50 NĂM LINH MỤC CỦA ĐỨC ÔNG GIÁM ĐỐC: LẤY BÚT MỰC LÀM CHỨNG CHO ĐỨC TIN

Ngày 27/04/1965, thầy Giuse Mai Đức Vinh thụ phong linh mục tại Vĩnh Long, chọn khẩu hiệu ‘‘Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất’’ (καὶ ἔσεσθέ μου μάρτυρες ἔν τε Ἱερουσαλὴμ καὶ ἐν πάσῃ τῇ Ἰουδαίᾳ καὶ Σαμαρίᾳ καὶ ἕως ἐσχάτου τῆς γῆς) (Cv 1,8). Khẩu hiệu linh mục thường nói lên ý hướng mục vụ mai này. Tân linh mục Wojtyła, sau này là thánh Gioan-Phaolô II, lấy khẩu hiệu ‘‘Totus Tuus’’, mượn từ tác phẩm Traité de la dévotion à la très Sainte Vierge Marie (Luận về việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria cực Thánh) của thánh Louis-Marie Grignon de Montfort: Totus tuus ego sum et omnia mea tua sunt, Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi Cor tuum, Maria (Con trọn vẹn thuộc về Mẹ và tất cả những gì của con là của Mẹ. Con đón nhận Mẹ vào tất cả những gì thuộc về con. Xin Mẹ trao Trái Tim Mẹ cho con, lạy Đức Maria). Khi chọn khẩu hiệu này, thánh Gioan-Phaolô II bày tỏ lòng tôn sùng Thánh Mẫu. Ngài ước muốn kính viếng đền thánh La Vang, nơi Đức Bà được tôn vinh là Trinh Nữ chở che những người bị bách hại (Vierge des persécutés - 1773). Ngài đến hành hương tại Paris (Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Catherine Labouré - 1830), tại Lộ Đức (Đức Mẹ hiện ra với thánh Bernadette năm 1858), Fatima (Đức Mẹ hiện ra với Lucia, Jacinta, Francisco năm 1917), Đức Bà rơi lệ tại Akita (Nhật Bản) (1973 - 1984) v.v.

Khẩu hiệu linh mục của Đức Ông Mai Đức Vinh, trích từ sách Công vụ Tông đồ, mang các ý nghĩa sau đây:

Ÿ Về hình thức: Công vụ Tông đồ là công trình sử học trình thuật tiến trình phát triển của Hội thánh tiên khởi. Trong suốt 38 năm mục vụ (chiếm ba phần tư hành trình 50 năm linh mục), Đức Ông Mai Đức Vinh điều hành và phát triển Giáo Xứ Việt Nam tại Paris. Vì Công vụ Tông đồ còn là tác phẩm thần học và văn học, 50 năm linh mục của Đức Ông Giuse là nửa thế kỷ mài miệt làm chứng nhân trong lãnh vực văn hóa.

Khi chọn khẩu hiệu ‘‘Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất’’, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, linh mục Mai Đức Vinh làm chứng cho Chúa Kitô đến tận cùng trái đất, tại thủ đô nước Pháp. Trước đây, Việt Nam được mệnh danh thuộc vùng Viễn Đông (Extrême-Orient). Thiết tưởng có thể dùng hình ảnh tận cùng trái đất để nói chiều ngược lại là nước Pháp.

Ÿ Về nội dung: Theo bản văn viết bằng cổ ngữ Hy lạp: καὶ ἔσεσθέ μου μάρτυρες ἔν τε Ἱερουσαλὴμ καὶ ἐν πάσῃ τῇ Ἰουδαίᾳ καὶ Σαμαρίᾳ καὶ ἕως ἐσχάτου τῆς γῆς có thuật ngữ μάρτυρες, do chữ μάρτυς, có nghĩa là chứng nhân hoặc tử đạo. Trong tác phẩm Apologeticum (50,13), thánh giáo phụ Tertulliano viết: ‘‘Semen est sanguis christianorum’’ (Máu đào Tử đạo là hạt giống trổ sinh Kitô hữu). Từ máu đào đến giọt mực, trong hành trình linh mục, Đức Ông Mai Đức Vinh lấy bút nghiên làm chứng cho đức tin.

Trong phần I, chúng ta tìm hiểu mục vụ văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh đã chịu những ảnh hưởng nào ? Phần II lược bàn về các công trình văn hóa của ngài.

Phần I: Các yếu tố ảnh hưởng đến mục vụ văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh:

Hippolyte Taine đưa ra ba yếu tố để giải thích một sự kiện văn học: môi trường (milieu), dòng dõi (race) và thời gian (moment). Ba yếu tố này là mệnh đề đảo ngược của tam tài (三才) trong văn học nước nhà: thiên, địa, nhân (天地人). Bài này bắt đầu bằng yếu tố địa lý.

1) Các yếu tố Thiên Địa Nhân:

1.1. Yếu tố địa lý: Đức Ông Mai Đức Vinh sinh tại giáo xứ Thượng Chiểu, hạt Ba Làng, giáo phận Thanh Hóa, nay thuộc xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Giáo xứ Thượng Chiểu thuộc hạt Ba Làng. Ba Làng gồm các làng Sung Mãn, Ngoại Hải và Như Xuân, hình cong như chiếc võng, rộng 600 mét dài 2000 mét, bắc giáp núi Thủi, đông giáp Biển Đông, tây giáp sông Bạng, nam giáp Du Xuyên (Núi Do). Linh mục Nguyễn Dương Hiến có câu thơ như sau:

Ba Làng như võng đòn cong

Hai anh Do, Thủi đang còng lưng khiêng.

(Hai anh Do, Thủi là hai ngọn núi Do và Thủi)

Theo thiển ý, tên núi Thủi, núi Do, sông Bạng xuất phát từ dân gian. Còn địa danh các làng tân lập Sung Mãn, Ngoại Hải, Như Xuân là do ảnh hưởng của các nho sĩ Công Giáo.

Ngày 08/01/1955, đồng bào Ba Làng tranh đấu với bộ đội Việt Minh, đòi di cư vào Nam. Tầu Ba Lan Skilinki chở dân Ba Làng cặp bến Saigon vào đầu tháng 2/1955 và trung tuần tháng 04/1955. Ngày 20/07/1955, hơn một ngàn người di cư Ba Làng đáp xe lửa từ Phan Thiết ra Thanh Hải (Nha Trang) định cư.

Địa danh Ba Làng gắn liền với lịch sử Giáo Hội nước nhà. Hải thuyền của cha Đắc Lộ (1591-1660) gặp phong ba bão tố ngoài biển Đông. Ngày 19/04/1627 (lễ kính thánh Giuse), chiếc tầu trôi dạt vào Cửa Bạng, gần Ba Làng. Cha Đắc Lộ liền chọn thánh Giuse làm quan thầy của Giáo Hội Việt Nam. Sau này, tiểu chủng viện thánh Giuse được thành lập tại Ba Làng để ghi nhớ sự việc này.

Thanh Hóa có bốn thánh tử đạo: linh mục Gioan Đoàn Viết Hoạt (1765-1798), linh mục Phaolô Nguyễn Ngân (1771-1840), linh mục Lê Bảo Tịnh (1793-1857) và bà Anê Lê Thị Thành (1781-1841), vị thánh nữ duy nhất người Việt. Thanh Hóa còn rất nhiều anh hùng tử đạo vô danh. Cha thánh Lê Bảo Tịnh biên soạn Phúc âm dẫn giải, Giáo lý đại cương và Lục vấn lương tâm, mở đầu truyền thống mục vụ văn hóa xứ Thanh.

Trong số các thánh tử đạo, linh mục Giacôbê Đỗ Mai Năm (1781-1838) có tên là Mai Ngũ. Dòng tộc Mai trong số các họ lương dân ở Thanh Hóa. Họ ‘‘Mai Đức’’, tên của Đức Ông Mai Đức Vinh, gốc làng Ngũ Kiên, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Có khoảng 20 chi họ Mai (Mai Thế, Mai Ngọc, Mai Trọng, Mai Văn v.v.) đều gốc người Thanh Hóa.

1.2. Dòng dõi:

Tên của Đức Ông Mai Đức Vinh (枚德榮) có nghĩa là bông hồng (chuỗi Mai Côi) sùng kính Đức Mẹ là Nhân Đức làm Vinh danh Thiên Chúa. Vì Mai (玫) có nghĩa là hoa hồng. Mai côi (玫 瑰): hồng ngọc, màu đỏ như hoa hồng. Chữ Mai (玟) có hai cách phát âm: mai hoặc mân. Nếu nói môi côi là không đúng.

Các yếu tố trên đây ảnh hưởng rất nhiều đến lòng sùng kính Đức Mẹ và lòng tôn kính các tiền nhân tử đạo nước Việt, đươc thể hiện qua nhiều công trình văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh.

Ngoài ra, còn phải kể đến ca trù, hát xoan trong văn học Thanh Hóa. Yếu tố này ảnh hưởng đến cột thơ bìa báo Giáo Xứ, ký tên Du Sinh vốn là bút hiệu của Đức Ông Mai Đức Vinh. Linh mục Bửu Dưỡng phiên âm Giuse là Du Sinh. Người Tầu chuyển ngữ Yuēsèfū (约瑟夫). Đức Ông Mai Đức Vinh chọn bút hiệu là Du Sinh vừa có nghĩa là Giuse, lại vừa nói lên cuộc sống ‘‘du sinh’’ (游 生) như nước cuốn mây trôi, đến tận cùng trái đất.

1.3. Thời gian:

Năm 1939, giáo phận Vĩnh Long mua thửa đất sau này xây cất đại chủng viện Vĩnh Long (75 đường Nguyễn Huệ, Vĩnh Long). Ngày 01/08/1964, cơ sở này tiếp nhận các thầy đại chủng sinh, trong số có thầy Mai Đức Vinh. Các thầy đến từ các giáo phận Saigon, Cần Thơ, Mỹ Tho. Đại chủng viện Vĩnh Long do các Cha Xuân Bích phụ trách giảng dạy.

Chú Vinh (tận cùng bên trái) trong thời gian học tại tiểu chủng viện Thánh Giuse Thanh Hóa

Ngày 27/04/1965, Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, Giám mục Vĩnh Long, truyền chức linh mục cho 10 thầy, trong số có thầy Giuse Mai Đức Vinh. Thiết tưởng cũng nên nhắc lại vào năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI quy định thánh lễ được cử hành bằng ngôn ngữ địa phương (langue vernaculaire). Vì vậy, trước năm 1969, lễ truyền chức linh mục tại Vĩnh Long được cử hành bằng tiếng la tinh: ‘‘Comple in sacerdote tuo ministerii tui summam, et omamentis totius glorificationis instructum, coelestis unguenti rore sanctifica’’ (Xin Thiên Chúa hoàn thành nơi vị linh mục này sự viên mãn mục vụ, xin vẹn toàn các phép bí tích làm vinh danh Đấng Tối cao, xin thánh hóa ngài bằng sương sa dầu thánh). Từ đó, tân linh mục Mai Đức Vinh trở thành Kitô khác (sacerdos alter Christus).

Cuộc đời mục vụ của cha Giuse trải qua năm triều đại giáo hoàng, từ chân phước Phaolô VI (1963-1978), Gioan-Phaolô I (26/08/1978 - 28/09/1978), thánh Gioan-Phaolô II (1978-2005) đến Bênêdictô XVI (2005-2013) và Phanxicô (từ 2013). Ngài chịu nhiều ảnh hưởng của Hội Linh mục Xuân Bích và thánh Gioan-Phaolô II.

2) Ảnh hưởng giáo quyền và linh đạo Xuân Bích đến mục vụ văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh:

Công trình văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh mang dấu ấn giáo quyền (magistère de l’Eglise) và linh đạo Xuân Bích (spiritualité de la Compagnie de Saint-Sulpice).

2.1. Hội Linh mục Xuân Bích: Xuân Bích phiên âm từ Saint-Sulpice, mượn ý từ cổ thi: Xuân thảo Bích sắc (春艸碧色): cỏ xuân màu xanh biếc, nói lên tôn chỉ của Hội Linh mục Xuân Bích chuyên lo về giáo dục, đào tạo thanh thiếu niên lứa tuổi xuân xanh. Hội gồm ba tỉnh hội: Pháp (gồm Việt Nam), Canada (gồm Nhật Bản) và Hoa Kỳ.

Phương pháp giáo dục và phúc âm hóa của Hội Xuân Bích ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động mục vụ của Đức Ông Mai Đức Vinh. Phương pháp này được giảng dạy tại đại chủng viện Vĩnh Long vào những năm 60 nhằm đào tạo các linh mục có tinh thần cộng đoàn, cùng nhau làm việc để phục vụ Hội thánh và dân Chúa. Ngay từ lúc ngài còn là chủng sinh, thầy Mai Đức Vinh luôn cộng tác với các linh mục và giáo dân trong việc biên soạn sách vở. Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến hoạt động của Đức Ông Mai Đức Vinh là chủ trương hội nhập văn hóa của thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II.

2.2. Ảnh hưởng của giáo quyền: Tháng 10/1979, thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II sử dụng lần đầu danh từ ‘‘hội nhập văn hóa’’ (inculturation) (Catechesi tradendae, n°53, octobre 1979). Từ đó, khái niệm mới mẻ này được sử dụng rộng rãi trong việc phúc âm hóa và nhiều hoạt động liên tôn khác.

Hội thánh tiên khởi vào đầu công nguyên chuyển từ Do thái sang Hy lạp đã đặt vấn đề hội nhập văn hóa. Ngày nay, vấn đề này mang tính thời sự, với sự giao tiếp của nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et spes), công đồng Vaticanô II đã đề cập đến tương quan giữa đức tin và văn hóa. Trong thông điệp Redemptoris Missio, thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II định nghĩa hội nhập văn hóa là sự biến đổi sâu xa các giá trị văn hóa, qua việc hội nhập của các nền văn hóa khác nhau vào kitô giáo. Hội nhập văn hóa gồm việc đối thoại với các nền văn hóa tiếp nhận Phúc âm, đòi hỏi một tiến trình tiếp nối lâu dài. Mục vụ văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh được tiến hành trong tinh thần hội nhập văn hóa của thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Trong lời mở cuốn Văn hóa và Đức tin biên soạn ngày 19/03/2004 nhằm lễ Thánh Giuse, quan thầy Giáo Hội, Đức Ông Mai Đức Vinh đã viết như sau:

- Chúng tôi muốn nói lên rằng nước Việt Nam quê hương của chúng ta có nền văn hóa thật thâm niên và phong phú. Mà một nét đậm đáng coi như linh hồn của nền văn hóa đó là tâm thức tôn giáo của dân tộc Việt Nam. kể từ khi có nền văn hóa cho đến ngày nay, tâm thức tôn giáo cao độ nhất, truyền thống nhất của dân tộc chúng ta vẫn là tin vào Trời, thờ Trời, và từ đó, tôn kính tổ tyiên, là đức hiếu thảo.

- Chúng tôi nhận định rằng mọi tôn giáo ngoại sinh du nhập vào Việt Nam theo dòng lịch sử, như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, Công Giáo, Hồi giáo, Tin lành… đều phải hội nhập vào nền văn hóa bản địa, phải hòa đồng và thăng tiến niềm tin truyền thống mới mong tồn tại giữa lòng dân tộc, mới đóng góp tích cực cho nền văn hóa Việt Nam và mới có thể phát triển lâu bền.

- Chúng tôi nói rõ rằng đạo Công Giáo hay đức tin Công Giáo, ngay từ đầu, không những đã hội nhập tích cực mà còn thăng tiến nền văn hóa Việt Nam từ những điểm cơ bản nhất: niềm tin vào Trời, đức hiếu thảo, lòng tôn kính tổ tiên, ngôn ngữ, chữ viết và văn thơ, kiến trúc…

Các giáo huấn của Hội Linh mục Xuân Bích và giáo quyền tác động đến các công trình văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh ra sao, như phần II sau đây.

Phần II: Các công trình mục vụ văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh:

Có thể chia các công trình mục vụ văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh làm hai giai đoạn: giai đoạn còn là đại chủng sinh, ngài cùng ba thầy khác thành lập Tủ sách Hương Việt và giai đoạn mục vụ tại Giáo xứ Paris, bắt đầu bằng tờ Hiện Diện.

Công trình văn hóa của ngài được chứng minh vừa bằng lượng sách, vừa bằng nội dung các biên soạn của tác giả:

- Về số lượng: Ba bộ sách lớn theo thứ tự thời gian, tổng cộng 7725 trang:

Ÿ Hạnh Các Thánh (Saigon, 1959): 12 cuốn, 1920 trang;

Ÿ Bộ Giáo Luật (Carthage - Hoa Kỳ, 1987), 640 trang, dịch từ bản gốc la tinh Jus canonicum (Promulgatus Datum Romae, die xxv Ianuarii, anno MCMLXXXIII: Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II ban hành ngày 25/01/1983), dịch giả: Đức Ông Mai Đức Vinh, Đức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện;

Ÿ Tân Lịch Sử Giáo Hội (Giáo Xứ Paris, 2002), 5165 trang, gồm7 cuốn, dịch từ bộ Nouvelle Histoire de l’Église (Paris, Ed. du Seuil, 1963), Đức Ông Mai Đức Vinh chủ biên.

Ngoài ra, còn phải kể đến 5 cuốn sách do Tủ sách Hương Việt xuất bản tại Saigon trước năm 1975 và 42 cuốn sách do ban Tu thư Giáo Xứ Paris xuất bản từ 1998 đến 2015, tổng số trang ước lượng 15 000 trang, chưa kể nhiều biên soạn khác trong báo Giáo Xứ, Bản Tin Cursillo, Liên Tu Sĩ, Bộ Suy niệm Tin Mừng (năm A và năm B) v.v.

- Về nội dung biên soạn: Đức Ông biên soạn nhiều thể loại khác nhau, từ Giáo luật, Thần học đến Triết học, Tu đức v.v.

Trước hết là mục vụ văn hóa ‘‘Hương Việt’’:

1) Mục vụ văn hóa ‘‘Hương Việt’’:

Có thể mệnh danh giai đoạn I mục vụ văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh là Hương Việt, lấy tên từ nhóm tu thư sơ khởi gồm bốn thầy đại chủng sinh: Mai Đức Vinh, Đỗ Hữu Phổ, Nguyễn Văn Chiểu và Nguyễn Trọng Tri. Sau này cả bốn đều là linh mục. Cha Chiểu và cha Phổ đều đã qua đời. Còn lại Đức Ông Vinh ở Paris, cha Tri nghỉ hưu ở Long Xuyên.

Ngay từ năm 1958, khi về học Triết học ở Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Thị Nghè (Saigon), bốn thầy đã thành lập nhóm Hương Việt.

Các sách của nhóm Hương Việt nhắm vào hai đối tượng:

- các thầy đại chủng sinh: chương trình giảng dạy ở đại chủng viện và chương trình cử nhân thần học đại học Công Giáo có môn Giáo luật, Lịch sử Giáo Hội, Kinh thánh, Phụng vụ v.v.

- các độc giả đạo đời muốn tìm hiểu linh đạo Công Giáo.

Tủ sách Hương Việt in tại Phước Sơn Ấn quán - Chợ Lớn; nhà sách Đa Minh (20 đường Bùi Chu - Saigon) phát hành. Ngoài việc chủ biên, biên soạn sách vở, thầy Mai Đức Vinh còn phụ trách liên lạc với nhà in để sửa bản vỗ (morasse) trước khi lên khuôn. Nhà in của nhóm Hương Việt trước đây và nhà in của Giáo Xứ hiện nay đều mang tên Phước Sơn (Xitô).

Trong quá trình mục vụ văn hóa của Đức Ông Mai Đức Vinh, đáng kể nhất là ba bộ sách có tầm mức quy mô, đòi hỏi rất nhiều công phu: Hạnh Các Thánh, Bộ Giáo Luật và Bộ Tân Lịch sử Giáo Hội.

Ÿ Hạnh Các Thánh:

Năm 1959, nhóm Hương Việt biên soạn ‘‘Hạnh Các Thánh’’ gồm 12 cuốn, mỗi tháng phát hành một cuốn. Đây là việc làm khai sơn phá thạch. Trước ‘‘Hạnh Các Thánh’’ của nhóm Hương Việt, nhà in Nazareth (La Maison de Nazareth) của các Cha Thừa sai Paris tại Hồng Kông đã in sách các thánh bằng tiếng Việt nhưng chỉ phổ biến hạn chế. Cơ sở Nazareth hoạt động từ năm 1884 đến 1934, in 154 sách tiếng Việt, chiếm tổng số 9% sách in.



Lời tựa Hạnh Các Thánh trích dẫn ý tưởng trong sách Minh Tâm Bửu Giám (明心寶鑒):

Minh kính khả dĩ sát hình

Vãng cổ khả dĩ tri kim

明鏡可以察形

鑒古可以知今

(Gương trong soi bóng soi hình

Việc xưa dùng để biết rành việc nay).

Việc trích dẫn cổ thi bắc nhịp cầu đông tây, dẫn đưa độc giả vào 1920 trang Hạnh Các Thánh. Thay vì viết là lịch sử các thánh (histoire des saints), tựa đề tập sách tóm lại một chữ ‘‘Hạnh’’ (行), mang các ý nghĩa như sau:

- ‘‘Hạnh’’, còn là ‘‘Hành’’, có nghĩa là bước chân đi, nóí lên cuộc hành trình theo Chúa của các thánh;

- Hạnh là nết na, thi hành chữ ‘‘đức’’(德) được gọi là ‘‘hạnh’’ (行).

Chữ ‘‘Hạnh’’ diễn nghĩa giáo huấn của thánh Phaolô, được chép lại trong lời nói đầu cuốn sách: ‘‘Anh em hãy bắt chước tôi cũng như tôi đã bắt chước Chúa Kitô’’ ( I Cor 11,1). Lời nói đầu Hạnh Các Thánh diễn giải ý nghĩa chữ ‘‘Hạnh’’: ‘‘…còn tấm gương nào phản chiếu trung thành hình ảnh của Chúa Kitô cho bằng đời sống các thánh ? Các thánh là những người đã thực hiện các nhân đức của Chúa Kitô ở một mực độ cao nhất, nhờ Ngài mà Chúa đến với các linh hồn; và qua đời sống các ngài, các linh hồn dễ nhận ra hình ảnh Chúa’’

Hạnh Các Thánh nhắc lại kinh cầu các thánh (Litaniæ Sanctorum) trong lễ truyền chức tại nhà thờ chính tòa Vĩnh Long vào năm 1965: Sancta Maria, ora pro nobis…

Năm 1959, thầy Mai Đức Vinh còn là một đại chủng sinh 24 tuổi. Tuy nhiên, tủ sách Hương Việt đã ấn hành được năm tác phẩm:

- Mầu nhiệm Bác ái: tóm tắt Phúc âm về Bác ái chân chính.

- Khơi nguồn Thánh lễ: Thánh lễ là mặt trời chiếu soi cho ngày sống của người Kitô hữu, là nguồn tuôn ơn cứu độ và sức mạnh để ta hoạt động.

- Tâm sự với Chúa: giới thiệu bút ký của chân phước Charles de Foucault, đấng sáng lập dòng Tiểu đệ và Tiểu muội. Chân phước có tâm hồn khiêm cung, nồng nàn, khuyến khích ta cùng nhau sống vị tha, bác ái.

- Máu Lạc Hồng ghi lại hạnh các thánh tử đạo Việt Nam.

- Thanh niên với tôn giáo dịch cuốn Le Christ et la jeunesse của Đức Cha Tihamer Toth.

Năm 1964, thầy Mai Đức Vinh và cha Nguyễn Hữu Văn (Hưng Hóa) dịch cuốn Thủ bản Tự thuật (Manuscrits autobiographes), ghi lại cả cuộc đời do chính Têrêsa đã viết lại đời sống của mình từ lúc còn thơ ấu, theo lời yêu cầu của chị bà là Pauline, sau đi tu mang tên là Mẹ Agnès de Jésus, cũng là người mà Têrêsa chọn làm ‘‘mẹ nhỏ’’ (petite mère) sau khi bà Martin qua đời.

Năm 1964, trước khi đi Roma, thầy Vinh còn dịch chung với bốn thầy khác cuốn ‘‘Sứ điệp của Têrêsa thành Lisieux’’ (Le message de Thérèse de Lisieux) của cha Marie-Michel Philipon, dòng Đa Minh.

Ÿ Bộ Giáo Luật:

Năm 1984, Đức Ông Mai Đức Vinh cùng với Đức Ông Nguyễn Văn Phương, cha Phan Tấn Thành (dòng Đa Minh, giáo sư Giáo luật tại Đại học Angelicum - Roma), cha Vũ Văn Thiện, dịch bộ Giáo luật mới (Code de droit canonique) do thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II ban hành năm 1983. Công trình dịch thuật kéo dài từ 1983 đến 1985, căn cứ vào bản gốc tiếng la tinh, đối chiếu với các bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh. Các dịch giả sử dung nhiều danh từ dân luật như chế tài (sanctio), tố tụng (procedure), bất khả ly (indissolubilitas) v.v. Chúng ta đều biết bộ dân luật Pháp do hoàng đế Nã Phá Luân điển chế năm 1804, chủ yếu dựa vào bộ Giáo luật và luật La Mã.

Đức Ông Mai Đức Vinh dịch các quyển III và IV:

- Quyển III quy định sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng dưới hình thức truyền giáo, huấn giáo, giáo dục, sách báo, v.v.

- Quyển IV: quy định các Bí tích, nhờ đó Giáo Hội thông truyền ơn cứu rỗi cho nhân loại.

Trong lời nói đầu, các dịch giả đã giải thích sự khác biệt giữa bộ Giáo Luật 1983 và bộ Giáo Luật 1917 như sau:

‘‘Chúng ta không nên nhìn bộ Giáo Luật 1983 chỉ như là một ấn bản mới của bộ Giáo Luật 1917, nhằm loại bỏ những gì đã lỗi thời, hoặc nhằm sửa đổi giọng văn cho gọn gàng hơn. Giữa hai bộ luật, có sự tiến triển thần học về các bí tích, các chức vụ Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục, v.v.’’

Vì là Bản dịch đầu tiên Bộ Giáo Luật mới 1983, lại được dòng Đồng Công ở Missouri Hoa Kỳ in, cuốn Giáo Luật này được sử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam và khắp năm châu, đặc biệt trong các Đại Chủng Viện.

Hiện nay ở Việt Nam có hai bản dịch chính thức của Hội Đồng Giám Mục, một bản dịch do Đức Cha Lê Phong Thuận và nhóm 11 linh mục dịch, xuất bản năm 1996, về sau Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn ra một bản dịch khác, ấn hành sau năm 2000.

Bộ sách thứ ba Tân Lịch Sử Giáo Hội sẽ được đề cập trong phần Mục vụ văn hóa ‘‘Hiện Diện’’.

2) Mục vụ văn hóa ‘‘Hiện Diện’’ (tại Giáo Xứ Paris sau năm 1984):

Nguyệt san ‘‘Hiện Diện’’, Xuân Kỷ Mùi (1979),

tính đến năm Ất Mùi (2015) vừa tròn ba con giáp.

Tại Paris, linh mục Mai Đức Vinh chú trọng đến mục vụ văn hóa khi ngài viết thường xuyên cho tờ báo Hiện Diện. Năm 1984, ngài là chủ nhiệm nguyệt san Giáo Xứ. Trong thời gian này, ngài là chủ biên việc dịch Bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội. Bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội có hai ưu điểm:

- Ưu điểm về nguyên bản tiếng Pháp: Lịch sử Giáo Hội là môn học chính được giảng dạy trong các đại chủng viện và đại học Công Giáo. Vì vậy có nhiều sách giáo khoa về giáo sử, trong số có:

Ÿ Jean Comby, Histoire de l’Église des origines au XXIème siècle, Paris, Ed du Cerf

Ÿ Pierre Pierrard, Histoire de l’ Ếglise catholique, Paris, Desclée

Ÿ Paul Christophe, 2000 ans d’histoire de l’Église, Paris, Mame

Trong số các sách giáo khoa, Nouvelle Histoire de l’Eglise của Jean Daniélou được sử dụng nhiều nhất. Ngài là linh mục dòng Tên và là nhà thần học lỗi lạc, biên soạn 41 cuốn sách, trong số có Nouvelle Histoire de l’Eglise (tập I). Năm 1963 là Hồng Y, thành viên hàn lâm viện. Trong Revue belge de philologie et d’histoire, Ernest Stein đã khen ngợi tập I như sau: ‘‘Trong 5 thế kỷ đầu, không có cuốn lịch sự Giáo Hội nào có thể sánh bằng’’.

- Ưu điểm về bản dịch tiếng Việt: Đức Ông Mai Đức Vinh đã thành công trong việc quy tụ 20 chuyên viên thuộc nhiều lãnh vực, trong số có ba vị đã qua đời:

Giáo dục: SH Trần Văn Nghiêm

Văn hóa: GS Nguyễn Khắc Xuyên

Luật học: LS Nguyễn Thị Hảo

Trong Lời Mở, Đức Ông Mai Đức Vinh đã trình bầy mục đích dịch thuật như sau: ‘‘Trước tiên là muốn đóng góp một phần nhỏ mọn vào việc cung ứng tài liệu cơ bản cho việc học hỏi và nghiên cứu trong kho tàng văn hóa của Giáo Hội và Quê Hương, đặc biệt và thực tế cho các chủng viện tại quê nhà. Thứ đến, chúng tôi muốn chọn phần lịch sử Giáo Hội, bởi vì cho tới nay tại Việt Nam chưa có một bộ Lịch sử Giáo Hội Hoàn vũ nào đầy đủ. Thứ ba, chúng tôi nhận thầy đây là bộ lịch sử mới mẻ, đầy đủ, bên soạn công phu, đúng đắn và kỹ thuật khoa học nhất hiện nay trong bộ môn sử học về Giáo Hội. Thứ bốn, chúng tôi muốn thể hiện một hình thức làm việc chung giữa linh mục, tu sĩ và giáo dân trong phạm vi văn hóa và mục vụ, là hình thức làm việc đã có tại nhiều nước Âu Mỹ.’’

Ÿ Ban Tu Thư Giáo Xứ: Việc thành lập nhóm chuyên gia dịch thuật Bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội là thử nghiệm thành công của việc hợp tác giữa tu sĩ và giáo dân trong lãnh vữc văn hóa. Năm 1984, Đức Ông Mai Đức Vinh chính thức thành lập ban Tu thư của Giáo Xứ, chủ trương làm việc chung giữa linh mục, tu sĩ và giáo dân. Sau đây là các ghi nhận của giáo sư Trần Văn Cảnh về ban Tu Thư Giáo Xứ: ‘‘Xuất phát từ Ban Báo Chí, và được tăng cường bởi ban Mục vụ Hôn nhân, ban Tu thư manh nha vào năm 1997 với việc làm văn hóa tập thể qua việc biên soạn và xuất bản cuốn « Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris » đã dần dà mạnh bạo hơn trong việc sáng tác và dịch thuật. Trong 18 năm, từ 1997 đến 2015, 41 cuốn sách, hoặc kỷ yếu đã được biên soạn, dịch thuật và xuất bản.’’

Đức Ông đưa ra ý kiến dẫn khởi (idée initiale) trong giai đoạn thai nghén tác phẩm. Chính ngài soạn thảo bố cục, mời người cộng tác, đôn đốc mọi việc cho đến khi in sách. Chúng tôi xin đơn cử một ví dụ qua điện thư ngày 12/02/2015 của Đức Ông Mai Đức Vinh gửi một tuần trước Tết Ất Mùi:

‘‘Xin chúc Tết và mừng tuổi Ất Mùi quý vị và gia quyến quý vị nhiều sức khoẻ và hồng ân. Sau đây xin gửi đến Quý Vị chương trình khóa giảng dạy trong tháng ba tới. Sau nữa, xin gợi một phương án văn hóa - thánh kinh, xin quý vị suy nghĩ; chúng ta sẽ có một ngày ngồi lại để trao đổi và xem có thể làm gi đưọc không. Phương án án đó là: ‘‘Trình bày Thánh kinh theo văn hóa Việt Nam’’ qua một số đề tài:

Ÿ Về gia đình: tình cha con, tình nghĩa vợ chồng, tình anh em, tình bạn bè, tình quê hương, tình thày trò, tình nghĩa với người đã khuất…

Ÿ Tám mối phúc thật: nghèo, hiền lành, hiếu hòa, bị nguyền rủa, bị bách hai…

Ÿ Các nhân đức: công bằng, bác ái, nhẫn nại…

Mỗi năm, ban Tu thư đều in thêm sách mới. Ngoài ra, Đức Ông Mai Đức Vinh còn biên soạn nhiều công trình văn hóa khác trong khuôn khổ Hội Liên Tu sĩ hoặc Phong trào Học hội Cursillo:

Ÿ Năm 2006, Đức Ông chủ biên cuốn ‘‘Tặng Cho Nhau’’ nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (1946-2006) trong đó, ngài viết các bài chuyên khảo ký tên Du Sinh:

- Chữ Từ (慈) của Lão Tử;

- Biểu trưng của nước;

- Mềm hơn nước, mạnh hơn nước.;

- Hướng về Đại Hội 03 " 06/08/2006 (thơ)

và ba bài ký tên Mai Đức Vinh:

- Thoáng nhìn về Liên Tu Sĩ;

- Đời tu trong văn chương bình dân;

- Người nữ với ơn gọi tận hiến.

Đức Ông Mai Đức Vinh đã ngỏ lời (trong Lời Ngỏ) như sau: ‘‘Mừng Sáu Mươi Nam hiện hữu của Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp là chúng ta đóng mốc cho dòng thời gian của hội Liên Tu Sĩ. Trong dòng thời gian, Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp đã đi vào lịch sử, đã có thời gian sinh ra và có thời gian hường về Trời Mới, Đất Mới. Nói một cách khác, mừng Sáu Mươi Năm hiệu hữu của Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp là chúng ta nghĩ đến các bậc tiền bối đã tạo nên lễ Đầu Mùa và chuẩn bị cho hậu duệ trong ngày lễ Cuối Mùa.’’

Ÿ Là linh hướng Phong trào Học hội Ki tô giáo (Cursillo), Đức Ông viết nhiều bài huấn giáo nhiều kỳ đăng trong Bản Tin Cursillo:

- Chủ trương thế tục ở Pháp (2008-2010);

- Cái nhìn mới vè tôn giáo (2012-2013);

- Nhóm Tam điểm (Franc-maçonnerie) (2014);

- Linh đạo Cursillo (2015).

Mục vụ văn hóa của Đức Ông có mục đích quy tụ một số các nhà văn hóa, mở đường cho nền thần học Việt Nam, hay nói khác đi là thần học hóa văn hóa Việt Nam.

Theo tiếng Hébreu cổ, yôbel (יוֹבֵל) là tiếng tù và làm bằng sừng dê, nói về lễ kim khánh 50 năm, trùng hợp vào năm Ất Mùi. Trong lễ thụ phong linh mục tại Vĩnh Long, linh mục Giuse Mai Đức Vinh ‘‘xin Thiên Chúa hoàn tất việc tốt lành Người đã khởi sự’’. Thiên Chúa đã khởi sự công cuộc mục vụ văn hóa từ lúc Đức Ông còn là đại chủng sinh ở trong nước, sau này là linh mục rồi đức ông tại hải ngoại. Từ đó, ngài không ngừng biên soạn sách vở, mời gọi các tu sĩ và giáo dân cùng làm việc với ngài. Trong 50 năm qua, mục vụ văn hóa của Đức Ông không vì các khó khăn nhất thời mà bị gián đoạn. Nhân lễ vàng 50 năm linh mục của Đức Ông Giám Đốc, con mạo muội kính dâng ngài bài thơ sau đây, nói thay cho bao điều thiếu sót trong bài viết này:

Lửa thử vàng (ignis aurum probat)

ngọn lửa năm mươi phúc thánh ân

vàng y thử thách chẳng phai tàn

đời tu chứng tá cho lời Chúa

bút mực văn chương chẳng ngại ngần

mục vụ tu thư nhiều sách quý

đông tây hội nhập mực đầy tràn

kim khánh thụ phong ơn trọng đại

bút nghiên son sắt nét tinh anh.

Đan viện Xitô Orsonnens, mùa chay 2015

Lê Đình Thông