Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Những ai muốn học biết những mầu nhiệm nơi Thiên Chúa thì cần phải biết quỳ gối, vì Thiên Chúa mạc khải nhiều hơn cho những tâm hồn khiêm nhường. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ sáng Thứ Ba 02 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.
Đôi mắt người nghèo dễ nhìn ra Chúa Kitô nhất và qua Ngài, họ nhìn thấy thiên nhan Chúa. Còn những người khác muốn thấu hiểu mầu nhiệm này bằng tư duy con người thì cần phải “quỳ gối”, trong một thái độ khiêm nhường, nếu không “họ sẽ không hiểu được gì cả.”
Bài giảng của Đức Thánh Cha đã dựa trên đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca được đọc trong ngày nói về mối liên hệ của Chúa Kitô với Chúa Cha, cả trong tán tụng và tri ân Ngài.
Chúa Giêsu cho chúng ta biết về Chúa Cha, mạc khải cho chúng ta biết cuộc sống nội tâm của Ngài. Và những ai sẽ được Chúa Cha mạc khải cho? “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con tán tụng Cha, vì Cha đã giấu kín không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”. Chỉ có những ai có tâm hồn như trẻ thơ mới có khả năng đón nhận được mạc khải này. Đó là những tâm hồn khiêm nhường trong lòng, hiền lành, những người cảm thấy cần phải cầu nguyện, để mở lòng ra với Thiên Chúa, những người muốn trở nên nghèo hèn trước mặt Chúa; chỉ những ai muốn sống các mối phúc thật với một tinh thần nghèo khó”.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
Do đó, nghèo chính là ân sủng mở ra cánh cửa đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Ân sủng này đôi khi vắng bóng nơi những nhà thần học dành trọn cuộc đời để nghiên cứu.
“Nhiều người có khả năng hiểu biết khoa học, thần học rất tốt, con số đó đông lắm. Nhưng nếu họ không thực hành thần học này trên đầu gối của mình, nghĩa là với một thái độ khiêm nhường như trẻ thơ, họ sẽ không hiểu bất cứ điều gì. Việc nghiên cứu sẽ cho họ biết nhiều điều, nhưng họ sẽ không hiểu bất cứ điều gì. Chỉ những ai có tinh thần nghèo khó thì mới có khả năng đón nhận mạc khải của Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không như một viên thuyền trưởng, một tư lệnh quân đội, một kẻ cai trị quyền lực. Không! Ngài giống như một chồi lộc. Như chúng ta nghe trong bài đọc thứ Nhất: “Một chồi non sẽ trổ sinh từ gốc Jesse”. Ngài là một chồi non khiêm tốn, nhẹ nhàng, và hiền lành, đến với ai hiền lành và khiêm nhường để mang lại ơn cứu độ cho người bệnh tật, kẻ nghèo hèn, và người bị áp bức.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu là mầu nhiệm khiêm nhường. Đó là mầu nhiệm mang đến “ơn cứu độ cho những người nghèo, mang lại sự an ủi vui mừng cho người đau yếu, kẻ tội lỗi và những ai hoạn nạn.”
Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy nài xin Chúa đem chúng ta đến gần hơn với mầu nhiệm của Ngài và để làm được điều đó chúng ta hãy sống con đường khiêm tốn, hiền lành, khó nghèo, với cảm thức mình là kẻ tội lỗi để Chúa đến và cứu chúng ta, giải thoát chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.
2. Sự thánh thiện ẩn tàng nơi những vị thánh của đời thường
Có rất nhiều vị thánh ẩn danh, đó là những người nam nữ, những người cha, người mẹ trong gia đình, các bệnh nhân, những linh mục, những người hằng ngày thực hành tình yêu mến của Chúa Giêsu đối với tha nhân. Chính điều này đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta hôm thứ Năm 4 tháng 12.
Giải thích về dụ ngôn xây nhà xây trên đá hay trên cát được đề cập đến trong bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, “Kitô hữu chân chính phải mang Lời Chúa ra thực hành. Nói suông là anh chị em có đức tin thì chưa đủ đâu. Chúng ta không nên là những ‘Kitô hữu bề ngoài,’ loại ‘Kitô hữu chỉ để trang điểm’, vì khi mưa đến thì mọi thứ trang điểm trên mặt sẽ phôi phai.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Thuộc về một gia đình rất Công Giáo, tham gia một hội đoàn, hay có là một mạnh thường quân cũng chưa đủ nếu chúng ta không theo thánh ý Chúa. Có quá nhiều Kitô hữu bề ngoài dễ dàng sụp đổ ngay cơn cám dỗ đầu tiên vì ‘không có nền tảng chắc chắn nào’ ở đó, họ chỉ xây đời mình trên cát. Mặt khác, có rất nhiều vị thánh trong dân Chúa – họ là những ‘thánh nhân không nhất thiết phải được phong thánh, nhưng họ là thánh’ – là những người ‘đem tình yêu mến Chúa ra thực hành trong những hành động cụ thể.’ Họ chính là những người xây nhà trên đá tảng là Đức Kitô.”
“Chúng ta hãy nhìn đến những người bé nhỏ nhất, những bệnh nhân đang dâng những đau khổ của họ để cầu cho Giáo Hội. Chúng ta hãy nhìn đến những người già cả cô đơn, họ cầu nguyện và dâng những cô đơn của họ cho Chúa. Hãy nhìn đến các bà mẹ và những người cha trong gia đình, những người bỏ ra rất nhiều nỗ lực để nuôi dạy con cái, làm việc hằng ngày với bao nhiêu vấn đề nhưng luôn luôn có niềm hy vọng vào Chúa Giêsu, những người không vênh vang khoe mẽ nhưng làm tất cả những gì có thể được.”
“Họ chính là ‘những vị thánh của đời thường’. Chúng ta cũng hãy nhìn đến rất nhiều linh mục, những người không được người đời chú ý nhưng lặng lẽ làm việc trong các giáo xứ với tất cả tình yêu của các ngài như: dạy giáo lý cho trẻ em, dạy giáo lý hôn nhân, chăm sóc người già, người bệnh, và công việc cứ thế lặp đi lặp lại hằng ngày. Họ không cảm thấy nhàm chán vì nền tảng của họ là đá tảng. Đó chính là Chúa Giêsu, điều này đã đem đến sự thánh thiện cho Giáo Hội, điều này đã đem lại niềm hy vọng!”
“Chúng ta nên suy nghĩ về sự thánh thiện có rất nhiều trong Giáo Hội. Những Kitô hữu ở lại trong Chúa Giêsu. Kể cả những kẻ tội lỗi, phải không nào? Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Và có khi một trong những người Kitô hữu này còn phạm tội trọng nữa, nhưng họ biết ăn năn, biết đến với ơn tha thứ, hòa giải. Điều này rất tốt: khả năng để tìm kiếm ơn tha thứ, để không nhầm lẫn giữa tội lỗi với ân sủng, để biết đâu là ân sủng đâu là tội lỗi. Đó là những người xây trên nền đá là Chúa Kitô. Họ đi theo con đường của Chúa Kitô, họ theo Ngài.”
“Những kẻ kiêu ngạo, phường vênh vang khoe mẽ sẽ bị sụp đổ. Ngược lại những ai nghèo hèn sẽ là những người chiến thắng, nghèo khó tinh thần, những người sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, tự nhận mình không có gì, khiêm tốn, tìm kiếm ơn cứu độ và đem Lời Chúa ra thực hành. Thánh Bernard đã nói: ‘Hôm nay chúng ta đang sống, ngày mai chúng ta sẽ chết. Đó là phận người của tất cả chúng ta. Hỡi con người, hãy suy nghĩ đi chúng ta sẽ trở nên mồi ngon cho giun dế. Giun dế sẽ ăn tất cả chúng ta. Nếu chúng ta không có tảng đá này, chúng ta sẽ kết thúc đời mình như thế’.
“Trong thời điểm đón chờ Chúa Giáng sinh này, chúng ta hãy xin Chúa cho ta biết xây đời mình vững chắc trên đá tảng là chính Ngài. Chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, chúng ta có những khuyết điểm, nhưng nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Ngài, chúng ta có thể tiến bước. Và đây là niềm vui của người Kitô hữu: đó là biết rằng nơi Ngài có niềm hy vọng, có sự tha thứ, có bình an, có niềm vui. Và đừng đặt niềm hy vọng nơi những thứ phù du trong cõi đời này.”
3. Lãng quên Thiên Chúa đẩy đưa con người tới bạo lực
Chính việc lãng quên Thiên Chúa chứ không phải việc vinh danh Người làm nảy sinh ra bạo lực. Vì thế các tín hữu kitô và hồi giáo cần cùng nhau dấn thân cho tình liên đới, hòa bình và công lý, và mọi chính quyền phải bảo đảm cho các công dân và cộng đồng tôn giáo quyền tự do phụng tự đích thực.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 3 tháng 12 tại quảng trường thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha nói: Hôm nay chúng ta hãy duyệt lại các chặng hành hương mà tôi đã đi từ thứ Sáu cho tới Chúa Nhật vừa qua. Như tôi đã xin anh chị em chuẩn bị và đồng hành với nó bằng lời cầu nguyện, giờ đây tôi xin anh chị em cùng tôi cảm tạ Thiên Chúa vì việc thực hiện nó, và để cho nó sinh hoa trái trong cuộc đối thoại với các anh em chính thống và với các anh em hồi giáo, cũng như cho con đường hòa bình giữa các dân tộc.
Đức Thánh Cha đã cám ơn Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng tôn giáo cũng như các giới chức chính quyền khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp đón ngài với lòng kính trọng và bảo đảm cho chuyến viếng thăm diễn ra trong trật tự. Ngài cũng cám ơn các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ vì sự dấn thân của các vị, cũng như Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô vì sự tiếp đón thân tình. Chân phước Phaolô Đệ Lục và Thánh Gioan Phaolô II đã viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ và Thánh Gioan XXIII, từng là Khâm Sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ Thiên Đàng đã che chở chuyến hành hương của tôi, diễn ra tám năm sau chuyến viếng thăm của vị tiền nhiệm của tôi là Đức Biển Đức XVI. Vùng đất này thân thương đối với mọi kitô hữu, đặc biệt vì đã là nơi tông đồ Phaolô chào đời, và là nơi triệu tập bẩy Công Đồng và vì sự hiện diện của “Nhà Đức Maria” gần thành Êphêxô.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã kể lại diễn tiễn các ngày viếng thăm, Trong ngày đầu tiên ngài đã thăm lăng của ông Ataturk và gặp gỡ chính quyền Thổ. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, nhưng Hiến pháp khẳng định tính chất đời của Nhà nước. Ám chỉ tình trạng bạo lực do các lực lượng hồi cực đoan gây ra đó đây trên thế giới, Đức Thánh Cha khẳng định:
Chính sự lãng quên Thiên Chúa chứ không phải việc vinh danh Người làm nảy sinh ra bạo lực. Vì thế tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng các tín hữu kitô và hồi giáo phải cùng nhau dấn thân cho tình liên đới, hòa bình và công lý, và khẳng định rằng mọi chính quyền phải bảo đảm cho các công dân sự tự do tôn giáo thực sự.
Trong ngày thứ hai tôi đã viếng thăm vài nơi biểu tượng của các tôn giáo khác nhau hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỹ. Tôi đã làm điều đó và cảm nhận trong tim lời khẩn cầu Chúa, là Thiên Chúa trời đất, là Cha thương xót của toàn nhân loại. Trọng tâm ngày viếng thăm là buổi cử hành Thánh Thể trong nhà thờ chính tòa với sự tham dự của các Chủ Chăn và tín hữu của nhiều nghi lễ Công Giáo hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tham dự cũng đã có Đức Thượng Phụ Đại Kết, Đại diện Đức Thượng Phụ Apostolico, Tổng Giám Mục chính thống Siro và các giới chức Tin Lành. Chúng tôi đã cùng nhau khẩn nài Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự hiệp nhất cho Giáo Hội: hiệp nhất trong đức tin, đức mến và hiệp nhất trong sự kết hợp chặt chẽ nội tâm. Trong sự phong phú của các truyền thống và cơ cấu của mình Dân Chúa được mời gọi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong thái độ liên lỉ cởi mở, ngoan ngoãn và vâng phục.
Tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm Đức Thánh Cha nói: Ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm lễ thánh Anrê Tông Đồ đã cống hiến bối cảnh lý tưởng cho việc củng cố các liên hệ huynh đệ giữa Giám Mục Roma, Người Kế Vị thánh Phêrô và Đức Thượng Phụ Đại Kết Costantinopoli, theo truyền thống là Giáo Hội do thánh Anrê, em của Simon Phêrô thành lập. Đức Thánh Cha cho biết như sau:
Tôi đã cùng với Đức Thượng Phụ canh tân dấn thân theo đuổi con đường tiến tới việc thiết lập sự hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu Công Giáo và chính thống. Chúng tôi đã cùng nhau ký một Tuyên ngôn chung là chặng cuối của con đường này. Đặc biệt ý nghĩa là hành động này đã được làm vào cuối buổi cử hành trọng thể Phụng vụ lễ thánh Anrê, mà tôi đã tham dự với niềm vui lớn, và nó đã được theo sau bởi phép lành của Đức Thượng Phụ Costantinopoli và Giám Mục Roma. Thật thế, lời cầu nguyện là nền tảng cho mọi cuộc đối thoại đại kết phong phú dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Cuộc gặp gỡ cuối cùng là với nhóm các bạn trẻ tỵ nạn, được các tu sĩ Salesien tiếp đón.
Thật là điều rất quan trọng đối với tôi việc gặp gỡ vài người tỵ nạn Trung Đông, để bầy tỏ sự gần gũi của tôi và của Giáo Hội cũng như để nhấn mạnh giá trị của sự tiếp đón, mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất dấn thân. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các người di cư và tỵ nạn và để xóa bỏ các lý do gây ra thảm cảnh đau đớn này.
Anh chị em thân mến, Xin Thiên Chúa toàn năng và thương xót tiếp tục che chở dân nước và giới chức lãnh đạo chính trị và tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ước chi họ có thể cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, để Thổ Nhĩ Kỳ có thể diễn tả một nơi của sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau. Ngoài ra chúng ta cũng hãy cầu nguyện để qua sư bầu cừ của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Thánh Thần khiến cho chuyến công du này được phong phú và tạo thuận tiện cho lòng hăng say truyền giáo, để trong sư tôn trọng và đối thoại huynh đệ, loan báo cho tất cả mọi dân tộc rằng Chúa Giêsu là sự thật, hòa bình và tình yêu.
4. Câu chuyện truyền tin cho Ðức Maria
Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"
Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.
Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
[Phần này thu hình]
Ngày kia, một hoàng đế nọ tập trung lại tất cả các nghệ sĩ trong mọi lãnh thổ của đế quốc, để tổ chức một cuộc thi đua. Ðề tài của cuộc thi đua là: mô tả dung mạo của hoàng đế...
Các nghệ sĩ Ấn Ðộ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa cương qúy giá. Các nghệ sĩ người Armêni mang đến một thứ đất sét mà chỉ có họ mới biết được giá trị của nó. Những người Ai Cập thì mang đến đủ thứ dụng cụ và một khối cẩm thạch qúy giá.
Sau cùng, người ta thấy xuất hiện một phái đoàn Hy Lạp. Mọi người đều ngạc nhiên, bởi vì họ chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng...
Người ta giam các nghệ sĩ vào trong các khu nội cấm trong cung điện. Khi thời hạn ấn định đã đến, hoàng đế cho trưng bày tất cả các tác phẩm của các nghệ sĩ. Ông trầm trồ ca ngợi bức chân dung của chính mình do các họa sĩ Ấn Ðộ vẽ. Sang đến các pho tượng của người Ai Cập và các mô hình của người Armêni, ông càng tỏ ra thán phục hơn.
Sau cùng, khi đến gian hàng của người Hy Lạp, ông chỉ thấy vỏn vẹn bức tường bằng cẩm thạch của phòng khách, nhưng mặt tường được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy nguyên khuôn mặt của mình hiện ra từng nét...
Và dĩ nhiên, phái đoàn đã đoạt giải chính là những người Hy Lạp, bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được chính khuôn mặt của mình.
Họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô: đó là mục đích của Giáo Hội. Và nói như danh họa kiêm điêu khắc gia Michelangelo: "Ðể tạc một bức tượng, điều quan trọng chính là những gì phải được gọt bỏ".
Muốn họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, Giáo Hội phải đánh bóng bức tường khuôn mặt của mình bằng cách gọt bỏ, đục đẽo tất cả những gì còn sần sùi, thừa thãi...
Mùa Vọng là mùa của mong đợi... Hai chữ mong đợi trong ngôn ngữ Việt Nam thường được đi kèm với hai chữ khác: mòn mỏi. Mong đợi nào cũng làm cho con người ta mòn mỏi. Nhưng chính sự hao mòn đó càng làm cho giây phút gặp nhau thêm đậm đà, thắm thiết hơn.
Mùa Vọng là trường dạy chúng ta mong đợi. Ðức Kitô đến với chúng ta qua từng biến cố, từng phút giây trong cuộc sống. Ngài chỉ đựơc nhận diện, Ngài chỉ được họa lên nguyên hình nếu chúng ta chấp nhận đánh bóng bức tường thành rong rêu hoặc sần sùi của con người chúng ta. Càng mòn mỏi, càng được gọt đẽo, chúng ta càng thấy được Ðức Kitô và càng họa lại được Ðức Kitô cho người khác...
Thật ra, không phải chúng ta là người họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, mà chính Ngài đến với chúng ta với những đường nét mà chỉ có Ngài mới biết đích thực là của Ngài. Bổn phận của người Kitô chính là noi gương Mẹ Maria nói tiếng “Xin Vâng” chấp nhận cho Ðức Kitô dùng con người của mình để nhìn thấy khuôn mặt của Ngài. Phiến đá cẩm thạch của con người chúng ta càng bóng láng, khuôn mặt của Ðức Kitô càng hiện rõ...
5. Mùa Vọng là thời điểm của hy vọng
Hôm nay qua miệng của ngôn sứ Isaia Chúa mời gọi chúng ta trở thành các sứ giả sự ủi an của Thiên Chúa, và các chứng nhân lòng thương xót và hiền dịu của Người, đối với những ai bị khổ đau, bất công áp bức, đối với những ai làm nô lệ cho tiền bạc, quyền bính, thành công và ăn chơi trần tục.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng 7 tháng 12.
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhấn mạnh Chúa Nhật hôm nay ghi dấu chặng thứ hai của Mùa Vọng, là thời gian tuyệt vời thức tỉnh trong chúng ta sự chờ đợi Chúa Kitô trở lại và việc tưởng niệm lần đến lịch cử của Người.
Đức Thánh Cha giải thích như sau:
Phụng vụ hôm nay giới thiệu với chúng ta một sứ điệp tràn đầy hy vọng. Đó là lời Chúa mời gọi qua miệng ngôn sứ Isaia: “Hãy an ủi hãy an ủi dân Ta, Thiên Chúa các ngươi phán” (Is 40,1). Cuốn sách của sự ủi an bắt đầu với các lời này, trong đó ngôn sứ hướng tới dân bị đi đầy lời loan báo tươi vui của sự giải phóng. Thời gian khốn khó đã hết; dân Israel có thể tin tưởng nhìn về tương lai: việc hồi hương đang chờ đón họ.
Ngôn sứ Isaia hướng tới nhũng người đang trải qua một giai đoạn đen tối, vì đã chịu một thử thách cam go; nhưng giờ đây đã tới thời an ủi. Nỗi buồn sầu và sự sợ hãi có thể nhường chỗ cho niềm vui, bởi vì chính Chúa sẽ hưóng dẫn dân Người trên con đường giải thoát và cứu rỗi. Người sẽ làm điều đó như thế nào? Với sự lo lắng và lòng hiền dịu của một mục tử chăm sóc đàn chiên của mình, Thậv thế, Người sẽ ban cho đàn chiên sự hiệp nhất và an ninh, Người sẽ chăn dắt nó, sẽ tụ tập các con chiên lạc trong ràn chiên của Người, Người sẽ đặc biệt chú ý tới các con chiên mỏng giòn và yếu đuối. Đó là thái độ Thiên Chúa có đối với các thụ tạo của Người. Vì thế ngôn sứ mời gọi những ai lắng nghe ông – kể cả chúng ta ngày nay nữa – phổ biến sứ điệp hy vọng này giữa dân chúng.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Nhưng chúng ta không thể là các sứ giả sự ủi an của Thiên Chúa, nếu chúng ta không là những người đầu tiên sống kinh nghiệm niệm vui được Người an ủi và yêu thương. Điều này đặc biệt xảy ra, khi chúng ta lắng nghe lời Chúa, lắng nghe Tin Mừng, mà chúng ta phải mang theo trong túi: anh chị em đừng quên điều đó, mang sách Tin Mừng trong túi hay trong xách tay, để đọc liên tục. Và điều này trao ban cho chúng ta niềm an ủi: khi chúng ta thinh lặng cầu nguyện trước sự hiện diện của Chúa, khi chúng ta gặp Người trong bí tích Thánh Thể hay trong bí tích Hòa Giải. Tất cả những điều đó an ủi chúng ta.
Vì thế chúng ta hãy để vang vọng lên trong con tim chúng ta trong Mùa Vọng này lời ngôn sứ Isaia mời gọi: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta”! Ngày nay cần có những người là chứng nhân lòng thương xót và sư diụ hiền của Thiên Chúa, để lay động những người chịu trận, tái linh hoạt những người mất tin tưởng, thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng. Thiên Chúa thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng, chứ không phải chúng ta.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:
Có biết bao nhiêu tình trạng xin chứng tá an ủi của chúng ta. Là những người sống tươi vui, được an ủi. Tôi nghĩ tới những ai bị khổ đau, bất công, áp bức, những ai làm nô lệ cho tiền bạc, quyền bính, thành công và ăn chơi trần tục. Những người thật đáng thương! Họ có các ủi an giả tạo, chứ không phải sư an ủi thật của Chúa. Chúng ta tất cả đều được mời gọi an ủi các anh chị em của chúng ta bằng cách làm chứng rằng chỉ có Chúa mới có thể loại bỏ các nguyên do của các thảm cảnh hiện sinh và tinh thần. Ngài có thể làm điều ấy! Ngài quyền năng!
Sứ điệp của ngôn sứ Isaia vang vọng lên trong ngày Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng là một dầu thơm xức trên các vết thương của chúng ta, và là một kích thích dấn thân chuẩn bị đuờng của Chúa. Thật thế, hôm nay ngôn sứ ngỏ lời với con tim của chúng ta để nói rằngThiên Chúa quên đi các tội lỗi của chúng ta và an ủi chúng ta. Nếu chúng ta tín thác nơi Người với con tim khiêm tốn và sám hối, Người sẽ triệt hạ các bức tường của sự dữ, sẽ làm đầy các lỗ thiếu sót của chúng ta, sẽ san bằng các gò nổng của kiêu căng và khoe khoang và sẽ mở ra con đường gặp gỡ với Người.
Thật là lạ, nhưng biết bao lần chúng ta sợ hãi sự an ủi, sợ hãi được ủi an. Trái lại, chúng ta cảm thấy an ninh hơn trong sự buồn sầu và trong cảnh não nề. Anh chị em biết tại sao không? Bởi vì trong sự buồn sầu chúng ta cảm thấy mình như là các tác nhân. Trái lại trong niềm an ủi chính Chúa Thánh Thần là tác nhân! Chính Người an ủi chúng ta, chính Người trao ban cho chúng ta lòng can đảm ra khỏi chính mình. Chính Người đưa chúng ta tới suối nguồn của mọi ủi an, nghĩa là tới Thiên Chúa Cha. Và đó là sự hoán cải. Vậy xin anh chị em hãy để cho mình được Chúa an ủi! Hãy để Chúa an ủi anh chị em!
Đức Trinh Nữ Maria là “con đường” mà chính Thiên Chúa đã chuẩn bị dể đến trong thế gian. Chúng ta hãy tín thác nơi Mẹ việc mong chờ ơn cứu độ và hòa bình của tất cả mọi người trong thời đại chúng ta.