SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC PHÚ CƯỜNG

QUÝ II 1.4.2014

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh năm nay, Chúa Nhật kính lòng Chúa thương xót, 27.4.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phong hiển thánh cho hai Đức cố Giáo hoàng, đó là thánh Gioan XXIII và thánh Gioan Phaolô II.

Cách riêng thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bên cạnh thánh nữ Faustina, người đồng hương của mình, đã trở thành Tông đồ của lòng Chúa thương xót.

Nhân sự kiện trọng đại này, hơn nữa, ngày mai, kỷ niệm 14 năm thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về (2.4.2005 – 2.4.2014), chúng ta hãy cùng suy niệm về lòng Chúa thương xót. Theo gương Đức Thánh Cha, chúng ta học tập, sống và ra sức thực hiện nghĩa vụ làm tông đồ của lòng Chúa Thương xót. Bởi hơn ai hết, linh mục phải là hiện thân, là bằng chứng sống động của lòng Chúa thương xót.

I. MUÔN ĐỜI Thiên Chúa XÓT THƯƠNG.

“‘Thiên Chúa giàu lòng thương xót’ là Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Chính Người là Con Thiên Chúa đã tỏ lộ và cho chúng ta biết Cha nơi chính bản thân mình” (thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 1).

Suy niệm từ Cựu sang Tân Ước, không có trang nào của Thánh Kinh không gợi lên, không nêu cao tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Từ ngàn đời, Thiên Chúa đã thể hiện Người chính là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Người xót thương và chăm sóc nhân loại, nhưng không phải nhân loại chung chung nào, mà tình yêu thương xót của Thiên Chúa thể hiện cụ thể trên từng người một.

1. Thiên Chúa xót thương trong tạo dựng và cứu chuộc.

Chính vì tình yêu thương xót, Thiên Chúa đã tạo dựng con người cách độc đáo, đầy “trách nhiệm”, và là sự thông chia chính mình, thông chia chính sự sống, thông chia quyền bá chủ của mình.

Thiên Chúa tạo dựng họ không giống bất cứ cái gì, nhưng là mang chính hình ảnh của Người. Thánh Kinh diễn tả “tâm trạng” của Thiên Chúa thật cảm động: Người tạo dựng mọi vật xem ra quá dễ dàng, chỉ cần “Thiên Chúa phán…(mọi vật) liền có…” (St 1, 1tt). Đến khi phải tạo dựng loài người, không phải “phán”, “liền có” nữa. Kinh Thánh cho thấy, Thiên Chúa như nghĩ ngợi lắm, cân nhắc lắm. Người như đặt vào công trình tạo dựng cuối cùng này tất cả trách nhiệm, tất cả chiều sâu suy tư, tất cả nỗi niềm của bản thân. Thiên Chúa tự ngỏ với chính mình:

“Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất’. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ…” (St 1, 26-28).

Khi lòng dạ con người bội phản, vì xót thương, Thiên Chúa lại trao ban tình yêu cứu chuộc. Người đã không vì tội của loài người mà hủy diệt họ. Thay vì hủy diệt, Thiên Chúa cứu họ đời đời. Thiên Chúa không bao giờ thay lòng đổi dạ trong tình yêu thương xót của Người:

“Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31, 3). Hay:“Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,l0).

Con Một của Thiên Chúa là chính ơn cứu chuộc, là bằng chứng về sự sống, để nhân loại tiếp tục được sống. Thánh Phaolô đã phải ngỡ ngàng trước tình yêu của Đấng Toàn năng dành cho loài thụ tạo phản trắc:

“Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 6-8).

Chúa Kitô còn khẳng định mạnh mẽ hơn, để đòi chúng ta tin Người, để nhờ tin, chúng ta được cứu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Đó là một tình yêu dâng cao ngút ngàn, lên đến đỉnh điểm khi quyết hiến trao Con Một cho trần thế. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã một lòng xót thương. Đến muôn đời Thiên Chúa vẫn thủy chung thương xót.

Ban Con Một là một quyết định không thể tả, không còn quyết định nào bằng.“Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8, 32a), thì Thiên Chúa còn tiếc gì với chúng ta. “Một khi Người đã ban Người Con đó, Lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8, 32b).

Từ nay Thiên Chúa tự hiến chính mình nơi Con Một của Người. Từ nay Thiên Chúa hiện diện gần gũi, cụ thể giữa loài người nơi Con Một của Người. Từ nay Thiên Chúa đã thân hành xóa khoảng cách đến không còn khoảng cách: Bởi từ nay, nơi Người Con Một, Thiên Chúa, đã “cắm lều” ở giữa loài người.

Bởi vậy, khi công bố về tình yêu cao dâng đến vô bờ của Thiên Chúa, Chúa Kitô đã nói bằng những lời thắm thía: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…”. Cũng như khi chúng ta diễn tả: “Tôi vui đến nỗi tôi đã….”. Liên từ “đến nỗi” là liên từ diễn tả sự vỡ òa, diễn tả sức mạnh lan tràn, diễn tả nỗi niềm lớn hơn điều mà mình có thể nói ra, có thể bộc lộ. Nó diễn tả sự lớn lao hơn nhiều, mà giới hạn của ngôn từ đã không thể cho biết hết.

Thiên Chúa “yêu đến nỗi”, nghĩa là lòng yêu của Thiên Chúa đã ngút ngàn, không còn cách nào khác, không còn bất cứ một giới hạn nào. Tình yêu ấy, một tình yêu “đụng trần” đã trao dâng đến đỉnh điểm, đã là một lực mạnh trên mọi sức mạnh, vượt thắng mọi sức mạnh.

Thiên Chúa “yêu đến nỗi” là yêu đến tận cùng. Vì thế, để diễn tả sự cùng tận của tình yêu ấy, hành động hiến trao Con Một là hành động quá đỗi, không gì bằng, không còn gì khác hơn, không thể có gì thay thế.

Cảm nghiệm được tình yêu ngàn đời như một của Thiên Chúa, thánh Phêrô say sưa, sung sướng giảng về Chúa Kitô, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa như một đam mê không thể cưỡng, như một đòi buộc không thể bỏ qua:

“Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Ngườivào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi” (Cv 2, 23-24).

Vô vàn những lần Thiên Chúa thể hiện Người là Đấng đầy lòng xót thương. Trọn cả dòng lịch sử cứu độ, là trọn cả dòng lịch sử khắc ghi đậm nét tình yêu thương hãi hà của Thiên Chúa.

Đó là một tình yêu ngàn đời không đủ lời chúc tụng. Đó là một tình yêu núi không thể đo, biển không thể lường. Đó là một tình yêu dù giàu sức tưởng tượng cũng không thể tưởng nghĩ. Đó là một tình yêu dũng mãnh, bền bỉ, trung thành, bao dung, đầy ắp, vời vợi, đằm thắm, trào tràn, cuồn cuộn, dịu ngọt, luôn luôn trao ban, luôn luôn đi bước trước, luôn luôn tín thành, luôn luôn hiến dâng…

2. Chúa Kitô xót thương loài người.

Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (TC gltx) nói về Chúa Kitô: “Khi trở thành tình thương nhập thể, tình thương được biểu lộ với một sức mạnh đặc biệt đối với những người đau khổ, những người bất hạnh và những người tội lỗi, Đức Kitô, Đấng hoàn tất làm cho Chúa Cha hiện diện và cũng mạc khải đầy đủ hơn Chúa Cha là Thiên Chúa ‘giàu lòng thương xót’” (số 3).

Bởi Thiên Chúa, từ ngàn xưa, đã không bao giờ rút lại tình yêu thương xót của Người, vì thế, Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa làm người đã thể hiện mọi nơi, mọi thời tình yêu thương xót không mệt mỏi ấy.

Nhiều lần, Tin Mừng cho thấy Chúa Kitô tỏ lòng thương xót như thế. Người mời gọi kẻ nhọc nhằn hãy đến để được Người sớt chia ưu tư, thống khổ của họ: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho” (Mt 11, 28).

Chúa nhìn thấy sự đói của những người theo Chúa. Đã hơn một lần, Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ (x. Mt 14, 13–21; Mt 15, 32-39; Ga 6, 1-15).

Chúa xót xa trước những cảnh đời sống trong bệnh tật. Người chữa lành cho họ, như đã từng chữa lành cho người phụ nữ bệnh loạn huyết mười hai năm (x. Mt 9, 20-22), chữa người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9, 1-41)…

Chúa xót xa trước giọt nước mắt đớn đau của người mẹ khóc con, của người chị khóc em, như trường hợp Chúa cho đứa con của bà góa thành Naim hay cho Lazarô sống lại (x. Lc 7,11-17; Ga 11, 1-45) … Người đã từng chạnh lòng trước bệnh tật đớn đau của đầy tớ ông đội trưởng (x. Mt 8, 5-13), hay cái chết của con gái ông trưởng hội đường (x. Mc 5, 21-43)…

Chúa đã lập tức chữa lành cho tên lính bị thánh Phêrô chém đứt tai mà không cần bất cứ một điều kiện nào, dù lúc đó, Chúa đang bị người ta lên án và sẽ giết chết Chúa ngay sau đó (x. Ga 18, 10-11).

Đến giây phút cuối đời, lúc mà Chúa phải chết thảm trên thánh giá, Chúa vẫn đầy lòng xót thương đối với người trộm cùng bị đóng đinh với Chúa (x. Lc 23, 39-43 )…

Chúng ta không thể kể hết những lần Chúa tỏ tình yêu xót thương đối với con người. Đặc biệt cả cuộc đời, từ vâng lệnh Chúa Cha, nhập thể, sống nơi trần gian, chết cay đắng, sống lại vinh quang, vinh thăng trên trời… đều là tình thương tự nguyện của Chúa Ngôi Hai dành cho chúng ta, một tình thương không thể chứa đựng nơi mọi mỹ từ của loài người, khi phải diễn tả tình thương ấy.

Tình yêu dẫn đến cái chết cho người mình yêu đã lớn. Một tình yêu tự nguyện ném mình vào cái chết càng lớn lao khôn xiết. Dù vâng lệnh Thánh ý tuyệt đối, trước sau gì, Chúa vẫn thể hiện mạnh mẽ tình yêu của Người cho trần thế chúng ta: Chúa tự nguyện đến cùng trong sự tự hiến chính mình:

“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là lệnh của Chúa Cha mà tôi đã nhận được” (Ga 10, 17-18).

Vì lòng xót thương, trên thánh giá, lời Chúa Kitô “xin Cha tha cho chúng…” (Lc 23, 34), đâu chỉ là lời dành cho những kẻ đang đùng đùng sát khí dưới chân thánh giá.

Nếu nhập thể là để cứu độ, và bây giờ, vinh thăng trên trời, ngự bên hữu Chúa Cha là để chuyển cầu cho ta, để đưa ơn cứu độ của ta đạt đến vĩnh cửu, thì lời “xin Cha tha cho chúng” là, và phải là lời muôn đời Chúa Kitô chuyển cầu cho tất cả chúng ta.

Chúng ta quá đỗi hạnh phúc vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô dành cho chúng ta. Chính nhờ tình yêu thương xót, Người là trạng sư tuyệt đối, đời đời trước tòa Thiên Chúa.

Vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến lúc trao hơi thở sau hết, lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng, khi “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34).

Trái Tim mở ra là để nhân loại hạnh phúc ngụp lặn trong biển tình yêu vời vợi ấy. Dòng máu cứu chuộc trở thành nguồn sự sống và sức sống cho tất cả mọi người thiết tha tìm đến. Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa thương xót chúng ta.

Nhưng không dừng ở đó. Trái Tim Chúa Kitô mở ra, không chỉ cho thấy sự mạnh mẽ, dữ dội của tình yêu nơi Chúa Kitô dành cho loài người. Hình ảnh Trái Tim mở ra, gợi lại cho chúng ta lời tiên tri Hôsê từ xa xưa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11, 8). Lòng Thiên Chúa chứa đầy yêu thương. Thiên Chúa đã yêu. Mãi mãi cứ yêu. Ngàn đời tình yêu Thiên Chúa vẫn không cùng. Vì thế, Trái Tim Chúa Kitô vừa khắc sâu tình yêu của Thiên Chúa, vừa bộc lộ đến vô cùng tình yêu chan chứa, chứa đầy trong Trái Tim Thiên Chúa.

Làm sao có thể nói hết tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Chỉ xin được nhìn ngắm bài học của lòng thương yêu ấy, để chúng ta cũng sống tình người bằng lòng bác ái, vị tha, đón nhận, cảm thông… giữa người cho nhau, vì nhau trong cõi đời này…

II. GIOAN PHAOLÔ II – TÔNG ĐỒ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

lòng thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Kitô, hay Chúa Kitô chính là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa, là lời khẳng định quang trọng trong suốt thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót của Đức Gioan Phaolô II.

Chẳng hạn: “Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa trở nên hữu hình trong lòng thương xót của Ngài, nghĩa là làm nổi bật ưu phẩm của Ngài, ưu phẩm mà trong Cựu Ước qua nhiều hạn từ và khái niệm khác nhau đã từng xác định như ‘lòng thương xót’. Đức Kitô trao ý nghĩa chung cuộc cho toàn thể truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng những Người nói và giảng giải về lòng thương xót bằng những hình ảnh và những dụ ngôn, mà còn làm cho lòng thương xót này nhập thể và nhân cách hoá nó. Theo một nghĩa nào đó, Người chính là lòng thương xót. Đối với những ai thấy và tìm ra được lòng thương xót đó nơi Người, Thiên Chúa trở nên ‘hữu hình’ như là Chúa Cha ‘giàu lòng thương xót’” (TC gltx – số 2).

Trong khi viếng thăm Collevalenza - Italia năm 1981, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho biết quyết tâm của bản thân dành cho sứ sứ điệp lòng thương xót: “Ngay từ lúc khởi đầu tác vụ ở Toà Thánh Phêrô tại Roma, tôi đã coi sứ điệp này là công việc đặc biệt của tôi. Chúa quan phòng đã uỷ thác sứ điệp ấy cho tôi trong bối cảnh hiện nay của nhân loại, Giáo Hội, và thế giới”.

Để vinh danh và phổ biến cho mọi người qua mọi thế hệ, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, ngài đã nâng nữ tu Faustina Helena Kowalska (Maria Faustina Thánh Thể, người đã được Chúa Giêsu mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa suốt từ năm 1931 đến khi chị qua đời năm 1938) lên hàng chân phước vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh, 18.4.1993.

Bảy năm sau, cũng chính Đức Gioan Phaolô II tôn phong người nữ tu thánh thiện, người được Chúa chọn làm tông đồ của lòng Chúa thương xót, lên bậc hiển thánh ngày 30.04.2000, cũng là Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Cùng lúc, thánh nhân chính thức thiết lập lễ kính lòng Chúa thương xót trong khắp Hội Thánh Công Giáo vào Chúa Nhật II sau lễ Phục Sinh theo đúng yêu cầu của Chúa Giêsu mà Chị Faustina đã ghi trong nhật ký (NK) của mình: “Cha mong ước Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh sẽ là ngày đại lễ kính lòng thương xót Cha” (NK số 299).

Đặc biệt giảng trong thánh lễ phong thánh cho Chị Faustina, thánh Giáo hoàng dạy: “Chúa Giêsu cúi mình xuống trước mọi hình thức nghèo khổ của nhân loại, nghèo vật chất cũng như tinh thần. Sứ điệp về lòng thương xót tiếp tục chạm đến chúng ta qua cử chỉ Ngài đưa tay hướng về người đau khổ... Tôi chuyển đến mọi người lòng thương xót đó, để cho họ tìm hiểu ngày càng rõ ràng hơn về gương mặt đích thực của Thiên Chúa và gương mặt của anh em mình”.

Cũng trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đón nhận trọn vẹn sứ điệp xuất phát từ Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh, và kể từ nay, Chúa Nhật này được gọi là ‘Chúa Nhật của lòng Chúa thương xót”.

Hơn thế, trong các văn kiện và các phát biểu, huấn từ của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người ta vẫn tìm thấy đây đó ý nghĩa hay trực tiếp nói đến lòng thương xót của Chúa. Xin được tóm tắt nội dung vài văn kiện của ngài:

Trong thông điệp đầu tay, thông điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần (Rédemptor Hominis - 4.3.1979), ra đời ngay sau khi lên ngôi giáo hoàng chưa đầy nửa năm, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc đến lòng Chúa thương xót:“Giáo Hội luôn chuẩn bị cho chúng ta, để hưởng ơn cứu rỗi của Đấng Cứu Chuộc, do lòng thương vô biên của Chúa toàn năng” (RH số 1).

Trong bài giảng thánh lễ kính lòng Chúa thương xót năm 2001, Đức Cố Giáo hoàng nói: “‘Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương’ (Tv 118:1). Chúng ta hãy sở hữu sự cảm thán của tác giả Thánh vịnh mà chúng ta hát trong phần Đáp ca: ‘Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương’. Để hiểu hết sự thật của các từ này, chúng ta hãy để phụng vụ hướng dẫn tới trung tâm của sự kiện cứu độ, điều kết hợp sự chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô với cuộc đời chúng ta và với lịch sử thế giới. Mầu nhiệm của lòng thương xót đã thay đổi tận gốc số phận của nhân loại. Đó là mầu nhiệm được mạc khải trọn vẹn về tình yêu của Chúa Cha, Đấng không rút lại sự hy sinh của Con Một Ngài vì để cứu độ chúng ta”.

Chiều thứ bảy, 17.8.2002, Khi cung hiến đền thờ lòng Chúa thương xót tại quê hương Thánh Faustina (Krakow Lagiewniki, Balan), Đức Gioan Phaolô II đã long trọng đọc lời nguyện dâng loài người cho lòng thương xót của Chúa: “Lạy Cha hằng hữu, vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Cha yêu dấu là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Vì những khốn khó của cuộc Khổ Nạn của Người, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới (NK 476) ... Thế giới ngày nay cần có tình thương để bảo đảm rằng hết mọi bất công trên thế giới này sẽ được kết thúc trong chân lý rạng ngời… Hôm nay, tại đền thánh này, Con xin long trọng ký thác thế giới cho lòng thương xót của Chúa... Chớ gì lời hứa của Chúa Giêsu được nên trọn để từ nơi đây phải chiếu giãi ra tia sáng sửa soạn cho lần đến cuối cùng của Người (NK 1732). Hôm nay đây chúng con ký thác cho Cha vận mệnh thế giới. Xin Cha hãy cúi mình xuống trên tội nhân chúng con, hãy chữa lành nỗi yếu hèn của chúng con, hãy chiến thắng mọi sự dữ, và hãy ban ơn cho tất cả các dân tôc được cảm nghiệm thấy tình thương của Cha. Chớ gì họ luôn tìm thấy nguồn hy vọng nơi Cha, Thiên Chúa Ba Ngôi. Lạy Cha hằng hữu, vì cuộc khổ nạn và phục sinh của Con Cha, xin Cha thương chúng con và toàn thế giới. Amen”.

Trong tác phẩm cuối đời, cuốn "Hồi Niệm và Căn Tính " (22.2.2005), Đức Thánh Cha vẫn hướng về lòng Chúa xót thương: “Cái giới hạn áp đặt trên sự tối hậu là lòng Chúa thương xót (tr. 60-61). Trong quyển sách này, sau khi nói về biến cố bị sát hại ngày 13.5.1981, ngài chân thành nhìn nhận, Chúa cứu ngài vì lòng thương xót của Chúa. Đức Cố Giáo hoàng nói về lòng thương xót ấy: “Trong việc hy sinh hiến mình cho chúng ta; Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một cái nhìn mới, một trật tự mới của yêu thương... Chính cái đau khổ này đốt cháy và rút ra ngay từ tội lỗi sự bừng nở thiện hảo dư đầy” (Sđd tr.189-190).

Trong huấn từ trưa Chúa Nhật kính lòng Chúa thương xót 3.4.2005 (là một bài viết Đức Thánh Cha chuẩn bị để đọc trước khách hành hương tại quảng trường đền thờ thánh Phêrô, nhưng ngài đã qua đời ngày 2.4.2005), vị Giáo Hoàng Tông đồ của lòng Chúa thương xót nói những lời cuối cùng: “Chúa Kitô Phục Sinh đã hiến ban cho nhân loại - một nhân loại có lúc dường như lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, bởi cái tôi và sự sợ hãi – ân huệ tình Ngài yêu thương, tình yêu tha thứ, hòa giải và phục hồi tinh thần hy vọng. Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận lòng thương xót của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.

Thiên Chúa, dường như cảm kích tấm lòng của vị Tông đồ lòng Chúa thương xót, đã để xảy ra nhiều niềm vui: Vị Giáo hoàng được Chúa gọi về lúc 21 giờ 37 phút ngày 2.4.2005, chỉ một ít giờ ngay trước ngày lễ kính lòng Chúa thương xót. Ngài được Đức Bênêđictô XVI nâng lên hàng chân phước ngày 1.5.2011, là ngày lễ kính lòng Chúa thương xót. Vài ngày nữa thôi, Đức Phanxicô sẽ phong hiển thánh cho vị tiền nhiệm của mình vào dịp kính lòng thương xót của Chúa (Chúa Nhật 27.4.2014).

Chúng ta hãy lắng nghe tâm tư của thánh Giáo hoàng Tông đồ lòng Chúa thương xót: “Giáo Hội của thời đại chúng ta phải trở nên ý thức đặc biệt và sâu xa về nhu cầu làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ mạng toàn thể của mình, theo bước chân của truyền thống Cựu và Tân Ước, và trên hết là của chính Chúa Giêsu Kitô và các Tông đồ của Người... Giáo Hội phải coi việc tuyên xưng và đưa mầu nhiệm lòng thương xót vào cuộc sống là một trong những bổn phận chính yếu của mình trong mọi giai đoạn lịch sử, nhất là trong thời buổi hiện tại của chúng ta” (số 14).

III. VẤN TÂM: CHÚNG TA SỐNG MỐI PHÚC THỨ V.

Các linh mục nói nhiều, giảng nhiều về mọi khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa: tình yêu trao ban, tình yêu tha thứ, tình yêu chấp nhận, tình yêu tự hiến… Trong đó, tình yêu thương xót của Thiên Chúa càng là điểm nhấn trên cửa môi của họ.

Trong giờ tĩnh tâm này, chúng ta tự tra vấn mình, xem đã nói nhiều, sẽ còn nói nhiều về tình yêu của Đấng mình thờ phượng, nhưng đã sống được bao nhiêu? Vài điểm gợi ý sau đây xung quanh mối Phúc Thật thứ V, mong khả dĩ giúp suy nghĩ và áp dụng cho đời và tác vụ linh mục:

“PHÚC CHO AI XÓT THƯƠNG NGƯỜI, VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC Thiên Chúa XÓT THƯƠNG” (Mt 5, 7).

Ta hãy lắng nghe lời Đức Gioan Phaolô II: “Những lời trong bài giảng trên núi ‘Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương’ há chẳng theo một nghĩa nào đó, là tổng hợp của tất cả Tin Mừng, của tất cả sự trao đổi đáng thán phục được bao hàm trong đó và là một luật đơn giản, mạnh mẽ mà cùng ‘dịu ngọt’ của chính nhiệm cục cứu chuộc sao?” (TC gltx số 8).

Với lời này, Đức Thánh Cha cho thấy mối Phúc thứ V là mối phúc nâng cao chính chúng ta, khi biết theo đuổi và sống. Bởi nếu, đó là một “tổng hợp của Tin Mừng”, là “sự trao đổi”, là “luật đơn giản” đưa ta vào nhiệm cục cứu độ, thì việc thực hành mối Phúc thứ V: sống tình yêu xót thương, là phương tiện đạt tới vinh quang đời đời.

Có khi nào ta dừng lại và quyết tâm thôi nghĩ đến bản thân, để thấy xung quanh là những con người, những hoàn cảnh, những giá trị, những trăng trở, những thèm khát… Dù chỉ một chút, bất cứ cái gì ta đem đến tha nhân, đều quý giá, đều là hạnh phúc tự mình dâng tặng chính mình.

Lòng thương xót đòi ta nên giống Chúa. Vì thế, ta sống lòng thương xót là:

- Bao dung như Chúa hằng bao dung.

- Đón nhận như Chúa hằng đón nhận.

- Tha thứ giữa những hận thù giăng mắc.

- Khơi thông tình yêu trong những bế tắt của ganh ghét.

- Vẫn sống thật dù bị ngập chìm trong hoàn cảnh giả dối.

- Rộng lượng và nhân hậu theo gương Chúa.

- Phụng sự Chúa hết mình trong từng công tác mục vụ.

- Phục vụ tha nhân như thấy Chúa hiện diện trong từng giây phút.

- Học nơi Chúa bài học khiêm nhường mà Chúa dạy (x. Mt 11, 29).

- Tha thứ như Chúa tha thứ cho ta.

- Trong lòng không nuôi tư thù.

- Mạnh hơn, hãy trừ khử tận gốc những thâm thù xâm chiếm tâm hồn.

- Luôn nhân hậu học đòi gương Chúa là Đấng nhân hậu.

- Không lạm dụng quyền bính để thủ lợi, để hại người.

- Không vui trước điều dữ.

- Không buồn trước thành công của anh chị em.

- Không xu nịnh để tìm cho mình quyền lợi, quyền lực.

- Không dễ nghe lời xu nịnh mà gây ác cảm, nghiêng công lý, sinh tà ý.

- Không che đậy ác ý bằng nụ cười, bằng sự niềm nỡ.

- Hãy “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 14).

Và bắt đầu sự sống mỗi ngày bằng những món quà nhỏ mọn: một nụ cười, một cái bắt tay, một sự thân thiện, một cái nhìn trìu mến, một cử chỉ thật lòng… Hãy tận tâm hy sinh, tận tâm phục vụ. Hãy hy sinh âm thầm, phục vụ lặng lẽ…

Một giọt nước nhỏ không đáng kể. Nhưng không có những giọt nước, không có đại dương. Sống từng giây theo mối phúc thứ V, là góp những giọt nước thành đại dương của tình yêu thương xót, trót cuộc đời.

Ai sống tha thiết với Phúc Thật của Chúa, người đó sẽ không cố công làm màu mè những khái niệm giản đơn của cuộc sống, bởi những thứ xuất phát từ trái tim vốn dĩ rất mộc mạc. Hãy sống mộc mạc với mọi người, để được nhận lại tình yêu chân thật, nhất là nhận được ơn cứu độ của Chúa.

Giã dối, bằng mặt, không bằng lòng, nụ cười che lấp sự thâm hiễm, gương mặt rạng rỡ để thành bình phông đậy lên sự quỹ quyệt…, chỉ có thể nhận được những tình cảm gượng gạo, méo mó. Hơn thế, chắc Chúa cũng không thích ta sống giả hình như thế…

Hãy nghe thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa…Hãy dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6, 13).

Vì thế, chúng ta cần ghi khắc: “Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng ta rằng con người không những lãnh nhận và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn được kêu gọi có hành động thương xót đối với kẻ khác: ‘Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương’. Trong những lời này, Giáo Hội nhận ra một lời mời gọi phải hành động và Giáo Hội cố gắng thực hành lòng thương xót” (TC gltx số 14).

“Giáo Hội” là ai? Từng người chúng ta làm nên Giáo Hội. Nếu Giáo Hội cảm nhận, theo đuổi và sống đến cùng “những lời này” của Chúa dạy về lòng thương xót, thì chính bản thân từng người, chứ không phải ai khác, phải “hành động”, phải “cố gắng thực hành” cho bằng được lòng thương xót ấy.

Hãy suy niệm lời Thánh vịnh để sống đúng mực là con thảo của Chúa: “Phúc thay kẻ có đời sống ngay lành, và noi theo luật Chúa. Phúc thay kẻ ân cần tuân giữ lệnh Chúa, và tận tâm tìm kiếm Người, không làm điều ác, bước đi trên con đường Chúa vạch ra. Chúa đã ban cho giới răn của Chúa để mọi người trung thành tuân giữ. Con muốn sống đời con theo ý Chúa hoàn toàn. Và con sẽ không xấu hổ khi hướng mắt nhìn theo giới răn của Chúa. Con sẽ thành tâm ca tụng Chúa; vì được học biết các huấn lệnh của Chúa. Thánh ý Chúa con xin tuân giữ; xin Chúa đừng bao giờ bỏ rơi con” (Tv 119, 1-8).

IV. HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU.

Cảm nghiệm về lòng Thiên Chúa yêu thương, và quyết tâm sống mối Phúc thứ V nhằm nỗ lực đáp lại tình yêu của Chúa, là việc làm có ý nghĩa, cần thiết và gấp rút.

Bởi Chúa Kitô, trước khi công bố Hiến chương Nước Trời và dạy “hãy có lòng thương xót để được thương xót”, thì chính Người đã nêu gương trước bằng sự hiện diện của Người giữa nhân loại. Qua sự hiện diện ấy, Chúa Kitô cũng cho chúng thấy hình ảnh Chúa Cha, vì thương xót con người, cũng đã chia sẻ chính mình cho trần gian, đã trao mình cho nhân loại để diễn tả lòng thương xót của Người cho họ, qua việc Chúa Kitô nhập thể để cứu độ:

“Khi trở nên gương mẫu cho con người về tình thương xót đối với kẻ khác, bằng việc làm hơn bằng lời nói, Đức Kitô công bố lời mời gọi hãy có lòng thương xót bởi vì đó là một trong những yếu tố cốt yếu của đạo đức Tin Mừng. Vấn đề ở đây không phải chỉ là thực hiện một điều răn hay một đòi hỏi có tính đạo đức nhưng còn là chu toàn một điều kiện tối quan trọng để Thiên Chúa có thể tự mạc khải qua lòng thương xót của Ngài đối với con người: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (TC gltx số 3).

Phúc Thật là những lời hứa của Thiên Chúa mà chúng ta chưa thể đạt được cách toàn hảo khi còn nơi trần thế. Ta chỉ có thể ướm đời mình theo giới răn của Chúa từ hôm nay, để có thể đạt tới Phúc Thật trong đời vĩnh cửu.

Vì thế, hãy cố mà sống lòng thương xót Chúa dạy, đừng để vuột mất, đừng để lỡ cơ hội, đừng chỉ thấy hôm nay mà quên phóng tầm mắt nhìn trước lối về của ngày mai.

Cuộc sống không bán vé quay lại. Nhưng ai cũng có thế mua vé vào tương lai. Cái gì đã mất, vĩnh viễn không thể thu hồi. Nhưng đi tìm tương lai, lại có thể găp. Phúc Thật mà Chúa hứa sẽ mất, nếu không vun bồi. Hãy sống Phúc Thật của Chúa ngay hôm nay, lúc này, tại đây. Sống Phúa Thật là mua vé đi về tương lai, một bảo đảm đời đời.

Hãy nhớ, cuộc đời chúng ta ngắn ngủi. Và hãy ghi tâm khắc cốt kỹ hơn nữa, lời kinh mà chúng ta đọc thường xuyên:“Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 89, 10).

Nhờ luôn ghi khắc sự thật ấy, chúng ta sẽ sống từng ngày bằng lòng thương xót, để cho lòng thương xót chiếm ngự. Và nhờ chạm vào lòng thương xót từng ngày, suốt đời như thế, thì dù cuộc sống có ngắn ngủi, vẫn là một cuộc sống đẹp, một cuộc sống thắm, một cuộc sống tươi, một cuộc sống đáng sống. Kết quả cuối cùng của một cuộc sống như thế, sẽ là một cuộc sống nở hoa thiên đàng.

Chúng ta dạy mọi người yêu thương. Sao chúng ta lại không yêu thương?

Nhiều người trong chúng ta tổ chức dâng lễ kính lòng Chúa thương xót hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Sao chúng ta đánh mất lòng thương xót?

Chúng ta hô hào hiệp nhất. Sao chúng ta quên hiệp nhất?

Chúng ta kêu gọi hiệp thông rầm rộ. Sao lòng chúng ta lại tẩy chay ơn hiệp thông?

Chúng ta giảng Lời Chúa. Sao chúng ta không thấm Lời Chúa?

Chúng ta dạy mọi người sống Lời Chúa. Sao chúng ta sống xa cách Lời Chúa?

Cuối cùng: Chúng ta chỉ cho muôn dân đường về thiên đàng. Sao chúng ta lại tìm đường… đi đâu??

Hãy “hướng về vĩnh cửu”. Đó là cùng đích đời mình!

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG