THÁNH LỄ

Thánh lễ là cội nguồn và cao điểm nhất trong đời sống của người Kitô hữu. Giáo Hội Công Giáo tin rằng cử hành Thánh lễ là lập lại hy tế của Chúa Kitô đã hiến mình trên thánh giá tại Calvariô. Chúa Kitô hiến tế một lần duy nhất trên thập giá để cứu độ nhân loại: Chúa Giêsu Kitô không như các vị thượng tế khác, mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội mình, sau là để đền tội thay cho dân (Dt 7, 27). Thánh lễ là một hy tế. Chính Chúa Kitô là Thiên Chúa, là đền thờ, là tư tế và hy lễ. Nhờ Chúa Kitô, chúng ta được giao hòa với Chúa Cha. Chúa Kitô đã mang tất cả các danh hiệu trong thân phận của người tôi tớ.

Giáo Hội Công Giáo trên khắp hoàn cầu vòng xoay không ngừng đem lòng tin kính mến yêu mà dâng lễ tế là bánh và rượu lên Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Kitô đã đổ máu đào hiến dâng lên Chúa Cha để chúng ta được ơn tha tội. Mỗi khi cử hành Thánh Lễ, các linh mục và cộng đoàn dân Chúa cùng tưởng niệm việc Chúa Giêsu Kitô chịu chết và sống lại để cứu độ chúng ta. Chúng ta cùng dâng thánh lễ để ca ngợi, chúc tụng, tạ ơn và đền tội cho chính chúng ta.

Chúng ta cần ý thức việc cử hành và tham dự thánh lễ một cách sốt sáng và nghiêm túc. Giờ đây, chúng ta cùng ôn lại và học hỏi sự diễn tiến trong việc cử hành các nghi thức trong thánh lễ.

Nghi thức Nhập Lễ

Linh mục chủ tế và các lễ sinh (mang thánh giá, tầu và bình hương, nến) tiến rước vào gian cung thánh. Đoàn rước bái quỳ trước Nhà Tạm hoặc cúi đầu chào kính Thánh giá tại chính điện. Linh mục hôn bàn thờ. Bắt đầu nghi thức bằng Dấu Thánh Giá và chào cộng đoàn, mời gọi mọi người cùng ăn năn sám hối tội lỗi. Đọc hoặc hát Kinh Thương Xót (mùa Quanh Năm hát Kinh Vinh Danh và trong Mùa Chay sẽ không hát Kinh Vinh Danh).

Phụng Vụ Lời Chúa

Trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và Lễ Trọng buộc, sẽ công bố ba bài đọc. Ngày thường trong tuần chỉ đọc hai bài. Nếu có ba bài đọc, bài thứ nhất trích từ Cuốn Sách Cựu Ước hoặc Sách Tông Đồ Công Vụ trong Mùa Phục Sinh. Sau bài đọc một là bài hát hoặc đọc Thánh Vịnh có đáp ca. Bài đọc thứ hai trích từ Sách Tân Ước, phần lớn các bài đọc trích từ thơ của thánh Phaolô Tông Đồ. Sau bài đọc, xướng ca Alleluia hoặc Vinh danh Ngôi Lời trước khi công bố Phúc Âm. Bài đọc thứ ba quan trọng và cao điểm trong phần Phụng Vụ Lời Chúa (có thể rước Sách Phúc Âm và xông hương). Linh mục hay thầy Sáu sẽ công bố Lời Chúa và hôn kính Lời Chúa trong sách thánh. Tiếp đến là bài giảng được chia sẻ qua việc gẫm suy rút ra từ các bài đọc và đem áp dụng trong cuộc sống đức tin. Kết thúc phần này, cộng đoàn sẽ hát hoặc đọc Kinh Tin Kính để tuyên xưng đức tin và dâng Lời Nguyện Giáo Dân.

Phụng Vụ Thánh Thể

Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu bằng việc chuẩn bị của lễ dâng, bánh và rượu. Linh mục mời gọi: Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận. Cộng đoàn thưa: Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha để ca tụng vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người. Rồi linh mục dâng lời cầu nguyện theo ý của ngày lễ.

Phần Kinh Nguyện Thánh Thể là trung tâm điểm của việc cử hành thánh. Linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng hợp ý qua phần đối thoại và cầu nguyện trong Kinh Tiền Tụng dẫn tới việc hợp cùng các Thiên thần chúc tụng tung hô: Thánh, Thánh, Thánh…

Kinh Nguyện Thánh Thể bao gồm việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa của lễ để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Phần chính là lời truyền phép được lập lại Lời của Chúa Giêsu khi lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, khi Chúa nói với các tông đồ rằng: Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy. Ngay sau khi truyền phép, linh mục nâng Chén Máu và Mình Thánh lên, xướng: Đây là mầu nhiệm đức tin. Cộng đoàn dân Chúa cùng thưa: Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến (có 3 lời thay đổi). Linh mục tiếp tục dâng lời khẩn cầu, tạ ơn, cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các phẩm trật trong Giáo Hội, cầu cho các linh hồn đã an nghỉ. Nài xin lòng Chúa thương xót cho tất cả chúng ta để được thông phần sự sống đời đời cùng với Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giuse, các Tông đồ và toàn thể các Thánh.

Kết thúc phần Kinh Nguyện, linh mục nâng Chén Rượu và Đĩa Thánh tuyên xưng: Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Cộng đoàn cùng tung hô: Amen.

Nghi thức Hiệp Lễ.

Linh mục mời gọi dân Chúa cầu nguyện như lời Chúa Giêsu đã dậy: Kinh Lạy Cha. Tiếp theo là Lời nguyện xin ơn bình an và giải trừ mọi tội lỗi và biến loạn. Cộng đoàn tung hô: Vì vương quyền, uy lực và vinh quang của Chúa đến muôn đời. Sau đó, cộng đoàn dân Chúa cùng cầu chúc bình an cho nhau.

Trong khi linh mục bẻ bánh và hòa Mình và Máu Đức Kitô trong chén thánh, cộng đoàn hát hoặc đọc: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Rồi linh mục nâng Mình và chén Máu thánh đọc lời: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Cộng đoàn cùng đọc: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Tiếp đến là phần rước lễ.

Nghi thức Kết Lễ

Linh mục dâng lời cầu nguyện Hiệp Lễ. Chào chúc và ban phép lành: Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.

Linh mục giải tán: Lễ xong chúc anh chị em đi bình an. Cộng đoàn thưa: Tạ ơn Chúa.

Thánh lễ là một hy lễ vô giá. Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa chúng ta qua Lời Chúa, qua Bí Tích Thánh Thể và Cộng đoàn dân Chúa. Cử hành hoặc tham dự thánh lễ không phải là là diễn kịch lập đi lập lại, nhưng là một việc cử hành hiến tế không đổ máu. Qua quyền năng của Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ làm biến đổi tâm hồn và ban sức sống thiêng liêng cho chúng ta. Giá Máu của Chúa Kitô sẽ tẩy sạch tội lỗi và cứu độ linh hồn các tín hữu đã qua đời.

Chúng ta hãy tham dự thánh lễ một cách tích cực và hòa mình trong của lễ dâng để cầu nguyện và đền tội cho chính mình. Nguyện xin mầu nhiệm hiến tế của Chúa Kitô phục sinh, Đấng chiến thắng tử thần, mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và sự sống vĩnh cửu đời đời.