Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Thánh Gia

Ánh sáng đến từ Thánh Gia khích lệ chúng ta cống hiến hơi ấm tình người cho các gia đình thiếu an bình, hòa hợp và tha thứ. Chúng ta cũng đừng thiếu tình liên đới cụ thể đối với các gia đình gặp khó khăn vì bệnh tật, thiếu công ăn việc làm, bị kỳ thị, phải di cư.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tìn hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật lễ Thánh Gia 28 tháng 12.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Trong ngày Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Giáng Sinh, trong khi chúng ta còn đang chìm ngập trong bầu khi tươi vui của ngày lễ, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Thánh Gia Nagiarét. Phúc Âm hôm nay giới thiệu với chúng ta Đức Mẹ và Thánh Giuse trong lúc các Ngài đến Đền Thờ Giêrusalem, bốn mươi ngày sau khi Chúa Giêsu sinh ra. Các Ngài làm điều này vì vâng lời Luật Môshê, dậy phải dâng con đầu lòng cho Chúa (x. Lc 2,22-24).

Chúng ta có thể tưởng tượng ra gia đình bé nhỏ ấy, giữa biết bao nhiêu người, trong các sân rộng lớn của đền thờ. Nó không hiện lên trước mắt, người ta không phân biệt được nó… Thế nhưng nó không đi qua mà không được quan sát! Có hai cụ già, ông Simeon và bà Anna, được Thánh Thần thúc đẩy, đến gần và bắt đầu chúc tụng Thiên Chúa vì Con Trẻ mà họ nhận ra là Đấng Messia, là ánh sáng muôn dân và là ơn cứu độ của Israel (x. Lc 2,22-38). Đó là một lúc đơn sơ nhưng giầu ý nghĩa ngôn sứ: cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng trẻ tràn đầy niềm vui và đức tin vì các ơn của Chúa, và hai cụ già cũng tràn ngập niềm vui và đức tin vì hoạt động của Thần Khí. Ai đã làm cho họ gặp gỡ nhau? Và Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi này:

Chúa Giêsu làm cho họ gặp nhau: các ngưởi trẻ và các người già. Đó là suối nguồn của tình yêu kết hiệp các gia đình và con người, bằng cách chiến thắng mọi nghi ngờ dè dặt, mọi cô lập, mọi xa cách. Điều này khiến chúng ta cũng nghĩ tới các bậc ông bà: sự hiện diện của các ngài, sự hiện diện của các ông bà quan trọng biết bao! Vai trò của các ngài trong gia đình và trong xã hội quý báu biết bao! Tương quan tốt giữa các người trẻ và các người già định đoạt đối với con đường của cộng đoàn dân sự và cộng đoàn Giáo Hội. Và khi nhìn hai cụ già này, hai ông bà nội ngoại – Simeon và Anna – này, từ quảng trường này chúng ta chào tất cả các ông bà nội ngoại trên thế giới với một tràng pháo tay. Mọi ngưòi hiện diện đã vỗ tay vang dội.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Sứ điệp đến từ Thánh Gia trước hết là một sứ điệp của đức tin. Trong cuộc sống gia đình của Mẹ Maria và thánh Giuse Thiên Chúa thực sự ở trung tâm, và Ngài ở đó trong Con Người của Đức Giêsu. Vì thế gia đình Nagiarét thánh thiện. Tại sao vậy? Bởi vì nó tập trung nơi Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha quảng diễn thêm điểm này như sau:

Khi cha mẹ và con cái cùng hít thở bầu khí đức tin, họ có một năng lực cho phép đương đầu với cả các thử thách khó khăn, như kinh nghiệm của Thánh Gia cho thấy, chẳng hạn trong biến cố thê thảm của cuộc trốn chạy sang Ai Cập: một thử thách cam go.

Con Trẻ Giêsu cùng với Mẹ Người là Maria và thánh Giuse là một hình ảnh gia đình đơn sơ nhưng ngời sáng biết bao. Ánh sáng mà nó dãi tỏa ra là ánh sáng của lòng thương xót và ơn cứu độ cho toàn thế giới, ánh sáng của chân lý cho mọi người, cho gia đình nhân loại và cho các gia đình riêng rẽ. Ánh sáng đến từ Thánh Gia đó khích lệ chúng ta cống hiến hơi ấm tình người trong các tình trạng gia đình, trong đó, vì các lý do khác nhau, thiếu bình an, thiếu hòa hợp, thiếu tha thứ. Ước chi tình liên đới cụ thể của chúng ta đừng suy giảm đối với các gia đình đang sống trong những tình cảnh khó khăn nhất, vì bệnh tật, thiếu công việc làm, vì các kỳ thị, vì nhu cầu phải di cư…Và ở đây chúng ta hãy dừng lại một chút và cầu nguyện trong thinh lặng cho tất cả các gia đình gặp khó khăn, khó khăn vì bệnh tật, thiếu việc làm, bị kỳ thị, cần di cư, khó khăn để hiểu nhau và cả chia rẽ nữa. Trong thinh lặng chúng ta cầu nguyện cho tất cả các gia đình này. Đức Thánh Cha và mọi người đã đọc một Kinh Kính Mừng cầu cho các gia đình gặp khó khăn. Rồi ngài kết thúc bài huấn từ như sau:

Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Nữ Vương và là mẹ gia đình, tất cả các gia đình trên thế giới, để các gia đình có thể sống trong đức tin, trong sự hòa hợp, trợ giúp lẫn nhau, và vì thế tôi khẩn nài trên các gia đình sự bầu cử hiền mẫu của Đấng là mẹ và là nữ tử của Con Ngài.

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin Lễ Thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lễ thánh Stephano tử đạo trưa ngày 26 tháng 12, Đức Thánh Cha nhắc đến con số đông đảo các tín hữu Kitô và các vị chủ chăn đã chịu tử đạo trong năm 2014 và cầu nguyện để máu các vị gây nên ý thức về tình trạng bách hại tôn giáo trầm trọng trên thế giới ngày nay và các nhà cầm quyền dấn thân củng cố quyền tự do tôn giáo trên thế giới.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, với sự tham dự của 20 ngàn người, Đức Thánh Cha nhận xét rằng qua cuộc tử đạo của mình, thánh Stephano tôn vinh biến cố giáng thế của Vua các vua, dâng hiến cho Chúa chính mạng sống của mình, và chỉ cho chúng ta cách sống trọn vẹn mầu nhiệm Giáng Sinh.

Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện trong bài Phúc Âm ngày lễ cùng ngày có câu Chúa nói: “Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22). Những lời này của Chúa không làm xáo trộn việc cử hành lễ Giáng Sinh, nhưng thanh tẩy việc cử hành lễ này khỏi những lớp bọc đường giả tạo không thuộc về ngày lễ. Lời Chúa giúp chúng ta hiểu rằng trong những thử thách chấp nhận vì đức tin, bạo lực bị tình yêu đánh bại, sự sống chiến thắng sự chết.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng:

“Để thực sự đón nhận Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình và kéo dài niềm vui đêm Giáng Sinh, con đường phải theo chính là con đường mà Phúc Âm hôm nay chỉ dẫn, đó là làm chứng cho Chúa Giêsu trong sự khiêm tốn, trong việc phục vụ âm thần, không sợ đi ngược dòng và trả giá bằng chính mạng sống mình. Tuy không phải mọi người đều được kêu gọi đổ máu như thánh Stephano, nhưng mỗi Kitô hữu đều được kêu gọi sống phù hợp với đức tin mình tuyên xưng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Theo Tin Mừng chắc chắn là con đường khó khăn, nhưng ai trung thành và can đảm bước theo con đường ấy, thì được hồng ân Chúa đã hứa cho những người nam nữ thiện chí”.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho những người đang bị kỳ thị, bị bách hại và bị giết vì làm chứng cho Chúa Kitô: “Tôi muốn nói với mỗi người trong số họ: nếu anh chị em vác thập giá này với lòng yêu mến, thì anh chị em sẽ được bước vào mầu nhiệm Giáng Sinh, anh chị em ở trong con tim của Chúa Kitô và Giáo Hội.

Ngoài ra chúng ta cũng hãy cầu nguyện để nhờ sự hy sinh của đông đảo các vị tử đạo ngày nay, khắp nơi trên thế giới có sự gia tăng nỗ lực nhìn nhận và bảo đảm tự do tôn giáo một cách cụ thể, đây là một quyền bất khả nhượng của mỗi người”.

3. Câu chuyện Thánh Têphanô tử đạo

Thánh Têphanô được biết đến như là người tử đạo đầu tiên của Kitô giáo, được xem như là thánh trong Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh giáo, Giáo Hội Luther và Chính Thống giáo Đông phương. Têphanô nghĩa là "vòng hoa" hoặc "ngôi vua" trong Tiếng Hy Lạp.

Giáo Hội kính nhớ cuộc tử đạo của ngày một ngày sau đại lễ Giáng Sinh. Hòn cảnh tử đạo của ngài như sau:

Ông Stêphanô bị bắt

Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Têphanô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông. Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: "Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xức phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa". Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Ðồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: "Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nadarét ấy sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta". Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Ðồng đều nhìn thẳng vào ông Têphanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.

Bấy giờ vị thượng tế hỏi ông Stêphanô: "Có đúng như vậy không?" Ông đáp: " "Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ ? Họ đã giết những vị tiên báo Ðấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Ðấng ấy. Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ".

Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Têphanô.

Ông Stêphanô bị ném đá. Ông Sao-lô bắt đạo

Ðược đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa". Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Têphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con". Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này". Nói thế rồi, ông an nghỉ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phụng vụ kéo dài Đại Lễ Giáng Sinh trong 8 ngày: một thời gian vui mừng cho toàn thể dân Chúa! Và trong ngày thứ hai của tuần bát nhật này, trong niềm vui của Lễ Giáng Sinh có lễ Thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Sách Tông đồ Công vụ trình bày thánh nhân cho chúng ta như một người "đầy lòng tin và Thánh Thần" (6,5), được chọn cùng với 6 người khác để phục vụ các bà goá và người nghèo trong cộng đồng tiên khởi ở Jerusalem. Và Sách cũng kể lại cho chúng ta cuộc tử đạo của ngài: Sau một bài diễn văn nảy lửa khiến cho các thành viên Thượng Hội đồng Do Thái nổi cơn thịnh nộ, Thánh Stêphanô bị lôi ra ngoài thành và bị ném đá. Thánh Stêphanô đã chết như Chúa Giêsu, và xin tha thứ cho những kẻ giết ngài (7,55-60).

Trong bầu không khí vui tươi của Lễ Giáng Sinh, việc tưởng niệm này có thể là không thích hợp. Thật vậy, Lễ Giáng Sinh là lễ sự sống và đổ tràn trong tâm hồn chúng ta những tâm tình thanh thản và an bình; tại sao lại làm xáo trộn sức thu hút của Lễ Giáng Sinh bằng cách nhắc nhớ bạo lực dữ dằn như thế? Trong thực tế, dưới nhãn giới đức tin, lễ Thánh Stêphanô hoàn toàn hoà hợp với ý nghĩa sâu xa của Lễ Giáng Sinh. Thật vậy, trong cuộc tử đạo, bạo lực bị tình thương chiến thắng, sự chết bị sự sống đánh bại. Giáo Hội coi sự hy sinh của các vị tử đạo là sự sinh ra của các ngài trong Nước Trời. Vì thế, hôm nay chúng ta cử hành sinh nhật của Thánh Stêphanô, xuất phát một cách sâu xa từ sinh nhật của Chúa Kitô. Chúa Giêsu biến đổi cái chết của những ngừơi yêu mến Ngài thành binh minh của đời sống mới!

Cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô tái diễn cùng một cuộc đụng độ giữa sự thiện và sự ác, giữa oán thù và tha thứ, giữa sự dịu dàng và bạo lực, với tột đỉnh nơi Thập Giá của Chúa Kitô. Việc tưởng niệm vị tử đạo đầu tiên ngày sau Lễ Giáng Sinh đánh tan hình ảnh sai lầm về lễ này, một hình ảnh hoang đường và vô vị, không hề có trong Tin Mừng! Phụng vụ đưa chúng ta trở lại ý nghĩa chân chính của sự nhập thể, gắn liền Bethlehem với đồi Canvê và nhắc nhớ cho chúng ta rằng ơn cứu độ của Chúa bao hàm cuộc chiến đấu chống tội lỗi, đi qua cửa hẹp của Thập Giá. Đó là con đường Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một cách rõ ràng như Tin Mừng hôm nay minh chứng: "Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát." (Mt 10,22).

"Vì thế, ngày hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho các tín hữu Kitô đang bị kỳ thị vì làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng. Chúng ta hãy gần gũi những anh chị em, như Thánh Stêphanô, đang bị tố cáo bất công và trở thành đối tượng cho bạo lực đủ loại. Điều này đặc biệt xảy ra tại những nơi mà tự do tôn giáo chưa được bảo đảm hoặc không được thực thi hoàn toàn. Nhưng nó cũng xảy ra tại những quốc gia và môi trường tuy bảo đảm tự do và các quyền con người trên giấy tờ, nhưng trong thực tế, các tín hữu, nhất là các Kitô hữu bị hạn chế và kỳ thị. Con số các tín hữu Kitô ngày nay bị bách hại còn đông hơn những thời kỳ đầu của Giáo Hội. Đối với tín hữu Kitô, điều này không lạ gì vì Chúa Giêsu đã báo trước sự kiện đó như cơ hội thuận tiện để làm chứng. Nhưng về mặt dân sự, cần phải tố giác bất công và loại trừ nó."