Tôn giáo nào cũng có dâng cúng lễ vật cho thần linh. Việc dâng cúng thường giống nhau về cả hình thức lẫn nội dung. Hình thức bao gồm hoa trái và giết vật hiến tế. Nội dung chính là tin tưởng thần linh sẽ ăn uống lễ vật dâng cúng và thần linh sẽ ban phước lành cho. Một vài nơi còn tin nếu không chu đáo trong việc dâng hương, cúng quả theo truyền thống sẽ bị thần linh giáng hoạ nhẹ thì cho cá nhân, nặng thì cả làng, tệ hại hơn nữa là cả nước gặp nạn. Không phải chỉ dân gian tin mà ngay cả những bậc đế vương cũng dành ngày đặc biệt cầu khẩn thần linh tránh tai nạn cho hoàng gia và cho toàn dân.

Kitô giáo cũng có những nghi thức tiến dâng lễ vật nhưng việc tiến dâng hoàn toàn hiểu theo một nghĩa khác. Kitô hữu không tiến dâng lễ vật vì sợ bị thần vật mà dâng tiến lễ vật với tâm tình, xuất phát tự con tim yêu mến. Lễ vật Kitô hữu dâng tiến không phải để cho thần thánh hưởng dùng mà là tỏ lòng chân thành, tâm yêu mến. Quan trọng hơn nữa lễ vật tiến dâng được Thiên Chúa biến thành của ăn thiêng liêng nuôi sống tâm linh người dâng tiến. Một vài tôn giáo bạn tin lễ vật tiến dâng ảnh hưởng tới suy nghĩ và tình cảm thần linh họ tôn thờ. Thiên Chúa giáo tin lễ vật dâng tiến không gây ảnh hưởng Thiên Chúa. Dù dâng tiến hay không Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa. Kitô hữu tin được phép dâng tiến lễ vật là một đặc ân.

Kitô hữu tham dự tiệc Thánh thể làm của nuôi linh hồn. Nhở việc nuôi dưỡng bằng bánh trường sinh mà Kitô hữu không nhận cho riêng mình nhưng chia sẻ ân sủng nhận được cho tha nhân. Kitô hữu tự nguyện san sẻ sự sống cho người chung quanh, giúp họ suy tư về cuộc sống trường sinh, tạo an bình cho tâm hồn bất an, gây tin yêu cho con tim thất vọng, an ủi kẻ sầu khổ và làm thân với người cô đơn. Đó là sứ mạng chung của tất cả các Kitô hữu.

Việc bẻ bánh và chia chén thánh là dấu chỉ thân hữu, chung niềm tin giữa các Kitô hữu. Bẻ bánh và chia chén thánh không phải là tư tưởng của riêng ai mà do chính Đức Kitô Đấng trong bữa Tiệc Li đã thực hiện và kêu gọi các Kitô hữu lập lại hành động này để nhớ đến Người. Trong bữa tiệc đó Đức Kitô đã biến bánh thường, rượu thường thành bánh trường sinh nuôi sống tâm linh con người. Dâng bánh rượu lên Thiên Chúa để được kết hợp với của lễ hy sinh hiến tế trên bàn thánh. Nhờ thập giá Đức Kitô mà việc đón rước Mình và Máu Thánh Chúa vào tâm hồn để được lên liên kết mật thiết với Ngài. Đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa là đón nhận tình yêu vô bờ Đức Kitô ban cho để trở thành phần tử sống động trong Đức Kitô Phục Sinh. Thánh Thần Chúa biến đổi bánh rượu dâng thành Mình và Máu Thánh Chúa bằng cách nào thì trí khôn ta không thể giải thích. Điều không thể nghi ngờ là tình yêu Chúa cao siêu hơn những gì con người có thể tưởng tượng được.

Mối giây liên kết Kitô hữu lại với nhau qua bí tích Thánh Tẩy và qua việc chia sẻ bánh thánh và chén thánh. Thánh Phaolô dậy chúng ta tuy nhiều chi thể nhưng trong cùng một thân thể mà Đức Kitô là đầu là thủ lãnh và mỗi chúng ta là một phần chi thể trong thân thể Đức Kitô. Để được thông phần chia sẻ bánh và chén chúng ta cần liên kết trong nguồn mạch hằng sống đó là Đức Kitô Phục Sinh.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org