Từ chiều ngày 13 đến 15.8.2002 tại La-vang đã diễn ra Đại hội hành hương lần thứ 26. Đại hội lần này được công bố là của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, do HĐGMVN chủ trì và có tính toàn quốc.

Thực vậy, tới đây tham dự có Đức Cha Phao-lô Nguyễn văn Hòa, Chủ tịch ; Đức Cha Gio- an Bao-ti-xi-ta Phạm minh Mẫn, Tổng Giám mục, Phó Chủ tịch ; Đức Cha Tê-pha nô Nguyễn như Thể, Tổng Giám mục, chủ quản Đại hội ; Đức Cha Phê - rô Nguyễn Soạn, Tổng Thư ký ; Đức Cha Giu-se Ngô quang Kiệt, Phó Tổng Thư ký. Ngoài ra còn có 6 vị Giám muc khác thuộc các giáo phận Bùi Chu, Buôn ma thuột, Đà lạt, Đà nẵng, Hà nội, Vinh và Đan viện phụ Thiên An, với hơn 200 linh mục, hơn 1000 nữ tu và chừng 250 ngàn giáo dân từ Bắc Trung Nam dổ tới. Đây là một Đại hội đặc biệt ghi rõ dấu ấn của Hội Đồng Giám mục V.N. Bốn vị Tổng Giám mục và Giám mục đã được phân công để chủ tế và diễn giảng trong các thánh lễ.

Tôi không muốn làm một bài tường thuật ở đây mà chỉ muốn nêu lên một ít điều tôi nhìn thấy và suy nghĩ nhân cuộc Đại hội này.

I Những điều trông thấy

Phải nói ngay rằng tôi đã thấy một biển người và một rừng cờ từ lúc 3 giờ chiều ngày 13.8.2002. Đã lâu tôi không tới La- vang kể từ sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Những dấu vết tàn phá của chiến tranh cùng với những hình ảnh ghê rợn về Đại Lộ Kinh Hoàng dần dần được xóa bỏ và lui vào dĩ vãng. Cây cỏ ở La - vang đã mọc lại và màu xanh đã phủ lên vùng đất đau thương nhưng được chúc phúc này.

Cùng với những điều mắt xem thấy, tai tôi cũng được nghe những âm thanh từ các

loa phát ra. Đó là lời hướng dẫn của Ban Tổ chức, các bài hát về Đức Mẹ La -vang, các bài kèn của một giáo xứ từ Nam Định vào, tiếng trắc của đoàn Thiếu nhi Bùi Chu, tiếng chiêng cồng của đoàn Thanh niên Thiếu nữ Tây nguyên và tiếng ồn ào của biển người kia vọng tới. Tất cả biển người, rừng cờ và những âm thanh hỗn tạp kia tạo nên một quang cảnh thật lễ hội với tính dân gian, hội chợ, vui tươi nhộn nhịp vào trước giờ khai mạc..

Có đắm mình trong rừng cờ, có chìm ngập trong biển người này mới hiểu được tấm lòng của những người tham dự . Hiện tượng quần chúng này tác động mạnh mẽ và rất có ảnh hưởng trên khách hành hương. Do đó, vai trò của Ban Tổ chức rất quan trọng và cần thiết. Làm thế nào cân bằng được nhu cầu lễ hội với chủ đích của Đại hội. Đó là vấn đề. Người ta đi Đại hội trước hết là để hành hương và cầu nguyện.

Những điều được nghe và trông thấy trong chiều ngày 13 đã đánh động tôi. Tôi đã được xem một cuộc rước phác họa hình ảnh 25 giáo phận Việt Nam của gần 100 thiếu nhi và thiếu nữ. Màn biểu diễn trình bày một con thuyền đang dập dồn trên sóng biển, ngụ ý nói đến Hội thánh Việt Nam giữa cơn ba đào nghiêng ngửa. Cả 25 giáo phận hợp thành một khối trên con thuyền đó, cùng nhau chèo chống đẩy đưa dưới sự che chở của Đức Mẹ ra khơi. Đây là một hình ảnh đẹp về sự đoàn kết giữa ba miền. Cả ba miền cùng chung vai sát cánh trên con thuyền Hội thánh Việt Nam để chống chọi với phong ba bão táp. Hình ảnh này nhắc nhở cho mọi người rằng chúng ta phải rũ bỏ óc kỳ thị, tính địa phương mà tạo cho được sự đoàn kết để làm việc cho ích chung của Hội thánh.


II Những điều suy nghĩ

1. Đây là một cuộc biểu dương tự phát mãnh liệt về lòng tin : tin vào Chúa và tin vào Đức Mẹ đã hiện ra ở La -vang cách đây 204 năm. Giáo dân đến đây từ xa gần bằng

mọi phương tiện có thể. Có ai lôi cuốn thúc đẩy những người này không ? Tôi nghĩ là không. Đây là những người có khi đã tới La -vang một lần hay đã được nghe nói về La -vang. Rồi với lòng kính mến Đức Mẹ dường như tự nhiên ở nơi phần đông giáo hữu Việt Nam, nhất là nơi giới bình dân, người ta kéo nhau tới La - vang. Hòa nhập vào dòng thác những người đồng điệu, họ tạo thành một hiện tượng lạ lùng và một sức sống vô cùng mãnh liệt. Nhìn đoàn ngưòi này đi tới đi lui tham dự các lễ nghi và thấy thái độ của họ đang khi các lễ nghi được cử hành, người ta không khỏi đặt ra câu hỏi : "Bởi đâu họ được như thế nhỉ ?" Cuối cùng người ta chỉ có thể trả lời rằng đó là kết quả của lòng tin.

2. Những người nói đây là những người siêng năng cầu nguyện. Chương trình kinh lễ cầu nguyện trong những ngày Đại hội rất sít sao, dài lâu và nặng nề nữa. Thế mà hầu như giờ sinh hoạt nào họ cũng có mặt đông đủ. Ngoài ra, họ lại còn tự động tổ chức thành những nhóm nhỏ để cầu nguyện giữa những người thân với nhau.

3. Họ là những người thuộc nhiều kinh và khi cầu nguyện thường đọc kinh ; dường như họ chỉ biết đọc kinh để cầu nguyện.

4. Đoàn người hành hương này rất có lòng kính mến Đức Mẹ. Tôi có cảm giác họ được nghe nói về Đức Mẹ nhiều hơn Chúa và họ biết Đức Mẹ kỹ hơn biết Chúa. Bởi vậy trong lối hành đạo, họ dễ làm cho người bên ngoài nghĩ rằng họ kính mến Đức Mẹ hơn kính mến Chúa ; họ thường hay nói và đến với Đức Mẹ hơn là nói và đến với Chúa.

5. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng những người đi hành hương La vang cần được nghe nói và hiểu biết về Chúa nhiều hơn nữa. Nếu trong kỳ Đại hội mà có được những buổi hội thảo, những bài thuyết trình về Lời Chúa, về lòng sùng kính Đức Mẹ đích thật, dựa vào chương VIII trong Hiến chế Ánh sáng muôn dân của Công đồng Va- ti-ca- nô II và tông huấn Tôn sùng Đức Mẹ Ma-ri-a của ĐGH Phao-lô VI thì hay biết mấy, đành rằng nhiều người không quen và không thích sinh hoạt theo kiểu này. Đây cũng là một khuynh hướng khá phổ biến nơi người Việt Nam nói chung. Người ta thích vui, không thích những gì hơi đòi hỏi một chút trong sinh hoạt tinh thần, dù là để đạt tới một trình độ cao và sâu hơn trong sự hiểu biết.

6. Phải chi có thêm những lúc yên ắng để khách hành hương được thư giãn và có thể suy nghĩ cầu nguyện riêng. Nếu cứ phải nghe loa phóng thanh hoài thì thật là một cực hình cho trí não !

7. Đoàn hành hương cần có điều kiện tối thiểu để cầu nguyện. Điều kiện đó là những phút yên lặng thánh như nói trong Hiến chế Phụng vụ. Đàn hát ồn ào lớn tiếng quá không giúp cầu nguyện. Trong suốt buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa tối 13.8 kéo dài trên dưới một tiếng đồng hồ, tôi chỉ có thể cầu nguyện được 2 lần : một lần trước khi kết thúc giờ chầu và một lần sau phép lành kết thúc, vì hai lúc đó tiếng đàn hát dịu lại, bầu khí có đôi phần trầm lắng. Ngoài ra, trong suốt buổi tôi không cầu nguyện được, vì tiếng đàn át hẳn tiếng hát và nhạc công ứng tác trên đàn dương cầm những lối đệm bay bướm theo kiểu nhạc tụ điểm và nhạc phòng trà quá ồn ào chát chúa.

8. Nên lưu ý đến cách dùng máy vi âm cho thành thạo : nghĩa là phát âm đúng cách, điều chỉnh được giọng nói cao thấp to nhỏ sao cho vừa đủ dễ nghe. Điều này quan trọng và cần thiết,vì như thế sẽ làm cho thính giả đỡ mệt và có hứng thú nghe hơn. Còn ngược lại sẽ gây buồn chán và khó chịu.

9. Đại hội là một cuộc tập hợp quần chúng lý tưởng cho những câu tung hô đối đáp trong phụng vụ. Giả như các câu tung hô đối đáp trong phần Đáp ca và Tung hô Tin Mừng cũng như Lời nguyện giáo dân trong các thánh lễ ở Đại hội đã ngắn hơn, dễ hát hơn và âm vực không quá cách nhau, lại được tập trước mỗi buổi lễ thì việc cử hành chắc chắn sẽ tăng thêm hiệu lực. Cứ nghe những bài hát quen thuộc như "Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con", khi được cả biển người kia cùng hát trong Đại hội, người ta đã thấy tác động của chúng như thế nào rồi !

10. Nhiều khách hành hương cảm động nói rằng bao năm trời nay họ mơ ước tới La-vang. Bây giờ được tới đây, họ lấy làm mãn nguyện và coi đó là một ơn huệ quí giá.

Quả thật, phải có khung cảnh và bầu khí, người ta mới dễ cảm thấy được nâng đỡ và thúc đẩy. Đoàn người hành hương tới La - vang, sống trong khung cảnh rừng cờ và biển người, nhìn về dĩ vãng, liên tưởng đến một tình trạng khốn nguy tuyệt vọng, sẽ luôn nhớ rằng đây là linh địa, nơi tổ tiên cha ông mình trong đức tin đã được cứu thoát.

Đại hội kết thúc vào sáng ngày 15.8 sau lễ đồng tế và một cuộc rước kính Đức Mẹ với màn vũ "Cùng Mẹ ra khơi" dưới một bầu trời râm mát. Trong 3 ngày Đại hội, trời không nắng, lại có gió mát và mưa bay lấm tấm vào xế trưa ngày 14. Ai cũng nghĩ rằng đây là một ơn huệ Chúa ban qua tay Đức Mẹ Ma-ri-a.

Ngày nay mỗi lần trở lại đây, lòng người hành hương như được tưới mát bằng nguồn nước đức tin, được ấp ủ bởi niềm hy vọng, được bừng cháy nhờ ngọn lửa mến yêu Ba Ngôi Thiên Chúa và lòng tin tưởng mãnh liệt ở tình mẫu tử chan hòa của Đức Mẹ Ma-ri-a.