Mùa hè 1957 đánh dấu một chuyển hướng lớn lao trong đời tôi. Sau bao năm chung sống sách đèn với nhau, tôi đành phải chia tay những bạn bè thân thương để đi đến một nơi vô định mà biết chắc chắn rất ít cơ may có ngày gặp lại……

Trong mấy năm gần đây, ngẫu nhiên tôi bắt được liên lạc với một trong những bạn bè xưa cũ đó từ bên trời Au qua các mạng lưới truyền thông sau trên hơn bốn thập niên xa cách. Người bạn xưa cũ đó - giáo sư Nguyễn Văn Thành - trước đây vốn là đàn anh của tôi và là giáo sư đại học ở quê nhà trước 1975. Ngày nay anh vẫn tiếp tục hoạt động trong ngành chuyên môn đó ở tại một quốc gia bên Au châu. Thêm vào đó bạn tôi còn là tác giả nhiều sách giá trị về tâm lý, văn sử học, học làm người và cả các bộ môn thần học, Thánh kinh ……

EM LÀ ĐẠI DƯƠNG…

Gần đây bạn tôi đã trao tặng tôi hai quyển sách do anh trước tác. Một quyển đã gây chú ý nơi tôi rất nhiều với tựa đề “Em là Đại Dương…”. Trong sách đó, tác giả đi từ những nhận thức tâm lý để đến Mầu Nhiệm Giáo Hội.

Theo anh Trần Ngọc Báu, trong ‘Lời giới thiệu’: “Bàn về Giáo Hội như là một ‘cuộc giao duyên thần kỳ’ giữa và <Đại Dương>, tác giả tỏ ra dứt khoát đưa chúng ta vào cái mà danh từ nhà đạo gọi là ‘Mầu Nhiệm Giáo Hội’ …gắn liền với ‘cuộc giao duyên nhiệm mầu’ giữa đôi bờ vực thẳm: Đức Kitô và Giáo Hội của Người. <Đôi ta tuy hai mà một, và tuy một mà vẫn là hai!>”

Và cũng theo anh Trần Ngọc Báu: muốn nói lên cuộc tình duyên kỳ ngộ của tôi của bạn với nhau và với những người khắp năm châu bốn bể cùng có chung một mối tình duyên với Đức Kitô…Nhưng nói đến cuộc tình duyên hi hữu giữa những người tin yêu Đức Kitô thì chẳng dễ nghe chút nào…Chính vì đó, cuộc giao duyên giữa là hạt nước với đoàn thể người tin Chúa là <Đại Dương> nghe ra như có chút gì trơ trẽn bẽ bàng, trong cảm nghĩ cũng như trong thực tế…Mối tình duyên truyền kiếp nào đã gắn bó Em với Đại Dương đến nỗi làm hòa nhập nên một với <Đại Dương>?”

Đọc qua phần đầu “Lời giới thiệu” của anh Trần Ngọc Báu, tôi liên tưởng tới câu chuyện “Chú cá bé tí” trong sách “Như Tiếng Chim Ca” của cha Anthony de Mello (trang 14):

Một con cá sống ở đại dương hỏi một con cá khác: "Xin lỗi bác, bác già hơn cháu, hẳn bác có thể nói cho cháu biết tìm thấy ở đâu điều mà người đời thường gọi là Đại Dương?"

Cá già nói: "Đại Dương là cái mà cháu đang lội trong đấy!"

"Cái nầy ư? Nhưng chỉ là nước thôi mà. Cái mà cháu tìm kiếm là Đại Dương kìa." Con cá bé tí rất thất vọng đã nói như thế rồi lội đi xa tìm kiếm ở nơi khác.


Khi chú cá bé tí “lội đi xa tìm kiếm ở nơi khác” thì chú đã tìm thấy những thứ mà anh Trần Ngọc Báu đã viết trong phần sau của “Lời giới thiệu”: “Trong lịch sử Giáo Hội, cái lối đồng hóa Đức Kitô hay Chúa Thánh Linh nên một với Giáo Hội thường xảy ra khi có người tham vọng chiếm đoạt ngôi vị của Thiên Chúa, như Adong và Eva thời nguyên thủy…Vì đồng hóa Chúa Kitô với Giáo Hội nên nhất nhất cái gì Giáo Hội làm cũng đều thánh thiện và trọn hảo…Vô hình chung, Chúa bị dùng như con bung xung cho người ta thao túng thực hiện tham vọng và quyền lợi gọi là chính đáng của mình…

Trái lại, từ Lời Mở đường với ‘Cây Trường Sinh’ cho đến Lời Cuối với câu ‘Tình thương nối liền’, tác giả không ngớt trao gởi đến bạn đọc kinh nghiệm bản thân và tâm tình thâm tín nầy: ‘…Hãy tự mình châm bón tưới Cây Trường Sinh của mình, thắp sáng ngọn đuốc tuệ năng để biết rằng chính mình chịu trách nhiệm về Giáo Hội của mình vì chính mình làm Giáo Hội!…Và thật sự, mình làm Giáo Hội với cả Giáo Hội, nên cũng đồng trách nhiệm với Giáo Hội về cái gọi là mà minh ôm ấp và chia sẻ với từng từng lớp lớp anh chị em.”


EM LÀ GIỌT NƯỚC CỦA ĐẠI DƯƠNG

Những lời trên đây của anh Trần Ngọc Báu giới thiệu quyển sách “Em là Đại Dương…” của bạn tôi khiến tôi liên tưởng tới những anh chị nhỏ bé quanh tôi đang âm thầm ‘chăm bón Cây Trường Sinh, thắp sáng ngọn đuốc tuệ năng…’ để trở thành những giọt nước “sống” làm nên Đại Dương, để chính mình thực sự làm nên Giáo Hội, dứt bỏ thái độ của những con cà bé tí luôn luôn lặn lội đi tìm hiểu Đại Dương.

Gần đây, trong những lúc họp nhóm cầu nguyện, tôi được nghe chia sẻ những cảm nghiệm cá nhân với bao thích thú: một dạo nọ, vào lúc lớp giáo lý tân tòng của giáo xứ vừa được khai giảng hai tuần lễ thì một chị dự tòng ngoài ba mươi tuổi được một chị bạn dẫn vào lớp học. Sự hiện diện của chị dự tòng nầy là một ngoại lệ nên được các giáo lý viên chú ý. Trong giờ giải lao, chị bạn đó kể lại: “Chị dự tòng đó cùng làm chung một sở với em và hai chúng em thường bới cơm trưa ngồi ăn chung với nhau. Trước khi ăn, em thường làm dấu Thánh giá đọc kinh rồi mới ăn. Chị bạn em là người bên lương không nói năng gì, chị cứ để ý theo dõi mà thôi. Rồi một hôm bỗng chị bạn em ngỏ ý muốn theo đạo. Em rất ngỡ ngàng và hỏi chị nói thật hay giỡn chơi? Và chị bạn em đã cho biết chị muốn theo đạo thật, vì thấy thái độ nghiêm túc của em mỗi khi làm dấu Thánh giá trước bữa ăn khiến chị hình dung có gì linh thiêng trong cung cách đó và chị đâm ra nghĩ ngợi…dần dần chị muốn theo đao nên xin em giúp chị học giáo lý để được Rửa Tội vào đêm vọng Phục Sinh. Và đối với em đó là giây phút sung sướng hạnh phúc nhất trong đời của em!”

Một chị khác - Chị Trà-Mi - đã ngoài năm mươi tuổi và sống một cuộc đời rất đạm bạc. Nhưng chị và chồng cương quyết không làm những việc bất lương để có tiền bạc dư dật, sống sung túc phè phởn như một số người khác. Ngay cả việc xin trợ cấp xã hội chị cũng khước từ. Trong tuần, chị chấp nhận đi làm phục dịch tại các tư gia, mặc dù công việc rất nặng nhọc, nhưng chị vẫn vui vẻ và còn để ý cầu nguyện cho những người mà chị đến phục dịch được mạnh khỏe nếu họ đau yếu hoặc trở lại với Chúa nếu họ đã xa lìa Chúa lâu năm.

Cảm động nhất là chứng nghiệm của chị Bạch Tuyết. Chị đã gần năm mươi tuổi đời và đang mang thai lần thứ hai, sau khi đã sinh được một cháu gái. Vì gặp khó khăn khi mang thai lần nầy, chị đến khám nghiệm bác sĩ thì được khuyên bảo nên hủy hoại bào thai đó đi vi theo họ, những người trên bốn mươi tuổi mà mang thai, thường có nguy cơ sinh con tàn tật. Nhưng chị cương quyết không phá thai cho dù có thể phải sinh ra một đứa bé tàn tật vì lương tâm Công giáo của chị không cho phép chị phạm tội ác đó. Chị cương quyết không phá thai nên bác sĩ không chấp thuận cho chị siêu âm vì sợ kết quả tiêu cực đối với bào thai sẽ có ảnh hưởng tồi tệ trên tâm sinh lý người mẹ. Trong lúc chờ đợi ngày sinh đẻ, chị vẫn cầu nguyện và bình thản chấp nhận Thánh ý Chúa. Và kết quả bất ngờ là Chúa đã cho chị sinh hạ một cháu trai kháu khỉnh, khoẻ mạnh, không chút tật nguyền.

(CÒN TIẾP)