TÌNH YÊU GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS CỦA KÝ GIẢ HOÀNG ANH TÀI,


Ký giả HOÀNG ANH TÀI là bút hiệu của Thiếu tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa NGUYỄN VĂN TÀI. Bút hiệu thứ hai cũng rất hay được ông ký tên trong những bài phổ biến trên báo « Giáo Xứ Việt Nam » là NHÂN TRÍ DŨNG. Nhiều người hỏi thăm người viết về thân thế cụ. Hai vị trong ban biên tập báo « Giáo Xứ Việt Nam », là đức ông Giuse Mai Đức Vinh và thầy sáu vĩnh viễn Phêrô Phạm Bá Nha, đã có những bài viết dài rất đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp, binh nghiệp và văn nghiệp của ký giả Hoàng Anh Tài.

Cụ Tài, sinh ngày 12.08.1922, nghĩa là hôm nay, 08.08.2014, cụ sắp 92 tuổi. Trong ban biên tập báo Giáo xứ Việt nam Paris, cụ Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, 94 tuổi, sinh ngày 07/02/1920, cùng với cụ Tài là hai bậc trưởng thượng, được nhiều người yêu mến và kính phục. Về cụ thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, người viết đã dành một loạt bốn bài dưới đề tài « Vân Uyên, thi sĩ của Tình yêu huyền nhiệm Công Giáo », nhân dịp sinh nhật thứ 90 của cụ vào năm 2010.

Về cụ ký giả Thiếu tá Hoàng anh Tài, nhân dịp mừng 92 năm sinh nhật của cụ vào ngày 12.08.2014 sắp tới, người viết xin kính gửi lời « CHÚC MỪNG THƯỢNG THỌ » và mạo muội ghi lại vài tâm tình về cụ. Gặp cụ từ năm 1991, trong báo Giáo Xứ với bài « Tìm hiểu về ân xá quốc tế » (GXVN, số 76, ngày 01.07.1991) và bài « Ngoại kiều tại Pháp » (GXVN, số 78, ngày 01.11.1991). Bắt đầu gặp gỡ và làm việc với cụ từ cuối năm 1991, qua những cuộc họp hàng năm của Ban Báo GXVN, của Đại Hội Mục Vụ, và của Tiệc Thân Hữu Giáo Xứ. Rồi sau này, nhiều lần đến thăm cụ và cụ bà tại tư gia ở JOINVILLE LE PONT, hoặc một mình, hoặc với đức ông Vinh, hoặc với luật sư Thông, hay thầy sáu Nha, người viết đem lòng cảm phục cụ càng ngày càng nhiều hơn. Điều mà người viết cảm phục nhất và học được ở nơi cụ nhiều hơn cả là bài học sống « Tình Yêu Giáo Xứ Việt nam Paris » của cụ.

Cụ Ký giả Thiếu tá Hoàng Anh Tài đã đến với Giáo Xứ Việt Nam Paris qua một chặng đường tương đối dài (Cf : Hoàng Anh Tài : Đường vào nhà Chúa, GXVN, số 107, 01-10-1994, tr. 10-11).

Thời Việt Nam Cộng Hòa, từ một người « vô tôn giáo », đôi khi cụ cũng muốn tìm đến một tôn giáo. Thiếu tá Trưởng phòng Giao tế Nha động viên, Bộ Quốc phòng, làm việc dưới quyền một vị tướng Công Giáo ngoan đạo (Bùi Đình Đạm), cụ được đối xử tốt và có cảm tình với Công Giáo. Nhưng vì tự ái, cụ không muốn theo đạo, vì sợ bị dị nghị tai tiếng của những kẻ xấu mồm, cho rằng vào đạo không phải vì đức tin, mà vì quyền lợi cá nhân, không phải vì lòng thành, mà vì mưu đồ chính trị, vinh thân phì gia. Cụ TÀI có cái Trí của người biết.

Tiếp xúc đầu tiên của cụ với Công Giáo, là Đức Mẹ Cầu Bình Lợi. Cụ kể : « Dòng đời vẫn trôi chảy, trong cuộc sống hằng ngày giữa thời buổi loạn ly, chiến tranh hỗn độn, từ giới thượng lưu trí thức, quân nhân, từ những tư sản mại bản, cho đến anh chị em buôn gánh bán bưng, thường hay đến Nhà Thờ « Fatima » Cầu Bình Lợi, nơi nổi tiếng linh thiêng, để cầu nguyện xin Đức Mẹ ban phép lành, trong số những người ấy có tôi…. Va chạm với thực tế phũ phàng, đôi khi tôi cũng cảm thấy tâm hồn trống rỗng, bất mãn sự việc, trong khi không dằn được cơn tức giận, tôi đã để cho thợ cạo, cạo trọc đầu ! Đến nơi Thánh Đường « Cầu Bình Lợi » tôi phải che đậy bằng một chiếc mũ, đứng nép ngoài mái hiên, tò mò nhìn những tấm biển đủ cỡ, bằng đá quý, bằng cẩm thạch, bằng xi măng, bằng đồng thau, của những người trước đây, đã đến cầu xin Đức Mẹ ban phước lành và được toại nguyện, nên đã ghi rõ tên họ với những dòng chữ « Tạ Ơn Đức Mẹ ».

Đợi khi cha xứ làm lễ xong, tín đồ lần lượt ra về hết, tôi mới rón rén đi vào nhà nguyện, đứng trước tượng ảnh của Mẹ để khấn vái, xong đi lại chiếc tủ đụng tiền, nhét nhanh vào một tờ giấy bạc 500 đồng rồi vụt chạy nhanh ra phía bờ sông, như cố tránh sự tò mò dòm ngó của ai đó.

Trên đường về, bên tai tôi còn văng vẳng hai câu thơ của thi sĩ Kiên Giang :

« Lậy Chúa con là người ngoại đạo ;

Nhưng vẫn tin có Chúa ngự trên Trời ».

Sau lần đi viếng Đức Mẹ Cầu Bình Lợi về, tôi cảm thấy tâm hồn thoải mái, có một sự gì thay đổi khác thường trong nghiệp vụ, lạc quan và yêu đời hơn bao giờ hết. Tôi hăng say làm việc một cách tích cực, nhiệm vụ của tôi là trả lời những thắc mắc của thanh niên trong hạng tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân sự, hoặc bằng thư riêng, hay trên báo chí. Ngoài ra, tôi còn phụ trách chương trình truyền thanh và truyền hình để hướng dẫn dân chúng am hiểu các thể lệ về động viên và miễn hoãn dịch.

Tính đến nay đã hơn 20 năm qua mà tôi còn nhớ mãi trong một chương trình về « Giáng Sinh » một quân nhân thi sĩ đã viết và được nữ ca sĩ nổi tiếng Hồ Điệp ngâm thơ, yểm trợ cho chương trình « Tiếng Nói Động Viên » như sau :

« Chúa Cứu Thế chịu cực hình thay nhân loại,

Đêm Giáng Sinh rực rỡ ánh đạo mầu.

Làm trai trung hiếu là đâu ?

Hãy đem thân thế đền bù nước non » ! (Ibidem).

Thời Xã Hội Chủ Nghĩa. Sau ngày Miền Nam thất thủ 30.04.1975, cụ Tài, dẫu đã về hưu từ năm 1972, nhưng với tính cách là cựu quân nhân của chế độ cũ, vẫn đã phải đi trình diện và vẫn đã phải đi học tập cải tạo. Cụ đã trải qua nhiều trại cải tạo, từ Nam ra Bắc : Thành ông Năm ở Hốc Môn, Suối Máu Biên Hòa, Sơn La, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Thanh Cầm ở Cẩm Thủy Thanh Hóa. Cuộc đời tù nhân muôn vàn khổ ải, dẫu trên lý lịch tôn giáo, cụ vẫn khai là người ngoại đạo, hay cụ thể hơn là « đạo thờ ông bà ». Nhưng từ ngày gặp Đức Mẹ Cầu Bình Lợi, cụ đã thoải mái, lạc quan và tích cực hơn. Dẫu là một kẻ thuộc phe thất trận, ngã ngựa, bị tù đầy, cụ Tài vẫn giữ được tinh thần. Theo cụ những đói khổ, lao động, cực hình trong trại tù chỉ là những thử thách cho con người, như câu cách ngôn vẫn nói : « Lửa thử vàng, gian nan thử đức ». Cụ Tài có cái DŨNG của người đức.

Và dẫu không nói rõ, nhưng dường như, cùng hòa nhịp với nhiều tù nhân khác, cụ Tài đã lâm râm cầu nguyện khấn hứa, mỗi tối trước khi đi ngủ. Lời khấn hứa của cụ có lẽ cũng giống như lời khấn hứa của cụ Giáo Sư Vũ Quốc Thúc là sẽ trở lại đạo, nếu được Đức Mẹ phù trì che chở và cho thoát nạn Cộng Sản Việt Nam. (Xin xem Trần Văn Cảnh, Gs Vũ Quốc Thúc đã cùng 24 tân tòng khác gia nhập Giáo Hội Công Giáo Tại GXVN Paris, vào lễ Phục Sinh ngày 08.04.2012, http://vietcatholic.net/News/Html/97174.htm).

Cụ thể, cụ Tài đã được báo mộng, trong giấc ngủ. Một lần cụ mơ thấy mình « mặc đồ lớn, thắt cà vạt, tay xách túi Samsonite đi Balê ». Lần khác, « mơ thấy đi xem đá bóng tại sân Công Viên Các Ông Hoàng (Parc des Princes) ».

Thực tế, cuối năm 1979, cụ Tài đã được trả tự do, trở về xum họp với gia đình tại Sài Gòn. Thời gian này, những lúc rảnh rỗi, cụ nhờ người bạn gốc Hoa, tên là Trang Đạo Lương chở xe gắn máy Honđa đến nhà thờ Fatima cầu Bình Lợi để cầu nguyện cùng Đức Mẹ.

Đức Mẹ đã cho những dấu chỉ rằng lòng chân thành và lời cầu nguyện của cụ Tài đã được lắng nghe. Con gái lớn của cụ đã định cư tại Mỹ trước 1975 xin được chiếu khán đến Mỹ cho cụ. Nhưng cụ không thích, vì đơn giản người bạn Mỹ đã « chạy làng », « bỏ rơi đồng minh Việt Nam », « sống chết mặc bay ». Không thích đi Mỹ, cụ làm đơn xin đi Pháp. Lạ thay, đơn gửi đi ngày 01.01.1987, thì chỉ chín ngày sau, ngày 09.01.1987, cụ Tài nhận được thư hồi âm của Toà Tổng Lãnh Sự Pháp tại Sài Gòn, đồng ý cứu xét đơn của cụ, nếu cụ được nhà chức trách Việt Nam cấp giấy phép xuất cảnh. Một tháng sau cụ Tài hồi đáp. Kết quả, chẳng bao lâu sau, gia đình cụ Tài, gồm cụ Ông, cụ Bà và một người con gái đã được mời vào phỏng vấn tại Toà Tổng Lãnh Sự Pháp và được hứa hẹn chấp thuận để chuẩn bị đi khám sức khoẻ và hẹn ngày ra đi.

Đến Pháp, xin gia nhập đạo Công Giáo. Rút cục, cụ Tài và gia đình đã được đến Pháp. Cụ kể : « Đến Pháp ngày 22.09.1987, chúng tôi được chỉ định tạm ở trại định cư AUTUN cách Paris lối 380 cây số. Giữ lời khấn hứa, tôi tìm đến một ông linh mục người Pháp để nhờ hướng dẫn gia nhập vào đạo Công Giáo. Nhưng có lẽ duyên phần chưa đến, cha đã hứa mà không đến. Thế rồi sau đó, chúng tôi, cả gia đình thê tử, lại dọn về Joinville Le Pont gần Paris. Vì lòng ái mộ Đức Mẹ, tôi đã mua một tượng ảnh Đức Mẹ về thờ. Ông PHAN CHẤN THẾ René, mà sau này là cha đỡ đầu cho tôi vào đạo, đến nhà tôi chơi, thấy tôi thờ ảnh Đức Mẹ, tưởng tôi là người có đạo, nhưng sau đó, tôi tường thuật chi tiết nỗi lòng của tôi, thì ông hứa sẽ giúp cho tôi được như ý. Ông giới thiệu bà THÁI VĂN HIỆP đến tận nhà tôi để giảng dậy giáo lý, sau đó bà Hiệp lại giới thiệu tôi với cha MAI ĐỨC VINH để theo học giáo lý tại Giáo xứ Việt nam cho đến ngày lễ Phục Sinh (Pâques), cách đây 4 năm, tôi đã được phép Rửa Tội để trở thành con chiên của Chúa và là tín đồ của Kytô giáo. Đó là tất cả tâm sự của một người ngoại đạo trước kia đã được ơn Trên hướng dẫn vào nhà Chúa (Hoàng Anh Tài, Ibid.).

Cụ TÀI đều đặn và trung kiên phục vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris. Được rửa tội ngày lễ Phục Sinh 26.03.1989, cụ Tài đã chọn phục vụ Giáo Hội trong và qua tờ báo « Giáo Xứ Việt Nam », và liên tục viết bài từ năm 1991. Sau đây là những bài viết của cụ Tài đã được phổ biến trên báo Giáo Xứ Việt Nam, từ số 76, ngày 01.07.1991 đến số 200, ngày 01.02.2004 :

1. Tìm hiểu về ân xá quốc tế, số 76, ngày 01.07.1991

2. Ngoại kiều tại Pháp, số 78, ngày 01.11.1991

3. Còn quá trẻ mà đã làm mẹ, số 80, ngày 01.01.1992

4. Cuộc hành trình và xứ sở của loài khỉ đầu chó, số 81, ngày 01.02.1992

5. Chén tạc, chén thù, số 82, ngày 01.03.1992

6. Niềm tin và hy vọng, số 90, ngày 01.01.1993

7. Giáo dục tuổi trẻ, số 91, ngày 01.02.1993

8. Ông Trương Vĩnh Ký, Ibidem

9. Con cá tháng tư, số 93, ngày 01.04.1993

10. Phép lạ ở Lộ Đức, số 94, ngày 01.05.1993

11. Tình hình chính trị của Pháp, Ibidem

12. Báo cáo của ân xá qưốc tế năm 1993 : 161 quốc gia tố cáo, số 97, ngày 01.10.1993

13. Khái niệm căn bản về Âu Châu, số 100, ngày 01.01.1994

14. Năm Giáp Tuất kể truyện Chó, số 101, ngày 01.02.1994

15. Phút giây xao động, số 104, ngày 01.05.1994

16. Chân dung nước Pháp, Ibidem

17. Đường vào nhà Chúa, số 107, ngày 01.10.1994

18. Mùa Giáng Sinh xưa, số 109, ngày 01.12.1994

19. Dân Pháp phòng xa, Ibidem

20. Hoài niệm, số 110, ngày 01.01.1995

21. Dân số ngoại kiều tại Paris, Ibidem

22. Vấn đề di trú và việc làm tại Paris, số 111, ngày 01.02.1995

23. Tình hình chính trị tại Pháp, số 113, ngày 01.04.1995

24. Tình hình bầu cử Tổng Thống tại Pháp, số 115, ngày 01.06.1995

25. Phụ nữ Việt nam, số 120, ngày 01.01.1996

26. Xuân Bính Tý kể truyện Chuột, số 121, ngày 01.02.1996

27. Tuổi thọ, Ibidem

28. Vĩnh biệt tổng thống Mitterand, số 122, ngày 01.03.1996

29. Ngày quốc tế phụ nữ, số 124, ngày 01.05.1996

30. Tình hình chính trị ở Nga, số 127, ngày 01.10.1996

31. Khuynh hướng hiện nay của dân Pháp đối với vấn đề hỏa tang, số 128, ngày 01.11.1996

32. Vụ xử án đêm Noel, số 129, ngày 01.12.1996

33. Tầm nhìn, số 130, ngày 01.01.1997

34. Năm Đinh Sửu kể chuyện trâu, số 131, ngày 01.02.1997

35. Anh Mười On, Ibidem

36. Vay nợ, số 133, ngày 01.04.1997

37. Tình hình chính trị tại Pháp, số 135, ngày 01.06.1997

38. Đại hội thanh niên Công Giáo thế giới, số 137, ngày 01.10.1997

39. Khách địa cảm xuân, số 140, ngày 01.01. 1998

40. Hậu quả, Ibidem

41. Làm người, số 141, ngày 01.02.1998

42. Dư âm ngày Giáng Sinh 97, số 142, ngày 01.03.1998

43. Chuyến viếng thăm lịch sử của ĐGH tại Cuba, Ibidem

44. Nghĩ gì đến cái chết, số 147, ngày 01.11.1998

45. Đồng tiền Euro cập bến, số 149, ngày 01.01.1999

46. Kỷ Mão 1999, số 150, ngày 01.02.1999

47. Đêm trừ tịch nhớ đờo, Ibidem

48. Chào mừng Xuân 2000, số 160, ngày 01.02.2000

49. Chào mừng năm Tân Tỵ, số 169, ngày 01.01.2001

50. Năm Ngọ kể chuyện ngựa, số 180, ngày 01.02.2002

51. Đạo Trời trong thi ca dân gian, số 184, ngày 01.06.2002

52. Quan niệm Trời trong Kim Vân Kiều; Ibidem

53. Năm Quỳ Mùi kể chuyện dê, số 190, ngày 01.02.2003

54. Chào mừng năm Giáp Thân 2004, số 199, ngày 01.01.2004

55. Đọc truyện và thơ trong báo “Giáo xứ Việt nam”, số 200, ngày 01.02.2004

55 bài viết trong 13 năm. Thời gian tiếp theo, từ 2004 đến 2014 hôm nay, Cụ Tài vẫn tiếp tục viết cho báo Giáo Xứ Việt Nam, theo một nhịp trung bình 4, 5 bài mỗi năm. Năm 2014, cụ vừa viết 2 bài. Bài “Chào mừng Tân Niên Giáp Ngọ”, số 299, ngày 01.01.2014. Và bài “Hai mươi ba năm nhìn lại”, số 302, ngày 01.04.2014.

Cụ Tài yêu thương Giáo Xứ Việt Nam Paris. Từ ngày phục vụ tờ báo Giáo Xứ Việt Nam, cụ Tài là người rất quí mến những bạn đồng nghiệp khác, nhất là Đức Ông chủ nhiệm Mai Đức Vinh, Cha Đinh Đồng Thượng Sách, thầy sáu chủ bút Phạm Bá Nha và hai giáo sư Trần Văn Cảnh và Lê Đình Thông, mà Cha Cung Chi Đinh Đồng Thượng Sách nhận là “cặp làm mưa làm gió, Mọi vấn đề là có tôi đây; Bề ngang, bề dọc, bề dầy; Thông tin nghị luận trình bày thao thao”. Hằng năm, cứ mỗi dịp xuân về, cụ Tài thường gửi quà biếu đến nhiều vị trong ban biên tập, đặc biệt là năm vị trên đây, mà có người đã gọi là ngũ hổ của Giáo Xứ Việt Nam Paris. Cụ mong cho tờ báo được phát triển và phổ biến càng ngày càng tốt hơn. Cho các giáo hữu mua báo càng nhiều hơn. Cho các ký giả tham gia viết bài càng nhiều, hay và trẻ hơn. Cho các con cháu sinh ra và lớn lên trên đất người không quên tiếng Việt. Trong bài hồi ký mới nhất phổ biến trên báo Giáo Xứ Việt Nam, số 302, ngày 01.04.2014, với tựa đề “Hai mươi ba năm nhìn lại”, cụ Tài viết những dòng cuối cùng như sau: “Từ năm 1991 đến giờ, tôi là trợ bút thường xuyên của tờ báo giáo xứ. Sau 23 năm nhìn lại, phải thành thật khâm phục và ngợi khen Đức Ông Giám Đốc. Cá nhân tôi được kể là tân tòng hiểu biết về đạo thì rất giới hạn, ù ù cạc cạc, nhưng nếu về đời thì dễ viết lách. May thay, như một làn sóng nước tràn, đổ xô về làm nổi bật tên tuổi của tờ báo giáo xứ. Quí giáo sư Trần Văn Cảnh, Lê Đình Thông, Phạm Bá Nha, giờ là chủ bút, cùng với nhiều anh em kỹ thuật chuyên viên, đã đổi mới bộ mặt của tờ báo Giáo Xứ.

Ước nguyện của riêng tôi, vô cùng hân hoan tưởng niệm hơn 30 năm Giáo Xứ đã duy trì Hội Đồng Mục Vụ và cử hành lễ tái bản tờ báo Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Điều mong ước của tôi là muốn làm sao cho các giáo hữu đăng ký đặt mua báo càng ngày càng gia tăng, đọc và cổ động thêm nhiều bạn đọc. Các văn gia tham gia viết bài đăng báo, các em cháu hậu duệ cố gắng viết bài để thay thế những bậc đàn anh đi trước. Báo cần những sáng kiến mới của tuổi trẻ, mà như một lãnh đạo Miền Nam Việt Nam trước đây đã từng nói : “Tuổi trẻ là tuổi viết lịch sử”. Tuổi già theo thế tục : “Lão lai tài tận”. Một lần nữa, tôi thiết tha kêu gọi thế hệ trẻ nên tham gia viết bài cho báo Giáo Xứ ; Các em cháu sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, mặc dù có thông thạo sinh ngữ đến mức nào mà liên hệ với người cùng nòi giống mà quên tiếng Việt là một điều đáng trách. Cố đại văn hào Nguyễn Văn Vĩnh đã nói : “Sách quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, Đều phải học”.

Trước khi kết thúc trang hồi ký này, xin thành tâm nguyện cầu Chúa Giêsu và Mẹ Maria quan phòng sức khoẻ của Đức Ông Mai Đức Vinh, Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam tại Pháp, luôn khỏe mạnh, để phục vụ Chúa, phục vụ tín đồ Công Giáo. Xin đa tạ.

Cụ Ký giả Thiếu tá Hoàng Anh Tài, dẫu là một tân tòng, được rửa tội ngày lễ Phục Sinh 26.03.1989, nhưng đã hiểu rõ điều răn căn bản mà Chúa Kytô đã truyền cho các môn đệ là “ Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Gioan, 13, 34-35). Mà anh em không ai khác hơn là những người mình gặp thường xuyên, những dân làng, hàng xóm, những đạo hữu cùng họ, cùng xứ, …

Ở ngoài đời, Cụ Tài rất thiết tha với xóm làng. Ở Việt Nam, cụ rất thương mến thành phố Biên Hòa và những người ở đó. Ở Pháp, cụ rất quí mến thành phố Joinville–Le-Pont và những người « joinvillais » ở đó. Ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, cụ đã chọn nhóm báo “Giáo xứ Việt nam » là đơn vị sinh hoạt. Cụ rất quí mến các đồng nghiệp trong ban biên tập. Và các thành viên trong Ban Biên Tập cũng rất quí mến cụ. Họ đã bầu cụ làm Đại Diện Ban Báo Giáo Xứ từ nhiều năm qua. Cụ TÀI có cái NHÂN của một kytô hữu. Nhân-Trí-Dũng là bút hiệu lý tưởng mà cụ TÀI tự chọn cho mình. Cụ TÀI đã thực hiện trọn vẹn lý tưởng đời mình. Xin thành thật bái phục và ngợi khen cụ TÀI.

Cùng với 8 giáo dân khác, ngày 16.03.2014 vừa qua, cụ Ký giả Thiếu tá Hoàng Anh Tài đã được Đức Ông chủ nhiệm Mai Đức Vinh đề nghị và Ban Giám Đốc Giáo Xứ đồng ý để lãnh huy chương và bằng khen “PRO ECCLESIA ET PONTIFICE”, do Đức Giáo Hoàng Phanxicô trao ban, qua tay Đức Cha Soubrier, Nguyên giám mục phụ tá Paris, Đức Ông Rambaud, Giám đốc Sở các cộng đoàn và các linh mục sinh viên ngoại kiều Paris, và Cha Nguyễn Kim Sang, Tổng Tuyên Úy các cộng đoàn Công Giáo Việt nam tại Pháp. Cả Giáo Xứ đã đông đủ dự Thánh Lễ, dự tiệc và chúc mừng 9 giáo dân có công và có lòng với Giáo Xứ.

Xin kính chúc mừng cụ HOÀNG ANH TÀI được Huân Chương và Bằng khen BẢO VỆ Giáo Hội VÀ GIÁO HOÀNG.

Xin kính chúc mừng SINH NHẬT THƯỢNG THỌ THỨ 92 của CỤ HOÀNG ANH TÀI, vào ngày 12.08.2014 sắp tới.

Paris, ngày 08 tháng 08 năm 2014

Thanh Hương Trần Văn Cảnh