Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Kitô hữu Cộng Hòa Trung Phi lên tinh thần trước viễn tượng chuyến viếng thăm nước này của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chuyến viếng thăm nước Cộng hòa Trung Phi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào Tháng Mười Một sắp tới sẽ là "một dấu chỉ về lòng nhân lành của Thiên Chúa và là một sự an ủi" cho người dân của một đất nước đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Đức Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga đã nói như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.

Tòa Thánh đã chính thức xác nhận Đức Giáo Hoàng sẽ tông du đến châu Phi vào tháng Mười Một, và Cộng hòa Trung Phi sẽ có trong hành trình của ngài.

Đức Tổng Giám mục Nzapalainga cho biết cuộc chiến đã tàn phá nặng nề Cộng hòa Trung Phi giờ đây đã lắng đọng, ít nhất là tạm thời, do sự can thiệp của một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. "Các binh sĩ hòa bình giống như một bác sĩ đã giúp đưa đất nước chúng tôi đến tình trạng của một con bệnh đang hồi phục." Nhưng ngài nói rằng hòa bình là mong manh, và có thể sụp đổ bất cứ khi nào nếu các lực lượng của Liên Hợp Quốc rút ra.

Mặc dù cuộc chiến đã dịu đi, cuộc sống bình thường vẫn chưa trở lại, Đức Tổng Giám Mục nói. Khoảng 30,000 người đang sống trong các trại tị nạn ở thủ đô, với nhiều ngàn người khác tìm kiếm nơi trú ẩn trong các nhà thờ và đền thờ Hồi giáo. "Nhiều người không thể trở về nhà, vì nhà cửa của họ đã bị phá hủy. Các trẻ em không thể đến trường, trong khi những người đàn ông và phụ nữ không có công ăn việc làm" do hạ tầng cơ sở kinh tế của nước này đã bị triệt tiêu gần như hoàn toàn.

Đức Tổng Giám mục Nzapalainga nói rằng nhiệm vụ của ngài trong tư cách một giám mục là "trông chừng và chăm sóc đoàn chiên và đem lại cho họ niềm hy vọng." Ngài nói thêm rằng, chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, và thông điệp hy vọng của Ngài, sẽ "mang lại sức mạnh mới cho người dân Cộng hòa Trung Phi."

2. Bộ Giáo Lý Đức Tin yêu cầu hủy bỏ buổi nói chuyện của một “nhân chứng” Medjugorje tại St. Louis, Missouri

Buổi nói chuyện của một “nhân chứng” Medjugorje tại một giáo xứ ở St. Louis đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Bộ Giáo Lý Đức Tin Tòa Thánh.

Ivan Dragicevic, là một trong những người tuyên bố đã thấy Đức Mẹ hiện ra trong nhiều năm tại Medjugorje, được dự kiến sẽ nói chuyện ở St. Louis hôm 18 tháng Ba. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị hủy bỏ.

Đức Tổng Giám mục Robert Carlson của St. Louis đã đưa ra một thông cáo cho biết:

“Tôi đã nhận được yêu cầu từ Bộ Giáo lý Đức tin để nhắc nhở mọi người không nên tham dự vào các sự kiện nhằm đề cao cái gọi là những thị kiến tại Medjugorje và đặc biệt là đề cao ông Ivan Dragicevic. Tôi cũng được yêu cầu thông tin rộng rãi cho các tín hữu”.

Ngày 17 tháng Ba năm 2010, Tòa Thánh công bố rằng, theo yêu cầu của các giám mục Bosnia và Herzegovina, Tòa Thánh đã thành lập một ủy ban, đứng đầu là Đức Hồng Y Camillo Ruini, lúc ấy là Giám Quản Rôma, để điều tra hiện tượng Medjugorje.

Ngày 17 tháng Giêng 2014, ủy ban đã chính thức hoàn tất cuộc điều tra. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ công bố kết luận chung cuộc về vấn đề này.

Tuy nhiên, với diễn biến mới này có lẽ người ta cũng đoán được kết luận chung cuộc.

3. Taliban đánh bom vào hai nhà thờ giết chết 14 người dự lễ

Mười bốn người đã thiệt mạng và hơn 70 người bị thương khi hai kẻ đánh bom tự sát Taliban tấn công vào một nhà thờ Kitô Giáo ở Lahore, Pakistan vào sáng Chúa Nhật 15 tháng Ba. Biểu tình bạo động chống Taliban đã bùng lên tại nhiều thành phố để phản kháng nhà cầm quyền bất lực bảo vệ dân lành.

Các quan chức Pakistan cho biết các vụ đánh bom đã xảy ra trong thời gian cầu nguyện tại hai nhà thờ Công Giáo và Tin Lành nằm cách nhau khoảng 500m tại khu phố Youhanabad của thành phố Lahore, nơi tập trung hơn 100,000 Kitô hữu.

Ít nhất 4,000 người đã lập tức xuống đường tuần hành phản đối. Kitô hữu cũng đã xuống đường tại các thành phố khác, bao gồm Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan, Peshawar, Multan và Quetta.

Bác sĩ Mohammad Saeed Sohbin, giám đốc bệnh viện đa khoa Lahore, nói với AFP: "Chúng tôi đã nhận được 14 thi thể người chết và 70 người bị thương". Con số này không bao gồm thi thể của những kẻ nổ bom tự sát và của hai người Taliban bị tình nghi dính líu vào vụ đánh bom và đã bị đám đông cuồng nộ đánh chết.

Cuộc tấn công hôm Chúa Nhật 15 tháng Ba là tồi tệ nhất trong hơn một năm qua nhắm vào các Kitô hữu Pakistan, là nhóm tôn giáo thiểu số tại quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo này.

Một nhân chứng tại chỗ tên là Jacob David cho biết người ta phải nhảy ra khỏi cửa sổ nhà thờ để thoát chết. Phát ngôn viên cảnh sát Nabila Ghazanfar nói hai cảnh sát bảo vệ các nhà thờ đã bị thiệt mạng trong các vụ tấn công

Trong một tuyên bố gửi qua email cho các phương tiện truyền thông, Jamaat-ul-Ahrar phát ngôn viên của bọn Taliban lên tiếng ca tụng các vụ tấn công tự sát này và thề sẽ tiếp tục chiến dịch của họ nhằm tiến tới một nhà nước Pakistan xây dựng trên luật Hồi giáo Sharia.

4. Đức Thánh Cha lên án vụ tấn công kinh hoàng của Taliban tại Lahore, Pakistan

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Pakistan và tình liên đới với nhóm thiểu số Kitô giáo đang chịu nhiều bách hại tại đất nước này sau một vụ tấn công khủng bố kép hôm Chúa Nhật 15 tháng Ba đã khiến ít nhất 14 người chết và hàng chục người khác bị thương ở thành phố Lahore. Dịp này, Đức Thánh Cha cũng tố cáo thế giới đang "cố gắng che giấu" sự bách hại nhắm vào các Kitô hữu.

Đức Thánh Cha nói với các tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Ba rằng:

"Với nỗi đau, rất đau đớn, tôi đã được biết về cuộc tấn công khủng bố vừa mới diễn ra hôm nay tại hai nhà thờ ở thành phố Lahore ở Pakistan, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong và thương tích".

Một nhóm khủng bố Taliban, tự xưng là Jamatul Ahrar, đã nhận trách nhiệm về vụ này.

Các cuộc tấn công kép đã diễn ra tại hai nhà thờ chỉ cách nhau 500 mét trong khu Youhanabad là khu vực Kitô giáo lớn nhất của thành phố. Một trong hai ngôi nhà thờ là nhà thờ Công Giáo Thánh Gioan, còn nhà thờ kia là nhà thờ Anh Giáo Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói tiếp: "Đây là những nhà thờ Kitô giáo: Các Kitô hữu đang bị bách hại. Anh chị em chúng ta đã đổ máu ra chỉ vì họ là Kitô hữu. Trong khi bảo đảm với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho các nạn nhân và gia đình của họ, tôi cầu xin Chúa, là nguồn mạch mọi sự, ban hồng ân hòa bình và hòa hợp cho đất nước này. "

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cầu nguyện: "Để chính sách khủng bố chống lại các Kitô hữu, mà thế giới cố gắng che giấu, có thể kết thúc, và hòa bình được xuất hiện."

"Những cuộc tấn công đã khiến người ta nghĩ rằng dân chúng không còn an toàn ở bất cứ nơi đâu," Sadaf Saddique, người đứng đầu một tổ chức trợ giúp các trẻ em bị bóc lột của Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan nói với Đài phát thanh Vatican từ Lahore, ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra.

Luật sư Saddique cho biết, "Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng Youhanabad thể bị tấn công, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng bọn khủng bố dám đi vào nơi này, và tấn công một thị trấn lớn như thế của Kitô Giáo. "

Kitô hữu chiếm khoảng 2% trong tổng số hơn 182 triệu dân Pakistan, và đã từng là mục tiêu của bạo lực ngày càng căng thẳng và nguy hiểm trong những năm gần đây.

5. Thành lập sư đoàn Kitô Giáo đầu tiên tại Iraq để chống bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Sư đoàn quân đầu tiên của các tín hữu Kitô Iraq đã được ra mắt hôm thứ Năm 12 tháng Ba tại Fishkhabur, một thị trấn gần biên giới với Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Sư đoàn này được thành lập vơí mục đích bảo vệ các làng mạc, thị trấn Kitô Giáo ở miền Bắc Iraq và tái chiếm lại Mosul cũng như các thị trấn và làng mạc trong vùng bình nguyên Ninivê đến nay vẫn còn trong tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sư đoàn mới được sự hỗ trợ của chính phủ trong vùng tự trị của người Kurd Iraq, nơi các chiến binh người Kurd đang đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Trước đây, hầu hết các Kitô hữu Iraq sống ở đồng bằng Nineveh, và Mosul. Nay họ phải tạm cư ở thủ đô Arbil của người Kurd Iraq trong vòng bảy tháng qua.

Năm 2004, một lữ đoàn phòng vệ của Kitô hữu đã từng được thành lập tại Mosul để bảo vệ các nhà thờ Kitô Giáo trong khu vực.

6. Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân trận bão kinh hoàng ở Vanuatu

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài với người dân đảo Vanuatu trong Thái Bình Dương bị bão lớn.

Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương và không nhà cửa. Tôi xin cám ơn những ai đã lập tức phát động việc cứu trợ các nạn nhân.”

Từ sáng thứ Sáu 13 tháng Ba, bão với lốc xoáy Pam ở cấp 5 với sức gió 300km/h đã đánh vào hòn đảo gây tàn phá nặng nề. Ít nhất 40 người trong tỉnh Penama ở phía bắc thủ đô Port Vila bị chết và nhiều người khác bị thương. Hàng ngàn người trong 83 hòn đảo của Vanuatu đã lâm vào tình cảnh màn trời chiếu đất vì nhà cửa của họ bị tàn phá thành bình địa.

Trong tổng số 267, 000 dân, 70% là người Tin Lành, 12.4% là người Công Giáo.

7. Lại một tòa nhà nữa bị sập tại Bangladesh

Mái nhà của một nhà máy xi măng năm tầng được xây dựng ở Bangladesh đã bị sập hôm Thứ Năm 12 tháng Ba, giết chết ít nhất bốn công nhân và chôn vùi nhiều người khác.

Khoảng 150 công nhân đang làm nhiệm vụ tại đây khi biến cố này xảy ra tại Mongla thuộc huyện Bagerhat.

Ít nhất 40 người đã được cứu từ dưới đống đổ nát và còn đến hơn 40 người nữa bị mắc kẹt bên dưới. Đa số những người sống sót đã được nhập viện với những vết thương rất nặng.

Nguyên nhân gây ra sự sụp đổ vẫn còn đang được điều tra.

Những người sống sót cho biết khoảng 50 đến 60 người đang làm việc trên mái nhà trong khi khoảng 90 người khác đang ở tầng trệt khi tòa nhà sụp đổ.

Nhà máy bên bờ biển này nằm cách thủ đô Dhaka khoảng 135 km về phía tây nam thuộc sở hữu của một tổ chức phúc lợi quân đội.

Ngày 24 tháng Tư 2013, Rana Plaza, một tòa nhà thương mại tám tầng, đã bị sụp đổ ở Savar, một vùng ngoại ô của thủ đô của Bangladesh. Việc tìm kiếm những người chết đã kết thúc vào ngày 13 tháng Năm với con số người chết lên đến 1,129 người và làm bị thương khoảng 2,515 người khác.

Đây được coi là tai nạn đẫm máu nhất trong lịch sử, cũng như một sự thất bại nặng nề nhất về kiến trúc gây ra tai nạn khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người hiện đại.

8. Hội đồng Giám mục Công Giáo Ái Nhĩ Lan kết thúc khóa họp mùa xuân 2015.

Các Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã kết thúc khóa họp Mùa Xuân 2015 với việc công bố một thư chung về cuộc trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính sắp diễn ra. Các Giám Mục đã nhắc nhở người dân nước này rằng "Hôn nhân là quan trọng – hãy suy tư trước khi bạn thay đổi nó".

Bên cạnh đó, các ngài cũng khuyến khích các tín hữu đi xưng tội, tham dự Thánh Lễ kính Thánh Patrick, suy tư và góp ý cho thượng hội đồng sắp tới về gia đình, hỗ trợ những nỗ lực từ thiện để đương đầu với những thiệt hại gây ra do biến đổi khí hậu, và cầu nguyện cho các Kitô hữu bị đàn áp.

Các giám mục cũng "đã thảo luận về tầm quan trọng của máu và việc hiến tặng nội tạng như là một phần của các hành vi bác ái của chúng ta trong Giáo Hội". Các ngài cũng kêu gọi chấm dứt việc "quảng cáo và tiếp thị các sự kiện thể thao của ngành công nghiệp đồ uống."

9. Israel kết thúc lệnh cấm trưng bày cây thông Giáng sinh trong các khách sạn

Tòa Thượng Phụ Latinh của Jerusalem bày tỏ niềm vui là Israel đã kết thúc một lệnh cấm trưng bày cây thông Giáng sinh tại các khách sạn.

Ngoài ra, một số quy định liên quan đến ngày Sa-bát cũng đã được thay đổi.

"Từ bây giờ người Israel và các nhóm khách du lịch có thể tổ chức hội nghị và các sự kiện vào cuối tuần mà không có hạn chế về quay phim, chiếu phim và thuyết trình, cũng như thưởng thức âm nhạc". Bản tin của Tòa Thượng Phụ Latinh của Jerusalem cho biết như trên.

Các tín hữu Do Thái Giáo cho tới nay vẫn giữ một số cấm đoán nghiêm nhặt. Trong đoạn video này chiếc máy bay đã không thể cất cánh vì các tín hữu Do Thái từ chối không chịu ngồi vào ghế. Luật Do Thái Giáo không cho một người đàn ông ngồi bên cạnh một người phụ nữ không phải là vợ và cũng không trực hệ với mình như mẹ, em gái ..