Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giáo Hội là người mẹ chứ không phải con buôn

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng có nhiều trường hợp ‘vô sinh’ trong Giáo Hội và nơi dân Chúa, một loại vô sinh xuất phát từ quyền lực và tự ái. Giáo Hội là một người mẹ chứ không phải là một con buôn. Đó là những ý chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 19 tháng 12, tại nguyện đường Santa Marta.

Suy tư của Đức Thánh Cha về ý tưởng vô sinh và thiên chức làm mẹ được gợi hứng từ các bài đọc trong ngày kể về việc hạ sinh kỳ diệu của Samson và Gioan Tẩy Giả, cả hai đều được sinh ra từ những người mẹ bị mang tiếng hiếm muộn. Theo Kinh Thánh những ai bị hiếm muộn bị coi là dấu hiệu của một con người không có khả năng tiến về phía trước. Do đó Giáo Hội mời gọi chúng ta suy tư về vấn đề vô sinh nơi dân Chúa.

Từ việc vô sinh, Thiên Chúa có thể tái tạo một dòng dõi mới, một cuộc sống mới. Và đó là sứ điệp cho ngày nay. Khi nhân loại kiệt sức và không còn khả năng tiến về phía trước thì ân sủng Chúa đến, Con Chúa Trời đến để cứu độ chúng ta. Và đó chính là một cuộc Tạo Thành mở đường cho một cuộc sáng tạo mới.

Sứ điệp hôm nay là một cuộc sáng tạo thứ hai xảy đến khi mà trái đất đã ra kiệt sức. Chúng ta đang chờ đợi sự mới mẻ của Thiên Chúa và đó là những gì Giáng sinh đem đến. Các bà mẹ của Samson và Gioan Tẩy Giả chỉ có thể sinh con nhờ tác động của Thần Khí Chúa. Và chúng ta tự hỏi rằng, sứ điệp Thánh Kinh muốn chuyển tải điều gì từ 2 câu chuyện này? Câu trả lời là chúng ta phải mở lòng ra cho Thánh Thần Chúa vì chúng ta không thể tự mình làm được điều gì cả.

Điều này làm cho tôi nghĩ đến Mẹ Giáo Hội của chúng ta, đến những trường hợp ‘vô sinh’ trong Giáo Hội vì trong xương tủy chúng ta vẫn có những kỳ vọng nặng nề nơi việc tuân giữ lề luật để nên công chính thay vì vào ân sủng của Thiên Chúa. Giáo Hội là một người mẹ và chỉ trở thành mẹ cách đúng nghĩa khi Giáo Hội mở ra cho chúng ta sự mới mẻ của Thiên Chúa, và sức mạnh của Thánh Thần. Khi Giáo Hội nói với chính mình: “Tôi đã làm tất cả mọi thứ xong xuôi nhưng tôi không thể tiến về phía trước được nữa thì Chúa Thánh Thần sẽ đến”.

Đức Thánh Cha suy tư tiếp về sự vô sinh trong Giáo Hội và sự cởi mở cần thiết để trở nên một người mẹ qua đức tin của mình.

“Và hôm nay cũng là một ngày để cầu nguyện cho Mẹ Giáo Hội chúng ta, bởi vì còn nhiều trường hợp ‘vô sinh’ trong dân Chúa. Sự vô sinh xuất phát từ tự ái, từ quyền lực … khi Giáo Hội tin rằng mình có thể làm tất cả mọi thứ, Giáo Hội có thể tự mình chăm sóc lương tâm của dân Chúa, khi đó Giáo Hội đang đi theo con đường của những người Biệt phái, của phái Sa-đốc, theo lối mòn đạo đức giả. Lúc ấy Giáo Hội trở nên vô sinh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội. Giáng sinh này là thời điểm cho Giáo Hội mở ra đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và ngạc nhiên trước những hoạt động của Chúa Thánh Thần để từ đó Giáo Hội sinh con, và là Mẹ Giáo Hội. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng ở một số nơi, Giáo Hội dường như là một con buôn hơn là một người mẹ.”

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của mình bằng cách khẩn nài Thiên Chúa ban ân sủng để Giáo Hội có khả năng sinh sản và làm mẹ như Đức Maria.

2. Thiên Chúa đồng hành với chúng ta trong lịch sử và thay đổi lịch sử

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu phải tin tưởng vào Thiên Chúa, ngay cả trong những giờ khắc đen tối nhất, cho dù đôi khi chúng ta không hiểu đường lối của Ngài, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với chúng ta trong lịch sử cứu rỗi

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Năm 18 tháng 12 tại nguyện đường Santa Marta.

“Thiên Chúa hằng luôn cứu độ chúng ta trong lịch sử. Ơn cứu độ không diễn ra trong điều kiện thuần khiết của một phòng thí nghiệm. Không! Nó diễn ra trong lịch sử. Thiên Chúa đồng hành xuyên suốt lịch sử với dân của Ngài! Không có ơn cứu rỗi xa rời với lịch sử. Điểm chính là điều này: Thiên Chúa đồng hành với dân của Ngài trong một lịch sử lâu dài.

Và như vậy, từng bước một, lịch sử được hình thành. Thiên Chúa làm nên lịch sử, chúng ta làm nên lịch sử. Và khi chúng ta thất bại, Thiên Chúa lại điều chỉnh và tái tạo lịch sử. Ngài đồng hành với chúng ta qua những thời kỳ. Nếu chúng ta không hiểu về lịch sử mà Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài, chúng ta sẽ không hiểu về mầu nhiệm Giáng sinh. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Không bao giờ! Giáng sinh là một câu chuyện xảy ra đúng thời điểm. ‘Thưa cha, có phải là lịch sử đã kết thúc với câu chuyện Giáng Sinh?’ Không! Thiên Chúa vẫn đang cứu chúng ta trong lịch sử. Và đồng hành với dân Ngài.

Trong câu chuyện này, Thiên Chúa tuyển chọn những người, để giúp dân Ngài tiến về phía trước như Abraham, Môsê và Êlia. Đôi khi có những lúc, các nhân vật này cũng cảm thấy chán nản, đen tối, khó chịu và hoang mang. Có lẽ họ là những người chỉ muốn sống một cách bình thường, lặng lẽ nhưng Chúa lay tỉnh họ để mời gọi họ làm nên lịch sử! Vì vậy, thường Thiên Chúa cũng đặt chúng ta bước vào nẻo đường mà chúng ta không muốn đi. Như nhiều lần Môsê và Êlia cũng có những muốn buông xuôi, ngã quỵ nhưng sau đó họ lại tin tưởng vào Chúa.

Tin Mừng kể cho chúng ta về một thời điểm đen tối trong lịch sử cứu độ. Đó là khi Giuse phát hiện ra vị hôn thê của mình là Maria đang mang thai. Giuse đã đau khổ khi nghe những lời xì xầm từ những phụ nữ khác trong làng về cái thai vô chủ của Maria. Và Giuse suy gẫm rằng: Mình biết cô ấy mà. Cô ấy là một người đạo hạnh! Cô ấy là người của Thiên Chúa mà! Nếu Giuse buộc tội Maria, cô sẽ bị ném đá. Nhưng đó không phải là điều mà Giuse muốn ngay cả khi Giuse chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Giuse biết con người của Maria không như vậy, Mẹ không phải là một người phụ nữ bất trung. Trong thời điểm khó khăn đó, Thiên Chúa chọn những người như vậy để làm nên lịch sử. Ngài trao cho họ sứ mạng, dù họ chưa hiểu biết điều gì. Thiên Chúa sẽ làm nên lịch sử.

Đây là những gì Giuse làm: trong thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời mình, mơ hồ nhất, nhiều vấn đề đè nặng trên mình, Giuse đã chấp nhận sự khinh miệt của người khác để bảo vệ cho người bạn đời của mình. Một nhà phân tâm học có thể sẽ lý giải giấc mơ của Giuse là sự ngưng tụ của những lo lắng khi cố tìm cách giải gỡ vấn đề … Hãy để họ nói những gì họ muốn. Nhưng Giuse đã làm gì sau đó? Sau khi tỉnh giấc ngài đã đón Maria về làm vợ. Tôi không hiểu, nhưng Chúa nói với tôi rằng: Cô ấy sẽ sinh một con trai và tôi phải đặt tên cho con của tôi!

Để làm nên lịch sử, Thiên Chúa đã đồng hành với dân Ngài tuyển chọn và thử thách họ. Cuối cùng Ngài sẽ cứu họ: Chúng ta hãy luôn nhớ rằng, với đức tin, thậm chí trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất, thậm chí trong lúc bệnh tật, trong những lúc không còn lối thoát, chúng ta thưa với Chúa: Lạy Chúa, con không làm nên lịch sử và con không có quyền kết thúc lịch sử! Xin Ngài hãy đi trước con, con sẵn sàng bước theo Ngài. Và chúng ta trao phó đời mình trong tay Chúa. Còn lại Chúa sẽ thực hiện cho chúng ta.

Đó là cách Thiên Chúa cùng đồng hành với chúng ta. Chính Thiên Chúa mới là Đấng làm nên lịch sử. Thiên Chúa chọn, thử thách và chính Ngài sẽ cứu chúng ta trong những lúc vô vọng nhất, vì Ngài là Cha của chúng ta. Theo thánh Phaolô tông đồ dạy, Thiên Chúa là cha của chúng ta.

Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng hiểu được điều bí nhiệm này là Ngài đang đồng hành với dân Ngài trong lịch sử, tuyển chọn và thanh luyện họ, để tâm hồn họ nên vững mạnh hầu có thể đương đầu với những vấn đề, thậm chí chịu đựng những nghi kỵ Chúng ta hãy tiến về phía trước cùng với Chúa Giêsu qua lịch sử.”

3. Gia đình là ơn lớn lao Thiên Chúa ban cho thế giới

Lễ Giáng Sinh gần tới thắp lên một ánh sáng lớn trên mầu nhiệm ơn gia đình. Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong một gia đình tại Nagiarét. Cũng như Mẹ Maria và Cha thánh Giuse, mọi gia đình có thể tiếp đón Chúa Giêsu, lắng nghe Người, nói chuyện với Người, giữ gìn Người, che chở Người, lớn lên với Người và như thế cải thiện thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 17 tháng 12 tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa được cử hành đã là chặng đầu tiên của một lộ trình sẽ kết thúc vào tháng 10 năm tới với một Hội nghị về đề tài “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới”. Lời cầu nguyện và suy tư phải đồng hành với lộ trình này liên quan tới toàn Dân Chúa. Tôi cũng muốn rằng các suy tư thường lệ của các buổi tiếp kiến ngày thứ tư được lồng vào trong lộ trình chung này. Vì thế tôi đã quyết định cùng anh chị em trong năm này suy tư về gia đình, về ơn lớn lao mà Chúa đã ban cho thế giới ngày từ đầu, khi trao phó cho Ađam và Evà sứ mệnh sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy trái đất (St 1,28). Ơn đó Chúa Giêsu đã minh xác và đóng ấn trong tin mừng của Người.

Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Lễ Giáng Sinh đến gần thắp lên một ánh sáng lớn trên mầu nhiệm này. Sự nhập thể của Con Thiên Chúa mở ra một khởi đầu mới trong lịch sử đại đồng của người nam và người nữ. Và khởi đầu mới này xảy ra trong một gia đình tại Nagiarét. Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình. Ngài đã có thể đến một cách đặc biệt như một chiến sĩ, một hoàng đế… Nhưng không, Ngài đến như con của một gia đình, trong một gia đình. Đây là điều quan trọng. Hãy nhìn vào hang đá, cảnh này đẹp biết bao!

Thiên Chúa đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thành lập. Người đã thành lập nó trong một làng quê hẻo lánh vùng ngoại biên của đế quốc Roma. Không phải tại Roma, là thủ đô của Đế quốc. không phải trong một thành phố lớn, nhưng trong một vùng ngoại biên, hầu như vô hình, hơn thế nũa còn mang tiếng xấu. Các Phúc Âm cũng nhắc tới điều này, như thể là một kiểu để nói rằng: “Đời nào từ Nagiarét lại có thể phát xuất điều gì tốt lành sao?” (Ga 1,46). Có lẽ trong nhiều phần đất trên thế giới chúng ta cũng còn nói như vậy, khi nghe tên của vùng ngoại ô nào đó của một thành phố lớn. Thế nhưng chính từ đó, từ vùng ngoại biên của Đế quốc vĩ đại, đã khởi đầu lịch sử thánh thiện và tốt lành nhất: lịch sử của Chúa Giêsu giữa loài người! Và ở đó có gia đình Nagiarét.

Chúa Giêsu đã sống trong vùng ngoại biên ấy 30 năm. Thánh sử Luca tóm tắt giai đoạn này như sau: Chúa Giêsu “vâng phục các Ngài” nghĩa là Mẹ Maria và Cha thánh Giuse.

Có người có thể hỏi: Vì Thiên Chúa này đến cứu chúng ta mà đã mất đi 30 năm ở dó, trong vùng ngoại biên mang tiếng xấu sao? Người đã mất 30 năm. Và Người đã muốn điều này. Con đường của Chúa Giêsu là trong gia đình ấy.

Và mẹ giữ gìn mọi sự ấy trong tim, và Chúa Giêsu đã “lớn lên trong khôn ngoan, tuổi tác và ơn thánh trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,51-52). Người ta không nói tới các phép lạ hay các chữa lành - Người đã không làm phép lạ nào – người ta không nói tới các giảng dậy và đám đông chạy tới với Người. Tại Nagiarét mọi sự xem ra xảy ra “một cách bình thường” theo các thói quen của một gia đình do thái đạo hạnh và cần mẫn: làm việc, người mẹ nấu nướng, làm mọi việc nhà, ủi áo, mọi việc mà một bà mẹ làm. Người cha thợ mộc làm việc, dậy con làm việc. Ba mươi năm: cha ơi, uổng phí qúa! Nhưng chúng ta đâu có biết. Các con đưòng của Thiên Chúa nhiêm mầu. Nhưng điều quan trọng ở đó là gia đình! Và đó đã không phải là uổng phí nhé. Các vị đã là các đại thánh: Đức Maria là ngưòi phụ nữ thánh thiện nhất, vô nhiễm nhất, và thánh Giuse là người công chính nhất… Gia đình.

Chắc chắn chúng ta sẽ cảm động vì câu chuyện kể lại Chúa Giêsu thiếu niên đương đầu với các buổi hội họp của cộng đoàn tôn giáo và các bổn phận của cuộc sống xã hội; khi biết Người đã làm việc như thế nào với thánh Giuse như là người thợ trẻ; và rồi kiểu Người tham dự việc lắng nghe Thánh Kinh, cầu nguyện với các Thánh vịnh và tham dự biết bao sinh hoạt quen thuộc khác của cuộc sống thường ngày. Các Phúc Âm, trong sự giản dị, đã không kể lại gì về tuổi thanh niên của Chúa Giêsu và để nhiệm vụ đó cho việc suy niệm yêu mến của chúng ta. Chắc chắn không khó tưởng tượng cảnh các bà mẹ có thể học hỏi nơi các quan tâm của Mẹ Maria đối với Người Con ấy! Và các người cha có thể rút tỉa ra từ gương của thánh Giuse, người công chính tận hiến đời mình để nâng đỡ và bảo vệ con trẻ và vợ, bảo vệ gia đình mình trong những giai đoạn khó khăn! Để không nói rằng các người trẻ có thể được khích lệ bởi Chúa Giêsu thanh niên hiểu sự cần thiết và vẻ đẹp của việc vun trồng ơn gọi sâu xa hơn của mình, và mộng ước lớn lao!

Và Chúa Giêsu đã vun trồng trong 30 năm đó ơn gọi của Người mà vì nó Thiên Chúa cha đã gửi Người xuống thế, đúng không? Thiên Chúa của Cha. Chúa Giêsu đã không bao giờ chán nản trong thời gian ấy, nhưng đã can đảm lớn lên để tiến tới với sứ mệnh của mình.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ như sau:

Mỗi gia đình kitô – như Mẹ Maria và Cha thánh Giuse đã làm – có thể trước hết tiếp đón Chúa Giêsu, lắng nghe Người, nói chuyện với Người, gìn giữ Người, che chở Người, lớn lên với Người, và như thế cải tiến thế giới. Chúng ta hãy dành chỗ trong trái tim và ngày sống cho Chúa. Mẹ Maria và Cha thánh Giuse cũng đã làm như thế, và điều này không dễ: các ngài đã phải vượt thắng biết bao nhiêu khó khăn! Đó đã không phải là một gia đình gỉa tạo, đó đã không phải là một gia đình không thật. Thánh gia Nagiarét khiến cho chúng ta dấn thân tái khám phá ra ơn gọi và sứ mệnh của gia đình, của mỗi gia đình. Và cũng như đã xảy ra tại Nagiarét, có thể xảy ra cho chúng ta: khiến cho tình yêu trở thành bình thường chứ không phải hận thù, làm cho sự trợ giúp nhau trở thành điều chung, chứ không phải sự thờ ơ hay thù nghịch. Như vậy không phải tình cờ mà Nagiarét có nghiã là “Người canh giữ”, như Phúc Âm nói Đức Maria “giữ gìn mọi điều ấy trong tim mình” (Lc 2,19.51) Kể từ đó, mỗi khi có một gia đình giữ gìn mầu nhiệm này, cả khi có ở ngoại biên của thế giới đi nữa, thì mầu nhiệm của Chúa Giêsu đến cứu chúng ta hoạt động. Và Người đến để cứu rỗi thế giới. Và sứ mệnh lớn của gia đình là ở đó: dành chỗ cho Chúa Giêsu đến, tiếp nhận Chúa Giêsu trong gia đình, nơi con người của con cái, của chồng vợ, của ông bà, Chúa Giêsu ở đó. Tiếp đón Người ở đó để Người lớn lên trong gia đình, trong tinh thần. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn này trong các ngày cuối cùng trước lễ Giáng Sinh.

4. Câu chuyện ba nhà đạo sĩ

Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, và hỏi: "Ðức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:

Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời".

Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngay trong ngày lễ vui mừng này, câu chuyện ba nhà đạo sĩ đã chúng ta thấy tính bi đát của cuộc đời Chúa Cứu Thế khi thực hiện chương trình cứu độ, đó là điều mà thánh Gioan đã nói ngay ở đầu sách Phúc Âm của ngài: "Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà đã chẳng tiếp nhận" (Ga 1,11). Ngôn sứ Isaia tỏ ra rất lạc quan, phấn khởi về Giêrusalem vào ngày Đấng Cứu Thế xuất hiện; thế nhưng khi Con Thiên Chúa giáng sinh thì mọi sự lại diễn ra khác hẳn. Trong câu chuyện về các nhà chiêm tinh, những kẻ thù của Người đã ló dạng. Đó là vua Hêrôđê, các thượng tế và các kinh sư. Nghe nói tới tân vương dân Do-thái mới sinh, họ hoảng sợ cho địa vị của mình. Rồi đây Hêrôđê sẽ cho giết tất cả con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Còn các thượng tế và kinh sư, họ là những người sẽ kịch liệt chống đối Đức Giê-su và sẽ cho đóng đinh Người trên thập tự. Như thế, những kẻ "ở ngoài" – là các nhà chiêm tinh phương Đông -- nhận ra ánh sáng trong lúc những người "ở trong", tức các nhà lãnh đạo Dân Chúa và dân thành Giêrusalem vẫn tiếp tục ngồi trong bóng tối. Phần chúng ta thì sao? Chúng ta có mở lòng mình ra đón Chúa hài đồng vào tâm hồn mình không?

5. Giáng Sinh là thời điểm Chúa gõ cửa tâm hồn chúng ta

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 21 tháng 12, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài dựa trên những bài đọc trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng trong đó kể lại biến cố Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ và cách thức đáp lại đơn giản và khiêm nhường của Đức Mẹ - với một thái độ phó thác hoàn toàn nơi Chúa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền "(Lc 1, 38).

Đức Maria không biết những gì đang chờ đón mình trong tương lai, Mẹ không biết những đau đớn và rủi ro sẽ phải đối diện. Nhưng Mẹ đã nhận thức được rằng Chúa đang yêu cầu Mẹ một điều gì đó và Mẹ tin tưởng hoàn toàn nơi Ngài. Đó là đức tin của Mẹ Maria!

Một khía cạnh khác đáng lưu ý là khả năng của Đức Maria "nhận ra thời điểm của Thiên Chúa."

Mẹ dạy chúng ta phải nhận thức được thời điểm thuận lợi khi Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc sống của chúng ta và yêu cầu chúng ta một câu trả lời sẵn sàng và quảng đại.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

Và Chúa Giêsu đang đi ngang qua cuộc sống của chúng ta. Vào dịp Giáng Sinh này Ngài gõ vào trái tim của mỗi Kitô hữu và mỗi người chúng ta được mời gọi để đáp lại, như Đức Maria, nghĩa là với một một tiếng xin vâng chân thành và cá vị, đặt mình nơi sự sai khiến của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài.

Quá thường khi chúng ta chết ngộp trong những suy nghĩ và những mối quan tâm của riêng mình, có lẽ trong những ngày này đó là những ưu tư làm sao chuẩn bị lễ Giáng sinh cho tưng bừng, đến mức giờ đây chúng ta thậm chí không nhận ra đó chính là Chúa đang đến gõ cửa trái tim chúng ta, mong chờ nơi chúng ta một lời chào đón, và một tiếng "xin vâng".

Nhắc lại lời của một vị Thánh đã từng nói "Tôi sợ đó Chúa sẽ đi ngang qua tôi mà tôi không hay biết" Đức Giáo Hoàng giải thích rằng thánh nhân đã thực sự sợ hãi ngài sẽ không nhận ra sự hiện diện của Chúa và không sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi. Thái độ này và nỗi sợ hãi này làm cho chúng ta cảm thấy trong lòng mình "thực sự là Chúa đang gõ cửa" và điều đó làm cho chúng ta muốn được trở nên tốt hơn, và gần gũi hơn với người khác và với Thiên Chúa.

"Nếu đây là những gì anh chị em cảm thấy trong lòng, thì hãy dừng lại. Chính là Chúa đó! Hãy cầu nguyện, hãy đi xưng tội, thanh tẩy tâm hồn .... Hãy nhớ rằng nếu Chúa đang gõ cửa tâm hồn anh chị em, đừng để Ngài ra đi! "

Và Đức Thánh Cha kết luận những suy tư của ngài với lời mời gọi các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô hãy nhớ đến hình ảnh im lặng, và cầu nguyện của Thánh Giuse, trong máng cỏ Chúa giáng sinh.

Gương của Đức Mẹ và Thánh Giuse là một lời mời gọi tất cả chúng ta mở lòng mình ra để đón nhận Chúa Giêsu; Ngài đến để mang lại ân sủng bình an: "Bình an dưới thế cho người Chúa thương" ((Lc 2, 14).

Như các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng ân sủng quý giá của Giáng sinh là hòa bình, và Chúa Kitô là hòa bình đích thực của chúng ta: "Đức Kitô đang đến gõ cửa trái tim của chúng ta để trao ban cho ta sự bình an của Ngài. Chúng ta hãy mở cửa tâm hồn chúng ta cho Chúa Kitô! "