Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


1. Văn khố Tòa Thánh về trận Gallipoli

Ngày 25 tháng Tư, “ANZAC day”, năm nay là ngày kỷ niệm trọng đại 100 năm trận đánh đẫm máu nhất trong Thế Chiến thứ Nhất. Hàng triệu người Úc và Tân Tây Lan đã tràn ra đường để tham dự các buổi diễn hành, và cầu nguyện cho những binh sĩ đã ngã gục trong trận chiến tại Galliponi cũng như trong những chiến trường khác mà quân đội Úc và Tân Tây Lan đã dự phần, kể cả chiến trường tại miền Nam Việt Nam.

Đối với đế quốc Ottoman, cuộc chiến kéo dài chín tháng ở Gallipoli là một chiến thắng vì nó giúp ngăn chặn sự sụp đổ của thủ đô. Nhưng giá phải trả cũng rất lớn với hàng trăm ngàn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tử trận.

Như một cử chỉ hòa giải, Đại sứ Úc tại Tòa Thánh là ông John Mccarthy và tham tán ngoại giao Tòa Đại Sứ Thổ Nhĩ Kỳ là ông Hasan Mehmet Sekizkok đã tổ chức chung một cuộc họp báo tại Rôma.

Đại sứ John Mccarthy cho biết:

“Từ Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Anh và Ái Nhĩ Lan nhiều gia đình đau khổ đã viết thư cho Tòa Thánh hỏi về mộ phần người thân yêu của họ”.

Ông cho biết những lá thư ấy hiện nay được lưu trữ tại văn khố của Vatican. Trong tuyệt vọng, các gia đình liệt sĩ đã liên lạc với Vatican hy vọng với tầm vóc toàn cầu của mình, Tòa Thánh có thể giúp họ.

Đức Giáo Hoàng thời đó là Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV đã cùng với Đức Hồng Y Gaspari, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh yêu cầu các sứ thần Tòa Thánh, các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân làm mọi cách có thể được để giúp đỡ các gia đình.

Đại sứ John Mccarthy cho biết thêm:

“Những đại diện của Tòa Thánh đã mang lại những an ủi tinh thần và thực tiễn khi giúp xác định vị trí các ngôi mộ và khu chôn lấp tập thể mỗi khi có những thông tin liên quan.”

Khoảng 130,000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đã chết trong trận đánh này. Phía Anh có 25,000 binh sĩ tử trận. Pháp có 10,000 và 10,000 binh sĩ khác thuộc liên quân Úc và Tân Tây Lan.

2. Ám ảnh của thảm hoạ diệt chủng Armenia truyền từ đời này sang đời khác

Ngày 24 tháng Tư vừa qua, người Armenia kỷ niệm 100 năm thảm họa diệt chủng do người Thổ Nhĩ Kỳ gây ra bắt đầu từ năm 1915. Họ nghĩ thế nào về tội ác này? Đoạn video này giới thiệu một vài cảm nghĩ của Khachatur Gasparyan, một phân tích gia người Armenia

“Thảm họa diệt chủng là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với mỗi người Armenia .Như bạn có thể thấy, vào ngày kỷ niệm này toàn bộ đất nước Armenia chúng tôi hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện, không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội và tôn giáo. Chúng tôi hiệp nhất với nhau bởi chấn thương này”

Câu chuyện đã xảy ra hàng trăm năm. Tuy nhiên, Khachatur Gasparyan nói:

“Chấn thương diệt chủng này phải được chữa lành, vì nó đang được truyền qua từ thế hệ này sang thế hệ khác.”

Ông nói thêm:

“Núi Ararat là rất quan trọng đối với bản sắc văn hóa Armenia và là một phần thiết yếu của nền văn hóa Armenia. Tiếc rằng, ngày nay Ararat vẫn phải nằm trên lãnh thổ của kẻ thù.”

3. Cảm tưởng về lễ tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng người Armenia

Ngày 24 tháng Tư vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm thảm họa diệt chủng người Armenia do người Thổ Nhĩ Kỳ gây ra bắt đầu từ năm 1915, Đức Tổng Thượng Phụ Kerekin Đệ Nhị đã tuyên thánh cho 1.5 triệu người Armenia bị thảm sát.

Thầy phó tế Karik, thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền cho biết như sau:

“Lần kỷ niệm thứ 100 này rất quan trọng. Đức Giáo Hoàng nêu rõ đây là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20. Điều đó có nghĩa là đây không chỉ là bi kịch của Armenia, nhưng là bi kịch của nhân loại”

Gagik, một người dân của thủ đô Yerevan:

“Cố nhiên thảm họa này không xảy ra với tôi và gia đình, vì chúng tôi còn trẻ. Nhưng nó đã xảy ra với ông bà của tôi. Không có một gia đình Armenia nào mà tổ tiên đã không bị sát hại, không có gia đình nào mà không có các nạn nhân”

4. Đức Cha Mario Grech cử hành lễ tang cho 24 trong số hơn 850 di dân bị đắm tàu chết trên đường vượt biển

Hôm 23 tháng 4, Đức Cha Mario Grech, là Giám Mục giáo phận Gozo của Malta, các thành viên chính phủ và các quân nhân Malta đã tổ chức tang lễ cho 24 người di cư bị thiệt mạng trong thảm kịch diễn ra hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư. Họ là một phần trong số hơn 850 người đã bị thiệt mạng khi con tàu của họ bị lật ở ngoài khơi Lybia trong vùng biển Điạ Trung Hải. Trong số gần 900 người trên con tàu này chỉ còn 28 người sống sót. Những người sống sót đã được dự tang lễ này mặc dù một số trong họ vẫn đang bị câu lưu để điều tra.

Trong bài giảng Đức Cha Mario Grech nói:

“Chúng ta đang đứng trước 24 thi thể những người đã chết chưa được xác định danh tánh nhưng chúng ta biết rằng còn nhiều hơn nữa, hàng trăm người đã nằm trong nghĩa trang mênh mông là biển Điạ Trung Hải của chúng ta. Chúng ta không biết danh tánh của họ, cuộc đời của họ, chúng ta chỉ biết rằng họ đang cố vượt thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng để tìm tự do và một cuộc sống tốt hơn.

Chúng ta gọi họ là những người vô danh. Tuy nhiên, chúng ta thương tiếc họ, chúng ta khóc lóc trước sự mất mát này, chúng ta muốn dành cho họ một sự kính trọng cuối cùng của chúng ta. Tại sao? Bởi vì thẳm sâu bên trong tâm hồn chúng ta, không phân biệt tín ngưỡng, văn hóa, quốc tịch, chủng tộc, chúng ta biết rằng, họ cũng là những người đồng loại của chúng ta.

‘Người lân cận của tôi là ai?’- Trong Tin Mừng, chúng ta nghe một thầy thông luật hỏi Đức Giêsu để xin Ngài một lời giải thích về giới răn yêu thương. Thầy thông luật ấy biết luật chứ. Tuy nhiên, ông cảm thấy khó chịu với câu trả lời của Chúa Kitô bởi vì những gì Ngài trả lời ông là những gì ông đã không trông đợi từ kiến thức học thuật của ông, nhưng là một câu trả lời thực tế.”

5. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Anh trừng phạt tờ The Sun vì tội ăn nói bất nhơn

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính 850 thuyền nhân đã chết trên một con tàu quá tải bị lật ngoài khơi Lybia hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư. Con tàu chở khoảng 900 người chỉ còn 28 người sống sót. Đứng trước thảm họa nhân đạo này, hơn 200 người Anh trong các tổ chức nhân quyền đã biểu tình trùm mình trong các bao đựng xác chết mầu đen và trắng tại vùng biển du lịch phía Nam nước Anh.

Hành động này đã diễn ra một ngày trước phiên họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels nhằm tìm ra một cách thức chấm dứt thảm hoạ nhân đạo đã cướp đi sinh mạng của ít nhất là 1750 người từ đầu năm đến nay.

Những người biểu tình đã hình thành hashtag #DontLetThemDrown – đừng để họ chết đuối - trong khi bầy tỏ sự thất vọng trước phản ứng của chính phủ Anh.

Radio Vatican cho biết là nhiều người lại có những suy nghĩ ngược lại. Hôm thứ Sáu 24 tháng Tư, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, là người lãnh đạo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu chính phủ Anh trừng phạt tờ The Sun. Trong một bài xã luận, tờ báo này gọi các di dân đến Anh là “bọn gián”.

Đây không phải là lần đầu tiên tờ báo này có thái độ kỳ thị người di dân nhưng là một thái độ kéo dài nhiều thập kỷ liên tục trong đó tờ báo tỏ ra không kiềm chế trong các ngôn từ phỉ báng người nước ngoài, trong khi đưa ra những thông tin sai lạc và bóp méo.

Trong bài xã luận, tờ báo viết “Hãy chỉ cho tôi hình ảnh những chiếc quan tài, những thi thể trôi nổi trong nước, hãy kéo những điệu nhạc buồn violin và chỉ cho tôi thấy những người gầy còm nhìn buồn bã. Tôi cũng cóc cần quan tâm đến”

Ông Zeid Ra’ad Al Hussein nhận định:

“Những luận điệu như thế không chỉ hủy hoại lòng từ bi đối với hàng ngàn người chạy trốn các cuộc xung đột, các trường hợp vi phạm nhân quyền và tình trạng cạn kiệt kinh tế đang chết đuối ở Địa Trung Hải. Bụng dạ phân biệt chủng tộc là đặc trưng cho các cuộc tranh luận về di dân đang tăng lên ở các nước thuộc liên hiệp Châu Âu đã làm lệch hướng phản ứng của các chính phủ trước các thảm họa nhân đạo”.

6. Hàng chục ngàn người Ethiopia biểu tình chống quân khủng bố Hồi Giáo IS

Hàng chục ngàn người Ethiopia diễu hành qua các đường phố tại thủ đô Addis Ababa hôm thứ Tư 22 tháng Tư trong một cuộc biểu tình do chính phủ tổ chức để lên án vụ giết hại 28 Kitô hữu ở Libya.

Một đoạn video được khủng bố Hồi Giáo tung lên YouTube ngày 19 tháng Tư cho thấy 12 người đàn ông đã bị chặt đầu 16 người khác bị bắn chết. Vụ chặt đầu 12 vị tử vì đạo đã xảy ra trên một bãi biển, trong khi vụ bắn chết 16 vị khác có lẽ diễn ra trong một sa mạc. Các vụ giết người tàn bạo này diễn ra chỉ hơn hai tháng sau vụ chặt đầu 21 Kitô hữu Coptic trong một video khác được tung lên Internet hồi tháng Hai.

Vụ thảm sát đã gây nên một làn sóng căm phẫn trên thế giới, đặc biệt là tại Ethiopia.

Cuộc biểu tình chính thức này dường như nhằm xoa dịu sự tức giận của dân chúng. Tuy nhiên, một số người biểu tình đã hướng sự giận dữ của họ vào chính phủ.

“Anh em của chúng tôi đã bị sát hại, chính phủ phải làm một cái gì đó,” Anteneh Tefera, một người biểu tình trẻ tuổi hét lên. “Máu của họ không phải là máu của động vật.”

Những người biểu tình khác thì hát “Đủ rồi đừng di cư! Hãy thay đổi đất nước của chúng ta bằng cách ở nhà.”

Một số lượng lớn người Ethiopia, đất nước lớn thứ Hai ở Phi Châu, với hơn 90 triệu dân, đã rời khỏi đất nước của họ để tìm kiếm công việc ở nơi khác.

Ít nhất hai người trong số những người thiệt mạng đã cố gắng vượt biển Điạ Trung Hải sang Italia, nhưng bị bắt trở lại.

Nhiều người Ethiopia đến Libya và các quốc gia châu Phi ở phía bắc để trước là tìm công việc, sau đó mạo hiểm vượt biển sang châu Âu.

Tại nhà của hai trong số các nạn nhân, có một biểu ngữ thể hiển sự bất mãn với nhà cầm quyền.

“Một chính phủ không bảo vệ được công dân mình thì không xứng đáng nắm giữ quyền lực”

7. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói quân khủng bố Hồi Giáo IS đang muốn tiêu diệt thế giới Hồi Giáo

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan, đã làm kinh ngạc thế giới với những lời rất mạnh mẽ chống lại quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Trong cuộc họp báo chung với tổng thống Iraq Fouad Massoum hôm thứ Tư tại Ankara, ông nói rằng bọn khủng bố IS “là một thứ vi khuẩn đang hoạt động nhằm tiêu diệt thế giới Hồi Giáo của chúng ta. Một chiến lược quốc tế là điều cần thiết để làm ráo nước cái vũng lầy này. Thậm chí nếu bọn Daesh – là từ ngữ chỉ bọn khủng bố IS - có bị tiêu diệt đi chẳng nữa thì một cái gì đó sẽ xuất hiện dưới một chiêu bài khác”

“Vũ khí và tài chính của chúng đến từ đâu? Chúng ta cần phải tập trung vào câu hỏi này”.

Tổng thống Massoum, người đang chỉ huy lực lượng Iraq chiến đấu vất vả để giành lại các vùng đất rộng lớn đã bị mất vào tay IS bao gồm cả thành phố lớn thứ hai là Mosul, lặp lại mô tả của ông Erdogan về nhóm khủng bố này như một thứ vi khuẩn.

“Vi khuẩn này có thể lan từ khu vực này sang khu vực khác. Các nước trong khu vực có trách nhiệm nghiêm trọng”.

Ông Erdogan có lẽ biết rõ hơn ai hết nguồn vũ khí của IS là từ đâu ra. Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cáo buộc giúp đỡ IS trong giai đoạn đầu của nó, như một đồng minh hữu ích trong cuộc chiến chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Erdogan muốn thấy bị lật đổ. Vũ khí và các chiến binh Hồi Giáo đã từ Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị cáo buộc đã mượn tay quân khủng bố Hồi Giáo IS nhằm triệt tiêu người Kurd trong vùng biên giới phía Nam.

8. Nam Phi triển khai quân đội để bảo vệ người nhập cư

Trước tình trạng bạo lực nhắm vào người nước ngoài đang lan tràn nhanh chóng tại các thành phố lớn của Nam Phi như thành phố cảng Durba, và trung tâm kinh tế Johannesburg, chính phủ nước này đã quyết định triển khai quân đội để bảo vệ người nước ngoài.

Biện pháp trên được kể là cần thiết vì nhiều băng nhóm du đảng Nam Phi đã được nhanh chóng hình thành để săn lùng, cướp bóc, đánh đập và thậm chí thiêu sống người nước ngoài ngay trên đường phố. Tình trạng bạo lực nhắm vào những di dân người Zimbabwe, Malawi, Mozambique, Nigeria đã khiến nhiều nước tại Phi Châu như Nigeria rút đại sứ về nước để phản đối.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 23 tháng Tư, ông David Makhura, tỉnh trưởng Gauteng đã trình diện trước báo chí một nhóm du đảng đã hành hung người nước ngoài:

“Tất cả những trường hợp phạm pháp chống người nước ngoài sẽ được ưu tiên xét xử. Chúng tôi bảo đảm việc thành lập những toà án đặc biệt để đương đầu với tình hình này”

Bên ngoài phòng họp báo, những di dân nước ngoài la ó kêu gọi chính phủ không cho đám du đảng được tại ngoại hầu tra. Tony Mothibi, một di dân tại Alexandra nói:

“Nếu đám này được thả thì chúng cũng bị giết. Các cộng đồng đã giành quyền hành xử luật pháp trong tay. Hệ thống này không thực sự được bảo vệ người Phi Châu. Tốt hơn là chúng ở lại trong tù.”

Bà Nosiviwe Mapisa Nqakula, bộ trưởng quốc phòng nói trong một cuộc họp báo khác cùng ngày rằng:

“Chúng tôi đã đi đến lựa chọn cuối cùng. Quý vị hỏi chúng tôi làm gì bây giờ hả? Chúng tôi sẽ triển khai quân đội. Và đây là lần đầu tiên lực lượng quốc phòng của Nam Phi được dùng như một hình thức răn đe”.

Bạo lực đã diễn ra và kéo dài gần một tháng qua sau khi báo chí địa phương tường thuật rằng vua người Zulu, là Goodwill Zwelithini, nói người nước ngoài phải rời khỏi Nam Phi.

Nguồn gốc của bạo lực là tình trạng thù địch giữa những người nghèo với nhau: trong số 50 triệu cư dân Nam Phi, có khoảng 5 triệu người nhập cư từ các nước đang gặp khó khăn: như Somalia, Ethiopia, Zimbabwe và Malawi, và thậm chí cả từ Trung Quốc và Pakistan. Do tỷ lệ thất nghiệp cao, đã có những căng thẳng giữa người bản địa và người nhập cư, nhiều người trong số họ dính líu vào các tội phạm.

9. Vai trò của thanh niên trong việc chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và thúc đẩy hòa bình

Gia đình đổ vỡ, thất vọng, và bị xa lánh là những yếu tố thúc đẩy những người trẻ lao vào chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đại diện của Vatican cho biết như trên trong một diễn từ tại Liên Hợp Quốc. “Gia đình là nhà giáo dục đầu tiên của trẻ em”, Đức Tổng Giám mục Bernard Auza nói. “Nếu các quốc gia thực sự muốn tiếp cận người trẻ trước khi họ được tiếp xúc bởi những tư tưởng cực đoan, họ nên giúp đỡ thích hợp cho những bậc cha mẹ trong việc nuôi dưỡng trẻ em.”

Đức Tổng Giám Mục nói rằng tại một số nước, người ta có khuynh hướng tránh bất kỳ cuộc thảo luận nào về hiện tượng cực đoan nơi những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, ngài nói rằng “Dấu diếm các vấn đề như thế là phản tác dụng”. Ngài kêu gọi tranh luận công khai thẳng thắn về việc tuyển dụng những người trẻ tuổi vào các phong trào cực đoan. “Các nhà lãnh đạo và các tổ chức tôn giáo phải lên án những thông điệp gây căm thù nhân danh tôn giáo”