Thành phố Sàigòn ngày 30 và mùng 1 Tết vắng vẻ hẳn. Xe cộ ít hơn, người đi lại cũng ít và dĩ nhiên hàng quán cũng chẳng có mấy ai vào. Những chiếc xe chạy trên đường toàn là bảng số thành phố, vì dân nhập cư đã về quê ăn Tết.

Trong cái vắng lặng của ngày Tết, người ta lại thấy cái gì trầm hơn, lắng sâu hơn và buồn hơn, ấy là cái nghèo đeo bám dai dẳng nơi dân tộc này. Nghèo lắm chứ không chỉ là thiếu tiền. Nghèo đói chứ không chỉ là vất vả quanh năm. Nghèo xác xơ chứ không chỉ là thiếu những tiện nghi trong đời sống.

Chúng tôi ghé thăm một Cha xứ ở trung tâm thành phố. Xứ Cha nhỏ, chưa đến 1500 giáo dân mà đã có 150 người cần cứu trợ ngày Tết. Đi một vòng những con đường quanh giáo xứ, thấy cảnh người ăn xin, bán vé số, đánh giày đang hớt hải cuối năm. Nghe có vài thành phố ở Việt nam đã “xoá cảnh ăn xin”, tưởng là làm cho dân giàu lên, không cần đi ăn xin nữa, hoá ra là đuổi họ đi… xin chỗ khác!

Buổi tối đi về khu ông Tạ, những tưởng kẹt xe vì lâu nay ở đó bán đủ loại hàng hoá cần cho ngày Tết, thiên hạ vẫn chen chúc đi mua. Năm nay thì không, xe chạy y như đường khuya, khách mua hàng chẳng còn như trước.

Lịch sử dân tộc này chứng minh chưa bao giờ dân chúng thật sự được hưởng thái bình, trừ vài thời đại thời quân chủ và sau này thời đệ nhất Cộng Hoà. Nhưng những thời ấy lại qua nhanh. Mấy chục năm gần đây thì đói, đói đủ kiểu, từ kiểu bò lê lết, đến nặng nhọc tìm cơm ăn, và có cả kiểu đói mà vẫn huênh hoang ta thừa cơm dư rượu, chỉ là chưa muốn thết đãi nhân gian!

Nhưng ai chứng kiến cảnh dân mình nghèo đêm 30 Tết, lặng lẽ đi về không biết đến ngày mai mới cảm được thế nào là cái nghèo dai dẳng và tàn nhẫn.

“Bốn mùa Chúa đổ hồng ân. Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi”. Chúa vẫn luôn tuôn đổ hồng ân, gieo màu mỡ, mà sao các dân tộc khác hưởng nhiều hơn dân tộc con. Con chợt nghĩ, Chúa đã nói rồi, Cha trên Trời cho mưa xuống trên mọi người, bằng nhau. Chỉ có cách hứng nước mưa là khác nhau. Có người trân trọng đón lấy nước từ trời rơi xuống, có người phung phí, và cũng có những nơi chỉ một nhóm người giành giật hết hoa lợi, để cho muôn dân phải túng thiếu.

Ngày 30 Tết chúng tôi ghé thăm và chúc Tết hai Bà Cố thân mẫu cha Giám Tỉnh DCCT VN và thân mẫu cha Đinh Hữu Thoại, chánh văn phòng tỉnh. Các cụ là những người phụ nữ bình thường, chẳng phải anh hùng hay “kiên cường bất khuất” như kiểu thế gian này ca tụng. Các cụ sống nghèo, bình dị. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ suốt đường về là tại sao sự dịu dàng khiêm tốn của các cụ lại có thể hun đúc nên những người con mạnh mẽ, hăng say cho Tin Mừng và hết mình vì những giá trị căn bản của con người?

Tối giao thừa, sau khi đi Lễ tạ ơn, tôi lên Internet quan sát. Bên cạnh những bạn trẻ khoe những món ăn sang trọng, những đồ dùng đắt tiền, thì cũng có nhiều bạn trẻ đồng cảm với người nghèo, người cơ cực, người bị giam cầm và những người đang thất thế sa cơ.

Ngày đầu năm lẽ ra nghĩ chuyện vui, nghĩ đến cảnh thịnh vượng an nhàn, thì tôi lại nhìn cái nghèo đói cơ cực, sự âm thầm tự hạ và sự khiêm nhu dịu dàng. Trong cảnh bình minh ơn Cứu độ, người ta cũng nhìn thấy cảnh cơ hàn của hang đá Bêlem mà. Thiên Chúa cúi xuống nhân loại khời từ cảnh nghèo túng khiêm hạ nhất.

Tôi luôn nhớ lời Cha Giám Tỉnh DCCT: “Chúa có cách của Chúa”. Và như thế, nhìn thấy cái cơ hàn túng quẫn của anh em mình ngày Tết không làm cho chúng ta thất vọng, nhưng là dịp cho chúng ta thêm xác tín quyền năng cứu độ của Chúa chúng ta.

Cầu xin cho những bất công mau bị đẩy lùi, cái tàn ác mau bị loại bỏ, cái vô tâm mau bị tránh xa, để mùa Xuân thật sự là xuân an khang, thái bình và đầy ơn lộc.