CHIA SẺ VỚI EM

“UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”


N2T


Em thân mến,

“Uống nước nhớ nguồn” là câu ca dao không những của người Việt mình, mà hình như các dân tộc nào cũng có những câu tương tự như thế, để nói lên được tâm tình của những người hôm nay tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân đi trước đã vì thế hệ mai sau mà xây dựng những công trình vĩ đại hoặc lớn hoặc nhỏ.v.v…

Đối với Giáo Hội cũng thế, từ những công trình này đến những công trình khác, từ những xây dựng giáo xứ này đến giáo xứ khác, mà cụ thể là giáo xứ mà em đang sống, đang sinh hoạt có được như ngày hôm nay đều là do công lao của các linh mục tiền nhiệm. Có giáo xứ đã mấy trăm năm tồn tại, có giáo xứ chỉ mấy mươi năm hoặc có giáo xứ chỉ mấy năm mà thôi, nhưng bất kể là bao nhiêu năm thì công lao gầy dựng của các cha sở tiền nhiệm thật là to lớn, thế nhưng, như có lần em hỏi anh trong dịp dự lễ an táng của một linh mục về hưu là: tại sao có rất ít giáo dân đi tham dự thành lễ an táng của ngài, mặc dù hôm đó là ngày thứ bảy, là ngày nghỉ cuối tuần ?

Trong tâm tình đó, anh xin chia sẻ với em như sau:

1. Cha sở là gia trưởng trong giáo xứ.

Cộng đoàn giáo xứ là một Giáo Hội nhỏ tại địa phương, mà linh mục chánh xứ -chúng ta gọi là cha sở- chính là gia trưởng của đại gia đình ấy. Đã là gia trưởng thì ngài có quyền được mọi thành phần giáo dân trong giáo xứ yêu mến, vâng lời và tôn trọng như các bậc phụ huynh trong gia đình, đó chính là đạo hiếu của người Ki-tô hữu.

Là gia trưởng vì ngài thay mặt Giáo Hội, thay mặt Đức Giám Mục coi sóc giáo xứ như một người gia trưởng; là cha vì ngài đã sinh ra chúng ta trong bí tích Rửa Tội để chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, là mục tử vì ngài đã dẫn dắt nuôi sống linh hồn chúng ta qua bí tích Thánh Thể và các bí tích khác, để chúng ta được sống đời đời với Thiên Chúa.

Cha sở cần được giáo dân yêu mến như yêu mến như cha ruột của mình, bởi vì trong bí tích Truyền Chức Thánh, Đức Chúa Giê-su đã thánh hóa và nâng các ngài lên hàng cộng tác đăc lực của Ngài, vì thế không lạ gì khi gọi các linh mục là “Chúa Ki-tô thứ hai”; ngài cần được giáo dân vâng lời trong vấn đề đức tin và luân lý, vì những điều ấy làm cho chúng ta kết hợp mật thiết với Đức Chúa Giê-su và Giáo Hội hơn, nhất là vì đức vâng lời sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện khác, nhờ sự vâng lời cha sở mà giáo xứ ngày càng phát triển và đoàn kết hơn; ngài cần được giáo dân tôn trọng như họ đã tôn trọng phụ thân của mình, bởi vì ngoài việc ngài là linh mục ra, thì cha sở còn là người đại diện Thiên Chúa và giám mục để hướng dẫn chúng ta sống làm người Ki-tô hữu đẹp lòng Thiên Chúa.

2. Tính liên tục của cha sở.

Trong một gia đình hể người cha qua đời thì gia đình đó coi như không còn phụ thân, nhưng đại gia đình giáo xứ thì cha sở sẽ mãi mãi nối tiếp nhau để nuôi dạy giáo dân bằng Mình Thánh Chúa và Lời Chúa, và qua các bí tích cha sở sẽ đem nguồn ân sủng của Chúa xuống trên họ. Cho nên khi đã thành lập một giáo xứ, nếu không có lý do quá đặc biệt (như chiến tranh) thì cha sở này đổi đi thì cha sở khác đến để bảo đảm tính liên tục của gia đình giáo xứ. Vì thế, không lạ gì khi sai phái một linh mục đến làm cha sở giáo xứ nào thì Đức Giám Mục địa phận đích thân (hoặc ủy quyền cho vị đại diện ngài) đến giới thiệu với giáo dân, để tính pháp lý và để giáo dân thấy tình yêu của Thiên Chúa luôn hiện diện trong cộng đoàn Giáo Hội.

Tính liên tục của cha sở được thấy rất rõ trong nhiệm vụ cai quản thánh hóa và giảng dạy của ngài, cha sở này đi thì cha sở khác đến, cứ thế liên tục tiếp nối như sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa trong cộng đoàn giáo xứ. Mà quả thật như vậy, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói “ai tiếp đón các con là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Giáo xứ không thể thiếu vắng cha sở, cũng như trong gia đình không thể thiếu vắng gia trưởng, bởi vì như một gia trưởng tận tụy vì đoàn con thế nào thì cha sở cũng vì giáo xứ mà hy sinh như vậy, cho nên không lạ gì có nhiều cha sở sống chết vì đàn chiên của mình, đó không phải là yêu thương tiếp nối yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta cách hữu hình hay sao ?

3. Cha sở là biểu tượng Đức Tin của giáo dân.

Giáo dân sẽ sống đạo trưởng thành hơn khi cha sở của mình có một đức tin vững mạnh, đương nhiên là như thế, bởi vì cha sở là biểu tượng đức tin của giáo dân mình. Thánh Gioan Maria Vianney là một điển hình sống động, chính ngài đã làm cho một giáo xứ (họ đạo Ars) mà giáo dân hầu như mất đức tin đã trở thành giáo xứ gương mẫu, giáo dân của ngài đã tìm lại được đức tin của mình qua vị cha sở tràn đầy yêu thương và vững mạnh đức tin...

Chính giáo dân nhìn vào cha sở của mình để sống đức tin và sống đạo, có những khi chúng ta nghe được giáo xứ này có cha sở kiên cường dám chấp nhận hy sinh vì đàn chiên, giáo xứ kia cha sở có đức tin mạnh mẽ khi phải đương đầu với những cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Hơn thế nữa, chính cha sở sẽ là người trước tiên mà giáo dân tìm đến để xin ý kiến hay nhận sự an ủi khi Giáo Hội hoặc chính bản thân họ bị bách hại hay gặp đau khổ.

Em thân mến,

Những điều anh chia sẻ trên chỉ là điểm nổi bật, còn những hy sinh khác của các cha sở mà công lao của các ngài đối với giáo dân rất là to lớn, nhất là những giáo dân của các ngài, bởi vì khi chúng ta sinh ra và cho đến khi chúng ta nhắm mắt lìa cõi đời này, thì chính cha sở sẽ là người cha linh hồn lo liệu tất cả cho chúng ta mọi sự, từ bí tích Rửa Tội cho đến thánh lễ cuối cùng (lễ an táng) cách trọn vẹn, để chúng ta được hân hoan tiến đến tòa phán xét của Thiên Chúa và được Chúa cùng toàn thể các thiên thần, chư thánh hân hoan chào đón chúng ta vào Nước Trời.

Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta nhớ đến những công lao to lớn ấy của các cha sở ? Có những nơi khi cha sở đổi qua giáo xứ khác thì quên mất ngài, có những cha sở đã về hưu trong nhà hưu dưỡng thì có bao nhiêu giáo dân đến thăm và giúp đỡ các ngài, và đau khổ nhất là khi các ngài qua đời thì chẳng có ai biết để đọc cho các ngài một vài kinh nguyện, hoặc chí ít là đến tham dự lễ an táng của các ngài, mặc dù họ vẫn biết tin ngài qua đời.

“Uống nước nhớ nguồn” không phải chỉ là câu nói suông trên miệng hay khoe khoang chữ nghĩa của những người có chút chữ nghĩa, nhưng là một đạo hiếu, đạo làm người của con người, và hơn nữa nó còn là đạo lý cho những người có lương tâm. Người Ki-tô hữu sống đạo hiếu không phải chỉ là hiếu thảo với cha mẹ mình nhưng còn là hiếu nghĩa với các cha sở của mình nữa, bởi trong đức tin chính cha sở là cha linh hồn của mình, trong tinh thần chính cha sở là thầy dạy chân lý của mình, và trong tình cảm con người với nhau, cha sở chính là người anh an ủi và động viên mình trong đời sống con người.

Thật buồn biết bao, khi trong giáo xứ không thấy hình ảnh lưu niệm các cha sở đã đến làm cha sở trong giáo xứ, bởi vì “mắt có thấy thì lòng mới dấy”, tức là có thấy hình ảnh các ngài thì lòng giáo dân mới tưởng nhớ và cầu nguyện cho các ngài, và càng buồn hơn nữa khi có rất ít giáo dân nhớ đến ngày giỗ của các ngài để dâng lễ cầu nguyện cho các ngài.

“Uống nước nhớ nguồn” không chỉ dành riêng cho giáo dân mà thôi, nhưng còn dành cho các linh mục chánh xứ nữa, bởi vì nếu các ngài không nhắc nhở giáo dân nhớ đến các cha sở đã qua đời hoặc đã đổi qua xứ khác để cầu nguyện cho các ngài, thì giáo dân sẽ ít người nhớ đến; nếu các linh mục chính xứ nhớ đến các vị tiền nhiệm của mình (dù đã qua đời hay còn sống) mà lưu giữ các hình ảnh của các ngài và để vào một nơi trang trọng trong nhà xứ, thì chắc chắn giáo dân cũng sẽ nhớ đến mình sau này, bởi vì việc làm tốt lành thì cứu được nhiều linh hồn và giúp ích cho những người khác vậy.

“Uống nước nhớ nguồn” chính là lòng biết ơn của chúng ta –những giáo dân- đối với các cha sở của mình, lòng biết ơn này không có gì đẹp và cao quý cho bằng cầu nguyện cho các ngài để các ngài làm tròn bổn phận mà Chúa đã giao phó cho các ngài khi còn sống, và khi đã qua đời thì “càng cao danh vọng càng nhiều gian nan” nên lời cầu nguyện của chúng ta sẽ an ủi linh hồn các ngài...

2014/10/02 ngày giỗ mãn tang cha cố I-nha-xi-ô

Nghĩa tử: Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


--------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info