Hôm nay Giáo Hội tưởng niệm những giây phút cuối cùng khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết, khi sức sống và sức mạnh của Ngài đang cạn kiệt dần.

Bài Phúc Âm tường thuật cho chúng ta cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và một trong hai người tội phạm cùng bị đóng đinh với Ngài mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”

Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”

Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô đang nằm phủ phục trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Lúc này là 5 giờ chiều ngày thứ Sáu Mùng 3 tháng Tư.

Trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đang quì gối trong thinh lặng, trước khi mở đầu với lời nguyện, xin Chúa nhớ lại lòng từ bi và đoái thương, bảo vệ gia đình mà Chúa Kitô, Con Chúa, đã khai mạc mầu nhiệm vượt qua cho họ trong máu của Người.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài chia sẻ của ngài.

Ngài nói:

“ECCE HOMO!” – Đây là người!

Chúng ta vừa nghe trình thuật về Chúa Giêsu trước tòa của Philatô. Có một điểm đặc biệt trong trình thuật này mà chúng ta cần phải dừng lại để suy tư.

Bấy giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do Thái!”, rồi vả vào mặt Người...Vậy, Ðức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: “Ðây là người! [Ecce Homo!] (Ga 19: 1-3, 5)

Trong vô số những bức tranh lấy Ecce Homo làm chủ đề, có một bức tranh đã luôn luôn gây ấn tượng cho tôi. Đó là bức tranh của một họa sĩ người miền Bắc nước Bỉ sống ở thế kỷ thứ mười sáu là Jan Mostaert. Hãy để tôi cố gắng mô tả bức tranh này. Điều đó sẽ giúp ghi một dấu ấn tốt hơn trong tâm trí của chúng ta về biến cố này, vì người nghệ sĩ đã trung thành sao chép thành tranh các sự kiện của trình thuật Phúc Âm, đặc biệt là Phúc Âm của Thánh Máccô (xem Mc 15: 16-20).

Chúa Giêsu đầu đội một mão gai. Một bó những nhánh cây đầy gai được tìm thấy trong sân, có lẽ dùng để nhóm lửa, đã cho các các binh sĩ một cơ hội để chế giễu vương quyền của Ngài. Những giọt máu chảy xuống trên khuôn mặt Ngài. Miệng Ngài mở ra một nửa, như một người đang bị khó thở. Vai Ngài khoác một áo choàng nặng và bạc thếch, giống như làm bằng thiếc hơn là bằng vải. Trên vai Chúa là những vết thương ngang dọc từ trận đòn gần đây. Hai cổ tay của Ngài bị buộc lại với nhau bằng một sợi dây thừng thô thắt hai vòng. Chúng bắt Ngài cầm một cây sậy trong tay như vương trượng, còn tay kia chúng bắt ngài cầm những nhành lá như những biểu tượng nhằm chế giễu vương quyền của Ngài. Chúa Giêsu không thể di chuyển dù chỉ một ngón tay; đây là một con người bị chà đạp xuống đến mức hoàn toàn bất lực, là nguyên mẫu của tất cả những con người trong lịch sử với bàn tay bị khóa chặt.

Khi suy niệm về cuộc thương khó, nhà triết học Blaise Pascal đã viết những lời này một ngày nào đó: “Chúa Kitô sẽ còn phải đau đớn cho đến ngày tận thế; chúng ta đừng mê ngủ trong thời gian này.” Có một ý nghĩa trong những lời này rất đúng với chính con người của Chúa Kitô, nghĩa là đúng với Đấng là đầu của nhiệm thể, chứ không chỉ đúng với các thành viên của nhiệm thể ấy. Không phải là chúng ta bỏ qua sự kiện là Chúa đã sống lại và đang sống, nhưng chính vì Ngài đã sống lại và đang sống. Nhưng thôi, chúng ta hãy bỏ qua một bên ý nghĩa khó hiểu này và thay vào đó đề cập đến một ý nghĩa rõ ràng nhất của những lời này. Chúa Giêsu sẽ còn phải đau đớn cho đến ngày tận thế trong mỗi người nam nữ đang cùng một nỗi thống khổ của Ngài. “Các ngươi đã làm cho chính Ta!” (Mt 25:40). Ngài nói những lời này không chỉ với các tín hữu đặt niềm tin nơi Người; nhưng là với mỗi người nam nữ đang đói khát, trần truồng, chịu ngược đãi, giam cầm.

Xin được một lần đừng nói chung chung về những tệ nạn xã hội: nghèo đói, bất công, và bóc lột những người yếu thế. Những tệ nạn này vẫn thường được nói đến (dù chẳng bao giờ là đủ), nhưng có nguy cơ là những tệ nạn ấy trở thành trừu tượng, thành những phạm trù chứ không phải là những con người. Thay vào đó, chúng ta hãy nghĩ đến những đau khổ của các cá nhân, những người có tên tuổi và danh tính cụ thể; hãy nói đến những nhục hình do con người quyết định đưa ra trong máu lạnh và trong sự tự nguyện để làm thương tổn những người khác, kể cả các hài nhi tại thời điểm này.

Có biết bao những trường hợp “Ecce homo” (“Đây là người!”) trên cái thế giới này! Có biết bao những tù nhân thấy mình đứng trước tình trạng tương tự như Chúa Giêsu trước tòa Philatô: cô đơn, tay bị còng, bị tra tấn, chỉ còn biết trông đợi nơi lòng thương xót của đám quân lính thô bạo đầy thù hận là những kẻ tham gia vào tất cả các loại tàn ác về thể chất và tâm lý và là những kẻ thích thú trước những đau khổ của người khác. “Chúng ta đừng mê ngủ; chúng ta đừng bỏ họ một mình!”

Tiếng hô “Ecce homo!” áp dụng không chỉ cho các nạn nhân nhưng còn cho những kẻ tra tấn. Nó có nghĩa là, “Đây là những gì con người có thể làm được!” Với sự sợ hãi và run rẩy, chúng ta cũng hãy nói, “Đây là những gì nhân loại có thể làm được!” Chúng ta đã tiến được bao xa trong cuộc diễn hành tiến về phía trước không thể ngăn cản được, so với homo sapiens sapiens (con người hiện đại thời Khai Sáng), so với loại người, mà một số người nào đó cho rằng đã được sinh ra từ cái chết của Thượng Đế để thay thế cho Ngài!

* * *

Kitô hữu tất nhiên không phải là những nạn nhân duy nhất của bạo lực giết người trên thế giới, nhưng chúng ta không thể bỏ qua sự kiện là tại nhiều quốc gia, họ là những nạn nhân chịu đau khổ thường xuyên nhất. Và ngày hôm nay có tin tức là 147 Kitô hữu đã bị tàn sát trong cơn cuồng nộ của những kẻ thánh chiến Hồi Giáo cực đoan Somali tại một trường đại học ở Kenya. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ của Ngài, “Sẽ đến giờ những kẻ giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa.” (Ga 16:2) Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ những lời này được thực hiện chính xác đến thế như trong thời đại chúng ta ngày nay.

Một giám mục sống ở thành Alexandria vào thế kỷ thứ ba là Dionysius đã để lại cho chúng ta một chứng tá về hoàn cảnh cử hành lễ Phục sinh của các tín hữu Kitô trong các cuộc bách hại khốc liệt bởi đại đế La Mã Decius:

Đầu tiên chúng tôi bị chỉ định nơi cư trú, và bị bao vây bởi những kẻ bắt bớ và giết người, nhưng chúng tôi vẫn là những người duy nhất giữ ngày lễ này thậm chí sau khi đã bị cô lập như vậy. Mỗi nơi mà chúng tôi bị tấn công đã trở thành một địa điểm mừng lễ dù là ở cánh đồng, sa mạc, trên tàu, trong các nhà trọ, hay nhà tù. Ngày lễ huy hoàng nhất trong tất cả các ngày lễ này được giữ bởi các vị tử đạo, những người giờ đây đang mừng lễ này trên thiên quốc.

Đây cũng là tình cảnh mà nhiều Kitô hữu mừng lễ Phục Sinh năm nay, năm 2015 sau Chúa Giáng Sinh.

Có những người, trên báo chí thế tục, có can đảm tố cáo sự thờ ơ đáng lo ngại của các tổ chức và dư luận trên thế giới trước những sự giết chóc các Kitô hữu này, trong khi gợi nhớ đến những sự thờ ơ như thế trong quá khứ. Tất cả chúng ta và tất cả các tổ chức của chúng ta ở phương Tây có nguy cơ trở thành những Philatô đang rửa tay [trước máu người vô tội].

Tuy nhiên, chúng ta lại không được phép đưa ra bất cứ tố cáo nào ngày hôm nay. Chúng ta sẽ phản bội mầu nhiệm đang được cử hành. Chúa Giêsu trong giờ hấp hối, đã kêu lên “Lạy Cha, xin tha cho chúng; vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Lời cầu nguyện này không chỉ là lời thì thầm trong hơi thở của Ngài; nó còn là tiếng kêu to lên để mọi người có thể nghe rõ. Đó cũng chẳng phải là một lời cầu nguyện; đó là một yêu cầu quyết liệt được đưa ra trong cương vị của người Con: “Lạy Cha, xin tha cho chúng” và vì chính Chúa đã từng cho biết là Chúa Cha luôn nhậm lời cầu nguyện của Ngài (xem Ga 11:42), chúng ta phải tin rằng Chúa Cha đã nghe lời cầu nguyện cuối cùng này từ cây thánh giá và do đó những kẻ đã đóng đinh Chúa Kitô vào thánh giá đã được Thiên Chúa tha thứ (tất nhiên là với một lòng ăn năn cách nào đó) và được ở với Ngài trên thiên đường, để làm chứng muôn đời cho thấy tình yêu của Thiên Chúa có khả năng đi xa đến mức nào.

Sự thiếu hiểu biết như thế vốn tồn tại một cách đặc biệt trong đám lính tráng. Nhưng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không chỉ dành riêng cho họ. Sự hùng vĩ thánh thiêng trong sự tha thứ của Ngài bao gồm cả sự kiện là nó cũng được trao ban cho những kẻ thù tàn nhẫn nhất của Ngài. Lý do thiếu hiểu biết được đưa ra chính xác là dành cho họ. Mặc dù họ đã hành động đầy xảo quyệt và ranh ma, nhưng trong thực tế, họ không biết những gì họ đang làm; họ không nghĩ rằng họ đã đóng đinh vào thập giá một người đàn ông thực sự là Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa! Thay vì cáo buộc đối thủ của mình, hoặc tha cho họ và ủy thác nhiệm vụ trả thù cho Cha trên trời của mình, Ngài đã đứng ra bảo vệ họ.

Ngài đưa ra cho các môn đệ của mình một ví dụ về sự rộng lượng vô hạn. Để tha thứ với cùng một sự vĩ đại trong tâm hồn như thế không chỉ đòi hỏi một thái độ tiêu cực trong đó ta từ bỏ ao ước muốn thấy kẻ ác gặp ác; nhưng còn phải được biến đổi xa hơn thành một ý chí tích cực là làm điều thiện cho họ, thậm chí cho dù đó chỉ là một lời cầu nguyện với Thiên Chúa nhân danh họ. “Hãy cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em” (Mt 5:44). Kiểu tha thứ này không tìm sự hả dạ trong hy vọng nơi sự trừng phạt của Thiên Chúa. Nó phải được linh hứng từ một lòng bác ái tha cho kẻ lân cận, tuy nhiên, không nhắm mắt lại với sự thật nhưng trái lại là phải mở mắt ra để ngăn chặn kẻ gian ngõ hầu họ sẽ không gây hại thêm cho người khác và cho chính họ.

Chúng ta có thể muốn nói rằng “Lạy Chúa, Chúa yêu cầu chúng con phải làm những điều không thể!” Ngài sẽ trả lời, “Ta biết, nhưng Ta đã chết để ban cho anh em những gì Ta yêu cầu anh em. Ta không chỉ truyền cho anh em phải tha thứ và không chỉ đưa ra cho anh em một tấm gương anh hùng về sự tha thứ, nhưng qua cái chết của Ta, Ta cũng mang lại cho anh em những ân sủng để anh em có thể thứ tha. Ta không chỉ ban cho thế giới giáo huấn về lòng thương xót như nhiều người khác đã từng làm. Ta cũng là Chúa và Ta đổ ra cho anh em những con sông của lòng thương xót qua cái chết của Ta. Từ đó, anh em có thể kín múc lòng thương xót bao nhiêu cũng được trong Năm Thánh Từ Bi sắp tới”.

***

Ai đó có thể nói, “Nếu thế thì chẳng lẽ theo Chúa Kitô luôn luôn có nghĩa là từ bỏ chính mình một cách thụ động để bị đánh bại và bị giết chết hay sao?” Không, trái ngược lại! Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài: “Hãy vui lên” trước khi bước vào cuộc thương khó của Ngài: “Ta đã chiến thắng thế gian” (Ga 16:33). Chúa Kitô đã chiến thắng thế gian bằng cách vượt qua sự gian ác của thế giới này. Chiến thắng cuối cùng của cái thiện trước cái ác đó sẽ được thể hiện vào cuối thời điểm đã đến, chính thức và thực tế, trên thánh giá của Chúa Kitô. Ngài nói “Bây giờ là giờ Phán xét của thế giới này” (Ga 12:31). Từ ngày đó, sự ác đang thua dần, và nó đang thua nhiều hơn khi xem ra nó đang có vẻ thắng nhiều hơn. Nó đã bị xét xử và kết án trong những biểu hiện cuối cùng của nó với một bản án không thể nào kháng cáo.

Chúa Giêsu đã vượt qua bạo lực không phải với bạo lực lớn hơn nhưng bằng cách chịu đựng nó và phơi bày tất cả sự bất công và vô vọng của nó. Ngài khai mở một loại chiến thắng mới đã được Thánh Augustinô tóm gọn trong ba chữ: “Victor quia victima” (Chiến thắng vì là nạn nhân). Chính vì thấy Ngài chết như thế mà viên đội trưởng La Mã đã thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39). Những người khác hỏi nhau xem những “tiếng kêu lớn” từ Chúa Giêsu đang hấp hối có nghĩa là gì (xem Mc 15:37). Viên đội trưởng La Mã, là một chuyên gia về những chiến binh và những trận đánh, nhận ra ngay lập tức đó là một tiếng kêu của chiến thắng.

Những vấn đề bạo lực làm chúng ta quan ngại, sửng sốt, và ngày nay nó đã phát minh ra những hình thái mới hơn và khủng khiếp hơn của sự tàn bạo và man rợ. Kitô hữu chúng ta đang kinh hãi với ý tưởng trong đó người ta có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, một người nào đó có thể phản đối “Nhưng không phải là Kinh Thánh cũng đầy những câu chuyện bạo lực đó sao? Không phải là Thiên Chúa được gọi là 'Chúa các đạo binh' sao? Không phải Chúa đã từng lên án toàn bộ một thành phố phải bị tiêu diệt sao? Không phải là chính Người đã quy định bao nhiêu những trường hợp phải tử hình trong Luật Môsê đó sao?”

Nếu họ đã đưa ra những phản đối này với Chúa Giêsu trong cuộc đời Ngài, chắc chắn Ngài sẽ đáp lại như những gì Ngài đã nói về ly dị: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không thế đâu.” (Mt 19: 8). Điều này cũng đúng đối với bạo lực: “Lúc đầu nó không phải như vậy.” Chương đầu tiên của Sách Sáng Thế trình bày một thế giới nơi mà bạo lực giữa con người với nhau hay giữa con người và các loài động vật không hề có, thậm chí cả trong trí tưởng tượng. Không được phép giết người ngay cả là để trả thù cho cái chết của Abel, và qua đó trừng phạt một kẻ giết người (xem Sáng Thế 4:15).

Ý định thực sự của Thiên Chúa được thể hiện nơi điều răn “Chớ giết người” hơn là nơi những ngoại lệ đối với lệnh truyền đó trong luật pháp, là một sự nhượng bộ trước “sự cứng lòng” và trước những thực hành của con người. Bạo lực, cùng với tội lỗi, là một phần đáng tiếc trong đời sống, và Cựu Ước, trong đó phản ảnh đời sống và phải là hữu ích cho đời sống như nó đang xảy ra, đã tìm hiểu các luật lệ và hình phạt tử hình ít nhất là để cô lập và ngăn chặn không để cho bạo lực biến thành một lựa chọn cá nhân để rồi mọi người xâu xé lẫn nhau.

Thánh Phaolô đề cập đến một khoảng thời gian được đặc trưng bởi “sự nhẫn nại” của Thiên Chúa (Rm 3:25). Thiên Chúa nhẫn nại trước bạo lực như Ngài nhẫn nại trước tình trạng đa thê, ly dị, và những thứ khác, nhưng Ngài đang chuẩn bị dân Ngài cho một thời gian trong đó hoạch định nguyên thủy của Người cho nhân loại được “tái lập” và được phục hồi trong danh dự, như thể thông qua một sáng tạo mới. Thời ấy đã đến với Chúa Giêsu, Đấng đã công bố trên núi, “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa... Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5: 38-39, 43-44).

“Bài Giảng Trên Núi” thực sự thay đổi lịch sử, tuy nhiên, không phải là bài giảng đã được đưa ra trên một ngọn đồi ở Galilê, nhưng là bài giảng giờ đây được công bố lặng lẽ từ trên thánh giá. Trên đồi Canvê, Chúa Kitô đưa ra một tiếng nói “không” dứt khoát với bạo lực, đặt đối lập với nó không chỉ là bất bạo động, nhưng còn là sự tha thứ, hiền lành, và tình yêu. Mặc dù bạo lực vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, nó sẽ không còn có thể được liên kết dù là xa xôi đi chăng nữa với Thiên Chúa và không thể núp dưới quyền năng của Ngài. Làm như thế là làm cho khái niệm về Thiên Chúa suy thoái ngược lại vào những thời kỳ sơ khai và thô thiển trong một lịch sử đã được vượt qua bởi lương tâm tôn giáo và văn minh của nhân loại.

* * *

Những vị tử đạo chân chính vì Chúa Kitô không chết với bàn tay nắm chặt nhưng với bàn tay chắp lại trong lời cầu nguyện. Chúng ta đã có nhiều ví dụ gần đây về điều này. Chúa Kitô là Đấng đã ban cho 21 Kitô hữu Coptic bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chặt đầu tại Libya hôm 22 tháng 2 sức mạnh để chết trong khi thì thầm kêu tên Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cầu nguyện cho những anh chị em trong đức tin của chúng con đang bị đàn áp và cho tất cả những con người là những Ecce Homo trên mặt đất này tại thời điểm hiện nay, là Kitô hữu cũng như những người không phải là Kitô hữu.

Lạy Mẹ Maria, dưới chân thập giá, Mẹ kết hiệp với Con của Mẹ, và Mẹ thì thầm theo Ngài, “Lạy Cha, xin tha cho chúng!” Xin hãy giúp chúng con chiến thắng sự ác bằng điều thiện, không chỉ trên trường thế giới nhưng cả trong cuộc sống hàng ngày của chúng con, bên trong các bức tường ngôi nhà của chúng con. Mẹ đã chia sẻ những đau khổ của Người khi Người chết trên thánh giá. Như vậy, một cách rất đặc biệt, Mẹ đồng công cứu chuộc bằng sự vâng phục của Mẹ, niềm tin, hy vọng và lòng bác ái bừng cháy. Xin Mẹ linh hứng cho những người nam nữ trong thời đại chúng con với những ý nghĩ hòa bình và lòng thương xót. Và với sự tha thứ. Amen.

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ.

Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, do đó Thánh Thể không được thánh hiến. Tuy nhiên, Mình Thánh Chúa đã được trao cho các tín hữu bởi hàng chục linh mục. Sau khi Đức Giáo Hoàng đọc lời chúc bình an, phụng vụ đã kết thúc trong im lặng theo như là truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh.