Sau lá thư gửi cho người đồng sáng lập tờ báo vô thần La Republica, Eugenio Scalfari, Đức Phanxicô đã dành cho ông này một cuộc phỏng vấn “khởi đi từ Công Đồng Vatican II, mở ra nền văn hóa hiện đại”. Sau đây là nguyên văn bài viết của Eugenio Scalfari, dựa vào bản tiếng Anh đăng trên tờ La Republica. Cũng xin thưa: Scalari không cho thấy nội dung bài của ông có được Đức Phanxicô đọc lại hay không. Scalfari lại là một người vô thần. Thiển nghĩ bạn đọc nên lưu tâm tới hai khía cạnh vừa kể trước khi đọc tiếp bài viết của Scalfari.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo tôi: “Những cái ác trầm trọng nhất đang tác động trên thế giới ngày nay là nạn thất nghiệp của người trẻ và nỗi cô đơn của người già. Người già cần được chăm sóc và có người ở bên cạnh; người trẻ cần việc làm và hy vọng nhưng họ không có điều này cũng không có điều nọ, và vấn đề là họ không còn tìm kiếm chúng nữa. Họ đã bị hiện tại đè bẹp. Ông hãy nói cho tôi hay: liệu ông có thể sống dưới sự đè bẹp nặng nề của hiện tại hay không? Không có ký ức dĩ vãng và không muốn nhìn về tương lai bằng cách xây dựng một điều gì đó, một tương lai, một gia đình? Liệu ông có thể tiếp tục sống như thế hay không? Đối với tôi, đây là vấn đề cấp thiết nhất mà Giáo Hội đang phải đương đầu”.

Tôi nói với ngài: thưa Đức Thánh Cha, phần lớn đây là vấn đề chính trị và kinh tế của nhà nước, của chính phủ, của các đảng chính trị, của nghiệp đoàn.

“Đúng, ông nói đúng, nhưng thực sự nó cũng có liên quan tới Giáo Hội, nhất là tới Giáo Hội, vì tình huống này làm tổn thương không những các thân xác mà cả các linh hồn nữa. Giáo Hội phải cảm thấy mình có trách nhiệm đối với cả linh hồn lẫn thân xác”.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài nói rằng Giáo Hội phải cảm thấy mình có trách nhiệm. Tôi có nên kết luận rằng Giáo Hội không ý thức được vấn đề đó và ngài sẽ lái Giáo Hội theo hướng này không?

“Ý thức phần lớn đã có đó rồi, nhưng không đầy đủ. Tôi muốn nhiều ý thức hơn nữa. Đó không phải chỉ là vấn đề duy nhất chúng tôi đang phải đối phó, nhưng là vấn đề cấp thiết nhất và cảm kích nhất”.

Cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn ra vào Thứ Ba tuần rồi tại nơi cư ngụ của ngài ở Santa Marta, trong một căn phòng nhỏ trơ trụi, với một chiếc bàn, 5 hoặc 6 chiếc ghế và một bức tranh trên tường. Trước cuộc gặp gỡ này là một cú điện thoại mà suốt đời tôi, tôi sẽ không bao giờ quên được.

Lúc đó là 2 giờ 30 chiều. Điện thoại của tôi reo và bằng một giọng nói hơi run run, người thư ký bảo tôi: “Tôi có Đức Giáo Hoàng ở đầu dây. Tôi sẽ để ngài nói với ông ngay lập tức”.

Tôi vẫn còn bàng hoàng tận lúc nghe được giọng nói của Đức Thánh Cha ở đầu dây bên kia “Kính chào, Giáo Hoàng Phanxicô đây”. Tôi thưa lại “Kính chào Đức Thánh Cha, tôi rất bàng hoàng vì đâu có ngờ ngài lại gọi tôi”. “Tại sao phải bàng hoàng? Ông viết thư cho tôi yêu cầu được gặp tôi đích thân mà. Tôi cũng có cùng một ước muốn như thế, nên gọi để xác định cuộc hẹn. Để tôi xem nhật ký của tôi cái đã: thứ Tư thì không được, thứ Hai cũng không, thứ Ba có thích hợp với ông không?” Tôi thưa ngay: “dạ được”.

“Thời gian có hơi lúng túng một chút, ba giờ chiều, có được không? Nếu không thì phải một ngày khác vậy”. “Thưa Đức Thánh Cha, thời giờ ấy được lắm”. “Thế là chúng ta đã thỏa thuận với nhau rồi nhé: thứ Ba, ngày 24, lúc 3 giờ chiều. Tại Santa Marta. Ông phải vào theo cửa tại đường Sant'Uffizio."

Tôi không biết phải kết thúc cuộc điện đàm này ra sao, đành buông xuôi, và chỉ biết nói “Tôi có thể ôm ngài bằng điện thoại hay không?” “Dĩ nhiên, tôi cũng xin ôm ông. Sau này bọn mình sẽ đích thân làm thế, tạm biệt”.

Và thế là tôi có mặt ở đây. Đức Giáo Hoàng bước vào, bắt tay tôi, và chúng tôi ngồi xuống. Ngài mỉm cười nói với tôi: “Một số các đồng nghiệp của tôi biết ông đã nói với tôi rằng ông đang ráng cải tà qui chính tôi”

Tôi thưa lại “họ chỉ nói dỡn. Còn bạn bè của tôi lại nghĩ rằng ngài muốn cải đạo tôi”. Ngài lại mỉm cười và đáp: “Cải đạo là điều phi lý nghiêm trọng. Nó chẳng có nghĩa gì cả. Ta cần tiến tới chỗ biết nhau, lắng nghe nhau và tăng tiến sự hiểu biết của ta về thế giới quanh ta. Sau một cuộc gặp gỡ, đôi khi tôi muốn sắp xếp một cuộc gặp gỡ khác vì các ý niệm mới mẻ đã phát sinh và tôi nhận ra nhiều nhu cầu mới. Điều quan trọng là: phải biết người, lắng nghe, mở rộng vòng ý niệm. Thế giới đang chằng chịt bởi nhiều con đường gặp nhau gần gũi rồi lại xa nhau, nhưng điều quan trọng là tất cả đều dẫn tới Sự Thiện”.

Thưa Đức Thánh Cha, có chăng một viễn kiến duy nhất về Thiên Chúa? Và ai quyết định được bản chất của viễn kiến này?

“Mỗi người chúng ta đều có một viễn kiến về thiện và ác. Ta phải khuyến khích người ta tiến về phía điều họ nghĩ là Thiện”.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã viết điều đó trong lá thư gửi cho tôi. Ngài bảo: lương tâm tự lập, và mọi người phải vâng theo lương tâm của mình. Tôi nghĩ đó là một trong những bước can đảm nhất của một vị giáo hoàng”.

“Và tôi xin lặp lại điều đó ở đây. Mọi người đều có ý niệm riêng về thiện và ác và phải chọn theo điều thiện và đánh phá điều ác theo quan niệm của mình. Như thế đã đủ biến thế giới thành nơi tốt hơn”

Giáo Hội có đang làm thế hay không?

“Có, đó là mục đích sứ mệnh của chúng tôi: nhận diện các nhu cầu vật chất và không vật chất của người ta và cố gắng thỏa mãn các nhu cầu ấy bao nhiêu có thể. Ông có biết agape là gì không? “

Có, tôi biết.

"Nó là tình yêu người khác, như Chúa chúng tôi truyền dạy. Nó không phải là cải đạo, nó nguyên tuyền là tình yêu. Tình yêu đối với người lân cận mình, nó là việc lên men nhằm phục vụ thiện ích chung”

Yêu người lân cận như yêu chính ngươi.

"Chính xác như thế".

Trong lời giảng của Người, Chúa Giêsu nói rằng agape, tình yêu người khác, là cách duy nhất để yêu Thiên Chúa. Xin ngài sửa lại nếu tôi nói sai.

"Ông không nói sai. Con Thiên Chúa nhập thể trong linh hồn con người để thấm nhuần trong đó cảm thức huynh đệ. Tất cả đều là anh em và tất cả đều là con cái Thiên Chúa. Abba, như Người vốn gọi Chúa Cha. Người bảo: Tôi chỉ cho các ông đường đi. Hãy theo tôi và các ông sẽ tìm thấy Chúa Cha và tất cả các ông sẽ là con cái của Người và Người sẽ hân hoan ở trong các ông. Agape, tình yêu của mỗi người chúng ta dành cho người khác, từ người gần gũi nhất tới người xa cách nhất, thực sự là con đường duy nhất mà Chúa Giêsu đã ban cho ta để ta tìm ra đường dẫn tới cứu rỗi và hạnh phúc”.

Tuy nhiên, như đã nói, Chúa Giêsu bảo ta rằng tình yêu đối với người lân cận phải tương đương như tình yêu đối với chính mình. Như thế, điều nhiều người gọi là lòng tự yêu mình (narcissism) đã được thừa nhận là có giá trị, là tích cực y như những điều khác. Chúng ta từng nói về khía cạnh này khá nhiều.

“Tôi không thích chữ tự yêu mình (narcissism), nó chỉ lòng yêu mình thái quá và điều này không tốt, nó có thể gây thiệt hại nặng nề không những cho linh hồn những người vướng phải mà còn cho mối liên hệ với người khác, với xã hội ta đang sống nữa. Bất ổn thực sự là: những người mắc chứng này, một chứng tâm thần đúng nghĩa, lại là những người có nhiều quyền thế. Các ông xếp thường yêu mình thái quá”.

Nhiều nhà lãnh đạo trong Giáo Hội cũng mắc phải.

“Ông có biết tôi đang nghĩ gì về vấn đề này không? Các người cầm đầu Giáo Hội thường hay tự yêu mình thái quá, được các quần thần nịnh hót và tâng bốc. Triều đình là phong cùi của ngôi vị giáo hoàng”.

Phong cùi của ngôi vị giáo hoàng, đó là lời chính xác của ngài. Nhưng triều đình đây có nghĩa gì? Có lẽ ngài muốn ám chỉ giáo triều chăng?

“Không, đôi khi có những quần thần trong giáo triều, nhưng như một toàn bộ, giáo triều là một điều khác. Nó là điều mà trong giới quân sự hay gọi là văn phòng sĩ quan hậu cần (quartermaster’s office). Nó quản trị các phòng sở phục vụ Tòa Thánh. Nhưng nó có thiếu sót này: lấy Vatican làm trung tâm. Nó chỉ thấy và lo toan quyền lợi của Vatican, vốn phần lớn là những quyền lợi mau qua. Quan điểm lấy Vatican làm trung tâm này đã quên khuấy thế giới bao quanh ta. Tôi không có cùng quan điểm này và tôi sẽ làm mọi sự trong khả năng để thay đổi nó. Giáo Hội vẫn là và nên trở lại với việc là cộng đồng dân Chúa, và các linh mục, các mục tử và các giám mục, những người đang chăm sóc linh hồn người ta, phải phục vụ dân Chúa. Giáo Hội là thế, một từ ngữ, lạ thay, không khác gì Tòa Thánh, vốn có chức năng riêng, quan trọng đấy nhưng là để phục vụ Giáo Hội. Tôi đã không có khả năng hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Con của Người nếu không được huấn luyện trong Giáo Hội, và nếu không được may mắn hiện diện ở Á Căn Đình, ở một cộng đồng mà không có nó tôi đã không ý thức được chính mình và đức tin của mình”.

Ngài nghe thấy ơn gọi lúc còn rất trẻ?

"Không, không rất trẻ đâu. Gia đình tôi muốn tôi theo nghề khác, đi làm, kiếm tiền. Tôi lên đại học. Tôi cũng có một cô giáo mà tôi rất tôn kính và kết tình thân hữu nhưng cô là một người cộng sản nhiệt thành. Cô thường đọc cho tôi nghe các bản văn của Đảng Cộng Sản và đưa cho tôi đọc chúng nữa. Thành thử, tôi cũng biết rõ quan niệm hết sức duy vật đó. Tôi còn nhớ cô ấy cho tôi xem tuyên bố của người Cộng Sản Mỹ trong việc bênh vực vợ chồng Rosenbergs, từng bị kết án tử hình. Người phụ nữ tôi đang nói về sau đó đã bị bắt, bị tra tấn và bị chế độ độc tài đang cai trị Á Căn Đình hồi đó giết chết”.

Ngài có bị chủ nghĩa cộng sản quyến rũ không?

"Chủ nghĩa duy vật của nó không quyến rũ tôi. Nhưng học về nó qua một người can đảm và trung thực là điều có ích. Tôi hiểu thấu một vài điều, về khía cạnh xã hội, những điều sau đó tôi tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội”.

Thần học giải phóng, bị Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyệt thông, khá phổ biến tại Châu Mỹ La Tinh.

“Đúng, nhiều thành viên của nó là người Á Căn Đình”.

Ngài có nghĩ chống lại họ là điều thích đáng đối với vị giáo hoàng hay không?

“Việc này chắc chắn đem đến cho thần học giải phóng một khía cạnh chính trị, nhưng nhiều thành viên của nó là tín hữu và có quan niệm cao về nhân loại”.

Thưa Đức Thánh Cha, tôi có thể cho ngài hay ít điều về hậu cảnh văn hóa của riêng tôi hay không? Tôi được dưỡng dục bởi một người mẹ hết sức Công Giáo. Lúc 12 tuổi, tôi thắng cuộc thi giáo lý do tất cả các giáo xứ của Rôma tổ chức và tôi được phần thưởng của Tòa Đại Diện Rôma (Vicariate). Tôi vốn rước lễ mỗi thứ Sáu đầu tháng, nói cách khác, tôi từng là một người Công Giáo sống đạo và là một tín hữu thực sự. Nhưng tất cả đã thay đổi khi tôi lên trung học. Trong số các bản văn triết lý khác, tôi đọc cuốn “Bàn Về Phương Pháp” của Descartes và tôi chú ý tới câu nay đã thành phương châm “Tôi suy nghĩ, vậy thì có tôi”. Như thế, cá nhân trở thành căn bản của nhân sinh, cơ sở của tư tưởng tự do.

“Tuy nhiên, Descartes chưa bao giờ bác bỏ niềm tin vào một Thiên Chúa siêu việt”.



Đúng thế, nhưng ông đặt nền tảng cho một viễn kiến rất khác và tôi đã đi theo con đường này, một con đường mà sau này nhờ một số điều khác tôi đọc được đã dẫn tôi tới một nơi rất khác.

"Tuy nhiên, theo điều tôi hiểu được, ông là người không tin nhưng không phản giáo sĩ. Chúng là hai điều rất khác nhau”.

Đúng, tôi không là người phản giáo sĩ, nhưng tôi trở nên như thế khi gặp một người duy phản giáo sĩ.

Ngài mỉm cười và nói “tôi cũng vậy, khi gặp một người duy phản giáo sĩ, tôi cũng bỗng trở thành người phản giáo sĩ. Chủ nghĩa giáo sĩ trị đáng lẽ không nên có bất cứ điều gì liên quan với Kitô Giáo. Thánh Phaolô, người đầu tiên nói chuyện với Dân Ngoại, nghĩa là với các tín hữu của các tôn giáo khác, cũng là người đầu tiên dạy ta điều đó”.

Còn 1 kỳ