LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh năm nay, Chúa Nhật kính lòng Chúa thương xót, kỷ niệm tròn một năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong hiển thánh cho hai Đức cố Giáo hoàng: thánh Gioan XXIII và thánh Gioan Phaolô II (Chúa Nhật lòng Chúa thương xót 27.4.2014 – Chúa Nhật lòng Chúa thương xót 12.4.2015).

Cách riêng thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bên cạnh thánh nữ Faustina, người đồng hương của mình, đã trở thành Tông đồ của lòng Chúa thương xót.

Nhân lễ kính lòng Chúa thương xót, hơn nữa, tháng 4 cũng là dịp kỷ niệm tròn 10 năm thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về (2.4.2005 – 2.4.2015), chúng ta hãy cùng suy niệm về lòng Chúa thương xót. Theo gương Đức Gioan Phaolô II, chúng ta học tập, sống và ra sức thực hiện nghĩa vụ làm tông đồ của lòng Chúa Thương xót.

I. GIOAN PHAOLÔ II – TÔNG ĐỒ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

Lòng thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Kitô, hay Chúa Kitô chính là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa, là lời khẳng định quang trọng trong suốt thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (TC gltx) của Đức Gioan Phaolô II.

Chẳng hạn: “Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa trở nên hữu hình trong lòng thương xót của Ngài, nghĩa là làm nổi bật ưu phẩm của Ngài, ưu phẩm mà trong Cựu Ước qua nhiều hạn từ và khái niệm khác nhau đã từng xác định như ‘lòng thương xót’. Đức Kitô trao ý nghĩa chung cuộc cho toàn thể truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng những Người nói và giảng giải về lòng thương xót bằng những hình ảnh và những dụ ngôn, mà còn làm cho lòng thương xót này nhập thể và nhân cách hoá nó. Theo một nghĩa nào đó, Người chính là lòng thương xót. Đối với những ai thấy và tìm ra được lòng thương xót đó nơi Người, Thiên Chúa trở nên ‘hữu hình’ như là Chúa Cha ‘giàu lòng thương xót’” (TC gltx – số 2).

Trong khi viếng thăm Collevalenza - Italia năm 1981, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho biết quyết tâm của bản thân dành cho sứ điệp lòng thương xót: “Ngay từ lúc khởi đầu tác vụ ở Toà Thánh Phêrô tại Roma, tôi đã coi sứ điệp này là công việc đặc biệt của tôi. Chúa quan phòng đã uỷ thác sứ điệp ấy cho tôi trong bối cảnh hiện nay của nhân loại, Giáo Hội, và thế giới”.

Để vinh danh và phổ biến cho mọi người qua mọi thế hệ, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã nâng nữ tu Faustina Helena Kowalska (Maria Faustina Thánh Thể, người đã được Chúa Giêsu mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa suốt từ năm 1931 đến khi chị qua đời năm 1938) lên hàng chân phước vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh, 18.4.1993.

Bảy năm sau, cũng chính Đức Gioan Phaolô II tôn phong người nữ tu thánh thiện, người được Chúa chọn làm tông đồ của lòng Chúa thương xót, lên bậc hiển thánh ngày 30.4.2000, cũng là Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Cùng lúc, thánh nhân chính thức thiết lập lễ kính lòng Chúa thương xót trong khắp Hội Thánh Công Giáo vào Chúa Nhật II sau lễ Phục Sinh theo đúng yêu cầu của Chúa Giêsu mà Chị Faustina đã ghi trong nhật ký (NK) của mình: “Cha mong ước Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh sẽ là ngày đại lễ kính lòng thương xót Cha” (NK số 299).

Đặc biệt giảng trong thánh lễ phong thánh cho Chị Faustina, thánh Giáo hoàng dạy: “Chúa Giêsu cúi mình xuống trước mọi hình thức nghèo khổ của nhân loại, nghèo vật chất cũng như tinh thần. Sứ điệp về lòng thương xót tiếp tục chạm đến chúng ta qua cử chỉ Ngài đưa tay hướng về người đau khổ... Tôi chuyển đến mọi người lòng thương xót đó, để cho họ tìm hiểu ngày càng rõ ràng hơn về gương mặt đích thực của Thiên Chúa và gương mặt của anh em mình”.

Cũng trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đón nhận trọn vẹn sứ điệp xuất phát từ Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh, và kể từ nay, Chúa Nhật này được gọi là ‘Chúa Nhật của lòng Chúa thương xót”.

Hơn thế, trong các văn kiện và các phát biểu, huấn từ của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người ta vẫn tìm thấy đây đó ý nghĩa hay trực tiếp nói đến lòng thương xót của Chúa. Xin được tóm tắt nội dung vài văn kiện của ngài:

Trong thông điệp đầu tay, thông điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần (Rédemptor Hominis - 4.3.1979), ra đời ngay sau khi lên ngôi giáo hoàng chưa đầy nửa năm, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc đến lòng Chúa thương xót:“Giáo Hội luôn chuẩn bị cho chúng ta, để hưởng ơn cứu rỗi của Đấng Cứu Chuộc, do lòng thương vô biên của Chúa toàn năng” (RH số 1).

Trong bài giảng thánh lễ kính lòng Chúa thương xót năm 2001, Đức Cố Giáo hoàng nói: “‘Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương’ (Tv 118:1). Chúng ta hãy sở hữu sự cảm thán của tác giả Thánh vịnh mà chúng ta hát trong phần Đáp ca: ‘Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương’. Để hiểu hết sự thật của các từ này, chúng ta hãy để phụng vụ hướng dẫn tới trung tâm của sự kiện cứu độ, điều kết hợp sự chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô với cuộc đời chúng ta và với lịch sử thế giới. Mầu nhiệm của lòng thương xót đã thay đổi tận gốc số phận của nhân loại. Đó là mầu nhiệm được mạc khải trọn vẹn về tình yêu của Chúa Cha, Đấng không rút lại sự hy sinh của Con Một Ngài vì để cứu độ chúng ta”.

Chiều thứ bảy, 17.8.2002, Khi cung hiến đền thờ lòng Chúa thương xót tại quê hương Thánh Faustina (Krakow Lagiewniki, Balan), Đức Gioan Phaolô II đã long trọng đọc lời nguyện dâng loài người cho lòng thương xót của Chúa: “Lạy Cha hằng hữu, vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Cha yêu dấu là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Vì những khốn khó của cuộc Khổ Nạn của Người, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới (NK 476) ... Thế giới ngày nay cần có tình thương để bảo đảm rằng hết mọi bất công trên thế giới này sẽ được kết thúc trong chân lý rạng ngời… Hôm nay, tại đền thánh này, Con xin long trọng ký thác thế giới cho lòng thương xót của Chúa... Chớ gì lời hứa của Chúa Giêsu được nên trọn để từ nơi đây phải chiếu giãi ra tia sáng sửa soạn cho lần đến cuối cùng của Người (NK 1732). Hôm nay đây chúng con ký thác cho Cha vận mệnh thế giới. Xin Cha hãy cúi mình xuống trên tội nhân chúng con, hãy chữa lành nỗi yếu hèn của chúng con, hãy chiến thắng mọi sự dữ, và hãy ban ơn cho tất cả các dân tôc được cảm nghiệm thấy tình thương của Cha. Chớ gì họ luôn tìm thấy nguồn hy vọng nơi Cha, Thiên Chúa Ba Ngôi. Lạy Cha hằng hữu, vì cuộc khổ nạn và phục sinh của Con Cha, xin Cha thương chúng con và toàn thế giới. Amen”.

Trong tác phẩm cuối đời, cuốn “Hồi Niệm và Căn Tính” (22.2.2005), Đức Thánh Cha vẫn hướng về lòng Chúa xót thương: “Cái giới hạn áp đặt trên sự tối hậu là lòng Chúa thương xót (tr. 60-61). Trong quyển sách này, sau khi nói về biến cố bị sát hại ngày 13.5.1981, ngài chân thành nhìn nhận, Chúa cứu ngài vì lòng thương xót của Chúa. Đức Cố Giáo hoàng nói về lòng thương xót ấy: “Trong việc hy sinh hiến mình cho chúng ta; Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một cái nhìn mới, một trật tự mới của yêu thương... Chính cái đau khổ này đốt cháy và rút ra ngay từ tội lỗi sự bừng nở thiện hảo dư đầy” (Sđd tr.189-190).

Trong huấn từ trưa Chúa Nhật kính lòng Chúa thương xót 3.4.2005 (là một bài viết Đức Thánh Cha chuẩn bị để đọc trước khách hành hương tại quảng trường đền thờ thánh Phêrô, nhưng ngài đã qua đời ngày 2.4.2005), vị Giáo Hoàng Tông đồ của lòng Chúa thương xót nói những lời cuối cùng: “Chúa Kitô Phục Sinh đã hiến ban cho nhân loại - một nhân loại có lúc dường như lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, bởi cái tôi và sự sợ hãi – ân huệ tình Ngài yêu thương, tình yêu tha thứ, hòa giải và phục hồi tinh thần hy vọng. Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận lòng thương xót của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.

Thiên Chúa, dường như cảm kích tấm lòng của vị Tông đồ lòng Chúa thương xót, đã để xảy ra nhiều niềm vui: Vị Giáo hoàng được Chúa gọi về lúc 21 giờ 37 phút ngày 2.4.2005, chỉ một ít giờ ngay trước ngày lễ kính lòng Chúa thương xót. Ngài được Đức Bênêđictô XVI nâng lên hàng chân phước ngày 1.5.2011, là ngày lễ kính lòng Chúa thương xót. Và Đức Phanxicô đã phong hiển thánh cho vị tiền nhiệm của mình vào dịp kính lòng thương xót của Chúa (Chúa Nhật 27.4.2014).

Chúng ta hãy lắng nghe tâm tư của thánh Giáo hoàng Tông đồ lòng Chúa thương xót: “Giáo Hội của thời đại chúng ta phải trở nên ý thức đặc biệt và sâu xa về nhu cầu làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ mạng toàn thể của mình, theo bước chân của truyền thống Cựu và Tân Ước, và trên hết là của chính Chúa Giêsu Kitô và các Tông đồ của Người... Giáo Hội phải coi việc tuyên xưng và đưa mầu nhiệm lòng thương xót vào cuộc sống là một trong những bổn phận chính yếu của mình trong mọi giai đoạn lịch sử, nhất là trong thời buổi hiện tại của chúng ta” (TC gltx – số 14).

II. CHÚNG TA SỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT.

Cảm nghiệm về lòng Thiên Chúa yêu thương, và quyết tâm sống lòng thương xót, nhằm nỗ lực đáp lại tình yêu của Chúa, là việc làm có ý nghĩa, cần thiết và gấp rút.

Bởi Chúa Kitô, trước khi công bố Hiến chương Nước Trời và dạy: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7), thì chính Người đã nêu gương trước bằng sự hiện diện của Người giữa nhân loại. Qua sự hiện diện ấy, Chúa Kitô cũng cho chúng ta thấy hình ảnh Chúa Cha, vì thương xót con người, đã chia sẻ chính mình cho trần gian, đã trao mình cho nhân loại để diễn tả lòng thương xót của Người cho họ, qua việc Chúa Kitô nhập thể để cứu độ:

“Khi trở nên gương mẫu cho con người về tình thương xót đối với kẻ khác, bằng việc làm hơn bằng lời nói, Đức Kitô công bố lời mời gọi hãy có lòng thương xót bởi vì đó là một trong những yếu tố cốt yếu của đạo đức Tin Mừng. Vấn đề ở đây không phải chỉ là thực hiện một điều răn hay một đòi hỏi có tính đạo đức nhưng còn là chu toàn một điều kiện tối quan trọng để Thiên Chúa có thể tự mạc khải qua lòng thương xót của Ngài đối với con người: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (TC gltx số 3).

Phúc Thật là những lời hứa của Thiên Chúa mà chúng ta chưa thể đạt được cách toàn hảo khi còn nơi trần thế. Ta chỉ có thể ướm đời mình theo giới răn của Chúa từ hôm nay, để có thể đạt tới Phúc Thật trong đời vĩnh cửu.

Vì thế, hãy cố mà sống lòng thương xót Chúa dạy, đừng để vuột mất, đừng để lỡ cơ hội, đừng chỉ thấy hôm nay mà quên phóng tầm mắt nhìn trước lối về của ngày mai.

Cuộc sống không bán vé quay lại. Nhưng ai cũng có thế mua vé vào tương lai. Cái gì đã mất, vĩnh viễn không thể thu hồi. Nhưng đi tìm tương lai, lại có thể găp. Phúc Thật mà Chúa hứa sẽ mất, nếu không vun bồi. Hãy sống Phúc Thật của Chúa ngay hôm nay, lúc này, tại đây. Sống Phúc Thật là mua vé đi về tương lai, một bảo đảm đời đời.

Hãy nhớ, cuộc đời chúng ta ngắn ngủi. Và hãy ghi tâm khắc cốt kỹ hơn nữa, lời Kinh Thánh:“Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 89, 10).

Nhờ luôn ghi khắc sự thật ấy, chúng ta sẽ sống từng ngày bằng lòng thương xót, để cho lòng thương xót chiếm ngự. Và nhờ chạm vào lòng thương xót từng ngày, suốt đời như thế, thì dù cuộc sống có ngắn ngủi, vẫn là một cuộc sống đẹp, một cuộc sống thắm, một cuộc sống tươi, một cuộc sống đáng sống. Kết quả cuối cùng của một cuộc sống như thế, sẽ là một cuộc sống nở hoa thiên đàng.

Chúng ta nói nhiều đến yêu thương. Sao chúng ta lại không yêu thương?

Nhiều nơi trong Hội Thánh tổ chức dâng lễ kính lòng Chúa thương xót hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Sao chúng ta đánh mất lòng thương xót?

Chúng ta hô hào hiệp nhất. Sao chúng ta quên hiệp nhất?

Chúng ta kêu gọi hiệp thông rầm rộ. Sao lòng chúng ta lại tẩy chay ơn hiệp thông?

Chúng ta đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa. Sao chúng ta không sống Lời Chúa?

Chúng ta, kẻ thì giảng Lời Chúa, kẻ thì nghe lời giảng ấy. Sao chúng ta không thấm Lời Chúa?

Chúng ta đọc mỗi Chúa Nhật trong các nhà thờ: “Thứ năm ai thương xót người, ấy là phước thật, vì chưng mình sẽ được thương xót” (kinh Tám Mối Phúc thật). Sao chúng ta còn xa cách lòng thương xót mà Chúa dạy?

Chúng ta nói nhiều đến việc sống Lời Chúa. Sao chúng ta sống xa cách Lời Chúa?

Cuối cùng: Chúng ta chỉ cho muôn dân đường về thiên đàng. Sao chúng ta lại tìm đường… đi đâu??

Hãy “hướng về vĩnh cửu”. Đó là cùng đích đời mình!

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG