Nogales, Arizona: Trong một cử chỉ mà học giả John Carr cuả ĐH Georgetown University mô tả là: "this is the best the church has to offer,” ("là điều tốt nhất mà Giáo Hội có thể mang lại bây giờ"), ĐHY O’Malley cuả Boston và 7 giám mục Hoa Kỳ đã đến thành phố biên giới Nogales để đặt vòng hoa, rước thánh giá và dâng thánh lễ tưởng niệm cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong khi vượt sa mạc đi tìm đất sống tại Hoa Kỳ.

Tính từ 1998 cho tới năm 2013, người ta đã đếm được 5595 nạn nhân trên biên giới Mexico.

Đây là một cử chỉ để noi gương ĐTC Phanxicô khi Ngài đến đảo Lampedusa cuả Italy năm ngoái để đánh thức lương tâm Thế Giới trước những thảm cảnh nhập cư lậu vào âu Châu.

"Mục đích của cuộc hành trình tại Arizona này là để nâng cao ý thức rằng Tổng Thống và Quốc Hội cần phải thông qua một đạo luật để cải cách một hệ thống nhập cư đã bị hư hỏng", Đức Giám Mục Gerald Kicanas của Giáo phận Tucson cho biết.

Hàng giáo phẩm Công Giáo HK mới đây đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm gây tiếng vang. Thứ tư tuần qua, một phái đoàn cuả Đức Tổng Giám mục Los Angeles José Gomez đã thành công trong việc giới thiệu một em gái 10 tuổi tên là Jersey Vargas lên Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Người cha cuả em Jersey đã bị giam giữ 2 năm và sắp bị trục xuất về Mexico. Nhân dịp này ĐTC đã hứa với em là Ngài sẽ đề cập đến vấn đề này với TT Obama.



Sau cuộc họp hôm thứ Năm giữa Đức Giáo Hoàng và Obama, văn phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng " Trong bối cảnh quan hệ song phương và hợp tác giữa Giáo Hội và Nhà nước, đã có một cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đặc biệt đến Giáo Hội địa phương ( Mỹ ), chẳng hạn như thực hiện các quyền tự do tôn giáo, quyền sự sống và lương tâm, cũng như vấn đề cải cách nhập cư. Cuối cùng, là sự cam kết chung để diệt trừ nạn buôn bán người trên thế giới."

Tuyên bố trước buổi lể ở Nogales, ĐGM Eusebio Elizondo, giám mục phụ tá của Seattle và là Chủ tịch Ủy ban Di Cư cuả Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ nói "Trên căn bản đạo đức, đất nước cuả chúng ta không còn có thể sử dụng một hệ thống nhập cư gây ra những cảnh gia đình phân ly và từ khước áp dụng những thủ tục luật lệ cơ bản với những người đồng loại."

Các thành viên hiện diện đã lên tiếng kêu gọi Quốc hội, đặc biệt là Hạ viện, hãy nhanh chóng thi hành nhiệm vụ cuả mình.

Nhắc lại năm ngoái, sau khi Thượng viện Mỹ thông qua một bộ luật cải cách nhập cư toàn diện, Hạ viện đã không bỏ phiếu và cũng không đề nghị một phiên bản nào khác.

"Các viên chức dân cử được gửi đến Washington, DC, để quyết định và dẫn dắt đất nước hướng về tương lai", Đức Giám Mục John Wester của Salt Lake City cho biết. "Họ không thể trì hoãn việc mà phần lớn công chúng Mỹ đang hỗ trợ."



Các giám mục cũng kêu gọi chính quyền Obama hãy sử dụng quyền hành pháp để hạn chế bớt việc trục xuất những người nhập cư lậu "đặc biệt là những người không có mối đe dọa cho cộng đồng" và có gia đình hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ và sẽ có cơ may được hợp pháp hoá.

Nhắc lại 5 năm qua, chính quyền Obama đã trục xuất gần 2 triệu người nhập cư bất hợp pháp, với hy vọng là một chính sách cứng rắn như thế sẽ trở thành một con bài mặc cả với Quốc hội về những cải cách rộng lớn hơn. Nhưng hai tuần trước đây, trước dấu hiệu cho thấy Quốc hội sẽ không có một hành động nào, Obama đã ra lệnh duyệt xét lại các thủ tục trục xuất vì lý do nhân đạo.

Ngay lập tức, phát ngôn viên của Chủ tịch Hạ viện John Boehner A. (Công Hoà - Ohio) nói rằng bất kỳ hành động hành pháp đơn phương nào cũng sẽ gây tổn hại, "có lẽ không thể sửa chữa được, cho khả năng của chúng tôi để xây dựng sự tin tưởng cần thiết để ban hành cải cách nhập cư thực sự. "

Trước đây vào dịp này năm ngoái, các quan chức Công Giáo Hoa Kỳ, với sự hậu thuẫn cuả hàng triệu người gốc Tây Ban Nha, đã phát động một chiến dịch về cải cách nhập cư, đặc biệt là kêu gọi đến các thành viên chủ chốt ở Quốc hội như ông Chủ Tịch Boehner, một người Công Giáo. Nhưng các nỗ lực ấy dường như không đem lại một kết quả nào, và một số nhà phê bình nói rằng Giáo Hội đã chờ đợi quá lâu để có một tác động có ý nghĩa.



Có nghiã là, sau khi gặp nhiều thất vọng, phần đông những người gốc Tây Ban Nha đã chán nản với Quốc Hội và có nhiều dấu hiệu người dân gốc Tây Ban Nha sẽ không tham dự cuộc bầu cử lần này.

Nghiã là đảng Dân Chủ sẽ mất rất nhiều cử tri. Và như thế thì không có lý do gì để mà đảng Cộng Hoà, đang nắm Hạ Viện, phải giải quyết vấn đề Di Dân trước ngày bầu cử cả.

Bây giờ, với kim đồng hồ sắp điểm giờ thứ 24, người ta nghĩ rằng các quan chức Công Giáo đang cố ghi bàn với một quả banh phạt đền. Tức là làm nóng lại vấn đề di dân và khuyến khích Hành Pháp hành động đơn phương.

"Obama có sức mạnh để hành động, và chúng tôi hy vọng Chúa Thánh Thần sẽ đến với ông ta, " Cha Eugenio Hoyos, hạt trưởng cuả các giáo xứ Tây Ban Nha của Tổng Giáo Phận Arlington ở Virginia cho biết. " Cũng như Giáo Hội có thể tha thứ cho tội nhân, Tổng Thống cũng có thể ân xá cho những người đang chịu đau khổ. ông ta không cần phải chờ Quốc hội nữa. "