HƯỞNG ỨNG THƯ MỤC VỤ 2003 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

VÀO ĐỀ

Ngày 10 tháng 10 năm 2003 vừa qua, khi kết thúc hội nghị thường niên tại Bãi Dâu (Vũng Tầu), Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phổ biến Thư Mục Vụ với tựa đề: SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA HỘI THÁNH VIỆT NAM NGÀY NAY (1) Trước khi dành thời gian nghiên cứu, phân tích và gợi ý các cách áp dụng Thư Mục vụ quan trọng ấy, chúng tôi xin chia sẻ một ít điều liên quan tới chủ đề Loan báo Tin Mừng mà chúng tôi đã trình bày trong cuốn GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO (2), vừa được ra mắt cuối tháng 9.2003 vừa qua.

TRÌNH BÀY

I. Tầm quan trọng của việc truyền giáo đối với Giáo hội CÔNG GIÁO NÓI CHUNG VÀ GIÁO HỘI Việt Nam NÓI RIÊNG.

Nếu lấy năm 1533 là cột mốc đầu tiên ghi dấu sự kiện trọng đại Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được loan báo cho cha ông chúng ta thì cho đến nay Kitô giáo đã đến Việt Nam được 470 năm. Giáo hội Công giáo đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn, bách hại nhưng vẫn tồn tại và phát triển. Nhưng không ai trong chúng ta có thể hài lòng về sự phát triển ấy, vì nhiều lý do:

1. Lệnh truyền của Đấng Sáng lập Giáo hội còn nguyên tính khẩn trương.
Trước khi về Trời, Chúa Giêsu Phục Sinh đã giao cho các môn đệ sứ mạng rao giảng Tin Mừng, làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người:
Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến…..Đức Giêsu đến gần nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế(3).

2. Nỗi bức xúc của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trước ngàn năm thứ ba.
Ý thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng cho nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho tổ chức mừng kỷ niệm 2000 năm biến cố Chúa Giêsu xuống thế làm người và sinh ra là một con người vào năm 2000 vừa qua. Để chuẩn bị cho Năm Thánh 2000 ấy. Đức Thánh Cha đã lần lượt tổ chức các Thượng Hội đồng Giám mục mỗi châu lục: Mỹ, Phi, Au, Á, Úc để các Giám mục địa phương cùng với Đức Thánh Cha và các vị có trách nhiệm ở giáo triều Roma nghiên cứu, tìm tòi, trao đổi, cầu nguyện để tìm cách trình bày Giáo lý và Tin Mừng một cách thích hợp nhất cho con người thời nay. Nhờ đó các Giáo hội Mỹ, Phi, Au, Á, Úc ý thức hơn về nhiệm vụ năng nề và các thách đố lớn lao đang được đặt ra cho mình trong lãnh vực Truyền Giáo.
Nếu chúng ta chú ý chúng ta sẽ để ý đến rất nhiều thông điệp, tông huấn, tông thư của Đức Gioan Phaolô II về vấn đề Rao giảng Tin Mừng và Tân phúc âm hóa. Chúng ta cũng có thể kể gần 100 chuyến Tông du của ngài đến các quốc gia khác nhau và đến các đại hội giới trẻ toàn thế giới hay từng địa phương.

3. Nỗi nhức nhối của người Kitô hữu Á châu: Đức Giêsu là người Á châu nhưng còn xa lạ với nhiều người Á châu.
Riêng các Giáo hội Á châu đã có Thượng Hội đồng Giám mục về Á châu được tổ chức từ ngày 19.04 đến ngày 14.05.1998 với chủ đề: “Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc và sứ mạng yêu thương và phục vụ của Ngài tại Á Châu: Để họ được sống và sống dồi dào" (4). Sau đó vào ngày 6.11.1999 tại New Delhi (An Độ), Đức Gioan Phaolô II đã công bố Tông huấn “Giáo Hội tại Châu Á” (5). Trong Thượng Hội đồng Giám mục quan trọng này các Giám Mục tham dự đã bày tỏ nỗi nhức nhối riêng của mình và của các Kitô hữu Á châu, nỗi nhức nhối đã được chính Đức Thánh Cha nhắc lại trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á:
Theo ý kiến của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, những khó khăn còn tăng thêm vì Đức Giêsu thường được cho là xa lạ với Châu Á. Thật là nghịch lý khi nhiều người Á châu có khuynh hướng nhìn Đức Giêsu như là một người Tây Phương hơn là một người Á châu dù Ngài đã sinh ra trên chính mảnh đất Á châu(6).

4. Bối cảnh riêng của Giáo hội Việt Nam
Giáo hội Việt Nam ngày nay là con cháu của 117 Vị Thánh Tử Đạo và của hàng chục ngàn người Việt Nam đã chết vì Đạo. Nếu suy nghĩ cho thấu đáo, chúng ta thấy thế hệ hôm nay có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo vệ và truyền bá Đức Tin cho đồng bào của mình.
Theo thống kê năm 2001 thì Giáo hội Việt Nam hiện có 25 giáo phận, gồm 5.324.492 giáo dân, trên tổng số 80.489.857 người Việt Nam, chiếm tỷ lệ 6,62%. Tổng số linh mục (triều, dòng, đang làm mục vụ hay nghỉ hưu) của 25 giáo phận là 2.648. Tổng số tu sĩ nam nữ là 11.282. Tổng số chủng sinh 1.362. Tổng số giáo lý viên là 45.858. Nếu chúng ta kể tất cả các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên trên là những người hoạt động cho việc truyền giáo thì chúng ta có tất cả: 61.150 người. Nếu tính bình quân thì một linh mục, tu sĩ, chủng sinh hay giáo lý viên sẽ phải phục vụ 13.087 người Việt Nam trong đó chỉ có 87 người đã là Công giáo. Nhưng thật ra đâu phải tất cả số linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên kể trên trực tiếp phục vụ và phục vụ cách đắc lực công cuộc truyền giáo nhất là truyền giáo cho lương dân (7).
Hiện nay, do Thánh Thần Chúa tác động, có không biết bao nhiêu người đang đi tìm Chúa. Trong cuộc hội thảo “Bốn mươi năm sau Vatican II nhìn lại” do Uy ban Giám mục về Văn hóa tổ chức tại Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn vào các ngày 11-13.12.2002 vừa qua, linh mục Vũ Khởi Phụng, Dòng Chúa Cứu Thế, khi trình bày đề tài “Linh mục, con nợ đặc biệt của người nghèo và người yếu đuối” đã đưa ra năm hạng người ”đang cần và đang tìm đức tin”. Đó là (1o) Anh chị em các dân tộc thiểu số, (2o) Các bạn trẻ sinh viên, học sinh, (3o) Những người gốc Công giáo, nhưng đã nhạt đức tin, (4o) Những người có thành kiến, ác cảm hoặc lãnh đạm với đạo, nhưng sau đổi ý, (5o) Những nạn nhân của các gia đình tan vỡ. Cha Phụng gợi ý với các linh mục dự hội nghị là hãy quan tâm đến 5 hạng người kể trên, nhưng lại cho thấy thường thì anh chị em giáo dân -có khi chỉ là những người giáo dân rất nghèo- lại là những người tự động tìm đến với những anh chị em “đang cần và đang tìm đức tin” kia (8).

II. ĐỐI TƯỢNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NÓI CHUNG VÀ CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM NÓI RIÊNG

1. Ba loại đối tượng - theo nghĩa rộng- của việc Truyền giáo của Giáo hội.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết về các đối tượng của việc Truyền giáo của Giáo hội như sau:
Trước hết đó là tình trạng mà hoạt động truyền giáo của Giáo hội nhắm tới: các dân tộc, các khu dân cư, các nhóm người, các bối cảnh văn hóa xã hội chưa biết tới Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Hoặc đó là những nơi không có các cộng đồng Kitô hữu đủ vững mạnh để có thể hội nhập đức tin vào môi trường của mình và loan báo đức tin cho những nhóm người khác. Đó là “sứ vụ đến với muôn dân” đúng nghĩa.
“Tiếp đến có những cộng đoàn Kitô hữu có một cơ cấu vững mạnh và thích ứng được về đức tin và đời sống nhiệt thành. Những cộng đoàn này làm chứng cho Tin Mừng một cách rạng rỡ trong môi trường của mình. Họ ý thức về nghĩa vụ truyền giáo phổ quát. Trong các công đoàn này có các hoạt động mục vụ của Giáo hội.
“Sau hết là một tình trạng ở giữa hai tình trạng trên: đôi khi ở ngay tại các quốc gia có truyền thống Kitô giáo kỳ cựu, đôi khi tại các Giáo hội trẻ trung hơn: Có người hay có cả từng nhóm người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, nhưng lại đánh mất cảm thức về một đức tin sống động, hoặc đi đến chỗ không còn nhìn nhận mình là một phần tử của Giáo hội nữa. Họ sống xa rời Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Trong trường hợp này, cần phải có “một cuộc loan báo Tin Mừng mới
(9).
Từ những lời trên chúng ta có thể phân loại các đối tượng của công cuộc Truyền giáo thành 3 loại như sau:
* Đối tượng 1: Những người chưa biết, chưa tin Đức Giêsu Kitô. (Hoạt động truyền giáo, theo nghĩa hẹp).
* Đối tượng 2: Những người tin Đức Giêsu Kitô và đã được rửa tội (Hoạt động mục vụ).
* Đối tượng 3: Những người đã tin Đức Giêsu Kitô và đã nhận bí tích rửa tội nhưng đã đánh mất niềm tin, rời bỏ Giáo hội, sống như người lương dân (Hoạt động tái truyền giáo).

2. Đối tượng của việc Truyền giáo -theo nghĩa hẹp- của Giáo hội Việt Nam ngày nay.
1. Đối tượng của việc truyền giáo -theo nghĩa hẹp- của Giáo hội Việt Nam ngày nay là tất cả mọi người Việt Nam không Công giáo, không phân biệt có tín ngưỡng hay không có tín ngường (thậm chí cả những người vô thần); cũng không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, sắc tộc, ngôn ngữ, trình độ văn hóa, khuynh hướng hay đoàn thể chính trị.
2. Đối với bất kỳ đối tượng nào chúng ta cần có một hiểu biết tương đối về truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và nhất là nhu cầu tâm linh của họ. Nói chung đối với đồng bào Việt Nam, chúng ta phải hiểu biết và quí trọng các giá trị văn hóa dân tộc, truyền thống gia đình Nho giáo, tôn giáo và niềm tin dân gian như đạo ông bà và việc thờ cúng tổ tiên. Với các đồng bào thuộc dân tộc ít người, chúng ta phải am hiểu tín ngưỡng và phong tục, tập quán của từng bộ tộc. Với những người không tín ngưỡng và vô thần, chúng ta phải hiểu nguyên nhân lịch sử và thực tế của thái độ và cách sống vô tín ngưỡng hoặc vô thần của họ.
3. Trong các đối tượng của việc truyền giáo -theo nghĩa hẹp- của Giáo hội Việt Nam ngày nay, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến một số đối tượng mà chúng ta gọi là đối tượng ưu tiên, hoặc vì những người ấy ở cận kề chúng ta, hoặc vì những người ấy cần đến chúng ta hơn những người khác.
(4) Cụ thể đó là những người nghèo của thời nay. Chúng ta có thể kể ra một vài dạng người nghèo này như sau:
* Người nghèo ở vùng sâu, vùng xa,
* Đồng bào các dân tộc thiểu số,
* Những người sống trong nhà dưỡng lão hay bị bỏ rơi, không nơi nương tựa,
* Trẻ em của các lớp học tình thương,
* Trẻ em khuyết tật và người tàng tật,
* Bệnh nhân nghèo của các phòng khám từ thiện,
* Bệnh nhân phong, AIDS-HIV,
* Những người được giáo dục để cải hóa trong các trung tâm xã hội: cai nghiện, mãi dâm, trộm cướp, lừa gạt…

3. Đối tượng ưu tiên của việc Truyền giáo của Giáo hội Việt Nam ngày nay.
1. Những người bị rơi xuống đáy xã hội: bụi đời, mãi dâm, nghiện ma túy, bệnh nhân AIDS, v.v…: Từ ngày xã hội ta mở cửa theo nền kinh tế thị trường, các tệ nạn xã hội như có đất để phát triển, hủy hoại bao cuộc đời và làm ô nghiễm bầu khí đạo đức của xã hội và đe dọa tương lai của dân tộc. Thực tế cho thấy từ bụi đời, đến mãi dâm, đến ma túy và cuối cùng là AIDS có nhiều liên hệ chằng chịt và rất khó phá vỡ. Dù do bất kỳ nguyên nhân nào dẫn tới các tệ nạn kể trên, các nạn nhân vẫn là những người đáng thương nhất, đáng được chúng ta thương yêu, giúp đỡ nhất.
2. Những người đang cần và đang tìm đức tin: Trong số này phải kể đến: anh chị em các dân tộc thiểu số; các bạn trẻ, sinh viên, học sinh; những người có gốc công giáo, nhưng đã nhạt đức tin; những người có thành kiến, ác cảm hoặc lãnh đạm với đạo, nhưng sau đổi ý; nạn nhân của các gia đình tan vỡ.
(a) Anh chị em các dân tộc thiểu số: “Đang có một phong trào đón nhận đức tin rất mạnh nơi các dân tộc thiểu số. Đồng bào thiểu số có thể xếp vào hạng người nghèo nhất trong số các người nghèo. Phải chăng vì thế mà họ là những người được Thiên Chúa ưu đãi? Quả thế, những ai đã sống với đồng bào Thượng trên Tây Nguyện chẳng hạn, đều có ấn tượng đậm nét về đức tin, về sự cầu nguyện hồn nhiên, sâu sắc của họ cũng như về nhiệt tình làm việc tông đồ. Họ không vướng bận về mặt hình thức như nhiều tín hữu người Kinh. Họ chỉ có tấm lòng chân thành. Và ơn Chúa sinh hoa kết quả lạ lùng.
“Phải nói rằng con đường đến với đức tin của đồng bào các dân tộc ít người miền Bắc gặp nhiều trắc trở hơn các sắc tộc phía Nam. Trong khi ở phía Nam đã có những thừa sai rải rác trên cao nguyên, một mặt sống nghèo với người nghèo, một mặt giúp thăng tiến phần nào cuộc sống của đồng bào về vật chất lẫn tinh thần, biết tiếng nói và văn hóa dân tộc và tạo nên những cộng đoàn sinh động, thì ở phía Bắc đang thiếu nhân sự trầm trọng, cộng thêm với những khó khăn do địa phương còn tinh thần hẹp hòi, đến độ lo ngại rằng sau một hồi rộ lên, khí thế đến với Tin Mừng có thể suy yếu vì thiếu năng đỡ và hướng dẫn. Cần gấp rút gây dựng một lớp tông đồ giáo dân có khả năng tiếp cận và hòa mình với đồng bào. Tình hình chính trị có những bất ổn, nhưng không thể vì vậy mà buông lơi sứ mạng loan báo Tin Mừng
(10).
(b) Các bạn trẻ, sinh viên, học sinh: “… bất chấp hoặc chính vì những trở ngại, đang có nhiều người thao thức đi tìm những giá trị tâm linh, trong số này có nhiều người trẻ. Họ nhậy cảm với tình bạn, tình yêu thương, sự chân thành, tinh thần hướng thượng. Từ đó họ dễ cảm nhận Chúa. Khi đã có đức tin, họ đại độ dâng hiến những khả năng tâm trí của mình cho cộng đoàn tín hữu.
“Thường thường các bạn này phát hiện Giáo hội qua các bạn cùng trang lứa có đạo. Vì vậy cần có những cộng đoàn trẻ năng động, biết diễn tả đức tin của mình, có lòng mến, biết sáng tạo và làm chứng cho Chúa.
“…. Họ cần được lắng nghe, thông cảm với những vấn đề và nỗi niềm của họ, giống như những người bạn có thể tâm sự. Thật sự nhiều khi họ rất muốn tìm hiểu về đạo, nhưng lại ngại ngùng vì còn xa lạ….Sụ tiếp xúc trực tiếp là rất quan trọng. Chúng ta cần những thừa sai truyền đạo không chỉ ở những vùng núi rừng xa xôi, mà ngay giữa lòng thành phố, và đặc biệt giữa những người trẻ
…” (11).
(c) Những người có gốc Công giáo, nhưng đã nhạt đức tin: “Thành phần này cũng không ít, có ở khắp nơi, nhưng đặc biệt ở phía Bắc. Đức tin đã phai nhạt lâu trước khi họ ngưng đến nhà thờ. Cũng có khi ngừng đi nhà thờ do những bất bình có thể có lý (với các cha chẳng hạn), rồi lâu năm trở nên xa lạ với nhà Chúa. Cũng có thể họ là nạn nhân của một thời đặc biệt khó khăn đối với Giáo hội, nhà thờ vắng vẻ, linh mục cũng vắng luôn, sự đạo thu hẹp lại thành một mớ hình thức mà người ngày nay không hiểu được. Tóm lại, do thiếu hiểu biết, do hiểu lầm, do hoàn cảnh, đã lâu họ coi mình như không có đạo nữa.
“Đức tin có thể sống lại khi cha mẹ già đau ốm đòi mời linh mục đến nhà cử hành các bí tích, hoặc trong một lễ tang, một lễ cưới. Lễ tang và lễ cưới là những dịp rất tốt để rao giảng Tin Mừng. Có nhiều người chỉ có cơ hội tiếp xúc với Giáo hội nhân các lễ nghi đó
…” (12).
(d) Những người có thành kiến, ác cảm hoặc lãnh đạm với đạo, nhưng sau đổi ý: “Trong một hoàn cảnh nhất định nào đấy về chính trị, lịch sử, xã hội, văn hóa, có nhiều ngộ nhận đối với đạo. Hoặc người ta nghĩ rằng hãy gạt chuyện tôn giáo qua một bên, để lo những chuyện phải đấu tranh trước mắt. Nhưng đến một lúc, có lẽ là đã từng trải, đã đứng tuổi, đã về hưu người ta lại nhận ra tất cả các hoạt động của mình đều có những giới hạn, nếu không có một cõi siêu việt. Nếu lúc ấy họ gặp được những tín hữu hoặc một linh mục hiểu biết, cởi mở không thành kiến, có lòng đạo chân chính, thì họ sẵn lòng đến với Chúa(13).
(đ) Nạn nhân của các gia đình tan vỡ: “Các cặp vợ chồng mà đời sống gia đình trục trặc vướng mắc vào rất nhiều khó khăn và mặc cảm. Đối với người Công giáo, sau khi đã thất bại, nếu họ “làm lại cuộc đời” thì có phần nào cảm thấy như mình bị gạt ra bên lề Giáo hội vì không được chịu các bí tích. Người nào không có lỗi trong sự đổ vỡ hôn nhân mà chỉ là nạn nhân của sự phụ bạc có cảm giác như mình bị thua thiệt bất công nếu sống đúng luật Giáo hội. Nếu có Đức tin mạnh, đời sống cầu nguyện thâm sâu thì có thể khắc phục cảm giác ấy, nhưng vẫn bị nó ám ảnh dai dẳng(14).
Về mục vụ cho những trường hợp ly dị tái hôn, nhiều Giáo hội đang nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra phương cách tốt nhất nhằm nâng đỡ những người lâm vào cảnh này, vì nếu chỉ áp dụng luật một cách máy móc cứng nhắc thì cũng không giúp gì được cho những người thực sự thành tâm thiện chí muốn gắn bó với Giáo hội.

III. BA NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH TRONG CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

1. Nhân tố quyết định hàng đầu: Chúa Thánh Thần.
1.- “Chúa Thánh Thần là nhân tố chính yếu trong toàn bộ sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.” Lời quả quyết này của Đức Thánh Cha đưa tới một hệ luận: nếu chỉ cậy dựa vào yếu tố nhân loại thôi thì công cuộc loan báo Tin mừng đã thất bại ngay từ trong trứng nước! Nó chẳng khác gì “dã tràng xe cát biển Đông”. Đây là những lý do đưa tới hệ luận trên:
(a) Chính Chúa Thánh Thần mới là chủ thể siêu việt có đầy đủ quyền năng để thực hiện công trình cứu độ trong tâm hồn con người và trong lịch sử thế giới.
(b) Khi trao ban sứ vụ cho các tông đồ: “Như Cha đã sai Thày, Thày cũng sai anh em”, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các ông, để các ông có khả năng rao giảng và ban ơn tha tội cho muôn dân.
(c) Chúng ta còn nhớ ngay từ giây phút đầu tiên của công cuộc khai mở Giáo hội, nhờ Chúa Thánh Thần tác động và đổi mới hoàn toàn, các tông đồ mới hội đủ khả năng để trở thành những chứng nhân và ngôn sứ hầu xây dựng Giáo hội bằng các hoạt động loan báo Tin mừng đầy khôn ngoan dũng cảm. Sự thành công trên bước đường truyền giáo của các tông đồ cũng như của các thế hệ kế thừa sau đó và cho đến hôm nay trên toàn thế giới đều là hồng ân do Chúa Thánh Thần ban tặng (15).
2.- Với Ngài, chúng ta hành động qua:
Cầu nguyện:
- Chúng ta nài xin Chúa Thánh Thần ban cho cánh đồng truyền giáo nhiều tâm hồn nhiệt thành, bén nhạy với các hoạt động tông đồ. Đó là các ơn gọi truyền giáo, như lời Đức Giêsu dạy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về(16).
- Cầu xin cho các bậc cha mẹ biết “quảng đại đóng góp đặc biệt vào sự nghiệp truyền giáo của Giáo hội bằng cách vun trồng ơn gọi truyền giáo các con trai con gái mình (17).
- Cầu xin cho các bạn trẻ biết lắng nghe Lời Chúa Kitô nói với họ như nói với Phêrô và Anrê xưa: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá(18) , và biết đáp lại lời mời gọi của Chúa như ngôn sứ Isaia: “Con đây, lạy Chúa, con sẵn sàng, xin hãy sai con(19).
- Cầu cho những nơi truyền giáo vượt qua mọi khó khăn trở ngại do Satan dàn dựng, để Tin Mừng của Chúa liên tục được loan báo và được lắng nghe.
- Cầu cho những người thành tâm thiện chí được toại nguyện khi muốn kiếm tìm chân lý và số những người như thế cứ mỗi ngày một gia tăng.
- Cầu cho hết mọi người Kitô hũu ý thức sứ vụ ra đi để hăng say nhập cuộc và anh dũng thi hành sứ mệnh.
(b) Hy sinh:
Chúng ta cũng cần phải dâng lên Chúa những hy sinh tinh thần cũng như thể lý. Nên nhớ rằng Ơn Cứu độ phát xuất từ hy lễ thập giá của Đức Kitô, “chính Người là Đấng đã kêu gọi các phần tử trong Thân Thể Mầu nhiệm hãy liên kết với những đau khổ của Người nơi chính thân xác mình.” (20). Cuộc sống hằng ngày của chúng ta đầy dẫy những đau khổ: đau khổ tinh thần như khi bị hiểu lần, bị nghi oan, bị thất bại mà chán nản, thất vọng! Đau khổ thể lý như thiếu cơm ăn áo mặc, nhà cửa rách nát, bệnh nạn tật nguyền v.v..Chúng ta hãy dâng hết những đau khổ đó cho Chúa để cầu cho các nhà truyền giáo cũng như cho hoạt động truyền giáo của các ngài. Như thế, chúng ta được kể như góp phần trực tiếp vào sứ vụ loan báo Tin Mừng” (21).

2. Nhân tố thứ hai: Nhân sự.
Để tạo ra Ơn Cứu độ, Chúa Giêsu đã một mình tự hiến trên cây thập giá. Nhưng để ban tặng ơn ấy cho nhân loại, Ngài đã tuyển chọn và huấn luyện 12 tông đồ để rồi sai họ đến với muôn dân. Chúa Thánh Thần đã kiện toàn công trình đào tạo các tông đồ vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Các tông đồ đã ra đi như Chúa Giêsu truyền và đã làm nên đại sự nhờ năng lực Chúa Thánh Thần ban.
Sứ vụ loan báo Tin Mừng đương nhiên là kéo dài cho đến tận thế như Đức Giêsu gợi ý: “Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế(22). Các tông đồ, theo đúng bài học Thày chí thánh để lại, cũng đã tuyển mộ học trò, huấn luyện rồi sai đi. Và cứ thế cho đến ngày nay, hằng hà sa số những con người thành tâm thiện chí, nhiệt tâm với sứ vụ cứu rỗi anh em, đã gia nhập hàng ngũ tông đồ. Họ thuộc đủ mọi phái tính, nam có nữ có; đủ mọi phẩm trật: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân; đủ mọi lối sống, đủ mọi ngành nghề. Họ được Chúa Thánh Thần ban phát các đặc sủng để mựu cầu lợi ích cho Giáo hội và Chúa Giêsu linh hứng ơn gọi truyền giáo trong tâm hồn từng người. Họ đã cống hiến cuộc đời cho sứ vụ sai đi và đã góp phần mở mang Nước Chúa mỗi ngày mỗi rộng khắp (23) .

3. Nhân tố thứ ba: Phương tiện.
Để thể hiện tinh thần bác ái Kitô giáo ngàn đời chính Công đồng Vatican II đã dạy: “Các Kitô hữu phải hoạt động và cộng tác với mọi người khác để tổ chức đúng đắn các các hoạt động kinh tế xã hội. Họ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các thanh thiếu niên, nhi đồng bằng các loại trường học khác nhau. Ngoài ra họ còn phải tham gia vào nỗ lực của các dân tộc đang cí gắng tạo ra những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn và củng cố hòa bình thế giới bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật… Tuy nhiên Giáo hội không chỉ tìm kiếm tiến bộ và thịnh vượng thuần vật chất, mà còn nâng cao nhân phẩm và sự hiệp nhất huynh đệ cho con người(24).
Và để phụ họa cho ý tưởng trên, Đức Giáo hoàng và các giám mục Châu Mỹ La tinh trong lần họp thứ ba tại Puebla cũng tuyên bố: “Giáo hội trong toàn thế giới muốn là Giáo hội của những người nghèo khổ… Do đó người nghèo là đối tượng đầu tiên của việc truyền giáo. Và loan báo Tin Mừng cho họ là một dấu chỉ và bằng chứng sứ vụ của Đức Giêsu
Xét cho cùng những lời dạy trên đây đã khơi nguồn từ gương mẫu của Đức Giêsu, Đấng, sau khi dạy dân chúng về Tin Mừng Nước Trời, đã cho họ bánh ăn và chữa lành mọi bệnh nạn tật nguyền. Hành động như thế là Chúa Giêsu đã chăm lo cho cả “con người toàn vẹn”, tức bao gồm cả hai phần vật chất lẫn tâm linh.
Trong bối cảnh đất nước Việt Nam chúng ta hôm nay, số những con người nghèo khổ quả thực hết sức đông đảo! Người truyền giáo đến với họ… dần dà sẽ nẩy sinh tâm tình của Chúa Giêsu xưa khi trực diện với đám dân nghèo: “…thấy dân chúng đông đảo, Người chạnh lòng thương xót họ, vì họ như chiên không có người chăn dắt. Và Ngài bắt đầu dạy họ nhiều điều… Ngài cầm 5 chiếc bánh và 2 con cá … trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng…” (25). Vậy, chúng ta có thể kết luận: Truyền giáo là tận tình giúp đỡ những người nghèo khổ, để, ở đời này họ có được một cuộc sống xứng phẩm giá con người và đời sau được đạt tới Ơn Cứu độ.
“Thực ra trong tình hình Đất Nước ta hiện nay việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động bác ái xã hội của các tôn giáo vẫn chưa được nhà cầm quyền chấp nhận. Tuy nhiên, có những địa phương, chúng ta vẫn có thể hợp tác. Và ngay tại những chỗ khó khăn người truyền giáo vẫn có thể len lỏi và tìm ra những phương thức để sự giúp đỡ vật chất có thể chắc chắn tới tay dân nghèo. Điều cần là làm thế nào để những người truyền giáo này có được PHƯƠNG TIỆN trong tay mà phân phát!”
(26).
Về các phương tiện phục vụ cho việc truyền giáo ngày nay, chúng ta cũng không thể xem thường các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet…. là các phương tiện càng ngày càng phổ biến trong thế giới ngày nay.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG & PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN GIÁO Thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.

Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, sứ vụ loan báo Tin Mừng nhắm tới cả 3 đối tượng: người chưa được nghe biết Chúa, người đã rửa tội nhưng bỏ Giáo hội ra đi và người đã rửa tội và đang sống đức tin.
A.- Với đối tượng là những người chưa nghe biết Chúa, sứ vụ truyền giáo thường lưu ý đến những hoạt động - và cũng là những phương pháp- sau đây:

1. Thăm viếng:
Thăm viếng là hoạt động (phương pháp) truyền giáo thường thu được rất nhiều thành quả. Thăm viếng là chiếc cầu nối. Nó đưa người ta xích lại gần nhau, quen nhau, biết nhau, hiểu nhau, thông cảm với nhau và từ từ đi đến thân thương yêu mến. Dĩ nhiên không phải chỉ một thời gian ngắn là có thể đi tới thân tình ngay được. Vì thế cần phải kiên trì thăm viếng và kiên trì xây dựng cho nhau qua rất nhiều lần thăm viếng.
Đối với “sứ vụ đến với muôn dân” hoạt động thăm viếng đòi phải kinh qua nhiều thời gian hơn. Phải tiêu mòn nhiều sức lực và chi phí hơn vì phải đi xa, đi lâu và xử dụng nhiều phương tiện hơn. Nhưng thế nào chăng nữa, để truyền giáo, chúng ta không thể làm khác và không thể không làm. Thật vậy, có thăm viếng mới có tiếp cận, có tiếp cận mới có trao đổi, có trao đổi mới có hiểu biết và có hiểu biết, với ơn Chúa nữa, mới có đón nhận. Thăm viếng là dấu chỉ của tình thương. Tình thương này trước hết phải được chứng minh từ “con người có đạo”, nhất là con người truyền giáo. Chính “con người có đạo, con người truyền giáo” là con đường tình thương dẫn bà con lương dân đến với Chúa, Đấng là nguồn mạch tình thương. Hãy nhiệt thành thăm viếng để chứng tỏ chúng ta sống đức ái Kitô giáo thật sự (27).

2. Người người kết thân:
Phương thức truyền giáo này được thực hiện như sau: Chọn lấy một người bạn lương dân (nam với nam, nữ với nữ, trừ trường hợp lập gia đình) Kết nghĩa anh em hay chị em với người ấy một cách chân tình. Hai người gắn bó với nhau như ruột thịt, giúp đỡ nhau tận tình vật chất cũng như tinh thần, đến nỗi người bạn có thể có một chỗ đứng thân thương trong gia đình như người con trong nhà. Hằng ngày cầu nguyện cho bạn và đôi khi vào những dịp Lễ, Tết…mời bạn đi dự các nghi thức đạo với mình. Với ơn Chúa soi sáng thúc đẩy, biết đâu một ngày nào đó, người bạn lại chẳng “đón nhận” tình thương của Chúa để trở thành Kitô hữu thực sự (28).

3. Nhà nhà kết thân:
Phương thức này giống giống phương thức trên. Khác chăng là giữa hai tập thể có nhiều cá thể hơn. Phương thức kết thân này rất thịnh hành tại Giáo hội Đại Hàn. Chính nhờ phương thức kết thân này mà chỉ trong 3 thập niên 1960-1990, Giáo hội Đại Hàn đã đem về cho Chúa cả triệu linh hồn. Dĩ nhiên kết quả càng lớn thì công sức càng to đúng như ý định từ muôn đời của Chúa (29).

4. Phát triển:
Tại những vùng sâu vùng xa miền đồng bằng hay những nơi núi rừng heo hút, đồng bào ta còn nghèo khổ nhếch nhác lắm! Về tinh thần họ mù chữ, dốt nát! Về vật chất: cơm không đủ ăn, áo không có mặc, nước thì ô nhiễm, phương tiện làm ăn thì thô sơ, cầu thì cầu khỉ, lối đi gập ghềnh mùa nắng mà lầy lội mùa mưa! Nhìn về tương lai, quả thật, chưa thấy cơ hội nào có thể giúp họ thoát khỏi cảnh triền miên cơ cực đó. Chúng ta, vì muốn đem lại cho anh em lương dân một chứng từ đích thực về Chúa Kitô, phải tích cực tham gia bằng đóng góp sức người sức của, tạo ra cho đồng bào “những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật(30). Như thế chúng ta phải hợp tác với chính bà con để xây dựng những lớp học tình thương, giúp phương tiện cho các cháu thanh thiếu niên nhi đồng đến trường; đóng nhiều giếng nước sạch; làm vô số cầu bê tông; lót đan, trải đá hàng trăm mét đường lầy lội… Đấy là chưa nói tới những khoản trợ giúp thuốc men cho người bệnh nặng, gạo thóc cho người đói rách. Quả thật, người ta dễ bình tâm khi không thấy những cảnh đói nghèo nheo nhóc. Nhưng thấy rồi thì không thể không xót xa, trái lại sẽ được đức ái Chúa Kitô thúc bách để dấn thân giúp đỡ những người anh em xấu số hầu cứu họ cả xác lẫn hồn! Dĩ nhiên những hoạt động phát triển này cần phải được yểm trợ bằng phương tiện vật chất. Vậy mỗi người, tùy theo khả năng, sức khỏe, thời giờ và tiền của Chúa ban, hãy nhiệt tâm đóng góp. Tuy “một cây làm chẳng nên non”, nhưng “ba cây chụm lại ắt nên hòn núi cao(31).
B. Với đối tượng là những người đã tin Đức Giêsu Kitô và đã nhận bí tích rửa tội nhưng đã đánh mất niềm tin, rời bỏ Giáo hội, sống như người lương dân thì ngoài các hoạt động hay phương pháp truyền giáo kể trên, chúng ta đặc biệt quan tâm đến các hoạt động tái truyền giáo , tức rao giảng lại Tin Mừng, dạy lại giáo lý cho họ khi họ tán thành.
C. Với đối tượng là những người tin Đức Giêsu Kitô, đã được rửa tội và đang sống đức tin cậy mến của Kitô hữu thì ngoài các hoạt động hay phương pháp truyền giáo kể trên, chúng ta đặc biệt quan tâm đến các hoạt động mục vụ (giảng dạy, các khóa huấn luyện, các sinh hoạt hội đoàn hay chuyên đề) để củng cố và tăng cường đức tin, cậy, mến nơi họ.

V.CÔNG VIỆC HUẤN LUYỆN DỰ TÒNG, ĐÀO TẠO TÂN TÒNG VÀ XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA.

Huấn luyện dự tòng, đào tạo tân tòng…giúp họ trở nên những Kitô hữu thuần thành là công tác hàng đầu Giáo hội hằng lưu ý: “Những người nhờ Giáo hội được Thiên Chúa ban ơn tin Chúa Kitô, phải được nhận vào lớp dự tòng bằng những lễ nghi phụng vụ; lớp dự tòng này không phải chỉ trình bày tín lý và các giới răn, nhưng là huấn luyện một đời sống Kitô hữu đầy đủ và là thời gian tập sự được kéo dài thích đáng, để nhờ đó môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thày mình. Vậy các dự tòng phải được khai tâm một cách thích hợp về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc âm và qua các nghi lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn liên tục, họ được đưa vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của dân Chúa.
Rồi khi đã chịu các Bí tích gia nhập Kitô giáo, họ được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm, cùng chết, cùng được an táng và sống lại với Chúa Kitô. Họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ thành nghĩa tử, và cùng với toàn thể Dân Chúa họ cử hành lễ kính nhớ việc Chúa chịu chết và sống lại
(32).
Phân tích lời Công đồng dạy trên đây, việc huấn luyện dự và tân tòng sẽ trải qua những giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn dự tòng:
Trong giai đoạn này người dự tòng được nhận vào các lớp giáo lý để học hỏi những vấn đề liên quan tới tín lý và luân lý của đạo, tức là khai tâm về mầu nhiệm cứu rỗi, được hướng dẫn để sống cuộc sống Kitô hữu, tức là thực thi Phúc âm. Đồng thời tham dự các nghi lễ thánh, tức là “được đưa vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của Dân Chúa”.
Phải nói đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với cả hai phía: người hướng dẫn và người dự tòng. Khó khăn đối với người hướng dẫn là vận dụng thế nào, cả lý thuyết lẫn phương pháp sư phạm, hầu thuyết phục được người thụ giáo. Có những dự tòng, vào thời gian ban đầu chỉ có ý đi học để tìm hiểu. Sau năm bẩy lần dự lớp, họ có thể quyết định theo đuổi đến cùng, do thấy những gì đạo dạy “có lý” quá. Hay ngược lại, nghỉ luôn, vì cảm thấy chưa được thuyết phục về giáo lý cũng như tình cảm!
Thực ra, đối với các dự tòng, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, trình độ học vấn chẳng là bao, nhưng lại khá bén nhạy về mặt tôn giáo. Cho nên chân lý đức tin Công giáo vẫn là thế, nhưng người hướng dẫn biết vận dụng khoa tâm lý, phương pháp sư phạm, biết dùng những từ ngữ vừa tầm hiểu biết của học viên….mà trình bày…. thì mới hy vọng thuyết phục được người nghe.
Khó khăn về phía học viên nhiều khi to lớn không ngờ! Những trở ngại đó có thể có thể phát xuất từ:
* Truyền thống tôn giáo gia đình,
* Thời giờ làm ăn sinh sống,
* Tâm trạng nghèo “đi đạo vì gạo vì tiền”.
Để giải quyết vấn đề này, Thánh Công đồng dạy: “…Phải cứu xét những động lực tòng giáo, và nếu cần, phải thanh luyện những động lực đó nữa(33). Thực tế, đối với khó khăn về “truyền thống tôn giáo gia đình” và khó khăn về thời gian, người truyền giáo cần vận dụng ơn Chúa và sự khôn ngoan sáng suốt của mình để trình bày, dẫn giải, động viên. Có những vấn đề chưa cần nói ngay hay làm ngay (ví dụ bàn thờ chẳng hạn) thì chưa cần nói, cần làm. Tới lúc nào đó, khi người dự tòng đã xác tín đạo Chúa, họ sẽ tự động làm hay yêu cầu mình làm. Riêng cái khó thứ ba: đi đạo vì gạo vì tiền, chúng ta không khước từ những đối tượng này mà cứ tiếp rước vui vẻ, rồi từ từ, như Công đồng dạy ”thanh luyện những động lực đó” thôi. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người lúc đầu xin tòng giáo là để lợi dụng. Nhưng khi đã thấm nhuần giáo lý, họ trở nên siêng năng, sốt sáng với một đức tin thật vững vàng. Đúng là “tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa”.
Để được như thế, chúng ta cần lưu ý đến thời gian dạy và học giáo lý dự tòng. Không nên vì bất cứ lý do gì mà hấp tấp vội vàng. Nguyên tắc là: càng dạy lâu càng tốt, càng học lâu càng thấm nhuần. Kinh nghiệm cho thấy, thời gian học giáo lý dự tòng kéo dài từ 8 đến 12 tháng là tốt. Như thế người dự tòng mới có thể tạm biết đầy đủ những điều cần thiết để lãnh Bí tích Rửa tội (34).

2. Thời hậu Rửa tội:
Thực sự rửa tội thì dễ, nhưng làm thế nào để người tân tòng luôn tin vững và sống đúng tinh thần Phúc âm, nhờ đó phần rỗi trở nên niềm hy vọng chắc chắn…. đó mới là chuyện khó. Quả thực, đích chúng ta nhắm khirửa tội cho dự tòng là chính sự cứu rỗi của họ. Do đó, nếu chưa thấy “chắc ăn” hay nói cách khác, đức tin của họ còn non yếu vì thời gian học giáo lý và tập sống đạo còn quá ngắn, chúng ta cần “can đảm” tạm hoãn việc rửa tội cho đến khi tiêu chuẩn hiểu biết về đạo được tạm dủ và đức tin (theo sự nhận xét có giới hạn của con người) có vẻ khả quan.
Sau khi rửa tội, ngoài việc bồi dưỡng đức tin theo hình thức huấn dụ trước sau thánh lễ, nhất là qua các bài giảng sau bài Tin Mừng, chương trình giáo lý đối với tân tòng vẫn phải được liên tục duy trì ít là từ 6 tháng đến một năm. Chương trình này, không coi nhẹ phần lý thuyết, nhưng đặt nặng phần thực hành, cụ thể như: cầu nguyện, lần chuỗi, sống bác ái, loan báo Tin Mừng…
Công tác cứu rỗi linh hồn người ta, quả thực, nhiêu khê và vất vả lắm thay! (35).

3. Thành lập Cộng đoàn Dân Chúa:
Các nhà truyền giáo …. phải gây dựng những cộng đoàn tín hữu để họ có thể thi hành những chức vụ đã được Chúa trao cho họ: đó là chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế. Nhờ hiến tế Thánh Thể, họ được cùng với Chúa Kitô vươn đến Chúa Cha; được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa; họ làm chứng về Chúa Kitô, cùng dấn bước trong tình bác ái và được hun đúc trong tinh thần tông đồ(36). Qua lời dạy của Công đồng, người truyền giáo phải lưu ý đến một hoạt động quan trọng khác nữa là: thành lập Cộng đoàn Dân Chúa. Tất nhiên, đây là tại những nơi trước kia chưa từng có nhà nguyện, nhà thờ; chưa hề có linh mục, tu sĩ hay giáo dân tông đồ lưu ngụ. Nay, nhờ ơn Chúa đã có hàng trăm người đang học giáo lý dự tòng và lòng người địa phương đang hướng về Chúa như hạn hán mong mưa…thì việc qui tụ họ lại thành cộng đoàn Dân Chúa để dần dần biến thành họ đạo, thành giáo xứ… là điều không thể không nghĩ tới.
Để chuẩn bị cho hướng đó, ngay từ thời dự tòng, ngoài việc huấn luyện bà con mặt đức tin cả lý thuyết lẫn thực hành, chúng ta còn phải tổ chức cho họ những thánh lễ riêng, trong đó, chính họ, theo tuổi tác và vị trí, đảm nhận việc giúp lễ, đọc sách thánh, quyên tiền, dâng của lễ, ca hát cộng đồng và ca đoàn v.v.. Từ các công tác phụng vụ này, sẽ dần dần xuất hiện những tâm hồn vừa có khả năng, vừa sốt sáng nhiệt tình. Đó là những người sẽ được chọn để đóng những vai trò lãnh đạo hay đảm nhận những công tác chuyên môn, khi giáo điểm của họ có nhà nguyện hay nhà thờ và được cả hai phía đạo đời chính thức công nhận là Giáo họ hay Giáo xứ. “Chúa sẽ làm những việc trọng đại và Danh Người là thánh (37).

VI. TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN.

1. Ai có thể trở thành tông đồ giáo dân?
Xin mượn ý và lời của cha Jess S. Brena SJ mà trả lời rằng: bất cứ người nào- đàn ông hay phụ nữ- hội đủ các điều kiện sau đây, đều có thể trở thành một tông đồ giáo dân:
* Là người được ban đức tin vững mạnh, là người không vướng phải những khó khăn lớn trong đời sống luân lý, xã hội (gia đình) và kinh tế.
* Là người có thể phấn đấu để trở thành một tông-đồ-tự-nguyện “làm việc một phần thời gian” để phục vụ Nước Trời.
* Là người ủy thác được và sẵn sàng đón nhận một công tác cụ thể nào đó trong Giáo hội, một công tác thường xuyên phù hợp với khả năng và đoàn sủng của mình.
* Là người độc thân hay kết hôn, góa chồng hay góa vợ.
* Về tuổi tác:
Trên nguyên tắc thì bất cứ độ tuổi nào.
Để thực tế hơn thì chỉ những người nào mà bổn phận gia đình cho phép họ rảnh một số giờ mỗi ngày hay mỗi tuần (con cái đã lớn hoặc đã được chăm sóc chu đáo).
Có thể có nhiều người sắp nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn khỏe mạnh, cảm thấy được thôi thúc muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa cho Nước Trời trong những năm tháng còn lại của đời mình.
* Có thể là những người vẫn còn trong tuổi lao động, với những điều kiện phải có như ở phần trên (b).
* Tất cả các học viên đều phải được cha xứ mình bảo lãnh với sự đồng tình hiển nhiên của bà con giáo hữu trong cộng đoàn.
* Tất cả phải trải qua khóa huấn luyện và thử nghiệm (thực tập) trước khi được chính thức nhìn nhận là những Tông Đồ Giáo Dân hay Thừa Tác Viên Giáo Dân (38).

2. Nhu cầu huấn luyện tông đồ giáo dân:
Thật dễ nhận ra rằng đại đa số các Kitô hữu chúng ta đã không được huấn luyện để đảm nhận tích cực phận vụ của mình trong Giáo hội hoặc trong công tác tông đồ. Ai cũng thấy nhu cầu phải được huấn luyện thích đáng là điều quá rõ ràng và cần thiết.
“Giáo dân có quyền được huấn luyện như thế để có năng lực nhiều hơn mà đóng vai trò Thiên Chúa đã ủy thác cho mình.
“Về điểm này, Vatican II và Bộ Giáo luật mới đã tuyên bố rất rõ: “Do vậy, ngay cả khi phải bận rộn với những lo toan trần thế, người giáo dân cũng có thể và phải thể hiện những nỗ lực xứng đáng để đưa Tin Mừng vào trần gian. Đặc biệt, một số trong họ sẽ vận dụng hết khả năng mình để đảm nhận các phận vụ thiêng liêng trong trường hợp thiếu linh mục hoặc linh mục bị cấm cách. Nhiều giáo dân sẽ dấn thân hoàn toàn cho công tác tông đồ. Nhưng công tác để mở rộng và phát triển sức mạnh của Nước Chúa Kitô trên trần gian là bổn phận của hết thảy mọi người. Vì vậy, người giáo dân phải rèn luyện để nắm vững hơn về chân lý mạc khải và phải nhiệt thành cầu xin Chúa ban cho mình ơn khôn ngoan
(39).
Phải coi sự huấn luyện này là nền tảng và là điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ hữu hiệu”.
“Bởi vì sự huấn luyện trong lãnh vực tông đồ không chỉ bao gồm những chỉ dẫn thuần lý thuyết, nên ngay từ đầu cuộc huấn luyện phải dần dần và khéo léo giúp cho người giáo dân biết xem xét và làm mọi sự trong ánh sáng đức tin - cũng như biết hành động để phát triển và hoàn thiện bản thân mình và người khác; nhờ đó họ hòa nhập vào công cuộc phục vụ đầy năng động của Giáo hội
(40).

-----------------------
Chú thích:

(1) Đọc: Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003.
(3) GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO của Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, 2003, gồm 16 đề tài, 292 trang, được soạn làm tài liệu huấn luyện giáo dân.
(3) Mt 28,16.18-20.
(4) Ga 10,10.
(5) Tiếng la tinh là “Ecclesia in Asia” viết tắt là EA.
(6) Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, 20.
(7) Dựa theo thống kê chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2001.
(8) Lm Vũ Khởi Phụng, DCCT, bài “linh mục con nợ đặc biệt của người nghèo và người yếu đuối”, trong BỐN MƯƠI NĂM SAU VATICAN HAI NHÌN LẠI, 2002.
(9) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn “Sứ vụ Đấng Cứu Độ” số 33.
(10) Lm Vũ Khởi Phụng, như trên, trang 62-63.
(11) Lm Vũ Khởi Phụng, như trên, trang 63.
(12) Lm Vũ Khởi Phụng, như trên, trang 63-64.
(13) Lm Vũ Khởi Phụng, như trên, trang 64-65.
(14) Lm Vũ Khởi Phụng, như trên, trang 65-66.
(15) Lm Antôn, LOAN BÁO TIN MỪNG, 2002, trang 38-39.
(16) Mt 9,27.
(17) Tông huấn Đời sống Gia đình, 54.
(18) Mt 4,19.
(19) Is 6,8.
(20) Cl 1,24.
(21) Lm Antôn, Sđd, trang 43-45.
(22) Mt 28,20.
(23) Lm Antôn, Sđd, trang 39-40.
(24) Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Truyền giáo, 12.
(25) Mc 6, 34-44.
(26) Lm Antôn, Sđd, trang 40-42.
(27) Lm Antôn, Sđd, trang 45-46.
(28) Lm Antôn, Sđd, trang 46.
(29) Lm Antôn, Sđd, trang 46-47.
(30) Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Truyền giáo, 12.
(31) Lm Antôn, Sđd, trang 47-48.
(32) Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Truyền giáo, 14.
(33) Như trên, 13.
(34) Lm Antôn, Sđd, trang 49-52.
(35) Như trên, trang 52-53.
(36) Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Truyền giáo, 15.
(37) Lm Antôn, Sđd, trang 53-54.
(38): Lm Jess S. Brena SJ, “NGÀI GỌI CON, CON ĐÂY, Thủ bản huấn luyện Tông Đồ Giáo Dân, Nhà xuất bản: Trung Tâm Đào Tạo và Thăng Tiến Đài Bắc- Đài Loan, 1984, trang 145-146.
(39) Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội, 35.
(40) Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, 29; Lm Jess S. Brena, Sđd, trang 147-148.