Ngày 22 tháng Hai, khi các nhà ngoại giao cao cấp của thế giới tụ tập về Montreux, Thụy Sĩ, để khai mạc Hội Nghị Thượng Đỉnh Genève II về hòa bình Syria, Đức Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi hòa bình cho quốc gia này.

Trong buổi yết kiến chung vào thứ Tư qua, ngài hy vọng rằng Hội Nghị Hòa Bình Genève II sẽ đem lại việc kết thúc bạo lực từng gây cái chết cho hàng trăm ngàn người. Ngài nói: “Tôi cầu xin Chúa tác động trái tim mọi người để, nhờ chỉ biết xem sét thiện ích lớn hơn của nhân dân Syria, đã quá ư chịu thử thách, họ sẽ không trừ bất cứ một cố gắng nào để khẩn thiết đến với nhau nhằm chấm dứt bạo lực và kết thúc tranh chấp, từng gây nên không biết bao đau khổ”.

Nội chiến từng ác liệt diễn ra giữa các lực lượng của TT Bashir al-Assad và các lược lượng đối lập Syria. Ước lượng đã có hơn 100,000 người bị giết trong cuộc tranh chấp kéo dài đã ba năm nay. Vào ngày 7 tháng Chín, Đức Phanxicô đã kêu gọi 1 Ngày Cầu Nguyện và Ăn Chay cho Syria có sự tham gia của tín hữu khắp thế giới. Từ đó, ngài liên tục kêu gọi phải có một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp.

Đức Phanxicô kết luận “Tôi cầu chúc cho dân tộc Syria yêu dấu một con đường cuơng quyết tiến tới hòa giải, hòa hợp và tái thiết với sự tham gia của mọi công dân, trong đó, mỗi người tìm thấy nơi người khác không phải một kẻ thù, một người cạnh tranh mà là một người anh em để đón tiếp và ôm hôn”.

Phái đoàn Tòa Thánh tham dự các cuộc thương thuyết của Genève II

Cũng theo tin Zenith ngày 22 tháng Giêng, một phái đoàn của Tòa Thánh đã được mời tham dự Hội Nghị Hòa Bình Genève II về Syria bắt đầu hôm nay tại Montreux, Thụy Sĩ.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Federico Lombardi, cho hay Đức TGM Silvano Tomasi, Đại Diện Tòa Thánh cạnh LHQ, và Đức Ông Alberto Ortega Martin, một viên chức của Phủ Quốc Vụ Khanh, sẽ tham gia các cuộc thương thuyết.

Nói với Đài Phát Thanh Vatican hôm 22 tháng Giêng, Đức TGM Tomasi cho hay: ưu tiên tuyệt đối của các cuộc thương thuyết này là đáp ứng yêu cầu của nhân dân Syria muốn chấm dứt bạo lực, chết chóc và hủy diệt. Ngài cho biết: vào khoảng 130,000 người đã chết và nhiều làng đã bị tiêu hủy hoàn toàn.

Đứng trước thực tại ấy, cộng đồng quốc tế đang tìm cách đáp ứng “với một ý thức liên đới” để tìm “một thoả hiệp có thể chấp nhận được” hầu có thể khởi đầu các cuộc thương thuyết hữu hiệu.

Đức TGM Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Damascus, thì nói với Đài Vatican rằng "thời kỳ xả hơi đang được mở ra, dù chúng tôi biết trong những ngày tới sẽ có rất nhiều khó khăn”. Ngài nói thêm: “chỉ một sự kiện họ chịu gặp nhau và bắt đầu nói chuyện với nhau cũng là một điều gì đó rồi. Đã đến lúc phải chấm dứt cơn thác chết chóc và hủy diệt này để phục hồi luật nhân đạo”.

Dù hội nghị đã đang diễn ra rồi, nhưng các cuộc thương thuyết mặt đối mặt chỉ bắt đầu vào thứ Sáu tới giữa chính phủ Syria và phe đối lập. Đây là cuộc thương thuyết đầu tiên kể từ ngày cuộc tranh chấp khởi diễn các nay 3 năm.

Sau hội nghị về Syria tại Vatican vào tuần trước, Tòa Thánh đã lên tiếng kêu gọi một cuộc ngừng bắn ngay tức khắc và các cố gắng hòa giải và tái thiết. Tòa Thánh cũng tỏ ý hy vọng rằng thỏa hiệp gần đây về chương trình hạch nhân của Iran sẽ có tác dụng tích cực đối với các cuộc thương thuyết.

AFP cho hay các viên chức không mấy hy vọng sẽ có khai thông, nhưng đồng thời ghi nhận rằng đem chế độ của TT Bashar al-Assad và phe đối lập tới ngồi chung một bàn thương thuyết đã là dấu hiệu có tiến bộ rồi.