Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Tổng Giám Mục Julian Leow Kim của Kuala Lumpur, Mã Lai Á, đã bày tỏ sự thất vọng sâu xa của ngài trước một phán quyết của tòa án cấm các Kitô hữu dùng từ "Allah" để chỉ Thiên Chúa. Ngài nói rằng, quyết định này có một hệ quả nghiêm trọng cho tự do tôn giáo tại quốc gia châu Á này.
Đức Tổng Giám Mục nói trước những cuộc biểu tình bạo động của người Hồi Giáo tại quốc gia này, ngài không ngạc nhiên trước phán quyết này. Thế nhưng Đức Tổng Giám Mục bày tỏ âu lo phán quyết này có thể "mở ra cái hộp thần kỳ" ước sao được vậy cho phép chính phủ can thiệp sâu rộng hơn trong các vấn đề đối với các tôn giáo thiểu số.
Kitô hữu tại Malaysia đã sử dụng từ “Allah” (như người Việt chúng ta dùng từ “Chúa”) để dịch từ “God” trong tiếng Anh, ít nhất là là từ năm 1852. Hàng trăm năm nay không có vấn đề gì.
Gần đây tại Selangor, một trong 13 tiểu bang của Mã Lai Á, tiểu vương của bang này đã ra lệnh rằng người ngoài Hồi giáo không được sử dụng thuật ngữ "Allah" để dịch từ “God” (Thiên Chúa) trong tiếng Anh. Theo sau lệnh của tiểu vương Sharafuddin Idris Shah, 325 cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Mã Lai đã bị tịch thu.
Với phán quyết mới nhất này lệnh cấm được áp dụng trên toàn quốc Mã Lai.
2. Diễn Hành Phò Sự Sống tại Hoa Kỳ
Theo Đài Phát Thanh Vatican, hàng trăm ngàn người ở Hoa Kỳ, nhiều người ước lượng lên đến nửa triệu, đã tụ về Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, vào ngày thứ Năm 22 tháng Giêng, để tham dự cuộc Diễn Hành Phò Sự Sống hàng năm, được tổ chức để phản đối phán quyết Roe v. Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cho phép cung cấp phá thai khắp các tiểu bang.
Trong bài giảng Thánh Lễ canh thức hôm thứ Tư tại Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức HY Sean O’Malley, Tổng Giám Mục Boston và là Chủ Tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã kêu gọi mọi người tận lực cho chính nghĩa sự sống để đổi mới cam kết của họ nhằm phục vụ những người yếu đuối nhất và yếu thế nhất, nhằm làm cho Tin Mừng khả tín bằng cách làm chứng cho niềm vui do nó đem tới cho những ai tuyên xưng và thực hành nó.
Đức Hồng Y O’Malley nói rằng “Đặc điểm cuả phong trào phò sự sống phải là một tình yêu đặc biệt đối với người nghèo, người bị đẩy sang bên lề, người đau khổ, và nhất là sự sống con người đang có nguy cơ bị vứt bỏ”.
Đức Hồng Y nói tiếp: “Ta cần cố gắng không mệt mỏi nhằm thay đổi các đạo luật bất chính, nhưng ta cần cố gắng nhiều hơn để thay đổi cõi lòng, để xây dựng một nền văn minh tình thương”.
Nói đến thay đổi cõi lòng là nói tới trận chiến thiêng liêng. Đó là điều Philip Kosloski nhấn mạnh. Theo ông, đàng sau phá thai, ta đừng quên trận chiến thiêng liêng.
Theo ông, ta rất dễ chỉ chú trọng tới cuộc chiến đấu chính trị, nhằm thay đổi luật lệ, ủng hộ các chính trị gia phò sự sống hay giăng biểu ngữ tại các cơ sở phá thai, mà quên rằng Satan luôn lấp ló ở đàng sau và là kẻ rù quyến người đàn bà mang thai gặp khủng hỏang kết liễu đời đứa con trong bụng.
Ông cho rằng giết mạng sống vô tội và ngây thơ như đứa con chưa sinh không hề là một khuynh hướng tự nhiên của con người, nhất là người đàn bà. Phụ nữ được Thiên Chúa phú bẩm cho khuynh hướng chăm dưỡng sự sống. Cho nên bản chất của phá thai trái ngược hẳn yếu tính của người đàn bà.
Bởi thế chỉ có thể là ma quỷ đứng đàng sau những người đàn bà phá thai mà thôi. Và do đó, muốn thực sự thắng “cuộc chiến văn hóa”, ta cần đi sâu hơn, ta cần đánh trận đánh thiêng liêng, chống lại ma quỷ.
Nhưng bằng cách nào? Việc đầu tiên là chạy tới Chúa Giêsu Kitô, Người mới là đấng chiến thắng. Việc thứ hai là cậy nhờ sự chuyển cầu, trước nhất là các thiên thần bản mệnh. Thứ ba, phải hành động bằng trái tim: thi hành giới luật không đủ, đức tin phải từ đầu xuống trái tim. Thứ tư, cương quyết làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô: giúp những người cần đến, thực hành điều mình rao giảng. Các trung tâm thai nghén là điều bắt buộc.
Kosloski, vì thế, cho rằng ta cần cả hai cuộc chiến: chính trị và thiêng liêng.
Sinh viên diễn hành phò sự sống
Khoảng ba ngàn sinh viên các đại học và cao đẳng thuộc The Newman Guide đã tới Hoa Thịnh Đốn tham dự diễn hành phò sự sống. Các trường cao đẳng cũng tham dự cuộc Cuốc Bộ phò Sự Sống tại San Francisco.
3. Chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cả người không Công Giáo hoan nghênh
Chuyến thăm Sri Lanka của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cả những người ngoài Công Giáo hoan nghênh. Đức Cha Valence Mendis, là Giám Mục giáo phận Chilaw nói như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.
"Đức Thánh Cha được chào đón không chỉ bởi những người Công Giáo – mà nói cho cùng chỉ là một thiểu số ở Sri Lanka – nhưng còn bởi rất nhiều người Sri Lanka thuộc các tôn giáo khác". Ngài nhận thấy có rất đông những người không Công Giáo tham dự Thánh lễ tuyên thánh cho Chân Phước Joseph Vaz và buổi cử hành Phụng Vụ tại Đền Thánh Đức Mẹ Madhu ở phía Bắc Colombo hôm 14 tháng Giêng.
Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến vào lúc tốt lành, sau một sự thay đổi ngoạn mục hàng lãnh đạo chính phủ. "Đức Giáo Hoàng kêu gọi hòa giải, đoàn kết và hòa bình. Sau sự thay đổi trong chính phủ, đó là khát vọng hiện nay của đại đa số nhân dân. Họ muốn thấy một chính phủ mới thật sự bảo đảm tự do báo chí, và nhân quyền cho các dân tộc thiểu số. "
4. Một linh mục Công Giáo Syria tố cáo sự im lặng của thế giới Tây Phương trước vụ thảm sát tại Homs
Một linh mục Công Giáo Syria đã lên tiếng than phiền sự im lặng của các phương tiện truyền thông phương Tây sau khi 15 người bị thiệt mạng và 50 người khác bị thương, trong một vụ nổ xe bom ở trung tâm thành phố Homs.
Cha Hilal Ziad nói rằng vụ nổ hôm 21 Tháng Giêng rõ ràng là nhắm vào các sinh viên đại học vì hầu hết các nạn nhân là những sinh viên. Tới nay vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm về vụ tấn công này.
"Đâu là những phản ứng của phần còn lại của thế giới?" Cha Ziad hỏi. "Sau các vụ tấn công ở Paris mọi con mắt đều hướng về nước Pháp. Nhưng ở đây thì sao? Theo như tôi biết, chưa có bất kỳ phản ứng nào bởi bất cứ ai. Không một lời nào. Chỉ có sự im lặng. Syria và những đau khổ hàng ngày của người dân đang bị lãng quên. "
Tại Homs, thành phố lớn thứ 3 của Syria, lực lượng chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát gần đây sau nhiều tháng chiến đấu với phiến quân. Trong khi khoảng 80,000 người Kitô hữu đã bỏ chạy, Cha Ziad đã ở lại để chăm sóc mục vụ cho những người không di tản kịp hay quyết định ở lại.
5. Ân xá quốc tế kêu gọi Ả rập Saudi hủy bỏ hình phạt đánh đòn một blogger
Những trận đòn nhằm trừng phạt một blogger Ả rập Saudi bị buộc tội xúc phạm Hồi giáo đã được trì hoãn vì nạn nhân còn quá yếu do những vết thương cũ. Ân xá quốc tế đã cho biết như trên trong bối cảnh những áp lực được gia tăng từ các đồng minh phương Tây của Ả Rập Saudi yêu cầu chính quyền nước này hủy bỏ hình phạt cho nạn nhân.
Ân xá Quốc tế có trụ sở tại Luân Đôn cho biết rằng tám bác sĩ đã kiểm tra y tế cho Raif Badawi, 31 tuổi, và đồng thanh đề nghị trì hoãn các vụ đánh đập diễn ra vào mỗi thứ sáu hàng tuần cho đến khi nạn nhân hồi phục.
Trận đòn giữa chốn công cộng lần cuối diễn ra hôm 09 tháng Giêng tại thành phố Jiddah đã dẫn đến một làn sóng lên án trên thế giới. Cả hai Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã kêu gọi chính quyền Ả rập Saudi huỷ bỏ các hình phạt. Bộ Ngoại giao Thụy Điển triệu tập đại sứ Ả rập Saudi để phản đối việc đánh đòn này.
Badawi đã bị bắt vào năm 2012 sau khi viết bài báo phê bình các giáo sĩ Ả Rập Saudi trên một blog tự do do ông tạo ra. Blog này đã bị đóng cửa. Ông bị kết tội vi phạm luật công nghệ thông tin của Ả Rập Saudi và xúc xiểm các nhân vật Hồi giáo thông qua blog của mình.
Ông bị kết án vào năm 2013 đến 7 năm tù giam và 600 hèo. Dưới những áp lực quốc tế, tòa đã xử lại và để “dằn mặt quốc tế”, tòa đã tăng hình phạt lên 10 năm tù giam và 1,000 hèo. Badawi cũng bị phạt 1 triệu riyal Saudi, hay khoảng 266,000 Mỹ Kim.
Ả Rập Saudi dự trù sẽ đánh đòn blogger này mỗi tuần 50 hèo trong vòng 20 tuần.
Vợ và ba đứa con của ông Badawi đã được can thiệp đưa đi định cư tại Canada.
Souad al-Shammari, người đồng sáng lập ra blog với Badawi, bị bắt vào tháng Mười năm ngoái. Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết Souad al-Shammari là mẹ của sáu người con đã bị bắt sau khi bị thẩm vấn về những lời nhận xét do cô đưa ra trên Twitter được cho là chế giễu các văn bản tôn giáo và chính quyền, và kích động phụ nữ Ả Rập Saudi nổi loạn chống lại hệ thống giám hộ nam giới.
Giám hộ nam giới nghĩa là một người phụ nữ muốn đi ra ngoài thì phải được phép của một người đàn ông trong nhà: cha, anh, em trai hay thậm chí là đứa con trai của người phụ nữ.
Luật sư Waleed Abul-Khair bào chữa cho Souad al-Shammari nói là cô đang thụ án tù 15 năm vì tội "khinh thường các quan chức chính quyền", "kích động dư luận" và "xúc phạm trình tự tư pháp."
6. Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Kirill tố cáo tỷ lệ phá thai đang lên cao tại Nga
Đức Thượng Phụ Kirill của Toà Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa nói hôm thứ Năm 22 tháng Giêng là chính quyền Nga phải tìm mọi cách giảm bớt tỷ lệ phá thai “quá sức hãi hùng” tại Nga.
Ngài liên kết tình trạng này với sự chối bỏ các chuẩn mực đạo đức trong thế giới phương Tây. Ngài nói:
"Người ta đang cổ xúy cho cái ý tưởng hoàn toàn ưu tiên cho tự do lựa chọn và từ chối các chuẩn mực đạo đức. Điều đó đã trở thành một quả bom nổ chậm cho nền văn minh phương Tây"
Đức Thượng Phụ đã nói như trên trong một bài phát biểu trước các nhà lập pháp. Bài nói chuyện của ngài được mô tả bởi các phương tiện truyền thông nhà nước như là diễn từ đầu tiên của người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga tại viện Duma, tức là Hạ Nghị Viện của Nga sau chế độ cộng sản.
Ngài nói thêm:
"Nếu chúng ta có thể giảm bớt một nửa số ca nạo phá thai, chúng ta sẽ có sự tăng trưởng dân số ổn định và mạnh mẽ. Khả năng của Nga để đứng lên đối mặt với các chủ thuyết suy đồi và giả tạo phụ thuộc phần lớn vào lập trường tích cực của các dân biểu Nga".
Dân số của Nga đã giảm đáng kể từ giữa những năm 1990. Dân số Nga hiện nay là 142,500,000, so với 148,700,000 vào năm 1991.
7. Cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng tại Mariupol, Ukraine
Trong thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân bị thiệt mạng tại Mariupol, Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Công Giáo Nghi Lễ Hy Lạp đã bày tỏ sự đau buồn tột độ trước những hành động dã man của phiến quân thân Nga đang đòi ly khai khỏi Ukraine.
Hôm thứ Bẩy, 24 tháng Giêng, quân phiến loạn đã bắn hàng loạt các hỏa tiễn bừa bãi vào các khu chợ, thương xá, trường học, và nhà dân tại thành phố Mariupol của Ukraine giết chết ít nhất 30 thường dân vô tội.
Sau khi đọc Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã tái kêu gọi hòa bình cho Ukraine.
Đức Thánh Cha nói:
“Tôi lo lắng theo dõi các vụ xung đột gia tăng tại miền Đông Ukraine tiếp tục gây ra biết bao nhiêu nạn nhân giữa các thường dân. Trong khi tôi bảo đảm lời cầu nguyện của tôi cho những ai đau khổ, tôi tái kêu gọi các nỗ lực đối thoại để chấm dứt mọi thù nghịch.”
8. Giáo Hội tại Malawi lên tiếng kêu gọi cứu trợ khẩn cấp
Malawi là một nước nghèo. Theo Liên Hiệp Quốc, khi nói đến mức phát triển, đất nước này đứng ở vị trí thứ 166 trong số 187 quốc gia. Gần đây, sau một thời gian hạn hán trầm trọng nước này lại bị lụt nặng do các trận mưa liên tục.
Chỉ trong vài ngày sau những trận mưa kinh hoàng này, hôm 18 tháng Giêng Tổng thống Malawi tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 15 trong số 28 tỉnh của đất nước để đối phó với một trận lụt chưa từng có trong lịch sử nước này. Ít nhất 50 người đã bị thiệt mạng, 153 người bị mất tích, và 100,000 người mất nhà cửa phải di tản. Quân đội cho biết họ cứu được khoảng 4,000 người khỏi bị nước cuốn trôi đi.
Ngày 23 tháng Giêng, chương trình lương thực thế giới đã chở bằng máy bay đến những vùng bị thiệt hại một số bánh bích quy năng lượng cao đủ để nuôi sống 77,000 người trong vòng một tuần.
Hội Đồng Giám Mục Malawi kêu gọi cầu nguyện và trợ giúp cho khoảng 370,000 nạn nhân của trận lụt kinh hoàng này.
Liên Hiệp Quốc ước lượng một số tiền lên tới 18 triệu Mỹ Kim để giúp các nạn nhân khỏi chết đói cho tới khi đời sống bình thường trở lại.
9. Đức Hồng Y Baselios Cleemis kêu gọi chính phủ Ấn bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số
Đức Hồng Y Baselios Cleemis, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn, cùng với các vị Hồng Y Oswald Gracias, Telesphore Toppo và George Alencherry đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Ấn là ông Narendara Modi hôm 22 tháng Giêng để kêu gọi chính phủ Ấn khẩn trương can thiệp và ngăn chặn các hoạt động thách thức quyền tự do tín ngưỡng của các nhóm tôn giáo thiểu số tại Ấn.
Đức Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn nói:
“Nhiều vấn đề đáng tiếc đã xảy ra trong vài tháng qua ở nhiều miền trên đất nước chúng ta làm tổn thương tình cảm của cộng đồng Kitô giáo. Đáng kể là những trường hợp tấn công bạo lực chống lại các Kitô hữu và phá hủy các nhà thờ ở Ấn Độ.
Những sự kiện này đã làm lung lay niềm tin vào vào tính thế tục của quốc gia. Những vụ hành hung giáo sĩ và giáo dân, cũng như ép buộc cải đạo tại Chhattisgarh, Madhya Pradesh, Orissa, Uttar Pradesh và Delhi đã gây ra mối quan tâm lớn cho các cộng đồng Kitô giáo"
Một tổ chức Ấn Giáo cực đoan đang sử dụng các phương tiện truyền thông công cộng để quyên góp trên quy mô cả nước trong một chương trình gọi là Ghar Wapsi nhằm cải đạo sang Ấn Giáo tất cả những Kitô hữu và tín hữu Hồi Giáo.
Đức Hồng Y nói thêm:
"Các Kitô hữu tại đất nước này cần có sự bảo đảm từ phía chính phủ rằng chúng tôi được bảo vệ và an toàn trên chính quê hương của chúng tôi. Trào lưu bắt buộc cải đạo này là một xu hướng nguy hiểm đối với sự phát triển và tiến bộ của quốc gia vĩ đại của chúng ta".
Rajeshwar Singh, nhà lãnh đạo của tổ chức Ấn Giáo cực đoan này, được tự do tha hồ tuyên bố quyên góp trên các kênh truyền hình quốc gia để thực hiện một kế hoạch cải đạo theo đó năm 2021 là hạn chót để quét sạch khỏi Ấn Độ tất cả những người Hồi giáo và Kitô giáo. Theo đúng luật pháp, y phải bị bắt về tội “kích động hận thù tôn giáo”. Tuy nhiên, chính phủ của thủ tướng Narendara Modi cho tới nay vẫn giữ một thái độ im lặng như ngầm ủng hộ chương trình này.