HÀ NỘI - Hội nghị các nước ký công ước cấm mìn Ottawa kết thúc mới đây với các cam kết hỗ trợ cho các nước muốn tháo gỡ mìn và hỗ trợ cho các nạn nhân còn sống sót.

Đài BBC đã phỏng vấn ông Andrew Dang tham gia soạn thảo chương về Việt Nam trong bản báo cáo thế giới về thực trạng mìn quốc tế năm 2003.

Ông Andrew Dang từ tổ chức Fund for Reconcilation and Development, Quỹ Hòa giải và Phát triển và cũng tham gia tổ chức Vietnam Veteran Memorial Fund, Quỹ cựu chiến binh Hoa Kỳ:

Andrew Dang: Việt Nam chưa ký Công ước cấm mìn quốc tế và chính sách của chính phủ Việt Nam năm nay chưa thay đổi nhiều. Giới quốc phòng Việt Nam nói rằng vẫn cần mìn cho mục đích an ninh quốc gia. Mặc dù vậy chính phủ Việt Nam ủng hộ các hướng đi có yếu tố nhân đạo trong việc gỡ mìn và hỗ trợ cho những người bị nạn còn sống sót.

Một trong những vấn đề của Việt Nam là còn nhiều vật liệu chưa nổ từ cuộc chiến Việt Nam cũng như cuộc chiến với Trung Quốc và giai đoạn đổ quân vào Campuchia. Hai tỉnh nhiều bom mìn nhất tại Việt Nam trong năm ngoái là Phú Yên và Gia Lai trong khi các tổ chức quốc tế đã và đang trợ giúp nhiều nhất về hoạt động tháo gỡ bom mìn ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên Huế.

BBC: Ông đề cập tới một khái niệm là “bom mìn”, hội nghị này chỉ bàn đến mìn thôi, vậy điều đó có ý nghĩa gì?

Andrew Dang: Chính phủ Việt Nam có số liệu từ năm 1975 nhưng không phân biệt nạn nhân mìn và nạn nhân bom, nói cách khác đi là rất khó phân biệt cái gì là mìn, cái gì là bom.

BBC: Công ước cấm mìn quốc tế đề cập tới việc cấm sản xuất, sử dụng, lưu trữ và chuyển gia mìn, vậy vấn đề lớn nhất của Việt Nam là gì?

Andrew Dang: Việt Nam vẫn còn lưu trữ mìn và sản xuất mìn nhưng Việt Nam nói không xuất khẩu mìn.

BBC: Việc Việt Nam chưa tham gia ký công ước cấm mìn có phải do các nước khác có biên giới với Việt Nam như Trung Quốc chưa ký?

Andrew Dang: Tôi không nói thay cho chính phủ Việt Nam nhưng khi tôi phỏng vấn một quan chức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam để viết báo cáo thì ông ta nói rằng Việt Nam vẫn cần mìn vì lý do an ninh quốc gia. Có mấy nước lớn là Trung Quốc, Ấn độ, Nga, hay Hoa Kỳ chưa ký công ước này và đó có thể là lý do khiến Việt Nam chưa ký. Thế nhưng mặc dù Việt Nam chưa tham gia công ước cấm mìn nhưng họ cũng đã làm việc với các tổ chức tháo gỡ bom mìn quốc tế giải quyết vấn đề này.

BBC: Khi chúng ta nói về khái niệm giáo dục cho người dân về nguy cơ của mìn thì điều này nên hiểu thế nào?

Andrew Dang: Tại Quảng Trị các tổ chức hỗ trợ đã tới các trường học và nói chuyện với học sinh. Quan điểm của tôi là những người lớn tại Việt Nam thì biết về bom mìn rồi và chỉ có trẻ em là cần chương trình giáo dục nhiều mà thôi.

BBC: Chúng ta cũng nghe nói việc người lớn cắt bom ra để bán lấy sắt vụn và thiệt mạng đấy thôi?

Andrew Dang: Hơn phân nửa tai nạn bom mìn là vì người dân kể cả biết nguy cơ bom mìn nhưng vẫn cứ cắt bom để bán sắt vụn về lý do kinh tế. Dọc đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta đang thi công dự án đường quốc lộ cũng có rất nhiều bom mìn thời chiến và rất nguy hiểm.

BBC: Nếu Việt Nam quyết định ký công ước cấm mìn thì những cái lợi cho Việt Nam là gì?

Andrew Dang: Công ước cấm mìn nói là các nước tham gia ký có thể được tài trợ từ các tổ chức quốc tế, thế nhưng điều này còn phụ thuộc một số yếu tố khác nữa.(bbc)