CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Hội Thánh tại Việt Nam, kể từ buổi bình mình rao truyền Tin Mừng đến nay, dù chẳng bao giờ mất ơn bình an nội tâm, vẫn chưa bao giờ có một ngày bình yên ngoài thể xác, chưa một ngày tự do hoàn toàn trong việc trung thành thờ phượng Thiên Chúa, chưa bao giờ có tự do tôn giáo.

Tuy nhiên, Hội Thánh của Chúa Kitô tại mảnh đất này dù phải trải qua muôn ngàn lao khổ và phải đối đầu với vô số sức chống đối, vẫn mạnh mẽ tuyên xưng đức tin của mình, vẫn trung thành với lòng kính thờ Chúa đến ngày nay và sẽ còn mãi về sau.

Chỉ là một Hội Thánh còn non trẻ, được khai sinh chừng 500 năm, nhưng Hội Thánh tại Việt Nam đã tự hào vượt lên trên mọi đầu sóng ngọn gió, dù nguy hiểm nhất, dữ dằn nhất, để có được cả một bề dày kinh nghiệm giữ lấy đức tin cho đức tin ngày một tinh ròng đến muôn đời sau. Tất cả là nhờ ơn Chúa, tất cả là do sự linh hoạt mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

Theo sử liệu, hạt giống đức tin được ghi nhận trên đất Việt với sự hiện diện của một thừa sai là giáo sỹ Inikhu vào năm 1533. Hạt giống ấy trổ sinh kết quả khởi đi từ cái chết vì đạo tiên khởi của Thầy giảng Anrê Phú Yên năm 1644. Từ đấy, khai màu cho cả một dòng máu Tử đạo không ngơi nghỉ, cứ chảy mãi, chảy mãi đến hôm nay. Đúng như Lời Chúa đã tuyên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”.

Sử liệu và kinh nghiệm cho thấy, có nhiều lý do dẫn đến sự bách hại Hội Thánh trong quá khứ và hiện tại: ghen tương, đố kỵ, hiểu lầm, nhiều lý do chính trị khác… Nhưng tựu trung, có một lý do vượt trên mọi lý do đã khiến các thánh Tử Đạo Việt Nam nhất định chết, hiên ngang chết, và hạnh phúc vì được chết. Lý do mạnh mẽ đó chính là: Danh Thiên Chúa. Vì Danh Thiên Chúa mà hiến dâng tất cả, đánh đổi tất cả, chịu đựng tất cả. Chính cái chết mới là tiếng nói hùng hồn nhất, lớn lao nhất, làm chấn động nhất, gây ảnh hưởng nhất để điều mà Chúa dạy sớm nên hiện thực: “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến…”.

Vì Danh Chúa mà các thánh Tử Đạo Việt Nam đã chết. Chính vì thế, dù cũng bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn, bị giết hại…, nhưng cái chết hiên ngang của các ngài khác xa mọi cái chết của các tử tội. Đối với các tử tội khác, một khi đã bị tuyên án tử, cái chết là điều không thể trách khỏi, dù họ có ăn năn và quyết tâm chừa tội đi nữa.

Còn đối với các thánh Tử Đạo, dẫu là tại pháp trường, dẫu là một vài giây trước khi thi hành án tử, các thánh Tử Đạo vẫn có thể thoát chết nếu phủ nhận đức tin. Nên cái chết của các thánh Tử Đạo không chỉ là cái chết được biết trước, mà còn là cái chết đã được chuẩn bị trước, một cái chết tự do hoàn toàn.

Các thánh Tử Đạo có đầy đủ mọi chọn lựa. Nhưng giữa sống và chết, các thánh Tử Đạo đã quyết định chọn cái chết để bày tỏ sự quý giá vô cùng của đức tin. Bởi giữ được đức tin là giữ được tất cả. Vì thế, bằng mọi giá, các ngài đã đi đến cùng để bảo toàn đức tin.

Không ai biết chính xác người Công giáo Việt Nam chịu tử đạo từ trước đến nay có số lượng bao nhiêu, vì không thể thống kê hết, chỉ biết rằng đó là một con số khổng lồ. Còn con số nhỏ nhoi, 118 vị hiển thánh và á thánh mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 1 chủng sinh. Trong số đó có 86 sáu vị thánh người Việt Nam, 11 vị người Tây Ban Nha, 10 vị người Pháp. Thuộc dòng Đaminh: 11 vị. Thuộc hội Thừa sai Paris: 10 vị.

Các thánh Tử Đạo đã được tuyên phong có đến 59 giáo dân. Trong số này, có nhiều vị là cha gia đình, một bà mẹ. Các ngài thuộc mọi cấp bậc như: 17 thầy giảng, nhiều vị bị bắt và bị sát hại trong khi đang giữ trọng trách trong họ đạo như: Trùm, Biệng, Câu. Các ngài cũng thuộc mọi ngành nghề như: sáu binh sĩ, bốn thầy thuốc, một thợ may, và một số đông là nông dân, thuyền chài.

Danh sách 118 vị được tuyên phong cho thấy có thầy giảng Anrê Phú Yên chịu tử đạo ở thế kỷ XVII. 6 vị chịu tử đạo ở thế kỷ XVIII. 112 vị chịu tử đạo từ năm 1835 đến năm 1862.

Các ngài bị giết chết bằng đủ mọi hình khổ, ngay cả những hình khổ độc ác nhất như: 76 vị chịu xử trảm (chặt đầu), 16 vị chịu xử giảo (xiết cổ), 8 vị chết rũ tù, 6 vị bị thiêu sống, 4 vị bị lăng trì (chặt hết tay chân rồi mới chặt đầu. Có vị còn bị chẻ xác làm 4 phần), một vị bị xử bá đao (lóc 100 miếng thịt), một vị chịu tử thương.

Dù 117 vị được phong hiển thánh cùng chung một ngày, ngày 19.6.1988, do Đức Gioan Phaolô II, nhưng lại được phong chân phước vào bốn dịp khác nhau: 64 vị được Đức Lêô XIII tôn phong năm 1900, tám vị được Đức Piô X tôn phong năm 1906, 20 vị được tôn phong 1909 cũng do Đức Piô X; 25 vị do Đức Piô XII tôn phong năm 1951. Riêng Thầy Giảng Anrê Phú Yên được Đức Gioan Phaolô II tôn phong chân phước năm 2000.

Hôm nay mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, là con cháu của các ngài, chúng ta phải khám phá ra nhiều bài học có lợi cho đức tin mà các ngài để lại.

- Trước hết là bài học về lòng yêu thương. Các thánh Tử Đạo Việt Nam đã ngời sáng khi bày tỏ tình yêu của Chúa Kitô đến cùng. Các ngài không chỉ yêu thương vợ con, cha mẹ, mà còn yêu cả lối xóm, láng giềng, những người khốn khổ bất hạnh.

Các ngài không chỉ yêu đạo Chúa, mà còn yêu thiết tha đối với quê hương, dân tộc, yêu cả vua quan, những người đang coi các ngài là kẻ thù của họ. Các thánh Tử Đạo sẵn sàng tha thứ cho những người bắt bớ, giết chết mình.

Và trên hết, các thánh Tử Đạo Việt nam yêu mến Chúa Kitô, chấp nhận chết cho lý tưởng của mình là chính Chúa Kitô. Các ngài đã khẳng khái trả lời cho vua quan về lẽ sống của mình: “Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lệnh vua, không lỗi luật nước, chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu” (thánh Phaolô Khoan).

Chúng ta cũng hãy yêu thương nhau, vì đó là lề luật của Chúa. Yêu thương cũng chính là bày tỏ lòng yêu mến Chúa của chúng ta. Vì yêu Chúa, đòi ta phải thực thi tình yêu ấy nơi anh chị em của mình. Tình yêu sẽ làm cho chúng ta dấn thân cách nhiệt thành hơn cho Hội Thánh, cho con người và tất cả mọi nhu cầu giúp thăng tiến đời sống con người. Tình yêu sẽ cho ta biết sống lý tưởng đức tin cách trọn vẹn, cao cả.

- Sau nữa là bài học về lòng mến yêu sự cầu nguyện. Các thánh Tử Đạo Việt Nam là những người yêu mến Chúa trọn tình, vì thế, cũng là những con người của ơn gọi cầu nguyện. Các ngài cầu nguyện cho mình, cho thân nhân bạn bè.

Các ngài luôn xin Chúa tha thứ cho những tội lỗi của bản thân, để các ngài xứng đáng dâng lên Chúa của lễ toàn thiêu là chính mạng sống mà Chúa ban cho các ngài. Các ngài cầu nguyện nhiều cho tổ quốc, cho Hội Thánh, cho tất cả những ai trung thành với Đức tin công giáo. Đặc biệt, các ngài cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các nhà lãnh đạo quốc gia để họ biết yêu dân, yêu nước.

Noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy luôn luôn sống tâm tình cầu nguyện. Bởi chính đời sống cầu nguyện là phương thế tốt nhất để ta gìn giữ đức tin của mình, gìn giữ chính mình trong tình yêu của Chúa.

Chúng ta không quên cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia, để họ ngày càng thêm khôn ngoan nhận ra đâu là đường lối lãnh đạo theo chân lý, đâu là đường lối lãnh đạo sai lầm, để đừng giết chính đồng bào vô tội của mình như đã từng làm mà lịch sử không bao giờ quên.

Với tâm tình cầu nguyện, chúng ta biết ơn Hội Thánh đã cưu mang và sinh ra chúng ta trong ơn Chúa, từ đó chúng ta biết đáp trả lại tình yêu vô cùng của Chúa bằng tất cả đời sống chứng tá của mình, dẫu phải hiến dâng mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến thân cho chúng con. 118 vị Tử Đạo Việt Nam nói riêng, tất cả các vị Tử Đạo tại Việt Nam từ xưa đến nay nói chung, đã nhìn lên Thánh Giá Chúa, học đòi bắt chước gương can đảm nên đã chấp nhận hy sinh đến cùng. Xin cho chúng con là con cháu các ngài, biết trung thành gìn giữ đức tin là gia sản quý giá mà các ngài để lại, cách hết sức trọn vẹn, để hoàn thành cách tốt đẹp nhất hiến lễ cuộc đời chúng con. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH