Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 22 mùa Thường niên năm A 31-8-2014

“Mới hay hương vị nhiệm màu,”
Môi chưa nhắp cạn, mạch sầu đã tuôn.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 16: 21-27

Hương vị nhiệm màu lâu nay, vẫn là vị hương sầu buồn, với người đời. Hương vị nhiệm màu ở nhà Đạo, mai ngày sẽ là vị hương vinh phúc thánh-sử tỏ bày ở trình-thuật vào ngày của Chúa, rất hôm nay
Trình thuật Lời Chúa hôm nay, thánh-sử Mát-thêu lại cũng đề-cập đến vinh/nhục – hoạ/phúc là do con người có biết hiện-thực lời Chúa dạy hay không, mà thôi.
Vinh/Nhục - Họa/Phúc: bốn ý từ, một thực tại. Thứ thực tại lưỡng nguyên, luôn diễn tả hai mặt đối xứng của cuộc đời. Một đời người có thể bắt đầu bằng Họa để rồi khết thúc bằng Phúc. Hoặc ngược lại. Nếp sống người đời vẫn cứ thế diễn tiến bằng những giờ phút thăng trầm, nhục/vinh – vinh/nhục.
Vào buổi kiểm trại ở Dã Châu, viên cai ngục phát giác ra có đến 6 phạm nhân vượt trại bị bắt và nhốt vào khu biệt giam, chờ ngày lãnh án hành hình. Đào thoát vượt trại, là vi phạm nặng nội quy; nên, hình phạt sẽ sớm được công bố và xử lý bằng những biện pháp tàn bạo.
Người ta bốc thăm tên tuổi nạn nhân, cùng lúc với các tử tù khác, đem đi hành tội. Đã có 12 người bị đưa đi xử lý bằng biện pháp phơi nắng, bắn bỏ. Đứng quan sát 12 bạn đồng cảnh đang hổn hển thở dốc, có tiếng nhỏ nhẹ, nhưng cũng đã lọt tai những người đang sống thân phận hiu hẩm. “Trời đâu, nay có thấu?”
Ai cũng nghe tiếng thở dài, nhưng không một ai có câu đáp trả. Vạn vật rơi vào chốm im ắng, lặng thinh. 12 xác phàm bắt đầu nổi cơn kinh giật, dãy dụa. Tìm khí trời hít thở. Lúc ấy, người bàng quan tiếp tục thị sát. Một lần nữa, lại có tiếng thở dài, lần này gấp hơn: “Trời đâu, nay có thấu?” Và, một câu khác phụ họa: “Ôi Lạy Chúa! Nay Ngài ở đâu?... Rõ ràng Ngài có mặt, ở đây mà!...”
Tiếng thở dài đây, chính là niềm tin mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Đạo của Chúa là Đạo duy nhất trên thế giới, mang niềm xác tín tin rằng: Đức Chúa là Đấng mặc xác phàm loài người, có xương có thịt. Ngài chấp nhận khổ đau như người thường. Thậm chí, Ngài còn nối tiếp con Đường Ngài đi, bằng cách chấp nhận cái chết khổ nhục, là để vực dậy cuộc sống.
Quả là, con người đã thuần hóa mặt xấu của thập giá ngay khi biện luận rằng: hôm nay, tiếng xấu ấy vẫn dai dẳng trên thân xác người phàm. Cũng có lúc con người tự hỏi: giả như Giê-su Đức Chúa phải ngồi ghế điện chịu cuộc hành hình, thì ta có dám đeo mang hình thù ghế điện quanh cổ, hay không?
Nhưng, khi ta tìm cách thuần hóa thực chất của cuộc hành hình, mà Đức Kitô cam chịu tại Giêrusalem, thì bản chất của khổ đau nơi cuộc sống mỗi người, không thể bị thương-mại-hóa một cách trần tục và nhẹ nhàng, như thế được.
Tín hữu Đức Kitô, không thể đồng một ý nghĩa với các kẻ khổ dâm, mặt mày vẫn mỉm cười trơ trẽn, như thế được. Chúng ta không thể bị coi như đồng nghĩa với kẻ say sưa, yêu thích sự đau khổ. Trái lại, chúng ta là người chấp nhận khổ đau vì lý tưởng cao cả, mà thôi.
Ta được Đức Chúa mời gọi nhìn nhận các khổ đau của cuộc sống, như cơ hội, để một lòng trung kiên theo gương Ngài, mà đưa vai gánh chịu. Khổ và nhục, còn là cơ hội để ta đồng cảm với những người đang sống đau buồn, cùng một thế giới với ta. Điều này, nói dễ hơn làm.
Khi ta đồng cam chịu cực trong cuộc sống của riêng mình, thì lúc ấy, không dễ gì ta nhớ đến người khác, dù chỉ trong tư tưởng hay trong đầu, thôi. Tuy nhiên, nếu đặt đau khổ và cực hình vào bối cảnh chung của cuộc sống, để biết rằng ta không chỉ đau khổ một mình, thì bấy nhiêu thôi cũng đủ giúp ta nguôi ngoai, an ủi.
Đã từ lâu, ta được khuyến khích để hiểu rằng mọi đau khổ, cực hình vẫn có thể là cơ hội tốt, giúp ta trưởng thành trong yêu thương, đùm bọc. Nếu hiểu thập giá ta đang gánh vác, như trường lớp dạy ta biết về lòng yêu thương mặn nồng, thì như thế, là ta đã học được nhiều điều bổ ích về chính con người mình; và về Đức Chúa. Có như thế, ta mới có thể giúp kẻ khác gánh vác thập tự, họ đeo mang.
Tuy thế, gánh vác thập giá cùng khổ đau, không chỉ là mang lấy cho mình những đớn đau thể xác, khổ nhục cá nhân, dục tính hoặc cực hình, tinh thần hoặc cảm xúc, mà thôi. Đó có thể, là tự mình xẻ bớt các quà tặng cũng như tài năng mình vẫn có. San sẻ, cả tình yêu riêng biệt lẫn những xót thương hiền hòa.
Mỗi khi có quà tặng, ta luôn thấy có kèm theo đó, những gánh nặng và trọng trách phải thực hiện. Rập theo khuôn mẫu Đức Kitô đã làm, chúng ta được mời đến, để chia xớt những món quà trời cho, mà mình đang có, hầu san xẻ một cách dũng cảm với những ai đang cần hơn ta; dù cho có phải chia sẻ đến phút cuối, cuộc đời mình.
Ngày nay, nhiều người vẫn cứ than: hình ảnh về Chúa Mẹ của ta, thường bị bóp méo được đem ra như miếng kẹo dẻo rất ngọt, dễ ăn và dễ nuốt. Nhưng, Tin Mừng hôm nay cho thấy: mọi việc đều không phải như thế.
Bước theo vết chân mòn làm đồ đệ của Đức Chúa, không có nghĩa là chuyện ngon ăn, nhưng vẫn là “lưỡi dao” sắc cạnh, gây khổ đau, không ít.
Thế giới hôm nay, hẳn không có ơn gọi nào mang tính mời mọc khẩn thiết hơn, là lời mời chấp nhận khổ đau trong hành trình tin tưởng, trung kiên yêu thương và từ bỏ chính con người mình.
Trong lúc ta đón nhận vác khổ giá và theo chân Đức Chúa, ta không làm việc ấy một mình. Nếu để ý, sẽ thấy ngay việc đó và sẽ khiêm tốn đủ, để chấp nhận một cách đúng đắn rằng, Đức Kitô đang quanh quẩn bên ta. Ngài sẽ cùng với ta bước từng bước chân dù đi vào đường mòn khổ đau như ta. Có như thế, ta mới cảm thấy dễ chấp nhận khổ giá của mình.
Trong cảm-nghiệm những điều như thế, ta lại sẽ ngâm lên lời thơ đã ngâm dở, mà rằng:

“Mới hay phong-vị nhiềm-màu,
Môi chưa nhấp cạn, mạch sầu đã tuôn.
Ớ Địch ơi, lệ có nguồn,
Hãy chia bớt nửa nỗi buồn sang tôi.”
(Hàn Mặc Tử - Bến Hàn Giang)

Nhà thơ những muốn san sẻ nỗi buồn của người đời sang với mình. Sầu buồn sẻ san như thế, đã chắc gì làm vơi đi nỗi buồn sầu của người khác. Có sẻ san chăng, cũng nên san sẻ không chỉ nỗi buồn, mà cả niềm vui có Chúa dẫn dắt, có bạn đạo thân thương cùng trải-nghiệm đỡ nâng, mới thật đúng.
Mong rằng Vinh/nhục – Hoạ/Phúc ở đời, sẽ là cơ-duyên để mọi người sẻ san mãi khôn nguôi, suốt đời người. Thế mới đúng.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch.