Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Khi cầu nguyện, chúng ta xin nhiều thứ, nhưng ơn lớn nhất mà Thiên Chúa ban chính là Thánh Thần. Đó là ý chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, dựa vào bài Tin Mừng trong Thánh Lễ sáng thứ Năm 09 tháng 10 tại nguyện đường Santa Marta. Bài Tin Mừng kể lại dụ ngôn về một người sẽ nhận được những gì anh ta cần nếu anh ta kiên trì cầu xin.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót”. Đức Thánh Cha rút ra kinh nghiệm này là khi cầu nguyện, chúng ta hãy xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta và những gì chúng ta nhận được “nhờ lời cầu xin vượt quá những gì chúng ta ước mong”.
“Điều này khiến tôi suy nghĩ: đó chính là lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài không chỉ tha thứ nhưng còn quảng đại trao ban cho chúng ta vô vàn. Chúng ta cầu xin và những gì chúng ta nhận được nhiều hơn chúng ta ước mong. Khi cầu nguyện, chúng ta xin điều này, điều nọ và Ngài luôn ban cho chúng ta nhiều và thật nhiều!”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh ba từ chủ yếu trong Tin Mừng hôm nay là: “Bạn bè, Thiên Chúa và hồng ân”. Chúa Giêsu cho các môn đệ hiểu cầu nguyện là như thế nào. Điều này giống như một người đến nhà bạn mình vào nửa đêm để xin cái gì đó. Trong cuộc sống, chúng ta “có những người bạn thân” những người thực sự sẽ cho ta tất cả. Một số bạn khác thì “ít thân hơn hoặc là thường thường”. Và khi chúng ta xin và buộc bạn điều gì thì “vì mối dây bạn bè họ sẽ đáp ứng những gì chúng ta cần”.
Chúa Giêsu đi xa hơn để nói về Chúa Cha. “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.”
Không chỉ như là người bạn đồng hành với chúng ta trên hành trình cuộc sống, để trợ giúp chúng ta và ban cho chúng ta những gì chúng ta xin, mà Cha còn ở trên trời”, Đấng yêu thương chúng ta vô vàn, như Chúa Giêsu nói rằng Cha còn quan tâm không để cho một con chim thiếu ăn. Ở điểm này, Chúa Giêsu muốn chúng ta tin tưởng vào lời cầu nguyện. Ngài nói: “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. “Hãy xin, hãy tìm và hãy gõ cửa trái tim của Thiên Chúa! Cha sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Ngài.”
“Thánh Thần chính là hồng ân vĩ đại nhất. Khi bạn xin Chúa, Thiên Chúa sẽ cho bạn một món quà mà không quên gói nó lại, làm cho quà tặng đẹp hơn. Đó chính là Thánh Thần mà Cha ban cho chúng ta. Nhờ lời cầu nguyện, Cha ban cho chúng ta hơn điều chúng ta ước mong. “Con xin Cha ban cho con ân sủng này, con xin điều này, con hy vọng rằng Ngài sẽ ban cho con.” Ngài là Cha chúng ta, Ngài sẽ ban cho chúng ta. Ngài sẽ ban Thánh Thần.
“Anh chị em xin với một người Bạn, người đồng hành cùng anh chị em trong cuộc sống, anh chị em cầu xin với Cha và anh chị em cầu xin trong Chúa Thánh Thần. Người bạn ấy chính là Chúa Giêsu.”
“Chúa Giêsu đồng hành cùng chúng ta và dạy chúng ta cầu nguyện. Và lời cầu nguyện của chúng ở trong Ba Ngôi. Có người sẽ đặt vấn đề với chúng ta “Anh có tin không? Ta trả lời “Vâng! Tôi tin!” “Anh tin vào điều gì? ‘Thiên Chúa’; “Nhưng Thiên Chúa là gì đối với anh?’ “Là Chúa”; “Nhưng Thiên Chúa đâu có hiện hữu!” Anh chị em đừng có sốc! Thiên Chúa là Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngài là những Ngôi vị. Thiên Chúa không phải là ý tưởng mơ mộng trên mây. Ngài là những Ngôi vị đang hiện hữu. Chúa Giêsu là bạn đồng hành của chúng ta trên hành trình, Đấng ban tặng cho chúng ta những gì chúng ta xin; Chúa Cha là Đấng chăm sóc và yêu thương chúng ta; Chúa Thánh Thần là quà tặng, là hồng ân đến từ Chúa Cha, một hồng ân vĩ đại mà lòng chúng ta không dám ước mong.”
2. Gợi nhớ lịch sử đời mình là cơ hội tốt để cầu nguyện
Thiên Chúa đã chọn lựa một dân tộc và Ngài dõi bước theo họ trong suốt cuộc hành trình sa mạc, ngang qua cuộc đời của họ. Những gì Thiên Chúa đã thực hiện với dân riêng của Ngài thì Ngài cũng đang làm điều đó cho mỗi người chúng ta là những người đã được chọn không phải vì sự tốt lành của chúng ta nhưng bởi tình yêu của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô là một người hăng say bắt bớ Hội thánh đã nhớ lại những gì mình đã làm. Thánh nhân không nói rằng “do tôi tốt, tôi là con của gia đình này, tôi thuộc hàng quý tộc kia …” Không phải vậy! Thánh Phaolô thú nhận: “Tôi là một kẻ bách hại, tôi đã làm chuyện xấu xa”. Phaolô nhớ lại cuộc hành trình ban đầu của mình.
Việc nhớ lại hành trình cuộc đời không phải là một thói quen phổ biến. Nhưng chúng ta đừng quên quá khứ, chúng ta đang sống trong thời hiện tại nhưng đừng quên đi quá khứ. Và mỗi chúng ta có một câu chuyện riêng… một câu chuyện của ân sủng, một câu chuyện tội lỗi, một câu chuyện về cuộc hành trình, rất nhiều điều … Việc gợi nhớ lịch sử đời mình là cơ hội tốt để cầu nguyện. Một lời cầu nguyện tương tự như Phaolô, như khi ngài thốt lên: “Thiên Chúa chọn tôi. Chính Ngài gọi tôi! Ngài đã cứu tôi! Ngài là bạn đồng hành của tôi trong cuộc hành trình ….”
Việc nhớ lại hành trình đời mình là để tôn vinh Thiên Chúa. Nhớ lại tội lỗi của chúng ta và qua đó Chúa đã cứu chúng ta là để tôn vinh Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói rằng, ngài chỉ biết có hai điều thôi: tội lỗi của mình và ân sủng nơi Đấng chịu đóng đinh, ân sủng của Chúa. Thánh Phaolô tự hào về những tội lỗi của mình. Tôi là một kẻ tội lỗi, nhưng Chúa Kitô chịu đóng đinh đã cứu tôi và ngài tự hào về Chúa Kitô.
Khi Chúa Giêsu nói với Martha:… Con lo lắng và bối rối nhiều chuyện quá, chỉ cần một điều thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất. Chúa muốn nói điều gì? Lắng nghe Lời Chúa và ghi nhớ. Anh chị em không thể cầu nguyện nếu như không thể nhớ đến câu chuyện đời mình. Mỗi người chúng ta đều có một góc riêng nào đó. Và với câu chuyện từ trái tim, chúng ta đi dần đến với cầu nguyện. Thường thì chúng ta hay bị phân tâm, giống như Martha, vì công việc, vì quá nhiều vấn đề trong ngày, vì những điều mà chúng ta phải làm và chúng ta quên câu chuyện đời mình.
Mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa không phải bắt đầu vào ngày rửa tội. Mối liên hệ này đã có từ muôn thuở. Khi Thiên Chúa nhìn đến chúng ta và chọn chúng ta. Mọi chuyện khởi đi từ trái tim của Thiên Chúa.
Luôn nhớ rằng, chúng ta đã được tuyển chọn, được Thiên Chúa chọn. Hãy nhớ lại hành trình của giao ước. Chúng ta có tôn trọng giao ước này hay không? Chúng ta là những tội nhân và chúng ta đừng quên điều đó và chúng ta nhớ lời hứa của Thiên Chúa đối với chúng ta để không bao giờ thất vọng, nhưng tràn đầy hy vọng. Đó là lời cầu nguyện đích thực.
Kết luận bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện với Thánh Vịnh 138: “Chúa dò thấu con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi, con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa”. Đó là lời cầu nguyện để nhớ đến sự hiện diện của Thiên Chúa bởi vì câu chuyện của chúng ta là câu chuyện về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người câm bị quỷ ám.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Một trong những câu chuyện thời sự được nhiều người quan tâm đã diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua tại thành phố Oklahoma, Hoa Kỳ và đã được chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican đưa tin trong mấy tuần qua.
Bất chấp những phản đối của hơn 100,000 người trong một bản kiến nghị trực tuyến, các quan chức Mỹ ở thành phố Oklahoma vẫn quyết tâm tiến hành cho kỳ được Lễ Đen thờ Satan hôm 21 tháng 9 tại Trung tâm hành chính của thành phố.
Lễ Đen thờ phượng Satan đã được thực hiện tại một hội trường nhỏ ở tầng hầm trung tâm hành chính của thành phố Oklahoma trước sự bảo vệ của một lực lượng cảnh sát đông đảo.
Ma quỷ lộng hành trong lòng các quan chức thành phố khiến họ hành động mù quáng lấy tiền đóng thuế của dân để công kích tất cả mọi thứ mà chúng ta cho là thiêng liêng và mang lại ơn cứu chuộc; và đưa ra những mối nguy hiểm tinh thần cho mọi người. Để rồi sau đó, chính những kẻ ấy chỉ một ngày sau đó đã phải thỉnh cầu Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Oklahoma City đến trừ tà cho họ vì các nhân viên làm việc tại đây cảm thấy khó chịu và không an tâm khi làm việc tại tòa nhà này.
Ma quỷ là chuyện có thật chứ không phải chỉ là chuyện tưởng tượng của các nhà văn hay các nhà đạo diễn điện ảnh như nhiều người tưởng. Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một câu chuyện đã được nêu trong Phúc Âm, đó là câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người câm bị quỷ ám.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người vào nhà một người câm bị quỷ ám.
Khi đã được Chúa Giêsu trừ quỷ cho, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: “Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel”.
Nhưng các người biệt phái nói rằng: “Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”. Họ buộc tội Chúa có liên hệ với quỷ vương để khỏi phải tin và giữ những gì Chúa dạy; hơn nữa, họ không muốn toàn dân tin theo Chúa vì họ sẽ mất uy quyền, thế lực, và những lợi nhuận vật chất.
Chúa Giêsu chẳng quan tâm đến những lời phê bình của họ, nhưng thấy đoàn lũ dân chúng, thì Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn dắt.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ma quỷ vẫn tồn tại trong thế giới chúng ta công khai như trong nghi lễ tôn thờ Satan tại thành phố Oklahoma, Hoa Kỳ, ngấm ngầm và tinh vi hơn trong các ý thức hệ kích động sa đọa, trụy lạc, sống thác loạn vô trách nhiệm, và trong những cố gắng đạp đổ định chế hôn nhân và gia đình.
Ma quỷ cũng có thể tồn tại ngay trong lòng chúng ta khi chúng ta mất dần ý thức tội lỗi và dành mọi cố gắng và năng lực để tôn thờ những ngẫu tượng như tiền tài, danh vọng và quyền lực thay vì thờ phượng Thiên Chúa là Đấng chúng ta phải kính mến hết lòng hết sức và hết trí khôn.
4. Cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất
Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ Tư 8 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tố giác sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô và mời gọi mọi người cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến
Trong các bài huấn giáo gần đây, chúng ta đã tìm cách làm nổi bật bản chất và vẻ đẹp của Giáo Hội, và chúng ta tự hỏi sự kiện chúng ta được thuộc về Dân của Giáo Hội bao hàm điều gì. Và chúng ta không quên rằng có bao nhiêu anh chị em cùng chia sẻ với chúng ta niềm tin nơi Chúa Kitô, nhưng họ thuộc các hệ phái khác hoặc thuộc các truyền thống khác với chúng ta. Nhiều người cam chịu sự chia rẽ này, sự chia rẽ qua dòng lịch sử thường là nguyên nhân gây ra những xung đột và đau khổ, cả chiến tranh nữa và đây thực là ô nhục. Cả ngày nay, các quan hệ cũng không luôn luôn đượm tinh thần tôn trọng và thân mật... Còn chúng ta, chúng ta có thái độ nào đứng trước tình trạng đó? Phải chăng chúng ta cũng cam chịu, và thậm chí có thái độ dửng dưng? Hoặc chúng ta mạnh mẽ xác tín rằng ta có thể và phải tiến bước theo chiều hướng hòa giải và hiệp thông trọn vẹn.
Nhắc lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu xin cho các môn đệ Ngài hiệp nhất, Đức Thánh Cha nói:
Những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô, khi làm thương tổn Giáo Hội thì cũng gây thương tổn cho Chúa Kitô: thực vậy, Giáo Hội là thân mình mà Chúa Kitô là đầu. Chúng ta biết rõ điều Chúa Kitô rất mong muốn, đó là các môn đệ của Ngài hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Ngài. Chỉ cần nghĩ đến những lời Chúa được thuật lại trong chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, lời nguyện Chúa dâng lên Thiên Chúa Cha liền trước cuộc khổ nạn. “Lạy Cha thánh, xin giữ gìn họ trong danh Cha, danh mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta” (Ga 17,11). Sự hiệp nhất này đã bị đe dọa trong khi Chúa Giêsu còn ở với các môn đệ: thực vậy, trong Tin Mừng, chúng ta nhớ vụ các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất (Xc Lc 9,46). Nhưng Chúa đã nhấn mạnh rất nhiều về sự hiệp nhất trong danh Chúa Cha, cho chúng ta hiểu rằng việc loan báo và làm chứng tá của chúng ta càng đáng tin cậy nếu trước đó chúng ta càng có khả năng sống hiệp thông và yêu thương nhau. Đó là điều mà các tông đồ của Chúa, với ơn của Chúa Thánh Linh, đã hiểu sâu xa sau đó và quan tâm, đến độ thánh Phaolô đi tới độ tha thiết xin Cộng đoàn Corinto với những lời như sau: “Vì thế, anh chị em, tôi xin anh chị em nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta hãy hiệp nhất trong lời nói, để đừng có chia rẽ giữa anh chị em, nhưng anh chị em hãy hiệp nhất trong tư tưởng và cảm thông” (1 Cr 1,10).
Trong hành trình lịch sử, Giáo Hội bị ma quỉ cám dỗ, hắn tìm cách chia rẽ Giáo Hội, và rất tiếc là Giáo Hội bị những phân rẽ trầm trọng và đau thương. Đó là những chia rẽ nhiều khi kéo dài trong thời gian, cho đến ngày nay, vì thế thật khó nêu rõ tất cả những lý do và nhất là tìm ra những giải pháp có thể. Những lý do đã đưa tới những rạn nứt và phân rẽ có thể rất khác nhau: từ sự khác biệt về những nguyên tắc tín lý và luân lý, và về những quan niệm thần học và mục vụ khác nhau, tới những động lực chính trị và xu thời, cho đến những cuộc đụng độ vì sự ác cảm và tham vọng cá nhân.. Điều chắc chắn là, cách này hay cách khác, đàng sau những xâu xé ấy luôn có sự kiêu ngạo và ích kỷ, là nguyên nhân gây ra mọi bất thuận và làm cho chúng ta trở nên bất bao dung, không có khả năng lắng nghe và chấp nhận những người có quan điểm và lập trường khác với chúng ta.
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi:
“Giờ đây, phải chăng đứng trước tất cả những điều ấy, có một cái gì đó mà mỗi người chúng ta, trong tư cách là phần tử của Giáo Hội là Mẹ Thánh, có thể và phải làm? Chắc chắn là không thể thiếu lời cầu nguyện, nối tiếp và hiệp thông với lời cầu của Chúa Giêsu. Và cùng với lời cầu nguyện, Chúa cũng yêu cầu chúng ta tái cởi mở: Chúa yêu cầu chúng ta đừng khép kín không đối thoại và gặp gỡ, trái lại đón nhận tất cả những gì có giá trị và tích cực mà những người nghĩ khác chúng ta hoặc có những lập trường khác, cống hiến. Chúa yêu cầu chúng ta đừng nhìn những gì chia rẽ chúng ta, nhưng đúng hơn, hãy ngắm nhìn những gì liên kết chúng ta, tìm cách biết và yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn và chia sẻ sự phong phú của tình yêu Chúa. Và điều này bao hàm một cách cụ thể thái độ gắn bó với chân lý, cùng với khả năng tha thứ cho nhau, cảm thấy mình là thành phần của cùng một gia đình, coi nhau như một món quà và cùng nhau làm bao nhiêu điều tốt lành, bao nhiêu công việc bác ái!
Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Thật là đau lòng vì có những chia rẽ, các tín hữu Kitô chia rẽ. Nhưng tất cả chúng ta đều có một điều chung: tất cả đều tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Tất cả chúng ta đều tin nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cùng nhau tiến bước. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau.. Trong tất cả các cộng đoàn Giáo Hội đều có những nhà thần học giỏi: họ hãy thảo luận, tìm kiếm chân lý thần học, vì đó là một nghĩa vụ, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và làm việc bác ái. Và như thế chúng ta hiệp thông trong hành trình, điều này gọi là phong trào đại kết tinh thần: cùng nhau đồng hành trong đức tin, trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô”.
5. Chống lại hay để ma quỷ tự do tung hoành trong lòng chúng ta?
Để ngăn chặn tội lỗi xâm nhập vào lòng chúng ta, một thực hành cổ xưa, nhưng rất tốt đó là: Kiểm điểm lương tâm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 10 tháng 10 tại nguyện đường Santa Marta.
Tin Mừng hôm nay (x. Lc 11:15-26) nhắc chúng ta nhớ rằng ma quỷ luôn quay lại chống chúng ta; nó không bao giờ thôi cám dỗ con người. “Ma quỷ là tên lì lợm”. “Hắn không bao giờ rời bỏ điều hắn muốn là tâm hồn chúng ta”.
“Trong Tin Mừng thánh Luca kể lại: Ma quỷ bỏ đi sau khi cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc nhưng trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, hắn quay lại nhiều lần như: khi hắn đưa Ngài vào những thử thách, khi hắn tìm cách cài bẫy Ngài, rồi trong cuộc khổ nạn và cuối cùng là trên thập giá. ‘Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy bước xuống khỏi thập giá đi để chúng tôi tin.’ Và chúng ta đều biết rằng những lời khiêu khích dễ làm ta vấp phạm như những lời sau: ‘Anh có thể làm điều đó được mà? Hãy chứng tỏ cho tôi thấy đi! Dở vậy sao, không được rồi! Anh không thể rồi’. Đó là cách ma quỷ đã dùng với Chúa Giêsu và bây giờ hắn lại làm như thế với chúng ta.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Chúng ta cần phải bảo vệ tâm hồn mình, nơi Chúa Thánh Thần ngự, để sự dữ không đột nhập vào được. Hãy bảo vệ tâm hồn, như dùng chìa khóa để khóa cửa nhà. Và sau đó canh giữ tâm hồn giống như như một người lính gác.”
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi như sau: “Chúng ta có thường để cho những ý nghĩ xấu xa, độc ác, ghen tị lẻn vào hồn không? Có để cho nhiều thứ xấu xa như vậy đi vào hồn không? Chúng đi vào từ đâu? Nếu tôi không kiểm điểm lương tâm thì tâm hồn tôi như một cái chợ, nơi mà tất cả mọi thứ đều có thể đến và đi. Một tâm hồn mà không có sự thân mật với Chúa, thì không thể nói chuyện với Chúa và lắng nghe tiếng Ngài được.”
“Chúa Giêsu muốn nói điều gì với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay? Nghe có vẻ hơi lạ: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán”. Ngài sử dụng từ “thu góp”. Để có một tâm hồn thu góp, một tâm hồn mà chúng ta biết những gì sẽ xảy ra, và nơi này nơi kia, anh chị em có thể thực hành như Giáo Hội từ xưa đã dạy đó là: kiểm điểm lương tâm. Ai trong chúng ta, vào cuối ngày đã tự chất vấn tâm hồn mình chưa: Hôm nay đã diễn ra điều gì trong tâm hồn tôi? Hôm nay điều gì đã ùa vào tâm hồn tôi? Nếu chúng ta không chất vấn điều này, thực sự chúng ta không biết cách canh phòng và bảo vệ tâm hồn mình cho tốt.”
Kiểm điểm lương tâm “là một ân sủng, bởi vì để bảo vệ tâm hồn mình chính là bảo vệ Chúa Thánh Thần, Đấng đang ngự trong tâm hồn chúng ta”.
“Chúa Giêsu đã nói rõ ràng ma quỷ luôn quay lại. Chúa Giêsu đã cho chúng ta một ví dụ về điều đó, nó quay lại ngay cả vào lúc cuối đời của Ngài. Và để bảo vệ, để canh chừng, để ma quỷ không nhập vào tâm hồn, chúng ta phải có khả năng “thu góp”, nghĩa là, vào cuối ngày, trong thinh lặng đặt mình trước mặt Chúa, chúng ta tự chất vấn: “Hôm nay điều gì diễn ra trong tâm hồn tôi? Có điều xấu nào ùa vào tâm hồn tôi mà tôi không hay không? Tôi có làm một chìa khóa canh giữ cánh cửa tâm hồn không? Và chính những điều đó sẽ giúp chúng ta bảo vệ bản thân mình khỏi tội lỗi, thậm chí chống lại được ma quỷ, vốn là tên rất mưu mô và luôn tìm dịp đi vào tâm hồn ta, thậm chí hắn sẽ quay lại vào cuối đời của ta .”