Trọng tâm bài Phúc Âm hôm nay bàn về tín điều “ Kẻ chết sống lại” giữa Chúa Kitô và nhóm Sađốc.

Nhóm Sađốc là nhóm thầy tư tế, Lêvi, chuyên trách việc tế lễ. họ chỉ nhận có năm quyển luật của thánh Môisen. Dựa vào luật Môisen dạy: Khi anh em ruột thịt có một người chết không con, vợ người chết không được lấy người khác, phải lấy người anh em của người chết. và con trai đầu lòng sinh ra sẽ mang tên người chết. Như vậy, tên người chết sẽ không bị xóa khỏi Israel (Đệ nhị luật 25,5 – 6 ), người Sađốc đến hỏi Chúa Giêsu, họ đưa ra một thí dụ: Nếu người chết mà không con thì người anh em lấy vợ nó. Vậy, có bảy anh em, anh cả lấy vợ chết mà không con, người thứ hai cưới vợ người chết, rồi cũng chết mà không con, người thứ ba cưới vợ người chết, rồi cũng chết mà không có con. Cả bảy anh em cùng lấy một người đàn bà, chết mà không có con. Sau cùng, người đàn bà này chết. Vậy, lúc xác kẻ chết sống lại, người đàn bà đó là vợ của ai ?

Có lẽ lập luận này được dũa mài kỹ lưỡng, đã trở thành khí giới chống lại niềm tin xác kẻ chết sống lại của nhóm Biệt phái. Cái thế mạnh của nhóm Sađốc ở trong chiến thuật “ lấy gậy ông đập lưng ông”. Biệt phái tin xác người ta sau này sẽ sống lại là đời sống trần gian ở bậc hoàn hảo thôi. Thí dụ: họ nghĩ rằng, sau khi sống lại, gia đình đoàn tụ lại như trước, có lập gia đình, phụ nữ nào cũng sinh một con, người ta sống tốt đẹp, không chém giết nhau, không ai phạm tội ác nữa. Sống lại như vậy không thể giải quyết được vấn nạn trên, nhóm Sađốc tỏ ra có lý.

Đến lượt Chúa Kitô trả lời vấn nạn, Ngài dạy rõ ràng: thân xác người ta sẽ sống lại, nhưng sống lại không rập khuôn đời sống trần gian, trái lại, người ta sống theo một đời sống mới hoàn hảo là đời sống như thiên thần nên không có cưới hỏi, lập gia đình, không còn chết chóc, đau khổ nữa.

Người Sađốc dựa vào Kinh Thánh để đặt vấn nạn, chối xác loài người sau này sống lại, để thuyết phục họ, Chúa Kitô cũng cần lấy Kinh Thánh trả lời. Sách tiên tri Đanien, thế kỷ 2 trước Chúa ra đời (Đn 12, 2-3) nói tới kẻ chết sống lại, kẻ lành thì sáng chói, kẻ dữ thì xấu xa. Dựa vào đoạn nầy để nói với người Sađốc, họ không nhận vì họ chỉ nhận Kinh Thánh có năm quyển (Ngũ thư) của Thánh Môisen. Vì thế, Chúa Kitô chỉ trưng đoạn Kinh Thánh nói về thánh Môisen được Thiên Chúa mạc khải trong bụi gai đang cháy ghi lại trong sách Xuất hành: Thiên Chúa đã xưng mình là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp. Chúa Kitô giải thích : Xưng như thế, Thiên Chúa mạc khải xác kẻ chết sống lại vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của người sống, vì hết thảy đều sống cho Thiên Chúa.

Giải thích như vậy, Chúa Kitô nói rằng Thiên Chúa hằng sống, Ngài không phải là thần tượng ngoại giáo, những tượng chết, câm điếc. Thiên Chúa hằng sống làm chủ người sống chứ không làm chủ kẻ chết không sống lại, vì nếu kẻ chết không sống lại thì Thiên Chúa làm chủ họ thật là một điều vô nghĩa. Ta có thể lấy một ví dụ để hiểu điều này : một tướng lãnh chỉ huy, ông ta mới làm tướng. Nếu đoàn quân đó chết hết, vị tướng đó không coàn được gọi là tướng lãnh nữa, ông ta cũng không dám xưng mình là tướng nữa. Nếu Thiên Chúa không phải là Chúa (làm chủ) kẻ sống mà là Chúa của kẻ chết tức là Thiên Chúa đã bị thần chết đánh bại, Ngài làm chủ kẻ chết đi, làm chủ cái đã mất, không còn giá trị nữa. vì thế, khi nói tới Thiên Chúa của Abrahm, của Isaac, của Giacóp, của loài người, ta phải hiểu Thiên Chúa của những kẻ sống tức là của những kẻ đã sống và sẽ sống lại sau này mới có nghĩa lý. Người ta làm chủ cái gì có chứ không làm chủ cái gì không có hoặc đã mất.

Mạc khải trong Bài Phúc Âm này liên hệ trực tiếp đến số phận con người. Con người không phải chết là hết, là vào hư vô, nhưng chết để đi vào đời sống mới, đời sống giống Thiên Chúa; xác con người sống lại đem lại cho cả con người một sự viên mãn hoàn toàn trong Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội tôn trọng thân xác, kính trọng xác kẻ chết, giữ gìn phần mộ người chết.