“Vai chính trong việc tha tội là Chúa Thánh Thần.... Chúa Giêsu ban cho các Tông Đồ quyền tha tội… và linh mục là công cụ cho việc tha tội.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về Ơn Tha Tội qua Bí Tích Hòa Giải .

* * *


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ tư tuần trước tôi đã nói về ơn tha tội, đặc biệt trong sự liên hệ với Bí Tích Rửa Tội. Hôm nay chúng ta tiếp tục chủ đề về ơn tha tội, nhưng nói đến điều gọi là “quyền đóng mở [nắm chìa khóa]”, là một biểu tượng trong Thánh Kinh ám chỉ sứ vụ mà Chúa Giêsu ban cho các Tông Đồ.

Trước hết chúng ta phải nhớ rằng vai chính trong việc tha tội là Chúa Thánh Thần. Trong lần hiện ra thứ nhất với các Tông Đồ nơi nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu Phục Sinh đã làm một cử chì là thổi vào các ông mà nói rằng, “Hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha, các con cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc” (Ga 20:22 -23). Thân xác Chúa Giêsu biến đổi, giờ đây Người là một con người mới, ban phát hồng ân hoa quả Phục Sinh của cái chết và sự Phục Sinh của Người. Những hồng ân này là gì? Bình an, niềm vui, ơn tha tội, sứ vụ, nhưng Người cũng ban Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của tất cả những hồng ân ấy. Hơi thở của Chúa Giêsu, kèm theo bằng những lời mà qua đó Người thông truyền Chúa Thánh Thần, ám chỉ việc truyền sự sống, sự sống mới được tái sinh bằng ơn tha tội.

Nhưng trước khi thực hiện cử chỉ thổi hơi và ban Thánh Thần, Chúa Giêsu cho các ông thấy những vết thương ở tay và cạnh sườn Người: Những vết thương này là giá mà Người phải trả để cứu độ chúng ta. Chúa Thánh Thần mang đến cho chúng ơn tha thứ của Thiên Chúa “qua” những vết thương của Chúa Giêsu. Những vết thương mà Người muốn giữ lại; ngay cả lúc này, Người ở trên Thiên Đàng và chỉ cho Chúa Cha thấy những vết thương đã cứu độ chúng ta. Nhờ quyền năng của những vết thương này mà tội lỗi của chúng ta được tha thứ: đó là cách Chúa Giêsu hiến mạng sống Người để ban hồng ân bình an, niềm vui và ân sủng trong tâm hồn chúng ta, để tha tội chúng ta. Và thật là tốt đẹp khi nhìn vào Chúa Giêsu như thế!

Và chúng ta đi đến yếu tố thứ hai: Chúa Giêsu ban cho các Tông Đồ quyền tha tội. Điều hơi khó hiểu một chút là làm sao một con người có thể tha tội, nhưng Chúa Giêsu ban cho họ quyền ấy. Hội Thánh quản thủ quyền năng nắm giữ chìa khóa này, để mở ra hoặc đóng lại ơn tha thứ. Thiên Chúa tha thứ cho mọi người theo lòng thương xót tuyệt đối của Ngài, nhưng chính Ngài muốn rằng tất cả những người thuộc về Đức Kitô và Hội Thánh, nhận được ơn tha thứ qua các thừa tác viên của Cộng Đồng. Qua mục vụ Tông Đồ, lòng thương xót của Thiên Chúa đến với tôi, tội lỗi của tôi được tha và niềm vui được ban cho tôi. Như thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cũng sống sự hòa giải cả trong chiều kích Hội Thánh và cộng đồng. Và điều này thật là tốt đẹp. Hội Thánh, thánh thiện và đồng thời luôn cần thống hối, đồng hành với chúng ta trên cuộc hành trình hoán cải suốt cuộc đời của chúng ta. Hội Thánh không phải là chủ nhân của quyền năng đóng mở, nhưng là đầy tớ của thừa tác vụ thương xót và đón chào mọi giây phút có thể được để ban phát hồng thiêng liêng này.

Nhiều người có thể không hiểu được chiều kích Hội Thánh của việc tha tội, bởi vì chủ nghĩa cá nhân và chủ quan luôn luôn chiếm ưu thế, và cả chúng ta là những Kitô hữu cũng gạt nó ra ngoài. Tất nhiên, Thiên Chúa tha thứ mọi tội nhân hối cải một cách cá nhân, nhưng người Kitô hữu liên kết với Đức Kitô, và Đức Kitô hiệp nhất với Hội Thánh. Đối với các Kitô hữu chúng ta còn có thêm một hồng ân khác, và cũng có thêm một quyết tâm là: khiêm tốn đi qua thừa tác vụ của Hội Thánh. Chúng ta phải trân quý điều này, đó là một hồng ân, một phép điều trị, một sự bảo vệ và cũng là một đảm bảo rằng Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi. Tôi đến với một linh mục anh em và nói, “Thưa cha, con đã làm điều này...”. Và ngài trả lời: “Nhưng tôi tha tội cho anh; Thiên Chúa tha tội cho anh.” Lúc ấy, tôi biết chắc rằng Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi! Điều này thật là tốt đẹp, là có sự đảm bảo rằng Thiên Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta, Ngài không bao giờ biết mệt khi tha thứ. Và chúng ta không nên mệt mỏi đi xin ơn tha thứ. Chúng ta có thể cảm thấy xấu hổ khi xưng các tội lỗi của mình, nhưng như các bà mẹ và các bà của chúng ta thường nói rằng tốt nhất là đồi thành màu đỏ một lần còn hơn một ngàn lần là màu vàng. Chúng ta thành màu đỏ một lần, nhưng chúng ta được tha thứ các tội lỗi của mình, và tiến bước.

Sau cùng, một điểm cuối: linh mục là công cụ cho việc tha tội. Ơn tha thứ của Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Hội Thánh, được chuyển đến chúng ta qua thừa tác vụ của những người anh em của chúng ta, là các linh mục; một người, như chúng ta cũng cần lòng thương xót, thực sự trở thành công cụ của lòng thương xót, ban cho chúng ta tình yêu vô hạn của Thiên Chúa Cha. Ngay cả các linh mục cũng phải xưng tội, các giám mục cũng thế: tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng phải đi xưng tội hai tuần một lần, vì Đức Giáo Hoàng cũng là một kẻ có tội. Và cha giải tội nghe những điều mà tôi nói với ngài, ngài khuyên bảo tôi và tha tội cho tôi, bởi vì tất cả chúng ta đều cần ơn tha thứ này. Đôi khi anh chị em nghe có người xác nhận rằng mình xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa.... Vâng, như tôi đã nói trước đây, Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe, nhưng trong Bí Tích Hòa Giải Ngài gửi một người anh em để mang lại sự tha thứ, sự đảm bảo cho việc tha thứ, nhân danh Hội Thánh.

Việc phục vụ mà linh mục thực hiện như một thừa tác viên của Thiên Chúa để tha thứ tội lỗi của chúng ta là một điều rất tế nhị và đòi hỏi tâm hồn của ngài phải bình an, một vị linh mục có tâm hồn bình an không đối xử tệ với các tín hữu, nhưng dịu dàng, nhân từ và thương xót; ngài biết cách gieo niềm hy vọng vào các tâm hồn, và trên hết, ngài phải nhớ rằng người anh chị em đến cùng Bí Tích Hòa Giải để tìm kiếm sự tha thứ và làm điều ấy như nhiều người đã đến gần Chúa Giêsu để được Người chữa lành. Nếu linh mục không ở trong tình trạng chuẩn bị tâm hồn này, thỉ tốt hơn là ngài đừng ban Bí Tích này cho đến khi sửa đổi. Các tín hữu hối cải có quyền, tất cả các tín hữu có quyền tìm thấy nơi các linh mục những người phục vụ sự tha thứ của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, như các thành viên của Hội Thánh chúng ta có nhận thức được vẻ đẹp của hồng ân mà Chúa ban cho chúng ta không? Chúng ta có cảm thấy niềm vui của việc chữa lành này, sự chăm sóc của một người mẹ mà Hội Thánh dành cho chúng ta không? Chúng ta có trân quý nó với lòng đơn thành và siêng năng không? Đừng quên rằng Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ, qua thừa tác vụ của linh mục Ngài giữ chúng ta trong vòng tay ôm ấp mới, là vòng tay có khả năng tái tạo chúng ta cùng giúp chúng ta tự mình đứng dậy một lần nữa và tiếp tục cuộc hành trình. Bởi vì đây là cuộc sống của chúng ta: không ngừng đứng lên và tiếp tục cuộc hành trình của mình.

http://giaoly.org/vn/