Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Lý do Đức Giáo Hoàng không tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói bóng gió rằng ngài đã không thể gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô trong một chuyến đi đến Rome trong tuần này vì các viên chức Vatican lo ngại rằng một cuộc họp như thế sẽ gây ra các phản ứng mạnh từ phiá các quan chức trong chính phủ Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng nói rằng ngài đã hy vọng có thể tiếp kiến Đức Thánh Cha, nhưng đã không thể sắp xếp một cuộc gặp gỡ như thế. "Đại diện Vatican cho biết điều này không thể được vì nó có thể gây ra nhiều vấn đề," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.

Chế độ Bắc Kinh đã thường xuyên phản đối các nhà lãnh đạo trên thế giới khi họ tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đức Đạt Lai Lạt Ma, người hiện đang sống lưu vong, đã từ chối chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc đối với đất nước của mình và vẫn được nhiều người Tây Tạng xem là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của họ.

Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, đã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi liệu chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định không tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma hay không. Tuy nhiên, ngài nói rằng Đức Thánh Cha sẽ không gặp người nào trong số những người đoạt giải thưởng Nobel đang ở Rome trong tuần này vì thời khoá biểu quá bận rộn của ngài.

2. Đức Giáo Hoàng được đông đảo dân chúng mến mộ

Triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu vào ngày 13 tháng Ba năm 2013. Sau gần hai năm ở ngôi Giáo Hoàng, đông đảo dân chúng trên toàn thế giới đã tỏ ra nồng nhiệt mộ mến ngài đặc biệt là ở các quốc gia Công Giáo. Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết như trên.

Nghiên cứu của Pew cho thấy bình quân 60% người được hỏi bày tỏ lòng mộ mến ngài cách đặc biệt trong 43 quốc gia được nghiên cứu. Chỉ có 11% có quan điểm bất lợi với Đức Giáo Hoàng; và 29% không đưa ra một đánh giá nào.

84% người Châu Âu và 72% dân chúng châu Mỹ Latinh đánh giá rất cao Đức Giáo Hoàng. Con số này là 44% ở Châu Phi và 41% ở châu Á. Tỷ lệ này thấp hơn ở châu Âu và châu Mỹ Latinh chủ yếu là do tỷ lệ đông đảo những người không có ý kiến: 40% ở châu Phi và 45% ở châu Á.

Tại Trung Đông, 25% những người được hỏi đánh giá tích cực về Đức Giáo Hoàng. 25% đánh giá tiêu cực và 41% không có ý kiến.

Nghiên cứu Pew cho thấy một sự khác biệt rõ rệt giữa các phản ứng của người Công Giáo và không Công Giáo, đặc biệt là ở Mỹ Latinh. Phần đông người không Công Giáo nói họ không có ý kiến.

3. Thư của Đức Thánh Cha gởi khoá họp lần thứ Tư Hội Nghị về Mục Vụ Giới Trẻ Châu

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các tham dự viên của khoá họp lần thứ Tư Hội Nghị về Mục Vụ Giới Trẻ Châu "không bao giờ mệt mỏi trong việc rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá cuộc sống và những lời rao giảng."

"Việc Mục Vụ cho giới trẻ châu Âu đòi hỏi chúng ta phải tập hợp lại các vấn nạn của người trẻ ngày nay, và từ đó, khởi động một cuộc đối thoại chân thành và trung thực để đem Chúa Kitô vào cuộc sống của họ," Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thông điệp ngày 11 tháng 12 được gửi đến chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân.

"Khi anh chị em gieo Lời của Chúa vào cánh đồng rộng lớn này là giới trẻ Châu Âu, anh chị em có dịp làm chứng tá cho những lý do của niềm hy vọng trong anh chị em, với sự dịu dàng và tôn trọng," Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết tiếp. "Anh chị em có thể giúp các bạn trẻ nhận ra rằng đức tin không đi ngược lại với lý trí, và do đó giúp họ trở nên nhân vật chính đầy hân hoan trong việc truyền giáo cho những người đương thời."

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các vị mục tử "hãy đề xuất với những người trẻ một con đường phân biệt ơn gọi, để giúp họ chuẩn bị sẵn sàng để đi theo Chúa Giêsu trên con đường của cuộc sống hôn nhân và gia đình hay trên những nẻo đường củacuộc sống thánh hiến chuyên tâm phục vụ Nước Thiên Chúa."

4. Một vài nét về báo cáo của Hội Đồng Công Lý, Sự Thật và Chữa Lành Australia

Hội Đồng Công Lý, Sự Thật và Chữa Lành là cơ quan của Giáo Hội tại Úc nhằm điều phối các hoạt động hợp tác với chính phủ trong một cuộc điều tra về những vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, tuyên bố trong một báo cáo đưa ra hôm 11 tháng 12 rằng "luật độc thân bắt buộc có thể đã góp phần vào các vụ lạm dụng trong một số trường hợp."

Hội đồng được thành lập vào năm 2013 bởi Hội Đồng Giám mục Úc và Hội Đồng Tu Sĩ Úc.

Trong khi thừa nhận rằng "các tổ chức Giáo Hội và các nhà lãnh đạo Giáo Hội, qua nhiều thập kỷ, , theo bản năng hoặc cố ý, dường như đã nhắm mắt làm ngơ trước các vụ lạm dụng xảy ra trong giáo phận và trong các dòng tu, nhằm bảo vệ tổ chức mình hơn là chăm sóc cho các nạn nhân", báo cáo cũng ghi nhận khách quan rằng "Về mặt lịch sử, các bậc cha mẹ thường không muốn tin những lời tố cáo của con em mình và không muốn đặt vấn đề thẳng thắn với các nhà lãnh đạo Giáo Hội sau khi những vụ lạm dụng xảy ra."

Báo cáo cho biết thêm "Vâng phục và môi trường khép kín dường như đã có một vai trò trong sự lan tràn các hành vi lạm dụng trong một số dòng tu và các giáo phận. Một yếu tố khác cũng quan trọng là cách thức thu nhận các ứng sinh cho chức linh mục hay tu sĩ."

5. Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015

Hôm 10 tháng 12, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Hòa bình thế giới lần thứ 48, sẽ được cử hành ngày 1 tháng Giêng tới đây về đề tài: ”Không còn là nô lệ nữa, nhưng là anh em”.

Đề tài này là một câu trích từ thư thánh Phaolô gửi ông Philomeno (1,15-16). Sứ điệp gồm 2 phần: Phần đầu Đức Thánh Cha nói về bao nhiêu khía cạnh của nạn nô lệ trong quá khứ và ngày nay, và nhắc đến những nguyên nhân sâu xa của chúng. Trong phần thứ II ngài khuyến khích tìm ra những giải pháp chung để bài trừ nạn nô lệ mà ngài gọi "hiện tượng đáng kinh tởm”.

Phần thứ I mang tựa đề "những khuôn mặt và nguyên nhân của nạn nô lệ", trong đó Đức Thánh Cha nhận xét rằng mặc dù tệ nạn nô lệ đã được chính thức bãi bỏ trên thế giới, và quyền của mỗi người không bị giữ trong tình trạng nô lệ cũng được công nhận, nhưng ngày nay hằng triệu người vẫn còn phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ. Đức Thánh Cha nhắc đến nhiều ví dụ bi thảm như những người phải làm việc như nô lệ, người di dân bị tước đoạt tự do và của cải, bị lạm dụng thể lý, bị giam cầm vô nhân đạo, bị chủ nhân lợi dụng tình trạng pháp lý bấp bênh, không có giấy tờ hợp pháp, để ép họ làm việc như nô lệ; có những người nô lệ tình dục, đặc biệt là phụ nữ phải hành nghề mại dâm, nhiều trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân những vụ lấy cơ phận để buôn bán, các em cũng bị xung vào quân ngũ, bị em bán ma túy, vv..

Trong số các nguyên do của tệ này nạn, có nạn nghèo đói, không được giáo dục, không tìm được công ăn việc làm, nạn tham những nơi các nhân viên an ninh và công lực..

Phần thứ II của Sứ điệp có tựa đề: Bài trừ nạn nô lệ như một sự dấn thân chung và hoàn cầu hóa tình huynh đệ.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng nạn buôn người, buôn bán người di dân và bao nhiêu hình thức khác của nạn nô lệ diễn ra trong sự dửng dưng của bao nhiêu người, nhưng cũng có nhiều người làm việc âm thầm chống lại tệ nạn này và cứu giúp các nạn nhân, như nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ, đang làm; họ tìm cách phá vỡ xiềng xích vô hình liên kết giữa những kẻ bóc lột và các nạn nhân. Với sự kiên nhẫn, can đảm và kiên trì, các dòng tu đặt mình các nạn nhân bằng cách cứu giúp họ, phục hồi họ về tâm lý và giúp họ tái hội nhập vào xã hội.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới 3 nỗ lực cần thực hiện trong lãnh vực này, đó là phòng ngừa các tội ác bắt người làm nô lệ, bảo vệ các nạn nhân và truy tố những kẻ phạm pháp. Để bài trừ nạn nô lệ, cần có một hoạt động chung và hoàn cầu từ phía toàn thể xã hội. Các Nhà Nước cần canh chừng để luật lệ về di trú, lao động, nhận con nuôi, và di chuyển các xí nghiệp được thực thi trong sự tôn trọng phẩm giá con người. Cần có những đạo luật đúng đắn, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, và cần có những cơ chế kiểm soát hữu hiệu, không để kẽ hở cho sự tham những và phạm pháp mà không bị luật pháp trừng trị.

6. Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Công Giáo nghi lễ Syria

Trong cuộc họp ngày 12 tháng 12 với các giám mục của Giáo Hội Công Giáo Syria, Đức Giáo Hoàng đã gửi một thông điệp nâng đỡ tinh thần cho các tín hữu là "những người đang trải qua một thời gian đau khổ và sợ hãi" ở Syria và Iraq.

Đức Giáo Hoàng kêu gọi các giám mục do Đức Thượng Phụ Ignatius Youssef Younan Đệ Tam của thành Antiôkia hướng dẫn hãy khích lệ anh chị em giáo dân tiếp tục là các chứng nhân cho Chúa Kitô trong vùng đất của họ giữa trăm chiều thử thách và bách hại. Ngài cũng yêu cầu các vị phối hợp các hoạt động nhân đạo với nhau cả cho các tín hữu đang tiếp tục ở lại vùng đất của họ lẫn những người tị nạn đang tìm kiếm an ninh ở các nước khác. Các giám mục Syria đã đồng thanh hoan nghênh đề nghị đó của Đức Thánh Cha.

Trong khi nhìn nhận những lý do dẫn đến hiện trạng di cư ồ ạt của hàng loạt của các Kitô hữu từ Syria và Iraq, Đức Giáo Hoàng bày tỏ nỗi buồn của mình vì sự suy giảm đột ngột trên quy mô lớn sự hiện diện của các Kitô hữu trong vùng.

Ngài nói:

"Phong trào di cư của các tín hữu đến các nước được coi là an toàn hơn đã làm nghèo đi sự hiện diện của Kitô Giáo ở Trung Đông, vùng đất của các tiên tri, các nhà truyền giáo đầu tiên của Tin Mừng, các vị tử đạo và nhiều vị thánh, và là cái nôi của những ẩn sĩ và các tu viện".

Giáo Hội Syria hiện đang tiến hành một cuộc cải cách các truyền thống phụng vụ của mình, và Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng quá trình này mời gọi "một sự đánh giá triệt để các truyền thống với một sự sáng suốt cao độ." Ngài mời gọi các giám mục Syria bảo tồn các truyền thống cổ kính của các ngài, trong khi thích ứng những truyền thống này với những thay đổi văn hóa đang diễn ra trong thế giới đương đại.

7. Hội nghị những người đoạt giải Nobel Hoà Bình

Hôm thứ Sáu 12 tháng 12, những người đã từng đoạt giải Nobel hòa bình đã tề tựu tại Rôma để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới lần thứ 14 .

Cuộc họp kéo dài ba ngày, đã được tổ chức lần đầu tiên tại Nam Phi nhưng sau đó đã được chuyển tới Roma. Cuộc họp lần này dự kiến sẽ vinh danh cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela mà chủ trương đấu tranh bất bạo động và tinh thần hòa giải đang tiếp tục truyền cảm hứng cho thế giới giữa những trào lưu quá khích và khủng bố đang lan tràn ở Trung Đông.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đang tham dự Hội Nghị này đã nói bóng gió rằng ngài đã không thể gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô trong tuần này vì các viên chức Vatican lo ngại rằng một cuộc họp như thế sẽ gây ra các phản ứng mạnh từ phiá các quan chức trong chính phủ Trung Quốc.

Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, đã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi liệu chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định không tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma hay không. Tuy nhiên, ngài nói rằng Đức Thánh Cha sẽ không gặp người nào trong số những người đoạt giải thưởng Nobel đang ở Rôma trong tuần này vì thời khoá biểu quá bận rộn của ngài.

8. Công bố tài liệu đề cương Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ 14

Hôm 9 tháng 12, tài liệu đề cương (Lineamenta) của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa 14 đã được công bố.

Công nghị Giám Mục này sẽ tiến hành từ ngày 4 đến 25-10 năm 2015 về chủ đề ”Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Nội dung Tài liệu đề cương lần này là bản tường trình chung kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa đặc biệt thứ 3, được các nghị phụ bỏ phiếu thông qua ngày 18 tháng 10 sau 2 tuần nhóm họp tại Vatican.

Văn kiện gồm 3 phần, chia làm 62 đoạn: trước tiên là lắng nghe: nói về bối cảnh và những thách đố về gia đình ngày nay; phần II là cái nhìn về Chúa Kitô: trình bày Tin Mừng về gia đình; phần III là đối chiếu trình bày những viễn tượng mục vụ.

Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục giải thích rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục năm tới là một sự tiếp nối công nghị GM ngoại thường đã tiến hành hồi tháng 10 năm nay. Khoảng thời gian giữa hai công nghị là thời gian suy tư và đào sâu. Với mục đích ấy, Văn phòng đã gửi đến các Hội Đồng Giám Mục , các Hội đồng công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản (sui juris), Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam, và các cơ quan trung ương Tòa Thánh một văn kiện để đào sâu các vấn đề đã được nêu bật trong bản Tường trình chung kết công nghị GM vừa qua, và thực tế đây là tài liệu đề cương, chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục năm tới.

Kèm theo tài liệu đề cương là một bản 64 câu hỏi để tham khảo ý kiến các Giáo Hội địa phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và một số cơ quan khác. Những câu hỏi đó đề cập tới các khía cạnh của đời sống hôn nhân và gia đình và cả những người có xu hướng đồng tính luyến ái, vấn đề hôn nhân hỗn hợp và khác đạo, mục vụ bí tích đối với những người ly dị tái hôn dân sự, việc nhìn nhận những trường hợp hôn phối vô hiệu, giá trị của hôn phối bất khả phân lý, phân định đúng đắn về những cặp chỉ kết hôn dân sự, hoặc sống chung mà không kết hôn; nạn phá thai, đối thoại với các khoa học và kỹ thuật sinh học để sinh con, chính sách xã hội và kinh tế hỗ trợ gia đình, sự cộng tác với các tổ chức xã hội và chính trị, sự đa nguyên và thuyết duy tương đối văn hóa, sự tục hóa xã hội, hậu quả của nhữgn thay đổi về dân số, suy giảm số sinh, chiều kích tội lỗi và tha thứ, những giá trị chứa đựng trong giáo huấn Kinh Thánh, việc đào tạo linh mục, ngôn ngữ truyền thông mục vụ, giáo huấn của Giáo Hội, sứ mạng giáo dục của cha mẹ, thông truyền đức tin Kitô, v.v.

Các bản trả lời góp ý được yêu cầu gửi về Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới trước này 15-4 năm 2015, và dựa vào các câu trả lời, một tài liệu làm việc sẽ được soạn thảo và công bố trước mùa hè năm tới.

9. Thư của Đức Thánh Cha về đại hội các gia đình Công Giáo thế giới

Đại hội kỳ 8 các gia đình Công Giáo thế giới sẽ tiến hành tại thành phố Philadelphia, Hoa kỳ từ ngày 22 đến 27-9 năm 2015, về chủ đề ”Tình yêu là sứ mạng của chúng ta. Gia đình hoàn toàn sinh động”. Và nếu Chúa muốn Đức Thánh Cha sẽ tham dự biến cố này.

Trên đây là nội dung thư Đức Thánh Cha gửi đến Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về gia đình, được công bố sáng ngày 10 tháng 12. Ngài khẳng định rằng ”sứ mạng của gia đình Kitô, ngày nay cũng như xưa kia, là, - với sức mạnh của bí tích Hôn Phối,- loan báo cho thế giới tình yêu của Thiên Chúa. Từ việc loan báo đó nảy sinh và hình thành một gia đình sống động, đặt tổ ấm yêu thương ở trong tâm mọi hoạt động của mình về mặt nhân bản và tinh thần.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa đặc biệt vừa qua về gia đình, và ngài khẳng định rằng ”các giá trị và nhân đức của gia đình, những chân lý nòng cốt về gia đình, chính là những điểm mạnh mà gia đình cần dựa vào, và những chân lý đó không thể bị đặt lại vấn đề. Trái lại, chúng ta được kêu gọi duyệt lại lối sống của mình, vì lối sống này luôn gặp nguy cơ bị ô nhiễm do não trạng trần tục, cá nhân chủ nghĩa, duy tiêu thụ và lạc thú, và cần luôn tìm lại con đường chủ yếu để sống và đề nghị sự cao cả cũng như vẻ đẹp của hôn nhâncũng như niềm vui được là gia đình”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng Phúc trình chung kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng về hôn nhân và gia đình, cũng như thử nghiệm những đề nghị mục vụ trong bối cảnh xã hội và văn hóa chúng ta đang sống ngày nay. Ngài nhắn nhủ các đôi vợ chồng, các LM và cộng đồng giáo xứ, cũng như các phong trào và hội đoàn hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn, Lời Chúa là nền tảng của tòa nhà thánh thiêng là Giáo Hội tại gia, là gia đình của Thiên Chúa.

10. Tờ Quan Sát Viên Rôma ca ngợi những người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm nay

Trong một bài viết ngắn trên trang nhất, Tờ Quan Sát Viên Rôma - L'Osservatore Romano đã hoan nghênh việc lựa chọn Malala Yousafzai của Pakistan và Kailash Satyarthi của Ấn Độ là những người đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2014.

Mô tả giải thưởng Nobel Hoà Bình năm nay là giải "Nobel về lòng dũng cảm," tờ báo nói cả hai đã chiến đấu chống lại các trào lưu tôn giáo cực đoan và đấu tranh thay mặt cho các quyền của trẻ em.

11. Quân khủng bố Hồi Giáo chặt đầu 4 trẻ em Kitô vì không chịu cải đạo sang Hồi Giáo

Cha tổng đại diện Anh Giáo tại thủ đô Baghdad nói với tờ The Independent của Anh hôm 8 tháng 12 rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chặt đầu bốn trẻ em Kitô vì không chịu cải đạo sang Hồi Giáo.

Quân khủng bố IS, bất chấp những cuộc tấn công bằng không quân của Hoa Kỳ và các nước đồng minh, đã củng cố được quyền kiểm soát của chúng trên một nửa nước Iraq và 1/3 nước Syria. Cha Canon Andrew White nói rằng trong một vùng ngoại ô gần Baghdad, quân khủng bố đã tụ họp dân chúng trong vùng tạm chiếm và bắt các trẻ con nói theo, "Các em hãy nói: chúng tôi sẽ theo Muhammad."

Trong số những đứa trẻ, tất cả đều dưới 15, có bốn em nói: "không", "chúng tôi yêu Yeshua, [tiếng Iraq nghĩa là Chúa Giêsu], Đấng đã luôn luôn yêu thương chúng tôi và chúng tôi sẽ luôn luôn đi theo Yeshua, Yeshua luôn ở với chúng tôi."

Dù bị hăm giết, các em vẫn nói: "Không, chúng tôi không thể theo ai khác."

Linh mục Canon Andrew White nói quân khủng bố đã lập tức chặt đầu 4 đứa trẻ trước khi chặt thi thể chúng ra thành nhiều phần để dằn mặt dân chúng.

12. Cải tổ giáo triều Rôma sẽ tái tục mạnh mẽ vào tháng Hai năm tới

Tháng 2 năm 2015 sẽ là một tháng bận rộn cho hàng lãnh đạo của Giáo triều Rôma, được đánh dấu bằng phiên khoáng đại của một ủy ban giáo hoàng mới về chống lạm dụng trẻ em, một cuộc họp của tất cả các Hồng Y trên thế giới, và một Công Nghị tấn phong Hồng Y.

Tòa Thánh công bố vào ngày 11 tháng 12 rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ nâng lên hàng Hồng Y một số vị vào ngày 14 và 15. Tuy nhiên, tuần lễ trước công nghị sẽ có một số cuộc họp quan trọng khác.

Hội đồng các Hồng Y, được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến trong tuần này, sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo từ ngày 9 đến ngày 11 tháng Hai, đang tiếp tục lập kế hoạch cho việc tái cơ cấu Giáo triều Rôma. Sau đó, vào ngày 12 và 13, những kế hoạch này sẽ được trình bày tại một cuộc họp của tất cả các Hồng Y trên thế giới.

Dựa theo tiền lệ mà Đức Giáo Hoàng đã thiết lập vào tháng Hai năm nay, có khả năng là Đức Thánh Cha sẽ mời các giám mục sắp được nâng lên hàng Hồng Y tham gia vào các cuộc họp của những ngày trước buổi lễ tấn phong chính thức.

13. Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập công nghị tấn phong các tân Hồng Y

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố triệu tập một công nghị Hồng Y vào tháng 2 năm 2015, trong dịp này sẽ nâng lên hàng Hồng Y một số vị trong đó đáng kể là các vị tổng giám mục các giáo phận trên toàn thế giới.

Công nghị Hồng Y sẽ được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng Hai năm 2014. Cho đến nay danh sách các vị tân Hồng Y chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, danh sách này sẽ sớm được công bố, chậm nhất là ngày 14 tháng Giêng năm 2015.

Hiện tại, Hồng Y Đoàn có 208 thành viên, trong đó 112 vị ở độ tuổi dưới 80 và do đó đủ điều kiện để bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử giáo hoàng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị thiết lập giới hạn của số Hồng Y cử tri là 120, mặc dù một vị Giáo Hòang có thể (và chính Đức Gioan Phaolô đã làm) là tấn phong số Hồng Y cử tri vượt quá con số đó, xét đến khả năng một số vị sẽ sớm quá tuổi bầu cử.

Hai Hồng Y cử tri là Đức Hồng Y Giovanni Lajolo, thống đốc đã nghỉ hưu của quốc gia thành Vatican, và Đức Hồng Y Julius Darmaatmadja của Jakarta, Nam Dương sẽ mừng sinh nhật lần thứ 80 của các ngài trước công nghị tháng Hai tới. Hai vị khác là Đức Hồng Y Antonios Naguib, là Thượng Phụ Công Giáo Coptic và Đức Hồng Y Justin Rigali, tổng giám mục nghỉ hưu của Philadelphia sẽ lần lượt quá tuổi bầu cử hai tháng sau đó. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng có thể sẽ tấn phong từ 10 đến 12 tân Hồng Y.

Theo một thực hành đã trở thành thường xuyên của các vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể trao mũ đỏ cho một vài giám mục đã quq' 80 tuổi, như một cách công nhận sứ vụ của các ngài với Giáo Hội. Các vị này sẽ không hội đủ điều kiện để tham gia vào một mật nghị bầu giáo hoàng, nhưng có thể tham gia vào bất kỳ mật nghị hay công nghị khác của các Hồng Y, kể cả vào các cuộc họp trước mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Hội đồng các Hồng Y thông báo sẽ kiến nghị thành lập hai Hội Đồng Toà Thánh mới: một dành cho các giáo dân, một dành cho các vấn đề chính trị và xã hội. Tuy nhiên Đức Giáo Hoàng đã cảnh báo rằng việc tái cơ cấu Giáo Triều Rôma còn cần nhiều thời gian để hoàn thành. Một khi kế hoạch đầy đủ về việc thành lập ra những cơ quan mới được trình bày đầy đủ với Hồng Y đoàn vào tháng Hai, Toà Thánh vẫn còn cần nhiều thời gian.

Tháng Hai 2015 cũng sẽ chứng kiến những cuộc họp chính thức đầu tiên của Hội đồng Giáo hoàng về bảo hộ các trẻ vị thành niên, dưới sự chủ trì của Đức Hồng Y Sean O'Malley của Boston. Cuộc họp sẽ được tổ chức tại Rôma từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Hai. Cho đến nay, danh tính của 9 thành viên mới của ủy ban vẫn chưa được xác định chính thức.

14. Tình trạng người tị nạn Iraq ngày càng tồi tệ

Tờ The Guardian của Anh quốc hôm 10 tháng 12 cho biết hai triệu người trong tổng số 36 triệu dân Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa của họ trước những tấn kích dai dẳng của quân khủng bố trong cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.

Một nửa trong số những người tị nạn đã tìm đường đến Kurdistan, khu vực tự trị phía bắc Iraq của người Kurd mà cho đến gần đây đã tăng lên đến 8,3 triệu người.

Quân khủng bố IS, bất chấp những cuộc tấn công bằng không quân của Hoa Kỳ và các nước đồng minh, đã củng cố được quyền kiểm soát của chúng trên một nửa nước Iraq và 1/3 nước Syria.

"Thách thức hiện tại và cấp bách nhất là mùa đông đã bắt đầu", một đại diện của Anh tại Kurdistan nói: "Chúng ta cần phải cung cấp nơi trú ẩn thích hợp, hệ thống sưởi ấm, quần áo mùa đông và chăn màn. Chúng tôi vẫn đang tiếp nhận người di tản... Cuộc khủng hoảng chưa có chiều hướng ổn định. "

15. Đức Hồng Y Vincent Nichols tham gia hội nghị chống nạn buôn người tại Anh

Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster, Anh quốc đã tham gia một hội nghị các quan chức tư pháp hình sự hàng đầu của Anh về phòng chống buôn bán người.

Bộ trưỏng Bộ Chống Nạn Nô Lệ và Tội Phạm Có Tổ Chức ước lượng có từ 10,000 đến 13,000 người ở Anh đã bị bắt làm nô lệ.

Đức Hồng Y Nichols nói: "Điều đánh động tôi là quy mô và hình thức cám dỗ và lạm dụng con người vẫn đang tiếp diễn tại Phi Châu"

"Ví dụ, có những trường đào tạo các ngôi sao bóng đá trong đó các cầu thủ trẻ được hứa hẹn có một sự nghiệp tại các câu lạc bộ trong Liên Đoàn Bóng Đá Anh, nhưng ngay sau khi đặt chân đến Anh, họ lập tức bị bắt làm nô lệ. Có vẻ hầu như không có mánh khoé cám dỗ nào không được sử dụng. Họ đi tìm một giấc mơ, nhưng tất nhiên không tìm thấy nó. "

Caritas Westminster đã mở một ngôi nhà an toàn cho các nạn nhân của nạn buôn người.

16. Đức Hồng Y Francis George được trao huy chương cao quý nhất của thành phố

Thị trưởng Rahm Emanuel Chicago đã trao tặng Đức Hồng Y Francis George đã về hưu huy chương Chicago là vinh dự cao nhất của thành phố, tại một cuộc họp của hội đồng thành phố hôm 10 tháng 12.

Đức Hồng Y George đã được mời để cầu nguyện tại cuộc họp này, trong đó, các thành viên của thành phố đã có cơ hội nói về những đóng góp của vị Hồng Y trong suốt nhiệm kỳ của ngài tại Chicago. Đức Hồng Y George đã có một diễn từ cùng các thành viên hội đồng.

Đức Hồng Y George, đã nghỉ hưu vào tháng 9 vừa qua ở tuổi 77 vì ngài đang chiến đấu với bệnh ung thư.

17. Phiên họp khoáng đại để bầu lãnh đạo dòng Tên

Dòng Tên sẽ tổ chức phiên họp khoáng đại để bầu lãnh đạo mới bắt đầu từ ngày 02 tháng 10 năm 2016.

Cha Adolfo Nicolas, tổng quyền hiện nay cuả Dòng , đã công bố hồi tháng Năm rằng ngài có kế hoạch về hưu vào cuối năm 2016, khi được 80 tuổi. Nhưng ngài đã không công bố một ngày chính xác cho phiên họp khoáng đại để bầu người kế nhiệm ngài.

Trong thông báo hôm 09 tháng 12, Cha Nicolas nhận xét rằng các tu sĩ dòng Tên trên toàn thế giới được chuẩn bị Năm Thánh Hiến Life, và khuyến khích anh em "tái khám phá niềm vui của đời sống thánh hiến, phục hồi chứng tá tiên tri của chúng ta để thức tỉnh thế giới. "