Tháng 10 năm 1993, vị tổng thống đầu tiên được bầu theo thể thức dân chủ đã bị ám sát sau khi cầm quyền được mới có 100 ngày. Biến cố này gây ra bạo động chém giết giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi trong một cuộc nội chiến kéo dài cho đến năm 2003 khi quốc tế can thiệp. Hai năm sau đó, tức là năm 2005, tổng thống Pierre Nukurunziza được bầu lên theo một thể thức tự do và dân chủ. Ông Pierre Nukurunziza tái đắc cử tổng thống vào năm 2010.

Theo hiến pháp hiện hành của Burundi, nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm và mỗi vị tổng thống chỉ được giữ tối đa là hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tổng thống Pierre Nukurunziza đã muốn thay đổi hiến pháp để tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba. Bạo động đã nổ ra ngày 26 tháng Tư khi cảnh sát đàn áp dã man những người biểu tình và bắn chết ít nhất 25 người. Hơn 105,000 người đã di tản khỏi đất nước.

Hôm thứ Tư tướng Godefroid Niyombare lãnh đạo một cuộc đảo chính nhưng bất thành. Đến ngày thứ Sáu, quân đội và cảnh sát trung thành với tổng thống Pierre Nukurunziza đã kiểm soát được tình hình. Tướng Godefroid Niyombare bỏ trốn nhưng 18 tướng lãnh và sĩ quan cao cấp quân đội và cảnh sát đã bị bắt.

Thông tấn xã Fides trong bản tin ngày 16 tháng 5 cho biết ít nhất 6 đài truyền thanh tại Burundi đã bị phe nổi dậy cũng như phe trung thành với tổng thống Pierre Nukurunziza làm im tiếng.

Người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số trong tổng số 10.3 triệu dân.

5. Di sản phong phú của các vị tân thánh Palestine

Ở góc của một nhà thờ cổ kính tại Giêrusalem là ngôi mộ của Thánh Marie Alphonsine Ghattas, người vưà được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh hôm 17 tháng 5.

Trong những ngày này, ngôi nhà thờ tấp nập các tín hữu đến cầu nguyện trước một hộp nhỏ đựng thánh tích của chị. Ngay trước ngày vị Chân Phước này được tuyên thánh, trong sổ những lời xin ơn, người ta đã thấy những dòng chữ bằng tiếng Ả rập “Thánh Marie Alphonsine”.

Trong khi Thánh Maria Baouardy của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh được nhớ đến như một nhà thần bí với những dấu đanh của Chúa Giêsu, Ghattas được nhớ đến như một nữ tu tận tụy với việc giáo dục và với các phụ nữ Ả rập. Ghattas đã để lại cho Thánh Địa một di sản phong phú gồm một mạng lưới các tu viện, trường học và các trung tâm tôn giáo.

Nữ tu Hortance Nakhleh, đang chưng dọn trong nguyện đường tu viện Mamillah để chuẩn bị cho lễ mừng lễ tuyên thánh cho biết:

“Chị Thánh Ghattas đối với chúng tôi rất quan trọng bởi vì chị ấy là một vị thánh, chị ấy là một thiếu nữ Giêrusalem và là một người Ả Rập. Đức Trinh Nữ Maria đã muốn chị khởi đầu một tu viện cho các cô gái của đất nước này.”

Nữ tu Hortance Nakhleh nói tiếp:

“Thông điệp của chị là phải chú ý đến việc giáo dục các cô gái Ả Rập và phụ nữ. Về mặt lịch sử mà nói thời điểm chị trở thành một nữ tu là một thời kỳ khó khăn cho các em gái và phụ nữ Ả Rập. Họ không được giáo dục và bị kiểm soát ngặt nghèo. Cuộc sống không phải là dễ dàng gì cho các cô gái Ả Rập.”

Một phép lạ đã dẫn đến việc phong thánh cho Chân Phước Ghattas là sự phục hồi của một kỹ sư người Palestine vào năm 2009. Anh ta bị điện giật và lên cơn đau tim, nhưng tỉnh lại hai ngày sau đó sau khi người nhà cầu nguyện trước ảnh Chân Phước Ghattas.

6. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran nói: Đối thoại với Hồi Giáo là vấn đề sinh tử vào lúc này

Trong tuần qua, Hội đồng Hội đồng Giám mục châu Âu đã mở một cuộc họp ba ngày tại Tu viện Thánh Maurice ở Thụy Sĩ về vấn đề người Hồi giáo tại châu Âu.

Sau khi nhắc đến cuộc bách hại kinh hoàng mà các Kitô hữu đã và đang phải gánh chịu tại Trung Đông, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, nói rằng “đối thoại với Hồi Giáo là vấn đề sinh tử hơn bao giờ hết. Thứ nhất, vì đại đa số người Hồi giáo không chấp nhận ra những đường lối man rợ. Thứ hai, là vì việc theo đuổi con đường đối thoại, thậm chí trong bối cảnh bị bách hại, trở thành một dấu chỉ của hy vọng.”

Ngài nói thêm rằng các cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu phải “thẳng thắn nói về những kẻ cực đoan và khủng bố là những kẻ đang tìm kiếm tôn giáo như là sự biện minh cho những hành động tàn bạo của họ. Trong mọi trường hợp, câu hỏi phải tự đặt ra là: làm sao tôi có thể vưà là một người Hồi giáo vừa là một người châu Âu?”

7. Tổ chức Ân xá Quốc tế tố cáo tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô tị nạn ở Libya.

Trong báo cáo đưa ra hôm 10 tháng 5, tổ chức Ân xá Quốc tế đã đưa ra một bản phúc trình tố cáo tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô tị nạn ở Libya.

Báo cáo cho biết:

“Tại Libya nơi chiến tranh tàn phá ác liệt, hàng ngàn người nước ngoài, bao gồm cả những người phải lánh nạn và người tị nạn, đã bị bắt cóc để đòi tiền chuộc, bị tra tấn và gánh chịu bạo lực tình dục của bọn buôn người, các tổ chức buôn lậu và các nhóm tội phạm có tổ chức đủ loại”

“Những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là người di cư và tị nạn Kitô Giáo, bị bách hại nặng nề nhất và có nhiều nguy cơ bị lạm dụng nhất bởi các nhóm vũ trang tìm cách thực thi những giải thích chuyên biệt của họ về luật Hồi giáo.”

8. Đức Hồng Y Peter Turkson kêu gọi một sự thay đổi cơ bản về bảo vệ môi sinh

Đức Hồng Y Peter Turkson đã lên tiếng kêu gọi “một sự thay đổi cơ bản” trong thái độ và các chính sách công cộng nhằm bảo vệ môi sinh và giúp đỡ người nghèo. Ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên trong một diễn văn hôm 14 tháng Năm tại Đại Hội Đồng Caritas quốc tế kỳ thứ 20.

Đức Hồng Y Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, nói rằng những phát triển kinh tế trong những năm gần đây đã nghiêng hẳn về những “mặt trái của nó với những giá phải trả không thể chấp nhận được.” Ngài chỉ trích sự tồn tại của nạn đói trong một thời đại sung túc, và sự kiện là có “một thế lực đặc quyền” đang kiểm soát hầu hết của cải trên thế giới.

Một thái độ lành mạnh đối với phát triển kinh tế nên bắt đầu với một sự công nhận rằng mọi loài thụ tạo là ân sủng của Thiên Chúa, và “đáp trả đúng đắn khi nhận được ân sủng tuyệt vời như thế phải là lòng biết ơn, tình yêu và sự tôn trọng.” Ngài giải thích rằng con đường này sẽ dẫn đến tình đoàn kết và một sự quản lý kinh tế trong đó kết hợp sự tăng trưởng có trách nhiệm với việc chăm sóc cho môi trường và mối quan tâm đối với người nghèo.

Đức Hồng Y Turkson nhấn mạnh rằng những thay đổi mà ngài thấy là cần thiết không thể đạt được thông qua các chính sách công cộng mà thôi. “Nếu không có sự hoán cải về luân lý và sự thay đổi của con tim thì các quy định, chính sách và các mục tiêu trên thế giới dù tốt đến đâu cũng chẳng có hiệu quả.”

9. Thủ tướng Lục Xâm Bảo “kết hôn” đồng tính

Thủ tướng Lục Xâm Bảo Bettel Xavier đã chính thức “kết hôn” đồng tính trong một buổi lễ diễn ra tại tòa thị chính của thủ đô Luxembourg vào tuần qua với đối tác đồng tính của ông, là ông Gauthier Bestenay.

Bettel đã trở thành thủ tướng vào tháng Mười Hai năm 2013. Ông là nhà lãnh đạo chính phủ châu Âu thứ 2 “kết hôn” đồng tính, sau bà Johanna Sigurdardottir, từng là thủ tướng Iceland vào năm 2010.

Các quan sát viên ủng hộ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ tỏ ra quan ngại đặc biệt trước diễn biến này vì Lục Xâm Bảo là quốc gia gần như toàn tòng với hơn 90% dân số là người Công Giáo. Hơn thế nữa, vào ngày 01 tháng 7 tới đây Bettel sẽ đến lượt làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu.

10. Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta có lẽ sẽ được phong thánh vào tháng Chín năm 2016, trong Năm Thánh Từ Bi (File Lombardi01.mp4)

I Media, trích thuật nguồn tin của chính quyền dân sự Italia, cho biết Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, đã gặp gỡ các quan chức chính phủ Ý để phác thảo kế hoạch cho lễ tuyên thánh Chân Phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta vào ngày 04 Tháng Chín năm 2016.

Tại Ấn Độ, một phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar nói với Reuters rằng việc phong thánh sẽ được tổ chức vào tháng Chín năm tới để việc tuyên thánh người sáng lập dòng Thừa Sai Bác Ái, người đã cống hiến cả cuộc đời cho người nghèo, được diễn ra trong Năm Thánh Từ Bi.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 19 tháng 5, khi được hỏi về những tin tức này, Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, đã trả lời dè dặt là ngài không biết ngày giờ cụ thể của lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa. Nhưng ngài nhận định rằng ngày 04 tháng 9, 2016 có thể được coi là một “giả thuyết khả thi”.

11. Lễ tuyên phong Chân Phước cho cha Luigi Caburlotto

Sáng ngày thứ Bẩy 16 tháng Tư tại tiền đình nhà thờ thánh Máccô là nhà thờ chánh tòa thành phố Venice, Đức Hồng Y Angelo Amato đã chủ sự lễ tuyên phong Chân Phước cho cha Luigi Carburlotto.

Đồng tế trong thánh lễ có Đức Thượng Phụ Francesco Moraglia của tổng giáo phận Venice, 6 vị Giám Mục khác trong vùng và hàng trăm linh mục thuộc tổng giáo phận Venice.

Sau kinh thương xót, cộng đoàn đã lắng nghe tiểu sử cha Luigi Carburlotto, đấng sáng lập dòng Nữ Tử Thánh Giuse.

Cha Luigi Carburlotto sinh ngày 7 tháng Sáu năm 1817 tại Venice, Italia. Ngài là con trai một người chèo thuyền trên sông Venice. Sau khi được thụ phong linh mục vào ngày 24 tháng 9 năm 1842, ngài dấn thân lo cho những trẻ em nghèo, những trẻ em mồ côi và những trẻ bị cha mẹ bỏ rơi.

Ngày 30 Tháng Tư năm 1850, ngài thành lập một trường học cho các trẻ em gái nghèo và mồ côi với sự cộng tác của hai giáo lý viên với ý hướng mời gọi các em này sống đời thánh hiến trong một cộng đoàn do ngài hình thành nên sau này là cộng đoàn Figlie di San Giuseppe hay Nữ Tử Thánh Giuse.

Năm 1857, ngài thành lập một nhà dành cho các cô gái nghèo, và hai năm sau đó vào năm 1859 ngài hình thành một ký túc xá cho người nghèo, và sau đó là một trường miễn phí.

Năm 1869, ngài được giao nhiệm vụ tổ chức lại và làm sống lại trường Manin, là một trường dạy về thương mại và thủ công cho nam giới. Năm 1881, ngài được giao thêm hai trường dành cho người nghèo và đã thành công trong việc đem lại sức sống cho những trường này và bổ sung với đội ngũ giảng dạy là các nữ tu nhiệt thành trong việc giảng dạy.

Sau nhiều năm bôn ba trong việc giáo dục cho người nghèo, sức khỏe của ngài bắt đầu suy giảm, và ngài phải hạn chế đi lại. Không thể đi lại được, ngài dồn sức vào công việc của giáo xứ, nơi ngài đã dành rất nhiều thời gian cho những buổi tĩnh tâm dành cho giáo sĩ và giáo dân.

Trong những năm cuối đời, cha Luigi Carburlotto sống như một ẩn sĩ cầu nguyện trong khi theo dõi các tổ chức do mình thành lập đang mang lại những thành quả to lớn cho Giáo Hội, không chỉ trong tổng giáo phận Venice mà vươn ra tòan cõi Italia và đến những miền đất xa xăm của thế giới như Úc Đại Lợi, Brazil, Kenya và Phi Luật Tân.

Ngài được Chúa gọi về ngày 9 tháng 7 năm 1897, thọ 80 tuổi.

Án phong chân phước cho cha Caburlotto đã bắt đầu ở cấp giáo phận vào ngày 14 tháng 9 năm 1963 và hoàn thành vào ngày 28 tháng 6 năm 1969. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công nhận cuộc sống và những nhân đức anh hùng và được tôn lên Bậc Đáng Kính vào 02 tháng 7 năm 1994.

Một phép lạ nhờ lời cầu bầu cử của ngài đã được điều tra từ ngày 22 tháng 12 năm 2009 tới ngày 28 Tháng 9 năm 2010. Ngày 9 tháng 5 năm ngoái 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y việc công nhận phép lạ này.

Sau khi cộng đoàn nghe xong tiểu sử của Chân Phước Luigi Carburlotto, Đức Hồng Y Angelo Amato đã tuyên đọc sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bức màn che chân dung ngài đã được kéo lên trong khi dân chúng vỗ tay reo mừng.

Thánh tích của ngài cũng đã được rước lên cho Đức Hồng Y, Đức Thượng Phụ và các Giám Mục tôn kính và được đặt trên một bàn thờ nhỏ bên cạnh bàn thờ chính.