Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Nước Chúa ở trong chúng ta

Nước Chúa lớn lên mỗi ngày nhờ những chứng nhân “không ồn ào”, những người âm thầm sống đời cầu nguyện và đức tin trong gia đình, nơi công sở, trong cộng đoàn. Đó là ý chính bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng ngày thứ Năm, 13 tháng 11 tại nguyện đường Santa Marta.

Trong cái tĩnh lặng của một gia đình, nơi có thể chỉ còn 50 cent để sống cho đến cuối tháng, nhưng luôn luôn có lời cầu nguyện, sự chăm sóc con cái và phụng dưỡng ông bà, nơi đó chính là Vương quốc của Thiên Chúa. Nước Chúa xa lánh sự ồn ào của đám đông, vì Nước Trời “không thu hút sự chú ý” nhưng âm thầm lớn lên như một hạt giống.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã dựa trên Tin Mừng trong ngày theo thánh Luca (x. 17, 20-25), kể lại việc những người Biệt Phái đã hỏi Chúa Giêsu “bao giờ Nước Chúa đến”. Chúa Giêsu trả lời: Nước Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Và người ta không nói ‘ở đây này! hay ở đằng kia kìa!, vì Nước Chúa đang ở giữa các ông”. Đức Thánh Cha nói: “Nước Chúa không phải là một quang cảnh. Quang cảnh thường là một bức tranh biếm họa về Vương quốc của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Một quang cảnh sao! Thiên Chúa không bao giờ nói rằng Nước Chúa là một quang cảnh cả. Đó là một lễ hội. Nhưng có khác biệt. Chắc chắn đó là một lễ hội tưng bừng! Và Nước Trời sẽ là một lễ hội chứ không là một quang cảnh. Tuy nhiên, chúng ta là những người yếu đuối nên thích những quang cảnh hoành tráng hơn”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng là những lễ hội thường được biến thành những quang cảnh - tiệc cưới chẳng hạn, người ta thường cố ý biến nó thành một buổi trình diễn thời trang, một dịp khoe khoang, một thứ phù hoa thay vì là dịp đón nhận Bí Tích. Nước Thiên Chúa là sự tĩnh lặng như hạt giống, nó phát triển âm thầm tự bên trong. Chúa Thánh Thần bảo dưỡng hạt giống này qua việc sẵn sàng chuẩn bị một mảnh đất nơi tâm hồn của chúng ta. Trích dẫn những lời của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói ngày đó sẽ đến khi Nước Chúa được thể hiện trong tất cả sức mạnh của nó, nhưng ngày đó sẽ là ngày thế mạt.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng việc mời gọi cộng đoàn hãy nài xin Thiên Chúa ban cho ân sủng “để nuôi dưỡng vương quốc Thiên Chúa ở trong chúng ta” bằng “lời cầu nguyện, thờ phượng, phục vụ, bác ái, tĩnh lặng.”

2. Chúng ta sẽ trao tặng điều gì cho tương lai?

Chúng ta sẽ để lại điều gì cho tương lai. Đó là câu hỏi Đức Thánh Cha đặt ra trong thánh lễ sáng thứ Sáu 14 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

“Chúng ta dạy cho thiếu nhi những gì chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I: tiến bước trong tình yêu và sự thật. Hay chúng ta dạy cho các em thiếu nhi chỉ bằng những lời nói suông, cuộc sống của mình thì lại đi theo hướng khác. Trách nhiệm của chúng ta là trông nom cho những thiếu nhi này! Một Kitô hữu phải có trách nhiệm chăm sóc trẻ em, những người nhỏ bé và hướng dẫn đức tin cho chúng bằng chính đời sống của mình, bằng cả tâm hồn mình. Chúng ta phải giúp những tâm hôn nhỏ bé lớn lên”.

Đức Thánh Cha nói rằng, tất cả mọi thứ sẽ tùy vào thái độ của chúng ta như thế nào đối với trẻ em. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Thái độ của tôi là gì?” “là cha mẹ, anh chị, chúng ta có giúp các em lớn lên không hay là chỉ lo cho chính mình?”

“Chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm trao ban điều tốt đẹp nhất, đó là đức tin của chúng ta: trao ban đức tin cho các em bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Nói mà không làm gương thì chẳng có ích gì. Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay đầy những hình ảnh, ai cũng có những chiếc điện thoại thông minh để thấy những hình ảnh. Nên phải là hình ảnh! Phải làm gương! Đó chính là điều mà chúng ta trao lại cho chúng?

Trong bài giảng Đức Thánh Cha cũng đặt ra một số câu hỏi cho các em thiếu nhi là những bé sẽ được rước lễ lần đầu và Thêm sức.

Đức Thánh Cha nói rằng chính Bí Tích Rửa Tội “mở cửa cho đời sống Kitô hữu” để bước vào một “cuộc hành trình của đời sống mới”. Cuộc hành trình như được diễn tả trong thư của Thánh Gioan tông đồ ở bài đọc thứ I: “bước đi trong chân lý và tình yêu”. Sau đó trên hành trình này sẽ nhận những bí tích khác như hôn nhân. Nhưng Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, “điều quan trọng là phải biết sống hành trình này như thế nào, biết sống như thế nào để nên giống như Chúa Giêsu”.

Đức Thánh Cha đã đàm thoại thật linh động với giới trẻ, ngài hỏi họ tại sao đi lễ: “để được thấy ngài”, một em trả lời như vậy. Đức Thánh Cha đáp: “Tôi cũng rất vui được gặp các em: “Các em đến để thấy tôi, đúng như vậy… Nhưng cũng là để thấy Chúa Giêsu. Các em đồng ý không? Hay là chúng ta bỏ Chúa Giêsu sang một bên?” Tất cả các em đều la to: “không phải như vậy!”

Đức Thánh Cha đã hỏi những em nào đã được Rước Lễ Lần Đầu và chịu Phép Thêm Sức, ngài nhắc nhở rằng Phép Rửa “mở ra cho chúng ta cánh cửa của đời sống Ki-tô” và khai mạc “một hành trình trong suốt cuộc đời.”

Ngài kết luận: Con đường này phải đi theo “trong chân lý và tình yêu”, như Chúa Giêsu đã sống. Để được như vậy, cần phải “cầu nguyện”, “cầu xin Chúa, cầu xin Đức Mẹ để được trợ giúp trên hành trình này”, “hãy cầu xin Chúa Giêsu trợ giúp chúng ta để có thể tiến bước trong chân lý và tình yêu.”

3. Ðức Giêsu đi trên mặt nước

Khi ấy Ðức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình, còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió, còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!", và sợ hãi la lên. Ðức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" Ông Phêrô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài". Ðức Giêsu bảo ông: "Cứ đến!" Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!"

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ em. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ cũng không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ tợn như một hung thú.

Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: "Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm", đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: "Ðọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin".

Ông Chrgwin, tác giả đã viết câu chuyện trên trong quyển sách mang tựa đề "Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo" đã kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ Ishi-I đi hành quyết. Họ đã không gặp được tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

Đức tin có sức mạnh vạn năng. Đức tin từ việc đọc Lời Chúa hàng ngày có thể biến đổi tâm hồn một tên sát nhân giết người không gớm tay như anh Tokichi Ishi-I và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.

4. Đức Thánh Cha nói chủ chăn không được độc đoán nhưng phải khiêm tốn và biết lắng nghe

Ý thức chức thừa tác là một ơn Chúa ban chứ không phải vì mình thông minh, tài giỏi, tốt lành hơn người khác sẽ giúp các Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế biết sống khiêm tốn, cảm thông, thương xót, biết lắng nghe và học hỏi từ người khác, chứ không độc đoán, làm như thể cộng đoàn là của riêng mình và mọi người phải quỳ phục dưới chân mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với háng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi găp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 12 tháng 11.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý bàn về các đức tính mà các thừa tác viên của Giáo Hội phải có để sống việc phục Giáo Hội một cách đích thực và phong phú.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Trong bài giáo lý trước chúng ta đã minh nhiên sự kiện Chúa tiếp tục chăn dắt đoàn chiên Ngài qua chức thừa tác của các giám mục, linh mục và phó tế. Chính nơi các vị, Chúa Giêsu hiện diện, trong quyền lực của Thần Khí Ngài, và tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng cách dưỡng nuôi đức tin, đức cậy, đức mến trong Giáo Hội. Như thế, các chức thừa tác này là một ơn lớn lao Chúa ban cho mỗi cộng đoàn kitô và cho toàn thể Giáo Hội, theo nghĩa đó là một dấu chỉ sống động nói lên sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Vậy chúng ta có thể tự hỏi đâu là điều được đỏi hỏi nơi các thừa tác viên này của Giáo Hội, để họ có thể sống việc phục vụ của mình một cách đích thật và phong phú?

Trong các “Thư mục vụ” gửi các môn đệ của mình là Timoteo và Tito, tông đồ Phaolô cẩn thận dừng lại trên gương mặt của các giám mục, linh mục và phó tế, bằng cách phác họa ra ơn gọi của các vị và các đức tính cần được nhận ra nơi những người được chọn và trao phó cho các chức thừa tác này.

Cùng với các ơn gắn liền với đức tin và cuộc sống tinh thần, có vài đức tính rất nhân bản được liệt kê ra: sự tiếp đón, thanh đạm, kiên nhẫn, hiền dịu, có thể tin cậy, có con tim tốt. Đó là mẫu tự, đó là văn phạm nền tảng của mỗi chức thừa tác. Nó phải là văn phạm nền tảng của mỗi giám mục, mỗi linh mục, mỗi phó tế. Phải, vì nếu không có bản chất xinh đẹp và thật sự này để gặp gỡ, hiểu biết, đối thoại, trân qúy và liên lạc với các anh em khác một cách tôn trọng và chân thành, thì không thể phục vụ và cống hiến một chứng tá thực sự tươi vui và đáng tin cậy.

Thế rồi còn có một cung cách nền tảng mà thánh Phaolô khuyên nhủ các môn đệ của người và tất cả những ai được thụ phong chức thừa tác mục tử. Thánh tông đồ khích lệ họ liên tục làm sống lại ơn đã nhận lãnh (X. 1 Tm 4,14; 2 Tm 1,6). Điều này có nghĩa là họ phải luôn luôn sống trong ý thức rằng mình không phải giám mục, linh mục hay phó tế bởi vì mình thông minh hơn, tài giỏi hay tốt hơn các người khác, nhưng chỉ vì đó là một ơn, một ơn của tình yêu Thiên Chúa đã rộng ban, trong quyền năng Thần Khí của Người, cho thiện ích của dân Người. Ý thức này thật là quan trọng, và nó là một ơn cần phải xin mỗi ngày.

Thật thế, một Mục tử ý thức được rằng chức thừa tác của mình chỉ nảy sinh duy nhất từ lòng thương xót và từ con tim của Thiên Chúa sẽ không bao giờ có thái độ quyền uy, làm như thể là tất cả mọi người phải qùy dười chân mình và cộng đoàn là của riêng mình, là vương quốc của mình.

Ý thức rằng tất cả là quà tặng, tất cả là ơn thánh, cũng giúp một Mục tử không rơi vào chước cám dỗ đặt mình làm trung tâm sự chú ý và chỉ tin tưởng nơi chính mình. Thật khốn cho một giám mục, một linh mục, hay một phó tế nghĩ rằng mình biết hết mọi sự, luôn luôn có câu trả lời đúng cho mọi chuyện, và không cần tới ai hết! Trái lại, ý thức mình là người đầu tiên là đối tượng lòng thương xót và cảm thương của Thiên Chúa phải dẫn đưa một vị thừa tác tới chỗ luôn luôn khiêm tốn và cảm thông đối với người khác. Tuy ý thức là mình được mời gọi can đảm giữ gìn kho tàng đức tin (x. 1 Tm 6,20) người ấy vẫn phải lắng nghe dân chúng. Thật vậy, họ ý thức được rằng mình luôn luôn học hỏi được điều gì đó, cả từ những người còn xa đức tin và xa Giáo Hội. Rồi với các anh em mình tất cả phải đưa tới chỗ có một cung cách hành xử mới, mang dấu vết của sự chia sẻ, tinh thần đồng trách nhiệm và sự hiệp thông.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải luôn luôn nhớ ơn Chúa, bởi vì nơi con người và trong chức thừa tác của các giám mục, linh mục và phó tế, Người tiếp tục hướng dẫn và đào tạo Giáo Hội Người, khiến cho nó lớn lên dọc dài con đường nên thánh. Đồng thới chúng ta cũng phải tiếp tục cầu nguyện, để cho các Mục Tử của các cộng đoàn chúng ta là hình ảnh sống động của sự hiệp thông và tình yêu thương của Thiên Chúa.

5. Đừng cất giấu ân sủng trong két sắt

Hãy sử dụng những nén bạc Chúa trao để phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân chứ đừng giấu chúng trong két sắt. Đức Thánh Cha đã nói như trên khi diễn giải ý nghĩa của Tin Mừng Chúa Nhật thứ 33 thường niên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16 tháng 11.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến!

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay theo thánh Mát-thêu là dụ ngôn về những nén bạc. Dụ ngôn kể về ông chủ, trước khi lên đường đi xa, cho gọi các đầy tớ đến và giao phó cho họ tài sản của ông qua những nén bạc, là tiền tệ có giá trị lớn thời bấy giờ. Ông chủ này giao phó cho người đầy tớ thứ nhất năm nén bạc, người thứ hai hai nén, và người thứ ba một nén. Trong thời gian ông chủ đi vắng, ba đầy tớ này phải làm cho những tài sản này sinh lợi. Người đầy tớ thứ nhất và thứ hai, mỗi người làm lợi gấp đôi số vốn được trao ban đầu; tuy nhiên, người thứ ba, vì sợ mất trắng, nên đã chôn vùi nén bạc đã nhận trong hố sâu. Đến khi chủ trở về, hai người đầy tớ đầu tiên nhận lãnh được lời khen và phần thưởng, trong khi người thứ ba, thì chỉ hoàn trả lại số tiền đã nhận, nên đã bị khiển trách và trừng phạt.”

Đức Thánh Cha giải thích dụ ngôn này như sau:

“Ý nghĩa của dụ ngôn này thật rõ ràng. Ông chủ trong dụ ngôn này là Chúa Giêsu, những đầy tớ là chúng ta và những nén bạc là tài sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Những tài sản nào? Lời Chúa, Thánh Thể, và niềm tin vào Cha trên trời, sự tha thứ của Người...tóm lại, rất nhiều thứ, những điều thiện hảo quý giá nhất của Người. Đây là tài sản mà Người đã ủy thác cho chúng ta. Không chỉ để chúng ta trông coi, nhưng còn phải làm cho sinh lời. Trong khi việc sử dụng từ “tài năng” cách chung diễn tả một đặc tính cá nhân đặc biệt – chẳng hạn như tài năng về âm nhạc, về thể thao,...- trong dụ ngôn những tài năng hay nén bạc tượng trưng cho những điêu thiện hảo của Thiên Chúa, mà Ngài đã ủy thác để chúng ta để làm cho chúng sinh lời. Cái hố được đào dưới đất bởi người “đầy tớ xấu xa và biếng nhác” (26) diễn tả nỗi sợ sự rủi ro là thứ đã bóp nghẹt sự sáng tạo và sự phong phú của tình yêu. Vì nỗi sợ rủi ro trong tình yêu sẽ bóp nghẹt chúng ta. Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta phải bảo quản ân ban của Ngài trong két sắt! Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta như thế, nhưng mong muốn rằng chúng ta sử dụng nó để sinh lợi cho tha nhân. Tất cả những điều thiện hảo mà chúng ta nhận lãnh là để trao ban cho tha nhân, và như thế là sinh lợi. Như thể Ngài nói với chúng ta rằng :“Đây là lòng thương xót của Ta, sự âu yếm của Ta, sự tha thứ của Ta: hãy nhận lấy và sử dụng chúng một cách hào phóng.” Và chúng ta đã làm được những gì? Chúng ta phải lan truyền đức tin cho ai? Chúng ta đã động viên bao nhiêu người với niềm hy vọng của chúng ta? Chúng ta đã chia sẻ bao nhiêu tình yêu đến cho những người xung quanh? Đó là những câu hỏi sẽ làm cho chúng ta trở nên hoàn thiện. Dù trong môi trường nào, thậm chí là nơi xa xăm nhất và bất khả thi nhất, đều có thể trở nên nơi chốn làm cho những nén bạc sinh lời. Chẳng có hoàn cảnh và nơi chốn riêng biệt nào có thể ngăn cản sự hiện diện và những chứng tá của các Kitô hữu. Những chứng tá mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta không phải để đóng kín, nhưng là mở rộng, đều tùy thuộc vào chúng ta.

Dụ ngôn này khuyến khích chúng ta không được che giấu niềm tin và sự thuộc về Chúa Kitô của chúng ta, không được chôn vùi Lời Chúa, nhưng phải để nó lan truyền trong đời sống của chúng ta, trong những tương quan, trong những hoàn cảnh cụ thể, như là sức mạnh nâng đỡ giữa khủng hoảng, để tinh lọc, để đổi mới. Như thế thậm chí sự tha thứ, mà Thiên Chúa đã ân ban cách đặc biệt cho chúng ta trong Bí tích Hòa Giải: đừng chỉ giữ khư khư nơi bản thân chúng ta, nhưng hãy để sức mạnh của Thiên Chúa lan tỏa, một sức mạnh giúp đạp đổ những bức tường mà cái tôi của chúng ta đã dựng lên, giúp chúng ta chủ động trong các tương quan tan vỡ, để nối lại những cuộc đối thoại ở những nơi không còn sự truyền thông... Phải làm như thế. Phải làm cho những tài năng, những món quà, những ân ban mà Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta, đến được với tha nhân, lớn lên, và kết trái, cùng với chứng tá của chúng ta.

Cha tin rằng hôm nay sẽ là một cử chỉ tốt đẹp để mỗi người trong chúng con mang Tin Mừng về nhà, Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chương 25, từ câu 14 đến 30, Mt 25, 14-30, hãy đọc Tin Mừng, và hãy suy niệm một chút: “Những nén bạc, sự dư dật, tất cả những điều thiêng liêng, lòng tốt và cả Lời Chúa mà Người đã trao ban, tôi sẽ làm cho chúng sinh lợi cho tha nhân như thế nào đây? Hay là chỉ cất giấu chúng trong két sắt?”

Hơn nữa, Thiên Chúa không trao ban cho tất cả mọi người mọi thứ theo cùng một cách thức như nhau: Ngài thấu hiểu chúng ta một cách cá vị và trao ban cho chúng ta điều phù hợp; nhưng trong tất cả, trong tất cả có một thứ ngang bằng nhau: sự tín nhiệm to lớn và như nhau. Thiên Chúa đã tin cậy chúng ta, Thiên Chúa hy vọng nơi chúng ta. Và đây là điều như nhau cho tất cả. Đừng làm cho Người thất vọng! Đừng để mình bị lừa dối bởi sợ hãi, nhưng hãy đáp lại sự tin cậy bằng sự tin cậy! Đức Trinh Nữ Maria là hiện thân tiêu biểu của thái độ này với một cách thức viên mãn và đẹp đẽ nhất. Mẹ đã nhận lãnh và đón tiếp tặng phẩm tuyệt vời nhất, Đức Giêsu làm Người, và đến lượt mình Mẹ đã tặng ban cho loài người Chúa Giêsu với cả con tim quảng đại. Hãy van nài Mẹ phù giúp chúng ta trở thành “những đầy tớ tốt lành và trung tín”, để xứng đáng vào hưởng “niềm vui của Thiên Chúa chúng ta.”