Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 10h sáng thứ Năm 1 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón năm mới với thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hoà Bình thế giới lần thứ 48 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Chủ đề của ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay là “Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”,

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các vị trong giáo triều Rôma. Đặc biệt, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đứng hai bên Đức Thánh Cha trên bàn thờ. Tham dự thánh lễ có các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn và đông đảo các tín hữu ngồi chật bên trong đền thờ.

Tuyên bố của Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình nhấn mạnh rằng nhiều người nghĩ rằng chế độ nô lệ là chuyện của quá khứ. Nhưng trong thực tế, cơn dịch này của xã hội vẫn còn quá hiển nhiên trong thế giới ngày nay.

Chủ đề của ngày hòa bình thế giới năm nay là một câu trích từ thư thánh Phaolô gửi ông Philomeno (1,15-16). Sứ điệp gồm 2 phần: Phần đầu Đức Thánh Cha nói về những khía cạnh đa dạng của nạn nô lệ trong quá khứ và ngày nay, và nhắc đến những nguyên nhân sâu xa của chúng. Trong phần thứ II ngài khuyến khích tìm ra những giải pháp chung để bài trừ nạn nô lệ mà ngài gọi “một hiện tượng đáng kinh tởm”.

Ngày Hòa Bình Thế Giới do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khởi xướng, được cử hành vào ngày đầu năm mỗi năm. Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới của Đức Thánh Cha được gửi đến các Bộ trưởng Ngoại giao tất cả các quốc gia trên thế giới và cũng cho thấy đường lối ngoại giao của Toà Thánh trong năm sắp tới.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta được nghe lại những lời chúc tụng mà bà Elizabeth đã dành cho Đức Trinh Nữ Maria: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy?” (Lc 1: 42-43).

Lời cầu chúc này là sự liên tục với lời chúc tư tế mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Mosê để chuyển đến cho Aaron và cho tất cả mọi người: "Nguyện Ðức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Ðức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Ðức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6: 24-26). Khi cử hành Đại Lễ Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng Đức Maria, hơn bất cứ ai khác, đã nhận được phước lành này. Trong Mẹ, lời cầu chúc này được viên mãn, vì không có tạo vật nào khác đã từng nhìn thấy khuôn mặt tỏa sáng của Thiên Chúa như Đức Maria. Mẹ đã mang đến một khuôn mặt nhân sinh cho Lời hằng sống, để tất cả chúng ta có thể chiêm ngắm Người.

Bên cạnh việc chiêm ngưỡng thiên nhan Chúa, chúng ta cũng có thể ca ngợi và tôn vinh Ngài, giống như những người chăn chiên từ Bethlehem đã ra về với bài ca tạ ơn sau khi nhìn thấy hài nhi và mẹ Ngài (Lc 2:16). Hai người bên nhau, giống như trên Núi Sọ, vì Chúa Kitô và mẹ Ngài không thể tách rời: có một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa hai người, như giữa mọi trẻ em và mẹ mình. Xương thịt (caro) của Chúa Kitô - như Tertullian đã từng nói, là bản lề (cardo) của ơn cứu rỗi của chúng ta - đã được hình thành trong cung lòng của Đức Maria (x Ps 139: 13). Tính bất khả phân ly này cũng rõ ràng từ thực tế là Mẹ Maria, người đã được tiền định là Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, đã chia sẻ sâu sắc toàn bộ sứ mệnh của Chúa, và ở bên cạnh Con mình cho đến cùng trên đồi Canvê.

Mẹ Maria được kết hợp rất chặt chẽ với Chúa Giêsu, vì Mẹ nhận được từ Ngài nhận thức của con tim, và đức tin, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm của một người mẹ và của mối quan hệ gần gũi với Con Mẹ. Đức Trinh Nữ là người phụ nữ của lòng tin, là người đã dọn chỗ cho Thiên Chúa trong trái tim mình và trong những hoạch định của đời mình; Mẹ là người tín hữu có khả năng nhận thức nơi ân sủng của Con mình rằng "thời viên mãn" đã gần đến (Gal 4: 4) trong đó chính Thiên Chúa, bằng cách chọn con đường khiêm hạ là hoá thân làm người, đã đi vào lịch sử ơn cứu độ. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể hiểu được Chúa Giêsu mà không có Mẹ Ngài.

Tương tự như vậy, không thể tách rời Chúa Kitô và Giáo Hội; ơn cứu rỗi hoàn thành bởi Chúa Giêsu không thể hiểu được nếu không đánh giá đúng vai trò làm mẹ của Giáo Hội. Tách biệt Chúa Giêsu khỏi Giáo Hội sẽ dẫn đến một sự "phân chia vô lý", như Chân Phước Phaolô Đệ Lục đã viết trong Tông Thư Loan Báo Tin Mừng Trong Thế Giới Hiện Đại (Evangelii Nuntiandi, 16). Không thể "yêu Chúa Kitô nhưng không yêu Giáo Hội, lắng nghe Chúa Kitô nhưng không lắng nghe Giáo Hội, thuộc về Đức Kitô, nhưng đứng bên ngoài Giáo Hội" (ibid.). Chính Giáo Hội là gia đình vĩ đại của Thiên Chúa, mang Chúa đến cho chúng ta. Đức tin của chúng ta không phải là một học thuyết hay một thứ triết lý trừu tượng, nhưng là một mối quan hệ thiết yếu và trọn vẹn với một người: là Đức Giêsu Kitô, Con duy nhất của Thiên Chúa, Đấng đã làm người, đã chết, và đã sống lại từ cõi chết để cứu độ chúng ta, và giờ đây đang sống giữa chúng ta. Chúng ta có thể gặp Ngài ở đâu? Thưa, chúng ta gặp Ngài trong Giáo Hội. Đó là Giáo Hội mà ngày hôm nay đang dõng dạc nói với chúng ta: "Đây là Chiên Thiên Chúa"; đó là một Giáo Hội, tuyên xưng Ngài; chính là ở trong Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục ban phát những ân sủng của Ngài qua các phép bí tích.

Hoạt động và sứ vụ của Giáo Hội là biểu hiện tình mẫu tử. Vì Giáo Hội giống như một người mẹ dịu dàng trao ban Chúa Giêsu cho tất cả mọi người với niềm vui và sự hào phóng. Không có biểu hiện của Chúa Kitô, ngay cả trong những gì là bí nhiệm nhất, có thể tách ra khỏi máu thịt của Giáo Hội, khỏi sự gắn bó lịch sử của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Khi loại bỏ Giáo Hội, người ta muốn giản lược Chúa Giêsu Kitô thành một ý tưởng, một giáo huấn luân lý, một cảm giác. Nếu không có Giáo Hội, mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô sẽ tuỳ thuộc vào trí tưởng tượng của chúng ta, vào cách hiểu của chúng ta, và tâm trạng của chúng.

Anh chị em thân mến!

Chúa Giêsu Kitô là phước lành cho mỗi người nam nữ, và cho tất cả nhân loại. Giáo Hội, khi trao Chúa Giêsu cho chúng ta, ban cho chúng ta sự viên mãn những phước lành của Chúa. Đây chính là nhiệm vụ của dân Chúa: đó là truyền bá cho mọi người ơn lành từ trời cao là Thiên Chúa đã hoá thành phàm nhân nơi Chúa Giêsu Kitô. Và Mẹ Maria, người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Chúa Giêsu, mẫu gương của Giáo Hội lữ hành, là một trong những người mở đường cho tình mẫu tử của Giáo Hội và liên tục nâng đỡ sứ mệnh của Giáo Hội là làm mẹ của tất cả nhân loại. Chứng tá từ mẫu của Đức Maria đã đồng hành với Giáo Hội từ thuở ban đầu. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ của Giáo Hội, và qua Giáo Hội, là mẹ của tất cả những người nam nữ và của mọi dân nước.

Cầu xin Mẹ từ mẫu khấn xin cùng Thiên Chúa cho chúng ta ơn lành trên toàn thể gia đình nhân loại. Hôm nay, Ngày Hòa Bình Thế Giới, chúng ta đặc biệt cầu xin sự cầu bầu của Mẹ xin Chúa ban cho hòa bình trong mọi ngày của chúng ta; bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình, và hòa bình giữa các dân tộc. Thông điệp cho Ngày Hòa bình năm nay là "Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em với nhau". Tất cả chúng ta được mời gọi để được tự do, để đều là con cái Chúa, và mỗi người, tuỳ theo trách nhiệm của mình, được mời gọi để chống lại các hình thức nô lệ thời hiện đại. Tất cả mọi dân tộc, văn hóa và tôn giáo, hãy hợp lực với nhau. Xin Chúa, là Đấng đã trở thành người tôi tớ để làm cho tất cả chúng ta trở nên anh chị em với nhau, hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta.