Hôn nhân không bao giờ là một cuộc sống nhàm chán (2)

Những thử thách có thể là dịp may

Nếu những thử thách, những va chạm và những thất vọng thường xuyên xảy ra và kéo dài quá lâu trong cuộc sống hôn nhân, thì thường dẫn tới những hậu quả khó tránh là gây ra cho những người liên hệ một tâm lý căng thẳng và chán nản cũng như một sự mệt mỏi và kiệt lực về thể xác. Đây là nguyên nhân nguy hiểm đầu tiên làm sứt mẻ tình yêu hôn nhân và rất có thể trở thành mối đe dọa khó tránh cho sự chung thủy vợ chồng. Vì thế, người ta phải tìm mọi cách giải tỏa và hàn gắn càng sớm càng tốt tất cả mọi hiểu lầm, mọi va chạm và bất bình giữa hai vợ chồng, chứ không để cho chúng kéo dài quá lâu được. Bởi lẽ, bệnh càng để lâu càng thêm nặng và càng khó chữa. Đây là một kinh nghiệm sống cụ thể mà những người sống đời vợ chồng cần phải xác tín một cách rõ ràng. Đàng khác, trong khi phải đối mặt với những xung đột và những thử thách khó khăn trong đời sống hôn nhân, cả hai vợ chồng cần phải thành thật với chính mình mà nhìn nhận rằng xưa kia khi họ quyết định lập gia đình với nhau là do họ yêu nhau, chứ không phải vì họ tìm gặp nơi nhau những con người hoàn hảo và không hề sai lỗi nữa.

Như đã nói ở trên, những thử thách trong đời sống vợ chồng là một điều khó tránh, nếu không muốn nói là hầu như một điều tất nhiên vậy, vì dù hai vợ chồng cùng yêu nhau, cùng ăn, cùng làm, cùng sống và cùng chung chăn gối, thì họ vẫn là hai cá thể khác biệt nhau, với những suy tư, ý nghĩ và sở thích khác nhau. Nhưng những thử thách trong đời sống vợ chồng có trở thành vấn đề tạo ra những tiêu cực cho họ hay không lại là một vấn đề khác. Tất cả còn tùy thuộc cách thức và thái độ của họ trong khi phải đối mặt với những thử thách đó nữa.

Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng những thử thách trong đời sống hôn nhân không luôn là nguyên nhân đem tới những hậu quả tiêu cực. Nếu những người vợ người chồng khi phải đứng trước những thử thách, mà có một đức tin Kitô giáo sâu xa và kiên cường, tức vì Chúa nên vẫn một lòng thương yêu nhau, biết thông cảm và tha thứ cho nhau, vì Chúa đã dạy: „Thầy ban cho anh em một giới răn mới là anh em hãy yêu nhau,“ hay: „Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em“ và thánh Phaolô cũng nhắn nhủ: „Anh em hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho anh em“, thì những thử thách ấy càng giúp họ hiểu nhau hơn và rồi càng gắn bó họ lại với nhau một cách bền chặt hơn bằng một tình yêu mới và sâu đậm.

Như vậy, nếu được nhìn dưới khía cạnh đức tin và luân lý đạo đức, thì hôn nhân và gia đình là một nơi vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc giúp cho những người liên hệ rèn luyện nhân cách và trở nên hoàn thiện hơn. Chính cuộc sống đời thường cũng minh chứng cho thấy điều đó. Chúng ta thường nhìn thấy rõ được các khuyết điểm của mình và rồi qua đó cải tiến và thay đổi được bản thân, một phần không nhỏ cũng là nhờ vào những phê bình và chỉ trích của kẻ khác hay nhờ vào những sai lỗi và lầm lẫn của họ. Nếu vậy, tại sao người ta lại không đưa ra áp dụng vào cuộc sống hôn nhân của mình? Người ta kể rằng Socrate đã trở thành một đại triết gia Hy Lạp vào thời thượng cổ là do có một bà vợ điêu ngoa và chanh chua không ai bằng. Còn trong cuộc sống cụ thể, ví dụ: nếu một người chồng có một bà vợ chậm chạp, nhưng anh chẳng những không trách móc hay la mắng vợ mình, mà luôn biết vui vẻ chấp nhận cái tính „trời cho“ của bà và nhất là anh còn biết tập cho mình có được đức tính nhẫn nại. Nhận ra được cái điểm tích cực ấy, anh đã thành thật nói với vợ: „Vợ ơi, anh cám ơn em nhiều lắm đó, vì tính chậm chạp của em đã giúp anh khám phá ra được cái giá trị cần thiết của sự khôn ngoan thận trọng và từ đó anh đã tập cho mình được đức tính bình tĩnh và nhẫn nại, vì bản chất con người anh vốn nóng nảy và bất nhẫn.“ Còn bà vợ lại trả lời chồng: „Chồng ơi, em cám đội ơn anh rất nhiều, vì qua sự nhẫn nại của anh em đã vô cùng hạnh phúc khi cảm nhận được một cách rõ ràng tình yêu quá sâu đậm mà anh luôn dành cho em, mặc dù em còn đầy khiếm khuyết và bất toàn.“

Hôn nhân là trường đào tạo các nhân đức

Vâng, chính các khiếm khuyết và sai lỗi luôn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Tại sao? Bởi vì, là người, chúng ta không phải là những chiếc đồng tiền vàng để có thể làm hài lòng hết mọi người được. Không ai trong chúng ta hoàn hảo mười phân vẹn mười cả, dù xét về phương diện cá tính hay ngoại hình, dù xét về phương diện thái độ giao lưu đối xử bên ngoài hay các tư duy tình cảm nội tại. Mỗi người trong chúng ta còn phải nỗ lực đạt tới hay hoàn thiện rất nhiều nhân đức căn bản và cần thiết cho cuộc sống, như: Tự chủ được mọi cảm xúc, hết lòng yêu thương đồng loại không phân biệt, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người một cách vô vị lợi, chu toàn mọi trách nhiệm trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Người có nhân cách và đáng cho xã hội kính trọng là người hội đủ các nhân đức cần thiết. Vì thế, điều hết sức quan trọng nơi mỗi người là không ngừng nỗ lực cải thiện và thăng tiến chính bản thân mình mỗi ngày. Trong hôn nhân cũng vậy, để có được một cuộc sống đôi lứa và một cuộc sống gia đình hạnh phúc, thuận thảo và đầm ấm, thì cả hai vợ chồng đều phải nỗ lực hoàn thiện chính bản thân mình mỗi ngày, tức trau dồi cho mình có đủ các nhân đức cần thiết trong việc xây dựng được một gia đình như thế. Bởi vậy, người ta có lý khi cho rằng đời sống hôn nhân cũng là một ơn gọi, nghĩa là qua cuộc sống chung cả hai vợ chồng – vì muốn có một gia đình hạnh phúc, nên mỗi người đã không ngừng nỗ lực cải thiện chính bản thân – đều có thể trở nên những con người hoàn hảo, những con người nhân đức trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt xã hội. Ở điểm này thánh Josefmaria đã đưa ra một lời khuyên rất quý báu: „Khi con đang cảm thấy khó chịu vì lầm lỗi của một người nào đó, thì đừng vội tìm cách sửa lỗi người ấy. Con hãy đợi sang đến ngày hôm sau hay lâu hơn nữa. Nhưng một khi con đã lấy lại được bình tĩnh và đã suy nghĩ kỹ càng rồi, thì bằng mọi giá con hãy giúp sửa lỗi người ấy. Chỉ với một lời đầy yêu thương dịu dàng mà thôi, con sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn là suốt ba giờ đồng hồ cãi cọ với nhau. Con hãy làm chủ lấy cảm xúc của mình.“(1)

Vậy, qua những điều tiêu cực thì người này có lý do để nhắc nhủ người kia cần lưu ý về một điều mà anh ta chưa có. Và đó chính là một điều hoàn toàn tích cực. Như vậy, chúng ta có lý để khẳng định rằng đời sống hôn nhân quả thực là trường đào tạo các nhân đức nhân bản cũng như các nhân đức Kitô giáo.

Sự hướng dẫn tinh thần

Một kinh nghiệm thực tiễn là nếu những người vợ người chồng thiếu sự hướng dẫn tinh thần, họ sẽ rất khó lòng cải thiện được chính bản thân mình trong cuộc sống hôn nhân. Mặc dù đời sống hôn nhân là một lãnh vực sống hoàn toàn mang tính cách cá nhân, vâng, một lãnh vực hoàn toàn kín đáo mật thiết chỉ giữa hai vợ chồng mà thôi, nhưng thiết tưởng không có gì là trở ngại cả nếu người ta đem chia sẻ và bàn hỏi với các vị Linh hướng hay với những người có kinh nghiệm và đáng tin tưởng.

Cũng tương tự như những vấn đề liên quan đến sức khỏe, chẳng hạn người ta sẽ hành động thế nào khi người ta phát hiện thấy mình có những triệu chứng đã mắc phải một chứng bệnh nào đó? Hay nói một cách đơn giản là người ta phải làm gì nếu người ta muốn tránh bệnh tật và sống khỏe mạnh? Phải chăng người ta sẽ không đi khám bệnh ngay? Hay sẽ không tìm đến các bác sĩ? Và khi bác sĩ bảo: „Xin ông/bà hãy cởi áo ra“, phải chăng người ta sẽ ngang ngược trả lời: „Thưa bác sĩ, không thể được, điều này đụng chạm đến phạm vi kín đáo của tôi“?

Trong cuộc sống hôn nhân cũng tương tự như vậy. Vì thế, tôi muốn góp ý cùng các người sống bậc vợ chồng là một khi gặp phải những điều tiêu cực và rắc rối khó khăn trong cuộc sống đôi lứa mà hai vợ chồng không thể tự giải quyết được, hai người nên bàn hỏi với các vị tư vấn, những người có thể giúp hai vợ chồng thoát khỏi „thế bí“ của cuộc sống, có thể giúp làm thăng tiến cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng, để cuộc sống hôn nhân ấy luôn an bình hạnh phúc và đầm ấm.

Nhưng ở đây một câu hỏi cực kỳ quan trọng được đặt ra: Ai sẽ là người tư vấn mà chúng ta có thể đến bàn hỏi về cuộc sống hôn nhân của mình, để cuộc sống ấy luôn tốt đẹp, hạnh phúc và đầm ấm? Câu trả lời sẽ là tùy thuộc hoàn cảnh và nội dung của mỗi sự cố. Không nhất thiết luôn luôn phải tìm đến cùng một vị tư vấn, nhất là khi xảy ra sự cố quan trọng và đầy khúc mắc rắc rối.

Theo nguyên tắc, những người có thể làm tư vấn cho chúng ta, có thể giúp ý kiến cho chúng ta trong việc tháo gỡ và tìm ra lối thoát tốt đẹp cho những khó khăn trong đời sống hôn nhân của mình là các vị Linh Hướng hay các nhà tâm lý học, v.v… Nhưng các vị ấy cần phải hội đủ hai điều kiện quan trọng, đó là: Trước hết, vị ấy phải là người đáng tin tưởng; thứ hai, vị ấy phải là người có đầy đủ hiểu biết và khả năng chuyên môn về vấn đề chúng ta muốn đem ra bàn hỏi.

Nhưng một điều quan trọng khác cũng không được bỏ qua, đó là vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh: tội lỗi! Đây là một vấn đề không chỉ có liên quan đến con người, mà còn liên quan đến cả Thiên Chúa, nên không một phương pháp trị liệu tâm lý nhân loại nào có thể giúp giải quyết hay tìm ra lối thoát cuối cùng được. Ví dụ hành động ngoại tình hay thái độ tàn nhẫn trong hôn nhân. Đây không chỉ là một sỉ nhục đối với người bạn đời của mình mà còn là một xúc phạm nặng nề đến chính Thiên Chúa nữa.

Bởi vậy, trong một sự cố rắc rối và khó khăn có liên quan đến Thiên Chúa như thế, thì ngoài việc bàn hỏi với các vị chuyên môn về vấn đề, để họ có thể giúp cho vợ chồng làm hòa lại với nhau, giải tỏa được các khúc mắc tâm lý và tìm ra một lối thoát cho sự cố, người ta còn phải làm hòa với Thiên Chúa thông qua phép Cáo Giải nữa.

Khi xảy ra một sự cố khó khăn rắc rối trong cuộc sống hôn nhân mà được giải quyết một cách hợp lý và đầy đủ như thế, cả hai vợ chồng sẽ cảm nhận được niềm vui gấp đôi trong tận thâm cung tâm hồn mình và đồng thời được lãnh nhận ân sủng Chúa ban thưởng, để từ nay cả hai vợ chồng có thể bắt đầu lại cuộc sống lứa đôi trong an vui và hạnh phúc như thủa ban đầu.

Động lực và những bất ngờ trong hôn nhân

Cũng như các giá trị cao quý khác, cuộc sống hôn nhân luôn chứa đựng nhiều bất ngờ. Nhưng những gì chứa đựng sự bất ngờ thì cũng ẩn chứa sự phiêu lưu mạo hiểm. Và trong thực tế, nếu được nhìn dưới một khía cạnh nhất định nào đó, thì cuộc sống hôn nhân quả thực là một sự phiêu lưu mạo hiểm. Người ta đã chẳng bảo mỗi con người là cả một vũ trụ đầy thâm cung bí hiểm đó sao, và tính chất bí hiểm này cũng đã được trình bày trong câu ca dao: „Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người không đáy đo sao cho cùng.“

Và hôn nhân chính là sự nối kết và liên hiệp hai cái „vũ trụ bí hiểm“ ấy lại với nhau. Khi một đôi nam nữ quyết định đi đến hôn nhân, đi đến chỗ thành lập gia đình với nhau để suốt đời sống chết bên nhau, thì họ thường đã có những giai đoạn làm quen và tìm hiểu nhau. Nhưng động lực chính thúc đẩy và nối kết họ lại với nhau nên vợ chồng là tình yêu, là do cả hai người cùng yêu nhau, đến nỗi nếu thiếu vắng một người trong họ thì người còn lại sẽ không thể sống được hay chỉ sống trong khô héo và bất hạnh; còn sự hiểu biết nhau giữa hai người trước hôn nhân thường là rất tổng quát, nếu không muốn nói là khá mơ hồ. Về ngoại hình người bạn đời, người ta có thể tìm hiểu được trong một thời gian ngắn ngủi nhất định nào đó, ít là trong tình trạng vào lúc hai người mới quen biết nhau. Nhưng về tâm hồn và thái độ tâm lý phản ứng trước các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống của người bạn đời là những điều vô cùng sâu kín và phức tạp, không dễ gì tìm hiểu và nhìn thấy hết được mọi góc cạnh chỉ trong một thời gian nào đó. Và điều đó càng bất khả ngay cả khi hai người cùng đến tước bàn thờ Chúa và trước sự chứng giám của cộng đoàn Dân Chúa để cử hành hôn lễ, để thề hứa suốt đời yêu thương và sống chết bên nhau.

Vì thế, người ta có thể nói rằng trong hạnh phúc hôn nhân thì sự lựa chọn của con người tối đa chỉ giữ vai trò hai mươi phần trăm, còn tám mươi phần trăm còn lại là do sự nỗ lực không ngừng của cả hai vợ chồng cùng xây đắp vun vén lên, qua: Sự thật lòng thương yêu săn sóc lo lắng cho nhau, sự chung thủy vợ chồng, sự tôn trọng lẫn nhau, sự nhẫn nại, sự tha thứ và thông cảm cho nhau.

Chính hiện tượng này đã hé mở cho thấy cuộc sống hôn nhân không hề nhàm chán, không thể là một cuộc sống nhàm chán được. Cả hai vợ chồng đều luôn luôn có thể khám phá, hoặc tạo ra, nơi nhau hay trong chính sự tương quan vợ chồng những điều mới mẻ hấp dẫn. Hôn nhân là một cuộc sống sinh động và chứa đựng một động lực mạnh mẽ luôn có thể hâm nóng tình yêu đôi lứa. Dĩ nhiên, để động lực ấy luôn có thể hâm nóng được tình yêu hôn nhân, thì nhất thiết đòi hỏi phải có sự cộng tác đầy thiện chí của cả hai vợ chồng nữa; nếu không, động lực ấy cũng trở nên vô hiệu lực. Và đó thực sự là một điều đáng buồn và là một tai họa, nhưng nguyên nhân không nằm ở động lực, nhưng là do sự bất cộng tác của những người liên hệ, nói cách khác, do sự bảo thủ cố chấp, sự tự ái thái quá của hai vợ chồng liên hệ. Chẳng những thế, mỗi ngày họ còn tiếp tục đắp cao lên mãi những bức tường thành bao quanh cái tôi của mình bằng những suy diễn và đoán xét chủ quan, đến nỗi khiến họ không còn nhìn thấy được chính các lầm lỗi của mình cũng như thiện ý của người kia nữa và dĩ nhiên cũng không thể hiểu được nhau nữa!

Khi phải đứng trước những thử thách khó khăn rắc rối, nhiều người vợ người chồng đã quên đi rằng trong giờ phút cử hành hôn lễ của họ năm xưa, họ đã tự nguyện và thật lòng thề hứa chấp nhận yêu thương và trung thành với nhau, trong khi vui cũng như lúc buồn, trong khi khỏe mạnh cũng như lúc bệnh hoạn. Điều đó có nghĩa là hai người đã thề hứa chấp nhận tất cả mọi hoàn cảnh và mọi tình huống khác nhau được ẩn chứa trong cuộc sống hôn nhân cũng như nơi người bạn đời của mình, kể cả những phát triển và những thay đổi tâm sinh lý trong tương lai nơi người này.

Người ta cần phải luôn sẵn sàng đón nhận những tình cờ và ngẫu nhiên xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống hôn nhân. Nói cách khác, khi người ta cưới hỏi một người làm vợ hay làm chồng của mình là cưới hỏi toàn diện „tất cả mọi sự“ của người ấy, lúc hiện tại cũng như trong tương lai. Vì thế, nếu một người chưa sẵn sàng xác tín và chấp nhận như thế, thì đừng vội kết hôn hay lập gia đình, nếu không, sự đổ vỡ là hậu quả tất yếu, không thể tránh được.

Trên thực tế, đại đa số các đôi tân hôn luôn tràn đầy hân hoan vui hưởng ngày cưới, ngày hồng phúc của họ giữa tiếng nhạc, tiếng cười và những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của bà con và bạn bè thân quen: “Nào trăm năm hạnh phúc!” “Nào đông con nhiều cháu sống ba bốn đời!” “Nào tiền của vào như nước”, v.v..! Đôi tân hôn thực sự cảm nhận được tận đáy lòng mình niềm vui và sự hạnh phúc khôn tả trong ngày khởi đầu cuộc sống hôn nhân của họ, và tin tưởng rằng niềm vui cũng như sự hạnh phúc ấy sẽ kéo dài mãi trong suốt đời họ. Họ xác tín rằng với tình yêu chân thành, sâu đậm và tha thiết mà hôm nay họ dành cho nhau, chắc chắn họ sẽ có những chuỗi ngày trong cuộc sống vợ chồng luôn đầy ắp tiếng cười và sự đầm ấm. Nhưng tiếc thay! Đó là một cảm nghĩ quá đơn thuần, non trẻ và sai lầm, có thể đưa đến những hậu quả tiêu cực, như thất vọng và chán nản, một khi người ta phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống cụ thể.

Rất ít người biết được rằng những cảm nhận đầy hân hoan và hạnh phúc trong ngày hồng phúc ấy tựa như “câu nhạc dạo đầu” của một bản nhạc với đủ giai điệu trầm bổng du dương thánh thót, nhưng cũng vô vàn phức tạp khó khăn, mà chỉ những ngón tay điêu luyện của một nghệ sĩ tài hoa mới chơi được. Người ta cũng có thể khẳng định được rằng những cảm xúc hạnh phúc ngày cưới là một phần thưởng mà Tạo Hóa ban thưởng cho những đôi lứa dấn thân sống đời hôn nhân, cốt để giúp họ có đủ can đảm và nghị lực trong việc gánh vác những trách nhiệm nặng nề và đầy thách thức của bổn phận làm chồng, làm vợ, làm cha và làm mẹ trong những ngày tháng sắp tới của họ, chứ chưa phải là sự “khởi động” thực sự của đời hôn nhân. Nhưng rồi sau một thời gian lâu mau nhất định nào đó, chính đôi vợ chồng sẽ phải thực hiện một quyết định nào đó, để không chỉ cho sự “khởi động” đời sống hôn nhân và gia đình của họ được suôn sẻ và tốt đẹp, nhưng luôn được bền vững và phát huy thêm mãi. Bởi vì, tình yêu luôn cần được lớn lên và phát triển mãi, phát triển không ngừng cho tới lúc nó đạt tới được bờ bến vĩnh cửu và được hòa tan vào trong tình yêu vô biên vô tận của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu.

Sự chung thủy hôn nhân là gì?

Cuộc sống hôn nhân luôn phải đối mặt với nhiều thách đố khó khăn và nhiều nhọc nhằn vất vả dưới đủ mọi hình thức khác nhau là điều tất nhiên, không thể tránh được. Nhưng phần nhiều những khó khăn vất vả ấy gây nên bởi những tình huống mà bình thường khi lập gia đình người ta chưa hay ít nghĩ tới, ví dụ khi con cái – đặc biệt là con gái – bước vào tuổi dậy thì với các xáo trộn tâm sinh lý phức tạp; rồi tiếp đến là việc giáo dục, việc học hành và việc theo đuổi nghề nghiệp của con cái, và tất cả đều cần đến tiền bạc, đều liên quan đến tình trạng kinh tế của gia đình. Nhiều khi những khó khăn to nhỏ cụ thể ấy trong cuộc sống gia đình đã trở thành những thách thức không nhỏ cho cuộc sống hôn nhân và thường là nguyên nhân gây ra những cãi cọ, nóng nảy, bực dọc và những thái độ thái quá hay mất tự chủ, làm tổn thương lẫn nhau và đánh mất bầu không khí ấm cúng của gia đình.

Những lúc bị thử thách khó khăn như thế có thể được coi như hàn thử biểu không chỉ để đo độ tình yêu giữa hai vợ chồng, mà còn để đo độ lòng chung thủy hôn nhân của họ nữa. Vâng, những thử thách khó khăn trong đời sống hôn nhân thường đặt để hai vợ chồng trước một sự chọn lựa bó buộc: Hoặc họ can đảm biết nỗ lực vượt lên trên chúng hoặc để chúng đè bẹp họ và phá hoại hạnh phúc hôn nhân cũng như hạnh phúc gia đình của họ. Nói cách khác, những thử thách trong cuộc sống hôn nhân có thể là phương tiện cần thiết để tôi luyện tình yêu vợ chồng, hay nói đúng hơn là một minh chứng lòng chung thủy của họ đối với nhau.

Vậy, sự chung thủy là gì? Đó là dù trong bất cứ hoàn cảnh và tình huống nào người ta vẫn luôn trung tín giữ vững điều họ đã thề hứa. Người ta thề hứa với nhau những gì trong hôn nhân? Đây là điều mà những người lập gia đình đều phải biết rõ. Đó là trọn đời thương yêu và săn sóc lo lắng cho nhau trong mọi hoàn cảnh. Sự chung thủy luôn đòi hỏi phải giữ trọn những gì mà người ta đã thề hứa với nhau.

Người ta đã có lý khi nói: “Hôn nhân là bản hợp đồng của tình yêu đôi lứa.” Bởi vì, hôn nhân ràng buộc và nối kết hai người nam nữ lại với nhau qua Bí tích Hôn Phối. Nhưng dựa vào các giáo huấn của Công Đồng Vatican II, bộ Giáo Luật mới (CIC) đã trình bày hôn nhân như là một giao ước, dĩ nhiên vẫn không bỏ quên tính cách “một hợp đồng” của nó. Tư tưởng “giao ước” được bắt nguồn từ khoa chú giải Kinh Thánh và nhắc ta liên tưởng đến tình yêu và sự săn sóc đầy âu yếm của Thiên Chúa đối với Dân Người. Trong Giao Ước của Thiên Chúa với ông No-ê và ông Áp-ra-ham Thiên Chúa hứa trung thành với Dân Người. Cũng tương tự như thế, trong Giao Ước cuối cùng của Thiên Chúa với toàn thể nhân loại qua Đức Kitô, Thiên Chúa đã hứa yêu thương mọi con cái loài người mãi mãi.

Bởi vậy, hôn nhân Kitô giáo là một Bí tích, Bí tích Hôn Phối, vì trong hôn nhân Giao Ước của Thiên Chúa với nhân loại tiếp tục được hiện thực. Nói cách khác, trong khi tình yêu chân thành giữa con người với con người được hiện thực trong hôn nhân, Thiên Chúa hoàn tất lời hứa của Người với nhân loại, đó là Người luôn yêu thương họ! Giáo Luật dạy: “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép Rửa Tội lên hàng Bí Tích.”(2)

Tình yêu hôn nhân là gì?

Tiếp đến, tình yêu hôn nhân là gì? Tình yêu chân chính có nghĩa là hy sinh. Và hy sinh có nghĩa là cho đi một điều gì đó mình đang có và rồi mình sẽ không còn chiếm hữu điều ấy nữa. Vậy, hôn nhân là sự hy sinh chính bản thân mình cho người bạn đời: Người chồng không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về vợ mình; và người vợ cũng không thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về chồng mình. Mỗi người trong họ không còn làm chủ chính mình nữa, nhưng cả hai người cùng làm chủ lẫn nhau. Khi kết hôn với nhau hai vợ chồng tự nguyện dâng hiến cho nhau tất cả. Vâng, họ cho đi tất cả, chứ không còn “nhưng mà” hay “nếu”, không còn đòi hỏi bất cứ điều kiện nào nữa! Cả hai đã trở nên một, nên một trong thể xác và nên một trong tinh thần. Không còn bất cứ điều gì của người này là điều xa lạ đối với người kia, và ngược lại.

Qua hôn nhân người ta mất đi quyền độc hữu trên chính mình, nhưng tất cả những gì của chồng là của vợ và tất cả những gì của vợ là của chồng, nói cách khác: Mọi sự là của chung hai vợ chồng! Điều đó cũng muốn nói rằng, qua hôn nhân người ta mất đi sự tự do cá nhân của một người độc thân. Đối với những người đã lập gia đình rồi, thì sự tự do giao lưu gặp gỡ vẫn là một điều tốt và mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng nhất thiết phải được giới hạn một cách hợp lý. Trong cuộc sống hôn nhân cả hai vợ chồng cần tới nhau để bố túc cho nhau, chứ không thể sống theo kiểu những người độc thân được nữa, tức chỉ sống chung với nhau dưới cùng một mái nhà, và vào một thời điểm nào đó cùng ăn chung một bàn và ngủ chung một giường, còn ngoài ra mỗi người sống một cuộc sống riêng rẽ và hoàn toàn độc lập nhau. Không, trong hôn nhân chỉ có một cuộc sống duy nhất, chứ không thể có hai cuộc sống song song với nhau được.

Chính sự nhận thức và sự xác tín về sự hiệp nhất độc đáo và đặc thù này trong hôn nhân sẽ là một bảo đảm cho sự chung thủy vợ chồng. Vì thế, sự nhận thức về sự hiệp nhất trọn vẹn này trong hôn nhân phải là sự nhận thức nền tảng của đạo vợ chồng.

Về những gì người ta hứa với nhau khi cử hành hôn lễ, tức nội dung sự chung thủy vợ chồng, thì như đã nói trên là mặc nhiên bao gồm toàn diện tiến trình phát triển và thay đổi về tâm sinh lý nơi mỗi người trong hai vợ chồng. Chính thái độ chấp nhận sự khác biệt phái tính của nhau là một dẫn chứng của tình yêu mà hai người nam nữ dành cho nhau. Và những sự khác biệt giữa hai người thì rất sâu xa và to lớn. Nếu những khác biệt về thể xác tuy nhiều và phức tạp, nhưng tương đối người ta vẫn còn xác định một cách rõ ràng được các ranh giới của chúng, trong khi đó những khác biệt về tinh thần và tâm lý, thì muôn phần phức tạp và rắc rối hơn bội phần, đến nỗi khiến người ta không sao có thể nắm rõ được các giới hạn cũng như các biến đổi không ngừng của chúng. Những cấu trúc của suy tư, những hình thái của cảm xúc, của tình cảm, những can thiệp của bản năng và của lý trí, v.v… Tất cả đều ảnh hưởng lên nhau, đều hòa cuộn và đan kết với nhau để tạo nên một thế giới chủ quan, nội tại, mông lung và huyền nhiệm.

Và giữa những phát triển và thay đổi về mọi mặt này, thì sự sắt son chung thủy vợ chồng là một minh chứng cho tình yêu hôn nhân bền vững của họ.

(Còn tiếp)

_________________

1. Xem: http://www.gottliebtuns.com/doc/Josemaria%20Escriva%20-%20Der%20Weg.pdf.

2. Codex Juris Canonici (CIC), số 1055 §1.