Tiểu Ban về Châu Phi, Y Tế Hoàn Cầu, Nhân Quyền Hoàn Cầu và các Tổ Chức Quốc Tế của Hạ Viện Mỹ đã tổ chức một cuộc điều trần vào hôm 11 tháng Hai, 2013 về “Việc Bách Hại Kitô Hữu Hoàn Cầu” dưới sự chủ tọa của Dân Biểu Cộng Hòa Christopher H. Smith.

Trong số các diễn giả, ta thấy có hai người Công Giáo nổi tiếng là nhà báo và tác giả John Allen Jnr của tờ The Boston Globe và Đức TGM Francis A. Chullikatt, Quan Sát Viên Thường Trực Của Tòa Thánh cạnh LHQ.

Một vấn đề từng bị quên lãng lâu nay

Mở đầu cuộc điều trần, dân biểu Smith cho rằng chủ đề bách hại Kitô hữu đã bị truyền thông và các nhà lãnh đạo thế giới, kể cả Mỹ, quên lãng lâu nay. Ông cho rằng bàn tới chủ đề này không có nghĩa là tối thiểu hóa các đau khổ của các nhóm thiểu số tôn giáo khác, vì như thi sĩ John Donne từng viết: “Cái chết của bất cứ người nào cũng làm tôi mất mát”.

Trong một phát biểu nghe như trích dẫn Đức Phanxicô, Dân Biểu Smith nói rằng “Chúng ta đứng về phía nhân phẩm và tôn trọng sự sống từ trong bụng mẹ tới lúc xuống mồ, và ủy ban này đã và sẽ tiếp tục làm nổi bật các đau khổ của các nhóm thiểu số tôn giáo khắp địa cầu, bất kể là Hồi Giáo Ahmadi tại Pakistan, Ba’hai tại Iran, Phật Tử tại Tây Tạng đang bị chiếm đóng, Yazidis tại Iraq hay Dân Royhinga theo Hồi Giáo tại Miến Điện".

Tuy nhiên, Ông cho rằng Kitô hữu vẫn là nhóm tôn giáo bị bách hại hơn cả trên khắp thế giới, và như thế, đáng được chú ý đặc biệt như buổi điều trần hôm nay. Ông nhắc lại lời John Allen từng viết rằng “Không còn tranh cãi được nữa việc các Kitô hữu ngày nay là bộ phận bị bách hại nhiều nhất trên hành tinh này, và các tử đạo của họ thường chịu đau khổ trong thầm lặng”.

Ông cũng nhắc tới các con số thống kê của Trung Tâm Pew, cho thấy các vụ sách nhiễu các nhóm tôn giáo khắp thế giới. Sách nhiễu ở đây chỉ “các vụ tấn công thể lý; bắt giam và cầm tù; mạo phạm các nơi thánh; và kỳ thị trong việc làm, giáo dục và gia cư”. Trung tâm này cũng kết luận rằng ngày nay, Kitô hữu là nhóm bị sách nhiễu nhiều hơn cả. Pew cho rằng trong năm 2012, các Kitô hữu bị sách nhiễu tại 110 quốc gia khắp thế giới.

Việc ấy đặc biệt đúng ở Trung Đông, nơi, ông cho hay, Đức TGM Chullikatt cho biết đang diễn ra “nhiều cuộc bách hại trắng trợn và phổ biến các Kitô hữu… ngay lúc chúng ta đang họp”.

Ông nhắc tới việc Đức TGM Chullikatt vốn là sứ thần Tòa Thánh tại Iraq, nơi người ta thường xuyên chứng kiến nhiều cuộc tấn công được lặp đi lặp lại chống các Kitô hữu như cuộc tấn công ngày 31 tháng Mười năm 2010 vào Nhà Thờ Chánh Tòa Công Giáo Đức Mẹ Giải Thoát ngay tại Baghdad trong đó 58 người bị giết và 70 người khác bị thương. Những cuộc tấn công loại này đã làm dân số Kitô Giáo tại Iraq, tức những người có gốc rễ ở đây từ thời các Tông Đồ, giảm từ 1.4 triệu năm 1987 trước khi có chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, xuống chỉ vỏn vẹn còn 150,000 người hiện nay. Phần lớn cuộc ra đi này xẩy ra trong thời điểm Mỹ “đầu tư” nặng bằng máu và của cải, tìm cách giúp người Iraq xây dựng dân chủ.

Dân biểu Smith chua chát nhận định rằng “khi chứng kiến lá cờ đen của al-Qaeda tung bay một lần nữa trên các thành phố như Fallujah, những thành phố mà ta vốn thắng được bằng giá máu của nhiều người Mỹ, ta tự hỏi số phận các Kitô hữu tại Iraq sẽ ra sao, cuộc sống họ ngày nay chắc chắn tệ hơn dưới thời nhà độc tài tàn ác Saddam Hussein”.

Tấm mền im lặng

Nhà báo John Allen lên tiếng cho rằng ngày nay Kitô hữu khắp thế giới ước lượng vào khoảng 2.3 tỷ người, khoảng 2/3 số này sống ở ngoài Phương Tây. Điều ấy cho thấy Kitô Giáo là truyền thống tôn giáo lớn nhất trên hành tinh, đại diện cho 1/3 dân số thế giới.

Các vùng trong đó Kitô Giáo phát triển hơn cả, hiện đang là vùng Hạ Sahara thuộc Châu Phi và nhiều vùng tại Á Châu. Trong khi tổng số dân Kitô Giáo tại Châu Mỹ La Tinh tương đối vẫn không thay đổi, thì đang có một chuyển dịch đáng kể từ Công Giáo chạy qua Tin Lành hay Ngũ Tuần.

Theo nhà báo này, dù dân số Kitô Giáo gốc Ả Rập tại Trung Đông có giảm, nhưng đang có sự gia tăng đáng kể các di dân Kitô hữu tới các nước vùng Vịnh tìm việc làm ở khu vực dầu hỏa cũng như làm công cho các gia đình địa phương.

Allen cho hay ta nên chú ý rằng như thế, việc phát triển của Kitô Giáo phần lớn diễn ra tại các khu vực không luôn có tiếng là tôn trọng tự do tôn giáo, và đây là một nhân tố gây ra điều được ông mô tả là “cuộc chiến tranh hoàn cầu” chống các Kitô hữu.

Ông cho rằng con số ước lượng các Kitô hữu bị giết hàng năm vì đức tin ở đầu thế kỷ 21 là 100,000 người. Con số này là của Trung Tâm Nghiên Cứu Kitô Giáo Hoàn Cầu tại Chủng Viện Thần Học Gordon Conwell, một định chế của Thệ Phản có trụ sở chính tại Hamilton, Massachusetts.

Điều Allen nhấn mạnh là các đe dọa đối với các Kitô hữu không giới hạn tại một vùng, nhưng ở khắp mọi vùng trên thế giới và có nguồn gốc phức tạp. Ông cũng trích dẫn Diễn Đàn Pew để cho thấy: Kitô hữu chịu nhiều hình thức sách nhiễu, cả về pháp lý lẫn thực tế, tại 139 quốc gia giữa các năm 2006 và 2010. Nghĩa là các Kitô hữu gặp nguy hiểm tại 2/3 các quốc gia trên quả địa cầu. Ủy Ban Mỹ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã thấy rằng trong số 16 quốc gia vi phạm tự do tôn giáo nhiều nhất, các Kitô hữu là cộng đồng tôn giáo duy nhất gặp nguy hiểm tại tất cả 16 quốc gia này.

Liên Minh Quốc Gia Nghiên Cứu Về Khủng Bố và Đáp Trả Khủng Bố thấy rằng giữa các năm 2003 và 2011, các cuộc tấn công khủng bố chống Kitô hữu khắp thế giới tăng tới 139 phần trăm. Tổ chức ủng hộ và trợ giúp của Tin Lành là Open Doors cho hay khoảng 100 triệu Kitô hữu ngày nay bị tra tấn, bắt giam, thậm chí bị giết vì đức tin, phần lớn tại Á Châu và Trung Đông.

Allen, sau đó, duyệt lại tình hình bách hại Kitô hữu tại Iraq, tại đông bắc Ấn Độ, Miến Điện, Nigeria. Bắc Hàn được ông coi là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các Kitô hữu. Gần một phần tư số Kitô hữu của cả nước này đang sống trong các trại lao động khổ sai vì từ khước không tham gia phong trào sùng mộ Kim Il Sung. Kể từ lúc đình chiến năm 1953, khoảng 300,000 Kitô hữu tại Bắc Hàn đã mất tích. Không thấy Allen đề cập gì tới tình hình bách hại Kitô hữu tại Việt Nam.

Ông tự hỏi: tại sao cuộc chiến tranh hoàn cầu chống Kitô Giáo nói trên lại bị tấm mền im lặng trùm phủ, không những bởi truyền thông thế tục mà còn bởi nhiều Giáo Hội Kitô Giáo? Ông cho rằng ở đây, ta có vấn đề trình thuật. Tại Tây Phương, người ta bị điều kiện hóa để tin rằng Kitô Giáo là một tác nhân đàn áp, chứ không phải là một nạn nhân. Với người Tây Phương, nói tới “bách hại tôn giáo” là người ta nghĩ tới Thập Tự Chinh, Tòa Án Dị Giáo (Inquisition), Chiến Tranh Tôn Giáo, Bruno và Savonarola, các phiên tòa xử phù thủy ở Salem, toàn là những chương sách lịch sử trong đó, Kitô Giáo được tô đậm như là người hung ác. Sự kiện trình thuật này đã lỗi thời chẳng làm gì để giảm thiểu được việc chúng in sâu vào óc tưởng tượng của Tây Phương. Sự thật là trong thế giới ngày nay, người Kitô hữu tiêu biểu không phải là một người đàn ông Mỹ giầu có tới nhà thờ bằng chiếc xe Lincoln Continental; mà là người đàn bà da đen nghèo khổ và là mẹ của bốn đứa con ở Botswana, hay người bà người Dalit nghèo khổ tại Orissa.

Đó là thực tại ở đầu thế kỷ 21. Đã có phóng chiếu cho rằng tỷ lệ Kitô hữu sống tại các nước đang phát triển, đến giữa thế kỷ này, sẽ chiếm ba phần tư tổng số dân tại các nước đó. Các Kitô hữu này, theo Allen, đang mang một “vết nhơ” đôi hay ba đại diện không những cho một đức tin đáng ngờ vực mà còn cho một nhóm sắc tộc bị áp bức (như dân Karen hay Chin tại Miến Điện) hay cho một giai cấp xã hội (như những tân tòng Dalit ở Ân Độ). Họ còn là mục tiêu thuận tiện cho bất cứ ai muốn đổ lên đầu họ mọi tội lỗi của Tây Phương vì coi các Kitô hữu này như những đầu cầu của ảnh hưởng Tây Phương, bất chấp sự kiện có nhiều trường hợp Kitô Giáo thực ra có gốc rễ bản địa lâu đời tại các xã hội ấy.

Allen cho rằng các Kitô hữu tại các nơi khác có thể cảm thấy “thương thay” cho những người đồng tôn giáo với mình này, nhưng đâu cần phải có niềm tin tôn giáo mới nhận ra những đe dọa đối với nhân quyền này. Ông hy vọng, buổi điều trần này sẽ giúp thay đổi lối trình thuật.

Trắng trợn và phổ biến

Như trên đã nói, Đức TGM Chullikatt, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên HIệp Quốc, khi tham dự buổi điều trần trên, đã cho rằng: đang có “cuộc bách hai trắng trợn và phổ biến chống các Kitô hữu tại Trung Đông ngay trong lúc chúng ta hội họp”.

Ngài từng đích thân chứng kiến cảnh bách hại này. Trước khi làm quan sát viên tại LHQ, ngài vốn là sứ thần của Tòa Thánh tại Iraq và Giócđan và sống tại Baghdad trong các năm từ 2006 tới 2010. Ngài nói rằng: “Thảm họa này càng quá quắt khi ta dừng lại để thấy rằng những người đàn ông đàn bà của đức tin này… vốn từng sống hòa bình với hàng xóm láng giềng không biết bao nhiêu thế hệ”.

Cuộc bách hại các Kitô hữu tại Iraq đã gia tăng sau việc chuyển quyền dân chủ tại nước này. Tại đây và tại nhiều nơi khác, các nhóm thiểu số tôn giáo nhận được một số bảo vệ nào đó dưới luật pháp chặt chẽ do các nhà cầm quyền trước đây chấp hành. Nhưng ngày nay, Đức TGM Chullikatt cho hay: “vì tranh chấp, Kitô hữu bị kẹt cứng giữa lằn đạn”.

Đức TGM Chullikatt tố giác “truyền thống” dội bom các nhà thờ Kitô Giáo dịp Lễ Vọng Giáng Sinh vừa qua, một việc từng xẩy ra tại Trung Đông trong một ít năm qua.



Được Dân Biểu Smith hỏi về hiệu quả của bách hại đối với trẻ em, Đức TGM Chullikatt cho hay sự thiệt hại thật mênh mông: “Chúng sống trong lo sợ… chúng vẫn tới trường nhưng không biết có an toàn và sống sót lúc trở về hay không”.

Giống nhận định của Allen, Đức TGM Chullikatt cũng cho rằng không phải chỉ ở Trung Đông mới có việc bách hại Kitô hữu mà là ở khắp 139 quốc gia trên thế giới. Ngài kêu gọi các Kitô hữu khắp thế giới hợp tác với nhau để bảo đảm tự do tôn giáo cho mọi người. Ngài nói: “Để đạt được mục tiêu ấy, điều chủ yếu là mọi chính phủ phải bảo đảm tự do tôn giáo cho mỗi một và cho mọi công dân của mình”.